Tỉnh Hưng Yên là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, có điều kiện giao thông thuận lợi. Tuy là một tỉnh nông nghiệp, song Hưng Yên lại được thiên nhiên ưu đãi với diện tích đất tự nhiên rộng lớn, phì nhiêu, địa hình bằng phẳng, có nguồn than nâu với trữ lượng lớn, có nhiều làng nghề truyền thống, lực lượng lao động dồi dào với truyền thống cần cù và sáng tạo…đó là những điều kiện thuận lợi để Hưng Yên có thể phát triển trở thành một tỉnh công nghiệp[Phụ lục 1, 2].
Nhằm phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật, trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội định hướng đến 2020 của tỉnh, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cả nước, tỉnh Hưng Yên đã quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với 19 khu công nghiệp tập trung, quy mô sử dụng đất 6.650 ha, trong đó có 13 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và đều có các nhà đầu tư đăng ký làm chủ đầu tư khu công nghiệp, với tổng quy mô diện tích là 3.535 ha, gồm: Phố Nối A quy mô 594 ha; Phố Nối B quy mô 355 ha; Minh Đức quy mô 200 ha; Minh Quang quy mô 325 ha; Vĩnh Khúc quy mô 380 ha; Ngọc Long quy mô 150 ha; Yên Mỹ II quy mô 230 ha; Bãi Sậy quy mô 150 ha; Kim Động quy mô 100 ha; Dân Tiến quy mô 150 ha; Lý Thường Kiệt quy mô 300 ha; Thổ Hoàng quy mô 400 ha; Tân Dân quy mô 200 ha. Sau khi được chấp thuận làm chủ đầu tư khu công nghiệp, các nhà đầu tư đều tích cực triển khai thực hiện dự án, lập trình phê duyệt quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, lập trình phê duyệt dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định [Phụ lục 14].
Hiện tại, đã có 11 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 2.485 ha, trong đó, có 04 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, gồm có Khu công nghiệp Phố Nối A với quy mô diện tích giai đoạn đầu 390 ha, Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối với quy mô diện tích giai đoạn I là 25 ha và Khu công nghiệp Thăng Long II với quy mô diện tích 220 ha, khu công nghiệp Như Quỳnh A và B với quy mô diện tích 350 ha. Các khu công nghiệp này khi đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động (trong đó lao động là người Hưng Yên chiếm khoảng 70%).
Tính đến tháng 3/2012, các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã tiếp nhận và còn hiệu lực 164 dự án (77 dự án nước ngoài và 87 dự án trong nước), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 980 triệu USD và 8.976 tỷ đồng; tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 328 ha. Trong số các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp còn hiệu lực, đến nay đã có 126 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (53 dự án nước ngoài và 73 dự án trong nước), 32 dự án đang triển khai, xây dựng và 06 dự án đang tạm ngừng hoặc không triển khai. Tổng vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay ước đạt 424 triệu USD và 6.454 tỷ đồng. Các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 19.500 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/người/tháng, doanh thu năm 2011 đạt khoảng 292 triệu USD và 14.056 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 8,5 triệu USD và 455 tỷ đồng.
Nhìn chung, công tác quy hoạch phát triển khu công nghiệp được tỉnh Hưng Yên quan tâm, chỉ đạo thực hiện, đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch ngành công nghiệp, Quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh. Các khu công nghiệp được quy hoạch đều có vị trí thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng hạ tầng, kết nối hạ tầng giao thông đối ngoại. Việc triển khai đầu tư thực hiện dự án của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là vấn đề việc làm của nông dân trên địa bàn tỉnh.