CHƯƠNG 2: CÁC NGUỒN BỔ TRỢ CỦA LUẬT QUỐC TẾ
2.4 Nghị quyết của các tổ chức liên chính phủ
Hiện nay, bên cạnh quốc gia- chủ thể đầu tiên và cơ bản của Luật quốc tế, thì sự xuất hiện và phát triển của các tổ chức quốc tế liên chính phủ ngày càng đóng vai trò quan trọng là trung tâm phối hợp hành động nhằm bảo vệ lợi ích của các thành viên.
Quá trình hoạt động tổ chức quốc tế liên chính phủ đã thông qua các nghị quyết, quyết định, qua đó, các tổ chức quốc tế liên chính phủ có thể thực hiện được các hoạt động chức năng của mình. Theo đó, khái niệm “Nghị quyết của các tổ chức liên chính phủ” được hiểu như sau: Là văn bản do các cơ quan có thẩm quyền của tổ chức quốc tế thông qua. Ở đây, do Luật quốc tế chỉ đề cập đến tổ chức quốc tế liên chính phủ nên các nghị quyết là nguồn bổ trợ của Luật quốc tế cũng chỉ dừng lại ở các nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ, mà tiêu biểu là nghị quyết của Liên hợp quốc – tổ chức quốc tế đa phương toàn cầu lớn nhất hiện nay.
Ví dụ: quy định về các nghị quyết trong Hiến chương Liên hợp quốc 1945
“Điều 18
1. Mỗi thành viên của Đại hội đồng có một phiếu;
2. Những nghị quyết của Đại hội đồng về những vấn đề quan trọng phải được thông qua theo đa số hai phần ba số thành viên có mặt và bỏ phiếu. Những vấn đề đó là: những kiến nghị có liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, việc bầu các ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, việc bầu các ủy viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội, việc bầu các ủy viên của Hội đồng Quản thác theo khoản 1 (c) của Điều 86, kết nạp các Thành viên mới vào LIÊN HỢP QUỐC, đình chỉ các quyền và ưu đãi của các thành viên, khai trừ Thành viên, những vấn đề thuộc về hoạt động của hệ thống quản thác, và những vấn đề ngân sách.
3. Những nghị quyết về các vấn đề khác, kể cả việc ấn định những loại vấn đề mới cần phải được giải quyết theo đa số hai phần ba, sẽ được quyết định theo đa số các thành viên có mặt và tham gia bỏ phiếu.”
2.4.2.Phân loại:
Thông thường các tổ chức quốc tế liên chính phủ ban hành hai loại nghị quyết:
2.4.2.1 Nghị quyết có tính quy phạm (có giá trị bắt buộc)
Là các nghị quyết quy định về mức độ đóng góp của các quốc gia thành viên, về tổ chức và hoạt động của bộ máy, về thủ tục trong hoạt động của từng tổ chức.
Những quy định có tính bắt buộc đề cập đến trong chính điều lệ (quy chế) của mỗi tổ chức quốc tế, và sẽ là nguồn viện dẫn để giải quyết các qun hệ phát sinh giữa các thành viên của tổ chức.
Ví dụ: Trong tổ chức Liên hợp quốc thì đại hội đồng có thể đưa ra các quyết định có tính ràng buộc hoặc có hiệu lực thi hành. Các quyết định này thường liên quan chủ yếu đến các vấn đề ngân sách và tổ chức nội bộ, nhưng một số quyết định có tác động trực tiếp hoặc có thể gián tiếp lên các nghĩa vụ của quốc gia
Một số quyết định (các nghị quyết về ngân sách theo điều 17 Hiến chương Liên hợp quốc 1945) trực tiếp ràng buộc các thành viên, trong khi một số quyết định khác có hiệu quả là những “hành động” được gắn thêm nghĩa vụ “giúp đỡ đầy đủ” như trong khoản 5 điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc 1945.35
“Theo Hiến chương này, các Thành viên Liên hợp quốc đồng ý phục tùng và thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.” (điều 25 Hiến chương Liên hợp quốc 1945).
Như vậy, các nghị quyết loại này tạo ra quy phạm pháp lí đối với từng tổ chức quốc tế nhất định và là nguồn của Luật quốc tế, nhưng không phải là nguồn của Luật quốc tế chung mà là của Luật tổ chức quốc tế. Chúng có giá trị pháp lí bắt buộc đối với từng tổ chức quốc tế, với cơ quan và thành viên của nó.
