2.2.Các kiến nghị của nhóm nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nhu cầu đi lại bằng xe buýt của công nhân viên chức trong khu vực nội thành Hà Nội và đề xuất các giải pháp đáp ứng (Trang 33 - 38)

Từ kết quả của quá trình nghiên cứu định tính và định lượng, đồng thời có các kết luận về hành vi, nhu cầu và mong muốn của nhóm đối tượng CNVC, chúng tôi xin đề xuất các biện pháp dành cho việc triển khai dịch vụ buýt mới này như sau: Doanh nghiệp buýt nên định vị dịch vụ dành riêng cho công nhân viên chức là dịch vụ buýt có chất lượng vượt trội hơn hẳn dịch vụ hiện tại, chất lượng dịch vụ dựa trên nhu cầu và ước muốn của khách hàng để kinh doanh và hoạt động, không nên lấy định vị là loại hình công cộng giá rẻ như hiện nay để hoạt động, muốn vậy, doanh nghiệp phải thực hiện việc khác biệt hóa sản phẩm bằng cách thay đổi và cải tiến các yếu tố 4P của dịch vụ:

Về chất lượng sản phẩm:

- Cung cấp loại xe buýt với mẫu mã mới dành cho công nhân viên chức nhằm phân biệt và tạo sự khác biệt hóa sản phẩm.

- Trên xe nên trang bị một số thiết bị hiện đại giúp dịch vụ mang tính chuyên nghiệp hơn và tạo nên các giá trị gia tăng tốt hơn cho khách hàng như: trang bị máy thu soát vé tự động, hệ thống điều hòa đi kèm máy lọc không khí, trong thời gian

đầu, có thể chưa cần đến các hệ thống giải trí nhưng doanh nghiệp nên nghiên cứu tiếp trong các giai đoạn tiếp theo để ra quyết định có nên lắp đặt hệ thống này hay không..

- Doanh nghiệp nên bố trí phân bổ xe chạy liên tục cả ngày do có những khách hàng phải di chuyển, tuy nhiên, lượng xe nên được điều chỉnh phù hợp, vào giờ cao điểm thì bố trí lượng xe nhiều nhất, còn khung giờ khác có thể giảm bớt lượng xe chạy.

- Nên mở các lớp đào tạo và nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên và tài xế lái xe, cung cấp loại trang phục mới cho nhân viên, và quan trọng là phải định hướng cho nhân viên về tinh thần phục vụ nhiệt tình, hết lòng vì khách hàng, xây dựng môi trường tập thể biết đoàn kết và có quy tắc.

Về giá vé:

- Với định vị như trên, doanh nghiệp buýt có thể đưa giá vé từ 7.000- 10.000VND /người/tuyến vào áp dụng, giá vé tháng hiện nay là 50.000VND/tháng là quá rẻ và không nên áp dụng, doanh nghiệp buýt hoàn toàn có thể đưa ra mức giá cao hơn tới 4-5 lần dựa vào chi phí hoạt động và các chỉ tiêu về doanh thu và thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp.

Về chính sách phân phối:

- Công nhân viên chức có thể được quản lý vé của mình thông qua mô hình liên kết giữa doanh nghiệp buýt với cơ quan làm việc của họ. Vé tháng được chuyển tới tay người tiêu dùng thông qua công ty và chi phí cũng được trả qua công ty qua phương thức chuyển khoản, điều này giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán và đỡ tốn công đi mua. Song song với loại hình phân phối này thì vẫn nên giữ loại hình phân phối vé tháng cũ tại các điểm bán vé cho các cá nhân có nhu cầu tự đi mua.

- Doanh nghiệp nên cố định các chặng xe như cũ nhưng xây thêm các bến mới riêng biệt cho CNVC nhằm tránh tình trạng quá tải bến, giúp xe buýt đỗ dễ dàng hơn và tạo cảm giác thoải mái, an toàn cho khách hàng. Khoảng cách hai loại bến đỗ này nên cách nhau khoảng 6-8m là phù hợp.

Về chính sách xúc tiến hỗn hợp: doanh nghiệp nên đẩy mạnh việc quảng bá dịch vụ mới này tới nhóm khách hàng mới qua các công cụ như truyền thông, e- marketing, xây dựng nên các chương trình giới thiệu đem đến cho người tiêu dùng một cái nhìn mới về dịch vụ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các chính sách tạo điều kiện ưu đãi cho các cá nhân, ví dụ có thể áp dụng chính sách giảm giá cho các khách hàng có khoảng cách từ nhà khá gần nơi làm việc nhằm khuyến khích sử dụng xe buýt; giảm giá vé tháng trong thời gian đầu sử dụng (trong khoảng từ 15 -30%). Khuyến khích việc mua vé tháng theo nhóm hoặc theo đơn vị doanh nghiệp.

Kết luận

Cuộc nghiên cứu được tiến hành trong bối cảnh các phương tiện cá nhân đang là nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuống cấp đường xá, gây ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm và lãng phí trong khu vực nội thành Hà Nội.Trong khi dịch vụ buýt là phương tiện đi lại chủ yếu của công nhân viên ở nhiều nước trên thế giới thì ở Việt Nam lại chưa được tiếp nhậnvà sử dụng. Điều này chỉ có thể được giải quyết khi chính doanh nghiệp buýt vận dụng lý thuyết Marketing vào kinh doanh. Xuất phát từ việc tìm hiểu nhu cầu ước muốn của khách hàng, từ đó đề ra các biện pháp và có chiến lược hoạt động hiệu quả. Dưới góc độ thực hiện nghiên cứu thị trường cho một doanh nghiệp, cuộc nghiên cứu nhằm tìm hiểu rõ hơn nguyên nhân khiến xe buýt chưa trở thành phương tiện đi lại của công nhân viên chức cũng như các kỳ vọng mà nhóm đối tượng này đặt vào dịch vụ, từ đó làm cơ sở đưa ra các quyết định

cho việc phát triển dịch vụ cũng như phát triển doanh nghiệp buýt. Hi vọng kết quả thu được qua cuộc nghiên cứu sẽ một phần đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp buýt đồng thời đem lại lợi ích lâu dài cho khách hàng sử dụng nếu loại hình dịch vụ này được quan tâm và triển khai trong tương lai.Chúc cho các doanh nghiệp buýt luôn phát triển và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.

Cuối cùng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới thầy Vũ Minh Đức thuộc khoa Marketing ,trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân trong thời gian qua đã tận tình hướng dẫn nhóm tác giả hoàn thành bài nghiên cứu.Đồng thời cảm ơn các cá nhân đã tham gia phỏng vấn đóng góp ý kiến cho cuộc nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu nhu cầu đi lại bằng xe buýt của công nhân viên chức trong khu vực nội thành Hà Nội và đề xuất các giải pháp đáp ứng (Trang 33 - 38)