Thực trạng phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu Phân tích hiện trạng và đánh giá biến động sử dụng đất giai đoạn 2005 2014 phục vụ định hướng khai thác sử dụng hợp lý đất đai huyện cẩm mỹ, tỉnh đồng nai đến năm 2020 (Trang 41 - 48)

2.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

2.2.2. Thực trạng phát triển kinh tế

Giai đoạn 2006 - 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,83%;

trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng 33,29%/năm; dịch vụ tăng 24,22%/năm và nông - lâm nghiệp tăng dần 4,6%/năm.

Cơ cấu kinh tế Huyện chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm.

Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn 57,12% năm 2010 nhưng có xu hướng giảm dần trong khi các ngành ngành công nghiệp tăng từ 7,38% năm 2005 lên 15,02%

năm 2010 và dịch vụ từ 19,45% lên 27,86%.

Năm 2013, GDP của huyện ước đạt theo giá thực tế là 1.749 tỷ đồng (gấp 2,1 lần năm 2005) với tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô nền kinh tế huyện chưa lớn, chỉ chiếm 3,35% nền kinh tế toàn Tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng

dần từ 5,43 triệu đồng năm 2005 lên 12,24 triệu đồng năm 2013 (tăng bình quân 17,65%/năm).

2.2.2.1. Thực trạng phát triển khu đô thị, dân cư nông thôn

- Phát triển đô thị: do là huyện nông nghiệp mới thành lập nên đô thị chưa phát triển và Cẩm Mỹ hiện là một trong hai huyện của Đồng Nai chưa có thị trấn.

- Phát triển các khu dân cư nông thôn: sống tập trung chủ yếu dọc các trục đường chính như: quốc lộ 56, đường tỉnh 764, 765, các tuyến đường huyện, đường xã và các trung tâm xã. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hộ dân sống rải rác trong vườn, rẫy, gây nhiều khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, văn hóa, xã hội phục vụ đời sống người dân. Do đó, huyện đã triển khai quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn trên địa bàn các xã với mục đích định hướng phát triển các khu dân cư nông thôn theo hướng tiết kiệm đất sản xuất nông nghiệp đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng, quản lý sử dụng đất đai có hiệu quả.

2.2.2.2. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng a. Giao thông:

Giao thông đường bộ khá phát triển, tổng chiều dài đường bộ là 539 km trong đó đường quốc lộ là 12,8km, đường tỉnh là 46,4km, đường huyện là 93,7km và đường liên xã là 386,1 km. Mật độ đường đạt 1,05 km/km2 và khoảng 3,88 km/1.000 dân.

- Tuyến quốc lộ 56, đoạn đi qua Huyện dài 12,8 km từ giáp ranh Thị xã Long Khánh đến giáp ranh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là trục đường giao thông đối ngoại quan trọng nhất của Huyện, là tuyến du lịch thuận lợi cho du khách trong và ngoài tỉnh đi Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Đường tỉnh lộ: 764 dài 18,1 km và 765 dài 28,3 km kết nối với rất nhiều tuyến liên huyện và đường giao thông nông thôn. Đây cũng là tuyến đường giao thống đối ngoại của vùng phía Đông huyện Cẩm Mỹ.

- Đường huyện lộ có 9 tuyến với tổng chiều dài là 93,7 km. Trong đó, tuyến huyện lộ 10 có ý nghĩa rất quan trọng, nối các xã vùng phía Đông của Huyện với quốc lộ 56 và đi đến trung tâm huyện Long Thành. Việc nối dài huyện lộ 10 đi qua các xã vùng phía Đông sẽ tác động mạnh đến phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cả hai vùng phía Đông và phía Tây của huyện.

- Đường liên xã: có tổng chiều dài là 386,1km. Trong đó, đường nhựa là 35,2 km còn lại là đường cấp phối và đường đất. Mạng lưới đường giao thông nông thôn được hình thành và phát triển khá về quy mô và số tuyến đường, nhưng chất lượng còn thấp.

b. Thủy lợi:

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều hồ, đập chứa nước như: hồ Suối Đôi, hồ Suối Vọng, hồ Cầu Mới, Suối Sâu, Suối Cả, hồ Sông Ray…có trữ lượng nước trung bình 4-6 triệu m3/năm.

Các đập dâng gồm: đập suối Nước Trong (Xuân Bảo), đập Suối Sâu (Sông Nhạn), đập Cù Nhí (Sông Ray), đập Giao Thông (Lâm San). Các hồ, đập ở Cẩm Mỹ ngoài việc cung ứng nước tưới cho địa bàn Huyện mà còn có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho các địa bàn lân cận và góp phần cải tạo khí hậu và nâng cao mực nước ngầm cho toàn vùng.

c. Giáo dục - đào tạo:

Toàn huyện hiện có 63 trường học các cấp, bao gồm 20 trường mầm non, 27 trường tiểu học, 13 trường Trung học cơ sở, 03 trường Trung học phổ thông. Ngoài ra huyện còn có 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên; 13 Trung tâm Học tập cộng đồng và 5 cơ sở tin học, ngoại ngữ. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 32,0%, không còn phòng học ca ba, phòng tranh tre tạm bợ.