2.4.2.2 Nghị quyết mang tính khuyến nghị
Nhằm hướng dẫn, giải thích các quy phạm Luật quốc tế và thể hiện cách nhìn tổ chức quốc tế về một vấn đề nào đó.
35 “Tất cả các Thành viên phải hỗ trợ đầy đủ cho Liên hợp quốc trong mọi hành động mà nó áp dụng theo đúng Hiến chương này và từ bỏ giúp đỡ bất cứ quốc gia nào đang bị Liên hợp quốc áp dụng các hành động phòng ngừa hoặc cưỡng chế;”
Tự bản thân, các nghị quyết này chỉ mang tính khuyến nghị mà không sinh ra quy phạm pháp lý, không có hiệu lực pháp lí bắt buộc các quốc gia phải tuân theo, và vì thế chúng không được coi là nguồn của Luật quốc tế.
Tuy nhiên, các khuyến nghị stricto sensu36 trong những nghị quyết của Đại hội đồng bảo an Liên hợp quốc thường có quy định nghĩa vụ hợp tác và tôn trọng.
Sự công nhận một khuyến nghị có thể chuyển một nghị quyết thành một hiệp định ràng buộc, tuy nhiên vẫn cần có những yếu tố khác ảnh hưởng đến nó. Ví dụ, thông qua sức mạnh của mình một nghị quyết có thể thành lập một cơ quan dưới quyền, nhưng hoạt động của cơ quan đó trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia có thể vẫn phải phụ thuộc vào sự đồng ý của quốc gia đó hoặc sự chấp thuận chung.
Trong quan hệ quốc tế, các chủ thể Luật quốc tế thường quan tâm đến các nghị quyết của Liên hợp quốc vì tính chất toàn cầu của tổ chức này. Lưu ý rằng, không phải mọi nghị quyết của tổ chức liên chính phủ đều được xếp vào nguồn bổ trợ của Luật quốc tế, chỉ những nghị quyết chức nội dung liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội,
…còn những nghị quyết có tính chất gây hại đến quan hệ giữa các quốc gia sẽ không được xếp vào. Mọi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đều có giá trị ràng buộc với các quốc gia thành viên, ngoại trừ các nghị quyết liên quan đến hành chính và thủ tục.
2.4.3 Vai trò của nghị quyết của các tổ chức liên chính phủ
Nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành cũng như viện dẫn áp dụng quy phạm điều ước và quy phạm tập quán.
2.4.3.1 Quá trình hình thành và viện dẫn áp dụng trong quy phạm điều ước
Đối với quá trình hình thành quy phạm điều ước
36 Trong trật tự pháp lý của EU, Tòa án Tư pháp Liên minh châu Âu CJEU kiểm tra tính hợp pháp của các biện pháp của quốc gia thành viên hay của các thiết chế của EU ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh trên cơ sở xem xét ba yếu tố (three-pronged test), một trong 3 yếu tố đó là tính cân bằng lợi ích (proportionality stricto sensu)
Trước hết phải hiểu những nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ được tuyên bố sau đó sẽ được quy định tại một văn bản pháp lý của quốc tế, từ đó làm cơ sở để hình thành nguồn Luật quốc tế.
Ví dụ: Tuyên ngôn về quyền con người được thông qua trên cơ sở Nghị quyết số 217A (III) của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 10/12/1948. Đây chỉ là văn bản có tính khuyến nghị của Liên hợp quốc nhưng có ý nghĩa chính trị pháp lí quan trọng.
Tuyên ngôn đã xác định một cách toàn diện các quyền và tự do cơ bản của con người cần được tôn trọng.
Trên cơ sở Tuyên ngôn về quyền con người, hai Điều ước quốc tế quan trọng đã được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc kí kết đó là Công ước về các quyền dân sự, chính trị và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội năm 1996.
Đối với quá trình viện dẫn áp dụng quy phạm điều ước
Đa số những quy phạm điều ước đã được ghi nhận và quy định đều được các quốc gia thành viên viện dẫn áp dụng nhiều trong quan hệ quốc tế.
