nông dân là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và của chính người dân trên địa bàn của tỉnh
Đây là quan điểm xuyên suốt chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển các khu công nghiệp và giải quyết mối quan hệ giữa phát triển các khu công nghiệp với vấn đề việc làm của nông dân trên địa bàn của tỉnh.
Bởi lẽ, quá trình quy hoạch, xây dựng, phát triển khu công nghiệp ở các địa phương luôn có sự ảnh hưởng tác động mạnh mẽ đến việc làm và thu nhập của người dân trên địa bàn. Hơn nữa, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nói chung, người nông dân nói riêng luôn là một vấn đề có tính thời sự. Đây là một nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài trong tiến tình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi cấp, mọi ngành, của cả hệ thống chính trị, cũng như tính tích cực, chủ động của chính người nông dân. Do đó, cần quán triệt quan điểm trên đến mọi cấp chính quyền, các doanh nghiệp và mọi người dân trên địa bàn nhằm đem đến sự thống nhất về nhận thức cũng như hành động trong tổ chức thực hiện.
Thực tiễn cho thấy, muốn phát huy những tác động tích cực, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực từ phát triển các khu công nghiệp đến việc làm của nông dân một cách hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân trên địa bàn của tỉnh. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của chủ thể có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền giáo dục phải có tác dụng làm chuyển biến căn bản nhận thức rằng: Vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân trên địa bàn có khu công nghiệp không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cấp chính quyền mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các doanh nghiệp và của chính bản thân những người nông dân trên địa bàn của tỉnh. Theo đó, cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, Cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp của tỉnh phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng về lợi ích kinh tế - xã hội trong xây dựng, phát triển các khu công nghiệp về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chính quyền, của doanh nghiệp và của những người nông dân.
Công tác tuyên truyền phải được tiến hành đồng bộ với nhiều lực lượng, nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và phải được tiến hành trước khi xây dựng các khu công nghiệp trên địa bàn.
Về lực lượng: Cần phát huy vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức quần chúng: Đảng bộ, Chi bộ, cơ quan Tuyên giáo, Mặt trận tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội nông dân tập thể, Đoàn thanh niên…..Việc tuyên truyền tập trung vào các đối tượng có liên quan như: Chính quyền các cấp, doanh nghiệp và mọi người nông dân.
Về hình thức: Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục. Thực hiện lồng ghép các nội dung tuyền truyền một cách hợp lý và hiệu quả như: Học tập nghị quyết, hội nghị nông dân và các sinh hoạt tập thể khác.
Cùng với tuyên truyền, giáo dục phải phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong xây dựng, quy hoạch và thực thi các chủ trương chính sách, chế độ trong quá trình xây dựng, phát triển các khu công nghiệp. Phải coi trọng tính công khai, minh bạch và dân chủ trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là luôn lắng nghe và giải quyết thoả đáng ý kiến, nguyện vọng của mọi người dân.
Tuyên truyền, giáo dục phải kết hợp với việc đề xuất những chủ trương, chính sách, biện pháp hữu hiệu trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển các khu công nghiệp với vấn đề giải quyết việc làm cho nông dân.
Hai là, đối với các doanh nghiệp
Nâng cao nhận thức về sự gắn kết giữa quyền lợi của bản thân doanh nghiệp với trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với địa phương và người lao động. Phải đề xuất các phương án, biện pháp trong sản xuất kinh doanh và thu hút nguồn lao động từ nông dân. Thực hiện nghiêm túc nội dung cam kết với địa phương trong giải quyết việc làm cho nông dân, trong chấp hành các quy định, đường lối, chính sách của địa phương.
Ba là, đối với người nông dân
Nâng cao nhận thức cho nông dân về việc làm, về sự kết hợp của hệ thống lợi ích kinh tế - xã hội. Phát huy tính năng động, sáng tạo, cần cù lao động của nông dân, khuyến khích họ tích cực học tập, chủ động trong chuyển đổi ngành nghề mới, phát huy ngành nghề truyền thống, giúp cho người nông dân tiếp cận
với tác phong lao động công nghiệp, hiểu được các quy định của doanh nghiệp trong tuyển chọn nguồn nhân lực làm việc trong các khu công nghiệp.
Ba quan điểm trên đây tuy có vị trí, vai trò, nội dung khác nhau song đều có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn gắn phát triển các khu công nghiệp với giải quyết việc làm của nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, là cơ sở để đề ra các giải pháp hướng tới sự thống nhất giữa quá trình phát triển các khu công nghiệp với giải quyết việc làm của nông dân trên địa bàn của tỉnh.