CHƯƠNG 4: PHÂN TÍCH HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG TẠI NHNo&PTNT
4.2 PHÂN TÍCH HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG TẠI NHNo&PTNT CHI NHÁNH HUYỆN MỸ XUYÊN
4.2.1 Phân tích khái quát hoạt động tín dụng
Hoạt động tín dụng đóng vai trò cốt lõi trong hoạt động của ngân hàng, tăng trưởng tín dụng đóng góp 70-75% lợi nhuận cho các ngân hàng, đồng thời nó cũng giúp cho các hoạt động khác được thông suốt. Giai đoạn 2011-2013 tình hình tín dụng của cả nước có chiều hướng suy giảm. Hậu quả của việc tăng trưởng tín dụng quá nóng bởi điều kiện tín dụng được nới lỏng quá mức những năm trước đó làm cho ngành ngân hàng lao đao. Khái quát hoạt động tín dụng tại NHNo&PTNT chi nhánh huyện Mỹ Xuyên đạt mức tương đối. Doanh số cho vay có sự suy giảm do có sự điều chỉnh chính sách, doanh số thu nợ biến động không đều là do tình hình khách quan, ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng.
Doanh số cho vay:
Doanh số cho vay thể hiện được quy mô tín dụng của ngân hàng, cho ta thấy được ngân hàng kinh doanh nguồn vốn huy động như thế nào.
Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất, NHNN đã có những chấn chỉnh kịp thời, yêu cầu các NHTM siết chặt quản lý ở khâu thẩm định khách hàng. Điều đó góp phần tác động mạnh tới doanh số cho vay. Dư âm của các đợt hạ lãi suất chỉ tác động một phần nhỏ đến mặt bằng chung và cũng không hề tạo đột biến trên thị trường tín dụng. Không nằm ngoài xu hướng đó, doanh số cho vay của Agribank Mỹ Xuyên cũng bị sụt giảm qua các năm. Nếu như năm 2012 chỉ giảm 6.514 triệu đồng tương đương giảm 2,38% thì năm 2013 giảm đến 56.567 triệu đồng (giảm 21,2%) so với năm 2012. Mặc dù mặt bằng lãi suất đã được giảm
đáng kể so với trước nhưng ngân hàng ngày càng thắt chặt công tác thẩm định nhằm giảm thiểu rủi ro và giảm nợ xấu đã làm doanh số cho vay của ngân hàng có phần giảm sút. Việc không tiếp tục đầu tư đối với những khách hàng có lịch sử tín dụng xấu như để nợ quá hạn kéo dài, không có thiện chí trong việc trả nợ cũng làm cho doanh số cho vay của ngân hàng giảm. Điều kiện thời tiết, dịch bệnh diễn biến thất thường cũng là một rào cản khi ngân hàng khá thận trọng trong việc cho vay các hồ sơ vay nuôi trồng thủy sản có mức đầu tư lớn. Ngoài ra, sau nhiều vụ tôm thiệt hại liên tiếp, có nhiều khách hàng đã không còn tiếp tục đầu tư. Họ chấp nhận phơi ao một thời gian để cho đất phục hồi, làm sạch mầm bệnh trước khi thả nuôi mới. Tình hình đầu năm 2014 có những bước chuyển biến tích cực hơn, doanh số cho vay tăng nhẹ lên 8,37% so với cùng kỳ năm 2013 do tình hình có nhiều khởi sắc, ngân hàng mở rộng đối tượng đầu tư theo hướng đa dạng, tích cực tìm kiếm thêm khách hàng mới, đảm bảo nguồn vốn tín dụng đến với tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh đúng như định hướng phát triển kinh tế của địa phương nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kinh doanh của mình.
Doanh số thu nợ:
Doanh số cho vay chủ yếu phản ánh số lượng và quy mô tín dụng chứ không phản ánh được hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng. Doanh số thu nợ là một chỉ tiêu quan trọng vì nó đánh giá hiệu quả hoạt động tín dụng của ngân hàng. Doanh số thu nợ của ngân hàng biến động không đều, năm 2012 có tăng nhưng ở mức thấp so với năm 2011 (tăng 2,23%). Có được điều này là do khách hàng vay sản xuất lúa trúng mùa, được giá góp phần giúp cho doanh số thu nợ được cải thiện, bù đắp vào những thiệt hại do các khoản vay nuôi tôm gây ra.
Sang năm 2013, tình hình thu nợ sụt giảm 15,99% so với năm 2012. Đó là do thu nợ từ lúa tăng không đáng kể trong khi không thu được của một số hộ nuôi tôm thất mùa nhiều năm liền. Nguyên nhân xuất phát từ thực trạng thường gặp của thị trường lúa gạo nước ta, nông dân được mùa thì mất giá. Trước tình hình lúa không có giá, nhiều hộ nông dân không chịu bán ra mà chờ có giá để bán trong khi các khoản vay đã đến hạn. Chính điều này làm doanh số thu nợ không thể tăng so với năm trước mặc dù năm 2013 là năm khá được mùa của bà con. Tình hình thu nợ 6 tháng đầu năm 2014 có khả quan hơn rất nhiều so với 6 tháng đầu năm 2013 (tăng 46,69% so với cùng kỳ). Do công tác vận động của ngân hàng đã có nhiều chuyển biến tích cực cộng với việc giá thịt lợn đang ở mức cao giúp cho các khách hàng vay chăn nuôi có lãi, góp phần trả nợ đúng hạn.
