Tiềm năng phát triển kinh tế du lịch sinh thái ở tỉnh Ninh Bình

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN KINH tế DU LỊCH SINH THÁI ở TỈNH NINH BÌNH (Trang 25 - 32)

* Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, có tọa độ địa lý từ 19o50’ đến 20o27’ vĩ độ Bắc và 105o32’ đến 106o33’ kinh độ Đông. Về phía Bắc, Ninh Bình giáp Hà Nam với một phần ranh giới tự nhiên là sông Đáy, phía Nam giáp Thanh Hóa, phía Tây giáp Hòa Bình, phía Đông Nam giáp biển Đông. Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện) với diện tích 1.388,7 km2, trong đó đất đồi núi và nửa đồi núi chiếm trên 70%. Ninh Bình cách Thủ đô Hà nội hơn 90 km, có quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt chạy qua (đoạn chạy qua Ninh Bình dài 35km), cùng hệ thống sông ngòi phong phú với cảng Ninh Bình nên có điều kiện phát triển mạnh giao thông cả đường bộ và đường thủy, giao lưu thuận lợi với các địa phương trong nước và quốc tế. Như vậy, sự thuận tiện của hệ thống giao thông và các phương tiện vận chuyển phục vụ khách du lịch đa dạng là một lợi thế và tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế du lịch sinh thái phát triển.

Ninh Bình nằm trên địa bàn trung chuyển của vùng núi Tây Bắc qua đồng bằng châu thổ Sông Hồng ra biển Đông. Toàn bộ lãnh thổ của tỉnh nằm ở rìa Tây Nam đồng bằng sông Hồng, giáp với đồng bằng sông Mã qua vùng núi thấp Tam Điệp (Thanh Hóa) là phần cuối cùng của vùng núi Tây Bắc, trong khu đệm Hòa Bình - Thanh Hóa và tiếp giáp biển Đông. Do là vùng chuyển tiếp nên địa hình Ninh Bình khá phong phú, đa dạng, bao gồm cả các núi, đồng bằng và bờ biển. Về tài nguyên tự nhiên ở Ninh Bình, dạng địa hình Karst khá phổ biến và đây là dạng địa hình đặc biệt tạo nên các hang động và cảnh quan hấp dẫn, rất có giá trị trong việc phát triển du lịch sinh thái.

Ninh Bình thuộc đới khí hậu gió mùa chí tuyến, địa hình Ninh Bình phần lớn là đồng bằng, chỉ có một phần nhỏ là đồi núi nên khí hậu ít có sự phân hóa theo lãnh thổ. Nhìn chung, khí hậu của Ninh Bình tương đối thuận lợi cho hoạt động du lịch trong cả năm. Ninh Bình có mật độ sông ngòi ở mức trung bình, quan trọng nhất trong mạng lưới sông ngòi ở Ninh Bình là sông Đáy, chảy theo hướng Tây - Đông rồi Tây Bắc - Đông Nam và đổ ra biển Đông qua cửa Đáy. Ngoài ra, ở Ninh Bình còn có sông Hoàng Long là phụ lưu sông Đáy và một số sông ngòi nhỏ khác. Về chế độ thủy văn, do có lượng mưa hàng năm tương đối lớn nên lưu lượng dòng chảy tương đối phong phú. Đây là những lợi thế to lớn để phát triển các loại hình du lịch đua thuyền, du lịch trên sông. Về các hệ động thực vật, nơi lưu giữ được thảm thực vật và động vật rừng có giá trị đối với du lịch tại Ninh Bình là Vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long là khu bảo tồn sinh cảnh đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá ngập nước. Đây là những lợi thế tự nhiên rất to lớn để phát triển các loại hình và các hoạt động kinh tế du lịch sinh thái.

Dân số của Ninh Bình là 922.582 người, trong đó số dân trong độ tuổi lao động chiếm 61,03% (56,3 vạn người), mật độ dân số 664 người/km2. Dân tộc Kinh chiếm đa số, dân tộc Mường là dân tộc thiểu số (1,7% dân số) dân

tộc này còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống và các lễ hội, làng nghề truyền thống... rất có giá trị thu hút khách du lịch.

Về kinh tế, giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 16,5%. Tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất các ngành đạt cao: nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,3%, công nghiệp xây dựng đạt 24,1% và dịch vụ đạt 19,5%. GDP/người tăng mạnh do quy mô nền kinh tế tăng nhanh và thực hiện tốt chủ trương phát triển dân số hợp lý, đến năm 2010 đạt trên 20,6 triệu đồng, gấp 3,7 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế về cơ bản có sự dịch chuyển theo hướng tiến bộ, hiệu quả. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái ở Ninh Bình hiện nay.