Năm học 2011-2012, huy động số học sinh ra lớp: nhà trẻ là 1.071 cháu (đạt tỷ lệ 77,72%), mẫu giáo là 4.613 cháu (đạt tỷ lệ 95,65%), tiểu học có 11.272 học sinh (đạt tỷ lệ 96,33%), Trung học cơ sở có 9.849 học sinh (đạt tỷ lệ 88,69%), Trung học phổ thông có 5.053 học sinh.

d. Y tế:

Xây dựng mới Bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực với các loại thiết bị chẩn đoán kỹ thuật cao, đội ngũ y bác sĩ được tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng. Đến nay, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế, 11/13 trạm y tế có bác sỹ công tác thường xuyên, đạt 1,58 bác sĩ/1vạn dân, các dịch vụ y tế tư nhân phát triển rộng khắp tạo thuận lợi cho nhân dân khám, chữa bệnh.

đ. Văn hóa thông tin, thể dục – thể thao:

Toàn huyện có 9 trung tâm Văn hóa thể thao cấp xã bao gồm: Lâm San, Sông Ray, Xuân Đông, Bảo Bình, Nhân Nghĩa, Thừa Đức, Xuân Đường, Xuân Mỹ và Xuân Tây; đối với xã Long Giao không xây dựng trung tâm văn hóa mà gắn với Trung tâm văn hóa Huyện. Tổ chức thẩm tra công nhận các thôn đạt chuẩn văn hóa, gia đình văn hóa, kết quả có 28.434/29.448 hộ gia đinh văn hóa (đạt 96,5%), 72/79 thôn văn hóa (đạt 91,14%).

Công tác thông tin, tuyên truyền đã được quan tâm đầu tư cả về vật chất, trang thiết bị, đến nay 13/13 xã đã có trạm truyền thanh không dây, phủ sóng 79/79 thôn. Từ đó góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân.

Phong trào thể dục thể thao được phát triển rộng khắp, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị đạt gần 90%; đơn vị xã đạt 20,5%. Toàn huyện có 36 sân bóng chuyền, 16 sân bóng đá, 28 sân cầu lông, 2 sân tennis và 9 câu lạc bộ dưỡng sinh, 7 câu lạc bộ võ thuật đang hoạt động thường xuyên.

h. Điện:

Giá trị sản xuất trong 5 năm đạt 95 tỷ đồng, số hộ sử dụng điện 29.588 hộ, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 92,47%. Ngành điện đã đầu tư xây dựng lưới điện trung thế với tổng chiều dài 71km và lưới điện hạ thế 0,4Kv với chiều dài 123km, nâng tổng số chiều dài đường dây điện hạ thế trên địa bàn là 249,4km; xây dựng 78 trạm biến áp;

lắp đặt 24,45 km đèn chiếu sáng công cộng (trong đó dọc quốc lộ 56 là 7,4 km và hệ

thống chiếu sáng trung tâm các xã là 17,05 km). Năm 2011, doanh thu đạt 51,5 tỷ đồng (tăng 24,52% so với năm 2010, đạt 101,19% kế hoạch); sản lượng điện năng tiêu thụ 54.665 ngàn KWh. Trạm biến áp 110Kv được đầu tư xây dựng đã hoàn thành đưa vào hoạt động để cung cấp nguồn cho khu vực trong huyện, từ năm 2011 đến nay, triển khai 21 dự án đầu tư xây dựng điện hạ thế.

i. Bưu chính – viễn thông:

Ngành bưu chính viễn thông được quan tâm đầu tư và phát triển, giá trị sản xuất 5 năm đạt 135,7 tỷ đồng, tổng số máy điện thoại trên địa bàn Huyện đến nay là 13.897 máy, đạt tỷ lệ 8,8 máy/100 dân; đã xây dựng bưu điện văn hóa 13 xã trên địa bàn Huyện.

Năm 2011, doanh thu đạt 56,31 tỷ đồng (tăng 12,88% so với năm 2010, đạt 100,33% kế hoạch ), tổng số máy điện thoại cố định 15.845 máy, đạt 10,9 máy/100 dân. Phát triển 675 thuê bao ADSL, nâng tổng số thuê bao ADSL lên 3.554 thuê bao.

Ngành bưu chính – viễn thông thường xuyên đầu tư nâng cấp, bổ sung xây dựng cơ sở hạ tầng, cập nhật công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ và hạ thấp giá thành để phục vụ tốt khách hàng; đồng thời đảm bảo cung cấp thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của huyện và phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân.