Ví dụ: Tuyên ngôn về quyền con người. Tuyên ngôn đã có uy tín rộng rãi và được viện dẫn nhiều trong quan hệ quốc tế. “Tuyên ngôn nhân quyền” là văn bản quan trọng bậc nhất của Liên hợp quốc, được dịch ra mọi thứ tiếng trên thế giới. Từ năm 1988, Việt Nam đã long trọng ký kết sẽ nghiêm chỉnh thực thi bản Tuyên Ngôn lịch sử này. Ngoài ra các Nghị quyết khác của Hội đồng bảo an, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng được viện dẫn áp dụng nhiều là Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1960 về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa được thông qua theo Nghị quyết số 2106 A (XX) ngày 21/12/1965 của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án sự phân biệt chủng tộc và chế độ A-pac-thai, sự kì thị sắc tộc hay tôn giáo, được đa số các quốc gia trên thế giới ủng hộ và lấy đây làm khuôn mẫu trong việc viện dẫn áp dụng vào quan hệ quốc tế.
2.4.3.2 Quá trình hình thành và viện dẫn áp dụng quy phạm tập quán Đối với quá trình hình thành quy phạm tập quán
Điểm mới trong quá trình hình thành quy phạm Luật quốc tế từ nửa sau thế kỉ XX là việc xuất hiện các quy phạm tập quán của Luật quốc tế được hình thành từ nghị quyết của tổ chức quốc tế, đặc biệt là tổ chức Liên hợp quốc. Thông thường nếu như các nghị quyết của Liên hợp quốc trong nhiều năm đều tập trung thống nhất quyết định về một vấn đề và tất cả các quốc gia đều hành động theo quy tắc này, khi ấy đã có thể nói đến sự hình thành quy phạm mới của tập quán. Loại quy phạm này thường được hình thành trong lĩnh vực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế cũng như trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trong thực tiễn có rất nhiều quy phạm tập quán hình thành từ con đường nghị quyết của Liên hợp quốc.
Ví dụ, câu hỏi đặt ra là, những hành vi nào của một quốc gia được coi là tấn công vũ trang để từ đó quốc gia khác thực hiện quyền tự vệ chính đáng đã được làm sáng tỏ trong nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 3314 (XXIX) ngày 14 tháng 12 năm 1974. Nghị quyết đã chỉ rõ hành vi xâm lược là các hành vi của quốc gia này sử dụng bất hợp pháp lực lượng vũ trang tấn công vào lãnh thổ quốc gia khác, cũng như bất kì sự bao vây phong tỏa nào bằng lực lượng vũ trang chống lại quốc gia ấy.
Như vậy, việc các quốc gia đồng tình với Nghị quyết trên đây của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Định nghĩa xâm lược đã thể hiện sự thừa nhận hiệu lực thực tế của nghị quyết, để từ đó các quốc gia hành động theo những chuẩn mực được quy định trong nghị quyết. Chừng nào nghị quyết này chưa phải là Điều ước quốc tế thì việc các quốc gia hành động theo những chuẩn mực của nó chính là sự thừa nhận quy phạm tập quán quốc tế mới hình thành.
Từ thực tiễn Tòa án quốc tế Liên hợp quốc, đôi khi nghị quyết của tổ chức quốc tế được coi là bằng chứng của luật tập quán. Điều này được thể hiện rõ trong thực tiễn của Tòa án quốc tế Liên hợp quốc bởi vì trong nhiều trường hợp Tòa có nhiệm vụ phải xác định rõ đâu là quy phạm tập quán của Luật quốc tế liên quan đến việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.
Trong vụ Nicaragoa kiện Mỹ, Tòa đã quyết định rằng việc các bên đồng tình với Nghị quyết 2625 (XXV) của Liên hợp quốc: “Tuyên bố về các nguyên tắc của Luật quốc tế” là thể hiện sự công nhận hiệu lực pháp lí đối với các nguyên tắc này,
trong đó có nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực với tư cách là nguyên tắc của luật tập quán quốc tế.
Đối với quá trình viện dẫn áp dụng quy phạm tập quán
Trong thực tiễn quốc tế, khi xác định hoặc giải thích quy phạm Luật quốc tế, các quốc gia thường viện dẫn đến nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các nghị quyết được viện dẫn nhiều hơn cả và có vai trò to lớn trong đời sống quốc tế là:
Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1960 về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa; Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970 về những nguyên tắc của Luật quốc tế; tuyên bố năm 1974 về định nghĩa xâm lược;…
Kết luận
Qua đây ta có thể khẳng định nghị quyết của các tổ chức liên chính phủ là nguồn bổ trợ của Luật quốc tế. Nghị Quyết của tổ chức liên chính phủ đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trong việc hình thành và viện dẫn quy phạm ước quốc tế và quy phạm tập quán.