* Nguồn tài nguyên phát triển kinh tế du lịch sinh thái của Ninh Bình Về tài nguyên du lịch tự nhiên

Do đặc điểm về địa hình kết hợp với các thành phần tự nhiên khác như hệ thống thủy văn, lớp phủ thực vật... đã tạo cho Ninh Bình nhiều danh lam thắng cảnh và nhiều hang động nổi tiếng, với hệ động thực vật phong phú, cảnh quan đặc sắc và tính đa dạng sinh học cao… Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển du lịch sinh thái. Trong đó phải kể đến một số tài nguyên du lịch tự nhiên tiêu biểu như:

Khu du lịch sinh thái Tràng An: đây là một quần thể danh thắng đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Nơi đây còn được gọi là thành Nam, gồm hệ thống dãy núi đá vôi ngập nước hàng triệu năm tạo ra các hồ, đầm thông nhau bằng những hang động xuyên thủy. Trong danh thắng này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích gắn với lịch sử của kinh đô Hoa Lư xưa.Khu sinh thái Tràng An hiện là đại diện của Việt Nam ứng cử di sản thiên nhiên thế giới với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh thái và kiến tạo địa chất, là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Vườn Quốc gia Cúc Phương: với diện tích 22.200 ha, đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng về sinh thái, môi trường và là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng. Ở đó có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng nhiệt đới và là nơi mà nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn. Đây là một điểm du lịch sinh thái thu hút được khá nhiều du khách khi về thăm quan Ninh Bình. Du khách đến rừng Cúc Phương để khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên. Hiện tại tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận rừng Cúc Phương là di sản thiên nhiên thế giới.

Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long: là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Khu bảo tồn này nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn. Vân Long được đưa vào khai thác du lịch từ năm 1998. Năm 1999, nơi đây trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước và danh mục hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam. Hiện tại, khu du lịch Vân Long đã hoàn thành đề án tổng thể về quản lý, bảo vệ, phát triển khai thác tiềm năng khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng, phong phú, tiêu biểu. Đặc biệt là bảo vệ được một diện tích đất ngập nước nội đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ và cũng là bảo vệ quần thể voọc quần đùi lớn nhất Việt Nam hiện đang có nguy cơ bị tiêu diệt ở mức độ toàn cầu. Khu Vân Long được nhiều cá nhân, tổ chức đã, đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng để khai thác và kinh doanh du lịch sinh thái. Khu Vân Long hiện được đánh giá là một tuyến điểm du lịch sinh thái đặc sắc hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Khu du lịch sinh thái Tam Cốc - Bích Động: với diện tích tự nhiên là 350,3 ha, là một trong những khu du lịch trọng điểm quốc gia hiện nay. Toàn khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên

quan đến triều đại nhà Trần. Tam Cốc đã được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.

Suối nước nóng Kênh Gà: là suối nước nóng mặn thuộc thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn. Nước khoáng ở đây chứa nhiều muối natriclorua, kaliclorua, canxi và muối Bicacbonat, nước không màu, trong, nhiệt độ ổn định cho quanh năm là 53ºC. Nước khoáng Kênh Gà dùng để tắm hay ngâm mình nhiều lần có thể sẽ khỏi các bệnh như khớp mãn tính, viêm dây thần kinh, các bệnh ngoài da... Nước suối Kênh gà uống vào có tác dụng kích thích hoạt động của gan, mật, chữa bệnh bướu cổ, và dùng để bào chế thành huyết thanh tiêm tĩnh mạch...Nước khoáng Kênh Gà là một trong số rất ít mỏ nước khoáng lộ thiên ở nước ta có giá trị to lớn trong y học để phòng và chữa bệnh đây là một địa điểm hấp dẫn du khách tạo nên sự đa dạng về sản phẩm du lịch của tỉnh Ninh Bình.

Hồ Đồng Thái: là một hồ nước ngọt nằm trên địa bàn hai xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) và xã Đông Sơn (Thị xã Tam Điệp). Với diện tích mặt nước 350ha được bao bọc bởi dãy núi Tam Điệp đây là một hệ sinh thái trong lành tiềm ẩn nhiều tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch hang động… Sát với hồ Đồng Thái là hồ Yên Thắng và các đồi thông xung quanh tạo thành một điểm du lịch sinh thái, vui chơi nghỉ dưỡng cuối tuần cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài các điểm danh lam thắng cảnh nêu trên, Ninh Bình còn có nhiều vùng cảnh quan khác có giá trị như động Địch Lộng; động Thung Lau, thuộc huyện Gia Viễn; Động Tiên ở thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư; đèo Tam Điệp, đặc biệt là hệ thống các hang động karst nằm trải dài dọc theo lãnh thổ của tỉnh Ninh Bình trong đó đáng chú ý như động Mã Tiên, động Hang Mát, động Trà Tu... đều là những tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị,

những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Ninh Bình có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, song trong đó còn chứa đựng cả nguồn tài nguyên giành cho du lịch nhân văn với nhóm các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu như:

Cố đô Hoa Lư: là kinh đô đầu tiên của nền phong kiến tập quyền ở nước ta, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, nằm trên một diện tích trải rộng khoảng 400ha, tồn tại 42 năm qua 3 triều đại. Trong đó, Đền vua Đinh là đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng với khuôn viên diện tích chừng 5ha. Đền là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sỹ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17-19. Đền vua Lê là đền thờ vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh chừng 500m. Điều đặc biệt ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Đền được xây dựng để tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với ông vua đã có công lớn lao trong việc xây dựng đất nước vào thế kỷ thứ 10.