2.2.2.3. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế a. Khu vực kinh tế nông nghiệp:

Với các biện pháp tích cực thực hiện các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn như: áp dụng giống mới, cung cấp tín dụng ưu đãi cho các hộ nông dân, củng cố và nâng cấp các công trình thủy lợi nên sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng và ổn định. Giai đoạn 2006-2014, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 7,36%/năm, trong đó ngành trồng trọt tăng 4,46%, chăn nuôi tăng 19,07% và dịch vụ nông nghiệp tăng 1,44%/năm. Năm 2010 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 2.359 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành).

- Ngành trồng trọt: tập trung tại các xã Xuân Quế, Sông Nhạn, Xuân Tây...

Giai đoạn 2006-2014 tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng chủ lực theo hướng giảm dần diện tích cây điều và một số cây cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, hình thành vùng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Năm 2011, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 22.608 ha, trong đó tổng diện tích cây lương thực chiếm 16.977ha, tổng sản lượng lương thực đạt 100.257 tấn. Tổng diện tích cây lâu năm 34.576ha, trong đó: cà phê 6.457ha, cao su 1.621ha, cây tiêu 1.569ha, cây điều 4.423ha, cây chôm chôm 1.346ha và cây sầu riêng 1.529ha…

- Ngành chăn nuôi: Năm 2011, tổng đàn heo 347 ngàn con (tăng 21,87% so với cùng kỳ), tổng đàn gia cầm 2.405 ngàn con (tăng 32,18% so với cùng kỳ). Việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng kinh tế phát triển chăn nuôi đã thúc đẩy chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp phát triển, góp phần kiểm soát và hạn chế được dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Đến nay huyện đã có 13 dự án triển khai đầu tư chăn nuôi quy mô lớn và 01 lò giết mổ tập trung tại thôn Suối Sóc, xã Xuân Mỹ.

b. Khu vực kinh tế công nghiệp:

Ngành công nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng có những đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế trong thời gian qua, năm 2010 giá trị tổng sản phẩm của khu vực công nghiệp (tính theo giá so sánh) đạt 215,85 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2006-2013 tăng 32,19%/năm.

Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp năm 2011 thực hiện đạt 280,25 tỷ đồng đạt 100,26% kế hoạch huyện, tăng 29,54% so với năm 2010. Đến nay toàn huyện có 684 cơ sở sản xuất Công nghiệp –Tiểu thủ công nghiệp, giải quyết cho trên 2.770 lao động, chủ yếu tập trung sơ chế, chế biến nông sản thực phẩm, xay xát, may đo, cửa sắt…

Diện tích đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện là khu công nghiệp Cẩm Mỹ (300ha) và 3 cụm công nghiệp (Long Giao 57,3ha; Sông Ray

50ha; Cọ Dầu 50ha). Quy hoạch đất để hình thành các khu, cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân huyện và tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về mặt bằng, đất đai, cơ sở hạ tầng…cho thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp về đầu tư trên địa bàn. Một số cụm công nghiệp đã có đơn vị đăng ký đầu tư hạ tầng nhưng nhìn chung hầu hết các cụm đều chưa triển khai xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, điều này cho thấy việc kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển của các doanh nghiệp…Đây cũng là một trong những yếu tố tác động bất lợi đến sự phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua.

c. Khu vực kinh tế dịch vụ:

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, khu vực thương mại – dịch vụ của Huyện thời gian qua phát triển khá nhanh. Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2006-2014 tăng 24,22%/năm, chiếm 27,86% cơ cấu GDP toàn huyện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thời kỳ 2006-2015 tăng 24,47%. Số đơn vị kinh doanh thương mại – dịch vụ năm 2010 là 4.155 cơ sở (trong đó có 35 doanh nghiệp và 4.120 hộ kinh doanh cá thể) với trên 7.410 lao động; tăng 1.350 hộ kinh doanh, doanh nghiệp và trên 2.779 lao động so với năm 2005.

Năm 2011, tổng doanh số bán hàng – dịch vụ đạt 1.525,2 tỷ đồng (đạt 100,39% kế hoạch), tăng 24,58% so với năm 2010) chủ yếu là khu vực ngoài quốc doanh. Hoạt động thương mại – dịch vụ tiếp tục phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa, đến nay có 4.396 hộ kinh doanh với 7.810 lao động đăng ký.

Mạng lưới dịch vụ ở Cẩm Mỹ bao gồm các chợ, các cửa hàng kinh doanh, các điểm cung ứng vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, các tổ chức và hộ thu mua tiêu thụ sản phẩm, giao thông vận tải, dịch vụ tài chính, thông tin, bưu điện....Các tổ chức này hoạt động khá tốt nhưng chưa được hỗ trợ thỏa đáng bằng các chính sách điều tiết và chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nên chưa tạo được mối quan hệ lâu bền giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chưa kiểm soát tốt được chất lượng hàng hóa và các vấn đề kinh doanh có liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm của các nông hộ.

Một phần của tài liệu Phân tích hiện trạng và đánh giá biến động sử dụng đất giai đoạn 2005 2014 phục vụ định hướng khai thác sử dụng hợp lý đất đai huyện cẩm mỹ, tỉnh đồng nai đến năm 2020 (Trang 41 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)