Quản lý nợ xấu là toàn bộ quá trình phòng ngừa, kiểm tra, giám sát và các biện pháp xử lý đối với những khoản nợ có vấn đề nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro có thể xảy ra, nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng.
1.2.2 Các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nợ xấu tại NHTM
Nhóm các nhân tố đến từ ngân hàng: các yếu tố thuộc các nhân tố đến từ ngân hàng tác động đến công tác quản lý nợ xấu của NHTM như: chính sách tín dụng, công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.
- Chính sách tín dụng: Chính sách tín dụng của một NHTM là một hệ thống các biện pháp liên quan đến việc khuyếch trương hay hạn chế tín dụng để đạt được các mục tiêu đã được hoạch định trong quá trình hoạt động của NHTM và hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn trong kinh doanh tín dụng của NHTM (Lê Văn Tề, 2009).
Chính sách tín dụng là bộ phận quan trọng cấu thành hệ thống quản trị, điều hành hoạt động tín dụng của mỗi ngân hàng được thể hiện bằng các định hướng, tư tưởng chỉ đạo, cho đến các quy chế, quy trình cấp tín dụng, quản lý khoản tín dụng, danh mục tín dụng, phân cấp thẩm quyền. Hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn đi kèm với rủi ro có thể xảy ra. Nếu các ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận lên quá cao, gia tăng dư nợ tín dụng trong khi chưa hoàn thiện được các chính sách tín dụng hoặc chính sách tín dụng không phù hợp, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ thì sẽ làm nợ xấu gia tăng. Chính sách tín dụng thường bao gồm các nội dung sau (Lê Văn Tề, 2009):
(1) Xác định quy mô tín dụng (2) Xác định giới hạn tín dụng (3) Xác định loại hình tín dụng
(4) Xác định lĩnh vực tài trợ của tín dụng (5) Xác định kỳ hạn tín dụng
(6) Xác định giá cả của tín dụng (lãi suất) (7) Xác định phương thức thu hồi vốn và lãi
(8) Đảm bảo an toàn cho khoản vay (tài sản đảm bảo)
- Xếp hạng tín dụng: Xếp hạng tín dụng khách hàng vay vốn của NHTM là việc NHTM sử dụng hệ thống XHTD nội bộ của mình để đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay, mức độ rủi ro của khoản vay, làm cơ sở để đưa ra quyết định cấp tín dụng, quản lý rủi ro, xây dựng chính sách khách hàng phù hợp đối với từng đối tượng khách hàng theo kết quả xếp hạng.
- Công tác kiểm tra nội bộ: Kiểm tra nội bộ có điểm mạnh ở tính thời gian vì nó nhanh chóng, kịp thời ngay khi vừa phát sinh vấn đề và tính sâu sát của người kiểm tra viên, do việc kiểm tra được thực hiện thường xuyên cùng với công việc kinh doanh. Nhưng trong thời gian trước đây, công việc kiểm tra nội bộ của các Ngân hàng hầu như chỉ tồn tại trên hình thức, làm gia tăng thêm rủi ro cho Ngân hàng. Kiểm tra nội bộ cần phải được xem như hệ thống “thắng” của cỗ xe tín dụng.
Cỗ xe càng lao đi với vận tốc lớn thì hệ thống này càng phải an toàn, hiệu quả thì mới tránh cho cỗ xe khỏi đi vào những ngã rẽ rủi ro vốn luôn luôn tồn tại thường trực trên con đường đi tới.
Nhóm các nhân tố đến từ các yếu tố khác: các yếu tố thuộc các nhân tố đến từ các yếu tố khác như môi trường kinh tế xã hội, môi trường pháp lý, thanh tra giám sát NHNN.
Môi trường kinh tế xã hội: Với những nền kinh tế nhỏ bé, sản xuất công nghiệp còn lạc hậu, chủ yếu là thành phẩm đơn giản như dầu thô, may gia công, chế biến thực phẩm và nguyên liệu… thì rất dễ bị tổn thương khi nền kinh tế thế giới biến động mạnh. Nếu thế giới ít biến động thì hoạt động của các doanh nghiệp cũng được đảm bảo, khả năng trả nợ cho Ngân hàng càng cao. Còn thế giới biến động mạnh mẽ: giá cả, tỷ giá, hạn ngạch, thuế… thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là có nguy cơ phá sản, mất khả năng thanh toán cho Ngân hàng.
Môi trường pháp lý: Hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi và đủ mạnh thì sẽ góp phần làm minh bạch quy trình tín dụng, lành mạnh hoạt động của doanh nghiệp và Ngân hàng, hạn chế rủi ro tín dụng phát sinh. Còn ngược lại, hành lang pháp lý chưa phù hợp, còn nhiều bất cập sẽ tạo điều kiện cho những khuất tất trong hoạt động tín dụng.
Thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước: Nếu Ngân hàng nhà nước tiến hành thanh tra, giám sát hoạt động của NHTM thường xuyên, chủ động, đáp ứng được yêu cầu, đúng nội dung và phương pháp thì sẽ ngăn ngừa được các khoản nợ xấu phát sinh. Ngược lại, năng lực cán bộ thanh tra, giám sát chưa đáp ứng được
yêu cầu, thậm chí một số nghiệp vụ kinh doanh và công nghệ mới Thanh tra Ngân hàng còn chưa theo kịp. Nội dung và phương pháp thanh tra, giám sát lạc hậu, chậm đựơc đổi mới.