Nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật về xuất khẩu lao động để phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu mới trong bối cảnh mới

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động của Việt Nam (Trang 172 - 177)

CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM

3.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VIỆT NAM TRONG THỜI

3.2.2. Nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật về xuất khẩu lao động để phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu mới trong bối cảnh mới

Bên cạnh những thành công đạt được trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật về XKLĐ của Việt Nam thời gian qua cần phát huy, còn một số hạn chế hoặc những điều không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh mới như đã phân tích trong phần hạn chế và nguyên nhân ở cuối chương 02 cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho XKLĐ. Pháp luật XKLĐ phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Luận án đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất là, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Luật 72 và các nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm giải quyết những bất cập, mâu thuẫn hoặc chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn. Với kết quả phân tích của Chương 02 cho thấy thể chế pháp luật hiện hành đã xuất hiện một số bất cập so với tình hình thực tế nên cần có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp:

- Về các quy định liên quan đến Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước: Tại Điều 66 Luật 72, bổ sung nội dung chi của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, cụ thể là bổ sung thêm nội dung chi hỗ trợ rủi ro cho các trường hợp bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn không do lỗi của NLĐ; chi hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng chính sách hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng (góp phần thực hiện tốt chương trình hậu XKLĐ), đảm bảo duy trì bền vững hiệu quả của XKLĐ. Theo các chuyên gia và nhà quản lý về XKLĐ đánh giá, một trong những nguyên nhân lao động ở một số thị trưòng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan có hiện tượng phá vỡ hợp đồng hoặc hết hợp đồng bỏ trốn không về nước gây mất uy tín cho XKLĐ của Việt Nam là do NLĐ khi về nước không tìm được công công ăn việc làm. Do vậy, việc bổ sung nội dung chi hỗ trợ tái hòa nhập sau khi hoàn thành hợp đồng của NLĐ về nước là hết sức cần thiết.

- Tại khoản 4, Điều 8 của Luật 72 và Điều 2 Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định về loại hình doanh nghiệp được phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, chỉ doanh nghiệp 100%

vốn trong nước (100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam) mới được xem xét, cấp phép hoạt động dịch vụ XKLĐ. Như vậy, điều này sẽ dẫn đến mâu thuẫn với yêu cầu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được triển khai thực hiện trong quá trình đổi mới và phát triển kinh tế ở nước ta. Vậy theo quan điểm của tác giả, cần điều chỉnh lại và bổ sung thêm cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (với tỷ lệ vốn nước ngoài nhất định, trước mắt có thể dưới 40%) được phép tham gia hoạt động XKLĐ. Nội dung này, các quốc gia có truyền thống và kinh nghiệm XKLĐ như Philipine và Thái Lan đã thực hiện và rất thành công khi cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia. Như vậy, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu và thiếu về vốn để đầu tư cho hoạt động XKLĐ sẽ tận dụng được mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát huy và thúc đẩy hoạt động XKLĐ của nước ta. Bên cạnh đó thông qua các đối tác nước ngoài này, có thể tận dụng và phát huy quan hệ thị trường quốc tế của họ và chính TTLĐ từ các đối tác nước ngoài này...).

- Các quy định liên quan đến tài chính: Cần cụ thể hóa hơn các quy định trong việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp, tiền ký quỹ không chỉ được

sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh khi NLĐ làm việc ở nước ngoài như hiện nay mà cần được sử dụng để giải quyết cả những vấn đề phát sinh khi NLĐ chưa xuất cảnh tại Khoản 1 Điều 22 Luật 72. Luật cần bổ sung các quy định và chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm các quy định về tài chính của doanh nghiệp, kể cả hành vi không hoàn trả kịp thời và đầy đủ cho ngân hàng khoản tiền NLĐ đã vay và chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp nhưng sau đó NLĐ không xuất cảnh.

Luật cũng cần xem xét, bổ sung quy định định kỳ hoặc đột xuất doanh nghiệp phải báo cáo về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của NLĐ, tiền ký quỹ của doanh nghiệp tại NHTM nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Qui định về mức trần chi phí môi giới, Bộ LĐTBXH cần nghiên cứu và xem xét để điều chỉnh lại cho phù hợp với yêu cầu thực tế tại một số thị trường, đảm bảo cân đối hợp lý giữa yêu cầu đảm bảo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và yêu cầu hạn chế gánh nặng chi phí cho NLĐ. Do sự thay đổi của kinh tế - xã hội nói chung mức trần chi phí môi giới cho các thị trường được qui định tại Quyết định số 61/2008/QĐ- BLĐTBXH ngày 12/8/2008 đã thấp hơn so với yêu cầu thực tiễn tại một số thị trường. Ví dụ, như tại thị trường Đài Loan, các đối tác nước ngoài thường đòi hỏi chi phí môi giới cao hơn qui định nhiều lần.

- Sửa đổi qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong XKLĐ: Một số quy định về xử lý vi phạm nói chung và xử phạt hành chính nói riêng chưa đủ mạnh và mới chỉ áp dụng được với các hành vi vi phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Các cơ quan đại diên ngoại giao, lãnh sự ở nước ngoài khó có thể thực hiện đối với hành vi phạm của doanh nghiệp hay NLĐ xảy ra ở nước ngoài. Các mức phạt theo qui định tại Nghị định số 144/2007/NĐ-CP ngày 10/9/2007 của Chính phủ đã không còn phù hợp, không đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Với sự ra đời của Nghị định 95/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BLĐTBXH-BNG mới chỉ khắc phục phần nào những hạn chế nêu trên, với mức xử phạt vi phạm hành chính tăng từ 40 triệu đồng lên 100 triệu đồng với NLĐ và 200 triệu đồng với với doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục điều chỉnh theo hướng nâng cao mức phạt và nghiên cứu chuyển hình thức xử phạt đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép thành hình thức xử phạt chính thức, kèm theo các qui định cụ thể các trường hợp được phép áp dụng.

