MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG NÔNG NGHIỆP TẠI NHNo&PTNT CHI NHÁNH
HUYỆN MỸ XUYÊN
5.1 NHỮNG MẶT CÒN HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN NHỮNG TỒN TẠI
* Tuy nguồn vốn huy động của ngân hàng luôn ở mức cao và tăng dần trong các năm qua, nhưng tiềm năng của việc huy động vốn vẫn còn rất lớn trong khi ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh xuất hiện, ngân hàng vẫn chưa phát huy hết khả năng thu hút vốn trên địa bàn huyện, nguyên nhân là do:
- Các chương trình tiết kiệm dự thưởng mặc dù được triển khai rầm rộ nhưng chưa thực sự nhanh chóng và kịp thời so với đối thủ.
- Ngân hàng quá chú trọng đến huy động vốn ngắn hạn, chưa thực sự quan tâm đến huy động vốn trung và dài hạn.
* Ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, chưa khai thác hết việc cho vay trung và dài hạn:
- Nó xuất phát từ thực tế là đa số các khách hàng của ngân hàng là những hộ nông dân sản xuất theo vụ mùa nên nhu cầu vay vốn ngắn hạn là chủ yếu.
- Các khoản vay trung và dài hạn thường có rủi ro cao hơn các khoản cho vay ngắn hạn nên ngân hàng còn dè dặt trong việc mở rộng cho vay thời hạn dài.
* Doanh số thu nợ không ổn định, chưa đạt hiệu quả cao, còn để xảy ra tình trạng nợ xấu, đó là do:
- Khâu thẩm định chưa thật sự chặt chẽ, cán bộ tín dụng còn yếu trong khâu đánh giá khách hàng.
- Các khoản cho vay của ngân hàng phần lớn là cho vay nông nghiệp nên các khoản đầu tư của ngân hàng phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. Tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh là những rủi ro không kiểm soát được và nó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu nợ của ngân hàng.
* Nợ xấu có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn tồn tại ở mức cao, tập trung ở hai lĩnh vực cho vay chính của ngân hàng là thủy sản và trồng lúa, cao nhất là thủy sản. Nguyên nhân phải kể đến là:
- Doanh số cho vay ở hai lĩnh vực này chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh số cho vay của ngân hàng nên nợ xấu tập trung nhiều.
- Do cho vay nông nghiệp được ngân hàng cho vay theo thời vụ nên cán bộ tín dụng khó có thể dàn trải công việc. Khối lượng công việc khổng lồ tập trung vào những thời điểm cuối vụ, khi mà khách hàng ồ ạt đến ngân hàng để tất nợ và làm hồ sơ vay mới. Trong khi đó, cán bộ tín dụng là người thẩm định, ra quyết định cho vay kiêm luôn lập hồ sơ đối với địa bàn của mình nên dẫn đến những thiếu sót trong việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục đánh giá khách hàng.
- Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tình hình kinh tế.
Những lúc được mùa thì mất giá còn những lúc nông sản có giá thì nông dân lại mất mùa là những viễn cảnh thường xảy ra ở khu vực nói chung và ở địa phương nói riêng. Với địa bàn rộng lớn cộng thêm trình độ dân trí chưa đồng đều, thì khi cán bộ tín dụng lơ là, quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ lúc tình hình thời tiết chuyển biến xấu, dịch bệnh lây lan thì các khoản vay này rất dễ phát sinh nợ xấu.
- Một số khách hàng thiếu ý thức, không có thiện chí trả nợ và có ý muốn chiếm dụng vốn của ngân hàng.
5.2 CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG NÔNG NGHIỆP TẠI NHNo&PTNT CHI NHÁNH HUYỆN MỸ XUYÊN
* Vốn huy động là nguồn vốn chính yếu phục vụ công việc kinh doanh của ngân hàng. Để duy trì nguồn vốn huy động được ổn định, giữ chân được khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới, ngân hàng cần chú trọng đến những việc cụ thể sau:
- Đối với khách hàng truyền thống lâu năm, ngân hàng cần duy trì và tăng cường các chính sách chăm sóc khách hàng thông qua các hoạt động tặng quà, bưu thiếp, lịch, áo đi mưa…nhân dịp lễ, tết, sinh nhật khách hàng. Ngân hàng cũng cần tiến hàng các hoạt động tri ân khách hàng nhân dịp thành lập ngân hàng bằng cách tổ chức các hội nghị khách hàng kèm theo quà tặng, cho khách hàng tham dự chương trình bốc thăm trúng thưởng, mời dùng cơm thân mật cuối buổi hội nghị…
- Đối với khách hàng tiềm năng và khách hàng mới: Ngân hàng cần xây dựng phong cách giao dịch văn minh, lịch sự cho nhân viên. Tích cực hỗ trợ, tư vấn khách hàng khi có yêu cầu, từ đó tạo cho khách hàng sự tin cậy và duy trì mối quan hệ lâu dài với ngân hàng.
- Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm lớn, ngân hàng nên cho nhân viên và xe chuyên dụng đến tận nhà khách hàng làm thủ tục nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản của khách hàng, gây dựng lòng tin cho khách hàng gửi tiền.