Bảng 4.3: Tình hình hoạt động tín dụng chung của NHNo&PTNT chi nhánh huyện Mỹ Xuyên giai đoạn 2011-2013
Đơn vị tính: triệu đồng Chỉ tiêu
Năm Chênh lệch
2011 2012 2013 2012/2011 2013/2012
Số tiền % Số tiền %
DSCV 273.299 266.785 210.218 (6.514) (2,38) (56.567) (21,20)
DSTN 215.266 220.076 184.886 4.810 2,23 (35.190) (15,99)
Dư nợ 205.535 252.244 277.576 46.709 22,73 25.332 10,04
Nợ xấu 4.382 2.284 1.642 (2.098) (47,88) (642) (28,11)
Nguồn: Phòng KH-KD Agribank Mỹ Xuyên, giai đoạn 2011-06/2014
Bảng 4.4: Tình hình hoạt động tín dụng chung của NHNo&PTNT chi nhánh huyện Mỹ Xuyên 6 tháng đầu năm 2013, 2014
Đơn vị tính: triệu đồng Chỉ tiêu
Sáu tháng đầu năm Chênh lệch 6 tháng đầu năm
2013 2014 2014/2013
Số tiền %
DSCV 92.586 100.332 7.746 8,37
DSTN 75.816 111.215 35.399 46,69
Dư nợ 269.014 266.693 (2.321) (0,86)
Nợ xấu 2.493 4.384 1.873 74,59
Nguồn: Phòng KH-KD Agribank Mỹ Xuyên, giai đoạn 2011-06/2014 Ghi chú:
DSCV: doanh số cho vay DSTN: doanh số thu nợ
Dư nợ:
Dư nợ tăng đều qua các năm, năm 2012 tăng 22,73% so với năm 2011 và năm 2013 tăng 10,04% so với năm 2012. Mặc dù có mức tăng trưởng tín dụng dương nhưng ta cần xem xét rõ nguyên nhân. Doanh số cho vay của ngân hàng giai đoạn này giảm nhưng dư nợ của ngân hàng tăng là do doanh số thu nợ giảm hoặc tăng rất ít. Việc tăng ảo này bộc lộ rõ khi so sánh số liệu 6 tháng đầu năm 2014 với 6 tháng 2013, khi doanh số thu nợ tăng lên đáng kể thì dư nợ có dấu hiệu giảm sút (cụ thể là giảm 0,86% so với cùng kỳ) điều đó cho thấy thực sự dư nợ không phải tăng do tăng trưởng tín dụng. Nhưng khi ngân hàng thắt chặt khâu
thẩm định để tìm kiếm khách hàng tốt làm cho doanh số cho vay giảm là ngân hàng đã chấp nhận tình hình này.
Nợ xấu:
Nợ xấu là thước đo quan trọng thể hiện chất lượng tín dụng, nó còn dùng để đánh giá khả năng thẩm định của cán bộ tín dụng. Nợ xấu đã và đang tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế và tính an toàn, hiệu quả kinh doanh của chính các ngân hàng.
Nợ xấu của ngân hàng biến động bất thường, giảm mạnh từ mức 4.382 triệu đồng năm 2011 xuống còn 1.642 triệu đồng năm 2013. Mặc dù tình hình khó khăn, doanh số thu nợ giảm nhưng nợ xấu vẫn giảm là do ngân hàng thực hiện tốt công tác xử lý rủi ro, cơ cấu lại thời hạn trả nợ kịp thời. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2014, nợ xấu có chiều hướng tăng mạnh gần 75% so với 6 tháng đầu năm 2013, một phần là do có những khoản nợ chưa kịp cơ cấu cộng với những khoản nợ xấu tồn đọng của các năm trước.
* Nguyên nhân gây ra nợ xấu:
- Tình hình thiên tai, dịch bệnh thất thường liên tục xảy ra những năm gần đây gây thiệt hại lớn cho các hộ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các hộ nuôi tôm. Huyện Mỹ Xuyên là địa phương chịu thiệt hại lớn thứ hai sau thị xã Vĩnh Châu.
- Bên cạnh dịch bệnh, việc các hộ sản xuất thả nuôi không theo đúng lịch thời vụ, không theo sự khuyến cáo của các ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương đã làm cho tôm chết nhanh chóng chỉ sau gần một tháng thả nuôi.
- Một số khoản vay do chưa được thẩm định đúng mức cộng với việc có những khách hàng thiếu thiện chí trả nợ, không ý thức được tầm quan trọng của uy tín trong quan hệ tín dụng với ngân hàng nên day dưa không muốn trả nợ.