Ngoài ra, bổ sung thêm hình thức xử phạt buộc lao động công ích đối với trường hợp NLĐ vi phạm hợp đồng, nếu không tự nguyện nộp phạt và cũng không có tiền ký quỹ để khấu trừ.

- Quy định về trách nhiệm QLNN của Bộ LĐTBXH và các Bộ, ngành liên quan khác tại các Điều từ 8 đến 15 của Nghị định 126): Nhìn chung, trách nhiệm QLNN của các Bộ, ngành có liên quan tới hoạt động XKLĐ là khá rõ ràng, cụ thể nên có thể đưa vào Luật.

Thứ hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về XKLĐ.

Từ việc khảo sát, nghiên cứu và phân tích ở chương 2 đã cho thấy một số qui định của Luật 72 chưa có văn bản hướng dẫn, chưa cụ thể hóa hay qui định chi tiết nên còn hạn chế trong việc thực thi. Trong thời gian tới cần bổ sung một số hướng dẫn và chính sách cụ thể như sau:

- Nghiên cứu và bổ sung vào Nghị định hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật 72 liên quan đến các Tổ chức sự nghiệp của Nhà nước đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; hướng dẫn các Bộ, ngành trong việc phối hợp quản lý và thực hiện; bổ sung chế tài sử phạt vi phạm hành chính đối với các Tổ chức sự nghiệp vi có vi phạm.

- Bổ sung vào Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật 72 về qui định nội dung thẩm định hợp đồng và trách nhiệm của cơ quan QLNN đối với kết quả thẩm định hợp đồng. Ban hành Thông tư qui định về mẫu hợp đồng cung ứng lao động theo từng thị trường theo qui định tại khoản 3 Điều 17 của Luật 72, trong đó qui định cụ thể những nội dung bắt buộc và những nội dung hướng đẫn áp dụng (doanh nghiệp được thương thảo với đối tác để thống nhất). Việc qui định mẫu hợp đồng cung ứng lao động sẽ khắc phục tình trạng thiếu thống nhất về hình thức và nội dung của hợp đồng, đảm bảo có đủ thông tin để thấm định hợp đồng được hiệu quả; qui định về mẫu hợp đồng cung ứng dịch vụ đưa lao động ra nước ngoài làm việc giữa doanh nghiệp và NLĐ để thống nhất áp dụng, khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng đưa ra những điều kiện bất lợi cho NLĐ.

- Sửa đổi quy định về chế độ báo cáo và xử lý khi vi phạm chế độ báo cáo tại Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 8/10/2007, bổ sung quy định cụ thể cả về nội dung và hình thức báo cáo của doanh nghiệp XKLĐ đối với Sở LĐTBXH

khi tổ chức tuyển dụng lao động trên địa bàn nhằm đảm bảo hiệu lực QLNN về XKLĐ của chính quyền địa phương.

- Bổ sung quy định về giao trách nhiệm cho cơ quan QLNN về XKLĐ tổ chức thực hiện thu thập, nghiên cứu và phổ biến thông tin thị trường XKLĐ (đã đề cập ở nội dung hoàn thiện tổ chức bộ máy QLNN về XKLĐ ở trên), nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát triển hệ thống thông tin thị trường XKLĐ một cách chuyên nghiệp, bài bản. Bổ sung qui định về công tác thống kế tình hình hoạt động XKLĐ làm cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống thống kê số liệu thống nhất trong cả nước.

Ngoài ra, tiến hành rà soát, bổ sung một số qui định dưới luật có thời gian thực hiện đã lâu, chứng minh được tính hợp lý, nếu đủ điều kiện có tính ổn định lâu dài, được thực tiễn chứng minh là phù hợp thì trong thời gian tới đưa vào thành nội dung của Luật về XKLĐ nhằm tăng hiệu lực và hiệu quả của QLNN về XKLĐ. Cụ thể, một số nội dung sau có thể xem xét để đưa vào qui định của Luật về XKLĐ:

- Thủ tục đăng ký hoạt động XKLĐ: Trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký hoạt động XKLĐ hiện được quy định rất cụ thể trong Mục I của Thông tư 21 ban hành năm 2007. Trong đó có nhiều nội dung đã được quy định tồn tại từ rất lâu, đã được thực tế chấp nhận nên có thể chọn lọc để đưa vào luật, còn các chi tiết cụ thể khác tiếp tục được thực hiện dưới hình thức thông tư hướng dẫn.

- Thủ tục đăng ký hợp đồng XKLĐ: Toàn bộ các thủ tục, hồ sơ đăng ký hợp đồng XKLĐ được quy định trong thông tư 21, cần được xem xét đưa một số nội dung chính của thủ tục đăng ký hợp đồng vào Nghị định hướng dẫn thi hành luật;

các nội dung chi tiết, cụ thể thì ban hành dưới hình thức thông tư.

- Một số nội dung hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước: Đây là một chính sách rất quan trọng, phù hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu của thực tiễn hoạt động XKLĐ nên cần tiếp tục được phát huy trong tương lai. Vì vậy, một số quy định cơ bản về hoạt động của Quỹ cần được luật hóa như đối tượng đóng góp, đối tượng được hưởng hỗ trợ, các nội dung hỗ trợ cơ bản, một số nguyên tắc hỗ trợ chính... khi đó mới có thể đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Quỹ, NLĐ và doanh nghiệp mới thực thi được quyền giám sát hoạt động của Quỹ.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ Quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động của Việt Nam (Trang 172 - 177)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(223 trang)