- Thực hiện mạnh mẽ hơn nữa công tác Marketing các loại hình dịch vụ, lãi suất…của ngân hàng đến quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa thông qua báo đài địa phương.
- Cần nghiên cứu các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh trên địa bàn nhằm có những chính sách thích hợp để giữ vững thị phần.
- Cần có những biện pháp trấn an kịp thời khách hàng khi có tin đồn hay thông tin không tốt xảy ra, từ đó hạn chế được tình trạng thiếu hụt vốn tạm thời do khách hàng rút tiền ra nhiều.
* Tiềm năng cho vay trung và dài hạn trên địa bàn có khá lớn, ngân hàng cần mở rộng cho vay đối tượng này thông qua các giải pháp như:
- Đối với những khách hàng có tình hình vay trả tốt, sử dụng nguồn tiền vay làm ăn kinh doanh hiệu quả, ngân hàng cần xem xét nâng hạn mức cho vay khi khách hàng đặt vấn đề yêu cầu.
- Điều chỉnh cơ cấu cho vay phù hợp với tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, chú trọng nhiều hơn đến ngành thương mại, dịch vụ. Phát huy tiềm năng cho vay các mô hình chăn nuôi quy mô lớn có hiệu quả.
- Mở rộng hơn nữa cho vay tiêu dùng với đối tượng công chức cần tiền sửa chữa, xây mới nhà cửa…Đây là các khoản cho vay tương đối an toàn, bởi ngân hàng tự động trích lương hàng tháng từ tài khoản thẻ ATM của khách hàng mà không cần phải thu nợ trực tiếp.
* Về công tác thu nợ:
- Thường xuyên cử cán bộ tín dụng đi tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ do ngân hàng cấp trên tổ chức để nâng cao trình độ cũng như chất lượng của đội ngũ cán bộ.
- Tăng cường thực hiện công tác giám sát, kiểm tra sau khi cho vay. Tùy theo từng món vay mà có kế hoạch kiểm tra định kỳ hay bất thường, nhằm đảm bảo khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích từ đó góp phần làm cho công tác thu hồi nợ được thuận lợi.
- Cán bộ tín dụng cần xây dựng mối quan hệ tốt với những người đứng đầu địa bàn mà mình phụ trách như trưởng ấp. Điều đó rất quan trọng, bởi vì những người đứng đầu sẽ giúp ngân hàng rất nhiều trong việc theo dõi tình hình sử dụng vốn của khách hàng, đôn đốc nhắc nhở trong việc trả nợ khi đến hạn.
- Đối với những hộ vay nông nghiệp như trồng lúa, nuôi tôm cần khuyến khích họ thực hiện đúng lịch thời vụ, thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường để đảm bảo canh tác được trúng mùa. Điều đó đóng góp rất lớn cho việc sử dụng tiền vay hiệu quả.
- Trưởng phòng tín dụng thường xuyên kiểm tra đối chiếu nợ trên hệ thống, kịp thời đôn đốc cán bộ tín dụng phụ trách các khoản vay gửi giấy báo nợ, thông báo nhắc nhở khách hàng khi đến hạn trả nợ.
* Hạn chế và xử lý nợ xấu:
Nợ xấu là điều không tránh khỏi trong hoạt động ngân hàng, nhưng làm sao để hạn chế tối đa nợ xấu là điều không dễ dàng. Công tác thu nợ thực hiện tốt là một trong những biện pháp giảm thiểu nợ xấu. Bên cạnh đó, ngân hàng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Thẩm định là khâu rất quan trọng, làm tốt khâu này sẽ giúp ngân hàng hạn chế được phần nào nợ xấu. Ngân hàng cần thẩm định kỹ càng với từng đối tượng khách hàng, cần xem xét năng lực quản lý của khách hàng vay vốn về các vấn đề như: có đủ khả năng quản lý công việc sản xuất kinh doanh hay không?
Phương án vay vốn có đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật? Dự đoán những biến động của thị trường trong tương lai như thế nào?...
- Tích cực giám sát chặt chẽ các khoản vay, tránh để xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng vốn sai mục đích, vì một khi vốn vay được sử dụng sai rất dễ phát sinh nợ xấu.
- Nông dân canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản nên thực hiện đúng lịch thời vụ để hạn chế rủi ro do thời tiết, dịch bệnh…gây ra. Từ đó góp phần đảm bảo tiền vay sử dụng hiệu quả.
- Phân tích và đánh giá các khoản nợ xấu để nhanh chóng cơ cấu lại các khoản nợ trong quy định cho phép. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế, không thực sự cải thiện chất lượng tín dụng được nhiều. Điều quan trọng là ngân hàng cần rà soát lại các khoản nợ thường xuyên để có thể kịp thời phát hiện các
khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, từ đó có biện pháp xử lý thích hợp trước khi nó chuyển nhóm nợ.
- Đối với các khoản nợ khó đòi, ngân hàng cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các ban ngành chức năng có liên quan trong việc thu nợ, xử lý nợ, xử lý tài sản đảm bảo tiền vay.
CHƯƠNG 6