Chùa Thiếu Lâm được dựng từ thời Bắc Ngụy, tính đến nay đã được 1400 năm có lẻ. Trong quá trình dài tu hành và sinh hoạt ấy, các tăng ni dần dần sáng lập ra phép dưỡng sinh trường thọ mang mầu sắc Thiếu Lâm.
Hồi đầu các sư tăng suốt ngày tĩnh toạ, tu tâm dưỡng tính, gạt bỏ bụi trần để trấn tĩnh tâm linh, ít vận động cơ thể, nên huyết mạch kém lưu thông, lâu dần thành bệnh. Đặc biệt là hệ tiêu hoá, dẫn đến tình trạng tỳ suy, vị kém, không thiết ăn uống.
Y học truyền thống cho rằng: tỳ là cái căn bản của ngày mai, vị là cái biến của thuỷ cốc. Chức năng chính của tỳ là giúp dạ dày và ruột tiêu hoá thức ăn (thuỷ cốc), hấp thụ và chuyển hoá dinh dưỡng để nuôi máu, tạo ra sự sống. Mọi chất dinh dưỡng trong cơ thể con người đều bắt nguồn từ sự chuyển hoá của tỳ,
cho nên người ta mới nói: “tỳ là cái căn bản của ngày mai” (Tỳ vị hậu thiên chi bản). Nếu tỳ khí mà vượng thì các chất dinh dưỡng của thức ăn do vị tiêu hoá sẽ được đưa đến tâm phế rồi qua tâm phế toả ra nuôi sống toàn thân. Ngoài ra, nó còn có tác dụng điều hoà máu huyết, làm cho huyết mạch trong cơ thể lưu thông bình thường, nếu không sẽ sinh ra đủ các loại bệnh tật. Chức năng chính của vị là tiếp nạp thức ăn, đưa những thức ăn đã được tiêu hoá đến ruột non và thông qua sự chuyển hoá của tỳ đưa đi nuôi toàn cơ thể, nếu không sẽ sa vào tình trạng biếng ăn, tuyệt đường dinh dưỡng.
Các sư tăng trong chùa vì tĩnh tọa dài ngày, làm ảnh hưởng đến chức năng của tỳ vị, thành ra biếng ăn, mặt mày hốc hác, tứ chi bải hoải. Không những ảnh hưởng đến toàn thân mà còn khó lòng chống đỡ với thú dữ trong rừng và sự xâm phạm của đạo tặc.
Để chấn hưng và truyền bá đạo Phật, đối phó với bên ngoài, nhà sư trụ trì và các sư tăng ở Thiếu Lâm tự không thể không cần đến một cơ thể cường tráng và sự sống lâu.
Hoà thượng Thanh Thái đời Thiên Khải nhà Minh tinh thông Phật học, văn học, y học, võ học, đặc biệt là y đạo và dưỡng sinh. Hoà thượng Thanh Thái đã tổng kết những kinh nghiệm kiện thân trường thọ của các sư tăng trước triều Minh, viết ra những quyển: “Thiếu Lâm tự thực phổ” “Thiếu Lâm tự trà
phổ” “Thiếu Lâm tự khí công kiện thọ pháp” và
“Thiếu Lâm hoàn tiểu đan”... Cuốn sách nổi tiếng của ông “Thiếu Lâm tự trường thọ quyết” không những kể lại năm kinh nghiệm trường thọ của bản thân ông mà còn nhắc nhở các sư tăng nếu chỉ chú trọng đến võ thuật, quên chuyện ăn uống tĩnh dưỡng tất sẽ dẫn đến tình trạng tổn thọ.
Ý kiến của hoà thượng Thanh Thái làm cho các sư tăng tỉnh ngộ, từ đó, phàm những ai tinh thông Phật học đa phần đều thiện võ học, Phàm những ai giỏi võ nghệ đa phần cũng biết thiền và y học. Khắc phục được quan niệm sai lầm của các sư tăng là chỉ chuyên võ mà coi thường dưỡng sinh.