Nhà thờ đá Phát Diệm: là một quần thể kiến trúc bao gồm ao hồ, Phương Đình… Nhà thờ đá là một công trình kiến trúc độc đáo có một không hai ở Việt Nam thể hiện sự hài hoà của nghệ thuật kiến trúc Á Đông và Châu Âu.

Chùa Bái Đính: là một quần thể có diện tích 539ha. Chùa được coi là có quy mô hoành tráng nhất Đông Nam Á với năm cái nhất: chùa lớn nhất, tượng to nhất (100 tấn đồng), nhiều tượng nhất (500 pho tượng La Hán), chuông to nhất, giếng ngọc lớn nhất. Trong tương lai nơi đây còn là công viên văn hoá và Học viện phật giáo. Đây thể hiện tính độc đáo hiếm có của một khu du lịch văn hoá tâm linh, là một trong những điểm nhấn của khu du lịch sinh thái hang động Tràng An.

Nhóm các lễ hội:

Đến Ninh Bình, du khách còn được hấp dẫn trong không gian văn hoá đậm đà của vùng đất Châu thổ sông Hồng với những lễ hội truyền thống, lễ

hội làng mang đậm yếu tố dân gian. Hai lễ hội quan trọng nhất là hội Trường Yên và hội đền Thái Vi, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Lễ hội Trường Yên được tổ chức vào tháng 3 hàng năm với các chương trình rất đặc sắc như: rước nước, dâng hương, cắm trại cùng các cuộc thi như: thi người đẹp Hoa Lư, làng vui chơi, làng ca hát, kéo co, đánh cờ người, đấu vật, múa lân…thu hút đông đảo nhân dân và du khách về tham dự.

Du lịch các làng nghề truyền thống:

Các làng nghề truyền thống ở Ninh Bình còn có sức thu hút đặc biệt đối với du khách bởi mỗi làng lại gắn với một vùng văn hoá hay một hệ thống di tích. Chính điều này đã tạo nên khác biệt và là một trong những lợi thế của du lịch sinh thái Ninh Bình. Phát triển du lịch đến các làng nghề không những thúc đẩy kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển mà còn khôi phục các làng nghề truyền thống. Là cơ hội tốt để các làng nghề giới thiệu sản phẩm và tiếp cận thị trường. Một số làng nghề truyền thống tiêu biểu ở Ninh Bình như:

Thêu ren Ninh Hải thuộc xã Ninh An, huyện Hoa Lư nổi tiếng về nghề

thêu ren. Làng nghề này nằm cùng với khu du lịch sinh thái Tam Cốc - Bích Động, kiến trúc làng khá hấp dẫn, sản phẩm của làng nghề rất phong phú như: ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, tranh, ảnh…là những sản phẩm được khách du lịch ưa thích. Vì vậy, đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Mỹ nghệ cói Kim Sơn với nhiều sản phẩm làm từ cây cói như: thảm, làn, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

khay, hộp, đĩa, cốc, túi xách, mũ..., đặc biệt là chiếu cói - mặt hàng khá nổi tiếng được nhiều du khách ưa chuộng. Khách du lịch đến đây tham quan có thể trực tiếp quan sát các thao tác của những người thợ dệt chiếu.

Làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân. Có hơn 400 năm lịch sử phát triển,

có vị trí thuận lợi cho khách tham quan, phong cảnh thiên nhiên đẹp, kiến trúc xây bằng đá. Sản phẩm đá gồm các loại: tượng, chim thú, bể cảnh, bia, thống, chậu hoa, bàn, ghế, sập, hương án, ngai, cầu, cổng, ngưỡng cửa, xà nhà... Tất

cả đều được chạm khắc tinh tế, sống động đây là cơ hội rất tốt để sản phẩm đá Ninh Vân tiếp cận thị trường và thu hút khách du lịch.

Như vậy, có thể thấy Ninh Bình có các điều kiện và tiềm năng khá thuận lợi cho phát triển kinh tế du lịch sinh thái. Điều này được thể hiện ở giá trị của các tài nguyên thiên nhiên còn tương đối hoang sơ, hệ sinh thái phong phú, tính đa dạng sinh học cao… Giá trị các tài nguyên nhân văn làm cho sản phẩm du lịch sinh thái trở nên đa dạng và phong phú hơn bởi sự kết hợp của du lịch sinh thái và du lịch văn hoá. Đó là những lợi thế to lớn để phát triển kinh tế du lịch trong đó có du lịch sinh thái trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN KINH tế DU LỊCH SINH THÁI ở TỈNH NINH BÌNH (Trang 25 - 32)