Những vị cao tăng đời Thanh rút được bài học là vì tập võ, coi thường dưỡng sinh nên tuổi thọ thấp, do vậy, các đời sư trụ trì sau này đều nhấn mạnh các sư tăng và môn đồ: tiên học văn hậu học kinh Phật, võ thuật và y thuật, làm cho các chúng tăng và môn đồ phát triển theo hướng đa tài đa nghệ để đặt cơ sở cho việc nghiên cứu dưỡng sinh y học sau này. Ví như hoà thượng Huyền Quý thời Càn Long nhà Thanh nhờ sự quan tâm chỉ giáo của sư phụ là hoà thượng Đồng Hỷ mà trở thành một nhà sư toàn tài đệ nhất. Thời trung niên, ông làm phương trượng, bản thân ông không những chú ý đến dưỡng sinh mà còn khuyến khích chúng tăng tu luyện trường thọ. Đối với bất cứ nhà sư nào, không phân biệt cao thấp, cứ đạt được tuổi cao niên là ông mời
đến thiền thất chúc mừng. Nhờ sự đề xướng của ông mà trong chùa Thiếu Lâm, ai ai cũng tu luyện trường thọ và số người nghiên cứu dưỡng sinh trong các sư tăng mỗi ngày một đông, những nhà sư cao tuổi cùng thời với ông lúc ấy đa phần sống quá 70 tuổi, số sư tăng sống trên trăm tuổi lên tới 10 người.
Những đặc điểm của phép trường thọ Thiếu Lâm tự
Thiếu Lâm tự là một trong những cội nguồn của võ thuật Trung Hoa. Giữa chốn rừng sâu núi thẳm, cảnh sắc đẹp như bồng lai tiên cảnh, cái đẹp của hoàn cảnh, cái trong lành của không khí, cái nô nức của võ nghệ, cái rộng rãi của y nghệ đã tạo nhiều điều kiện có lợi cho các sư tăng tập luyện để sống lâu và học hỏi phép dưỡng sinh.
Bí quyết y học hỗ trợ trường thọ
1- Nhập thiền dưỡng sinh pháp (phép dưỡng sinh bằng ngồi toạ thiền)
2- Thiện thực kiện tỳ pháp (phép bổ tỳ bằng thức ăn) 3- Dương quang chiếu thân pháp (phép tắm nắng) 4- Lãnh thuỷ dục thân pháp (phép tắm nước lạnh) 5- Hàn thử phong tục pháp (phép phơi nắng gió)
6- Khí công diện thọ pháp (phép kéo dài tuổi thọ bằng khí công)
7- Tẩu việt khinh thân pháp (phép chạy nhảy cho nhẹ cơ thể)
8- Ngạnh công tráng thể pháp (phép đánh tay vào vật rắn của Kim Cương)
9- Kim cương cổ thể pháp (phép tập cho cơ thể rắn chắc của Kim Cương)
10- Kim Cương diện thọ công (phép kéo dài tuổi thọ của Kim Cương)
11- Y mật diện thọ pháp (phép dùng thuốc để kéo dài tuổi thọ)
12- án ma lưu nội pháp (phép xoa bóp)
13- Võ thuật hiện thân pháp (phép luyện thân bằng võ thuật)
13 phép trên là do các sư tăng trong thực tiễn nghiên cứu lâu dài phép trường thọ, kế thừa các sơn môn tông phái, không ngừng tiếp thu những kinh nghiệm quí báu của các danh sư dưỡng sinh bên ngoài, rồi từng bước sáng lập thành loại dưỡng sinh trường thọ tổng hợp toàn pháp. Thực tiễn đã chứng
minh phương pháp này quả thật có hiệu quả tốt đối với chống dịch trừ bệnh, tăng cường sức khoẻ và tăng thêm tuổi thọ.
Phương pháp ăn uống của các sư tăng Thiếu Lâm tự?
Y học cổ đại Trung Hoa từ lâu đã chú ý đến mối quan hệ giữa ăn uống với sức khoẻ của con người. Có nguồn thức ăn mới có đủ khí huyết, tân dịch cần thiết cho sự sinh thành. Chất dinh dưỡng của thức ăn duy trì tình trạng sinh thái bình thường cho cơ thể, từ đó làm cho khí huyết lưu thông không ngừng, sự sống không dứt đoạn.
Thuỷ cốc tiêu hoá thức ăn là thứ cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho con người sau khi ra đời và cũng là cơ sở để sinh khí huyết. Nhưng sự chuyển hoá thức ăn lại do tỳ vị đóng vai trò chính bởi vậy người xưa gọi: “tỳ vị hậu thiên chi bổn”, “Tỳ vị khí huyết sinh hoá chi nguyên” (Tỳ là cội nguồn sinh ra khí huyết). Tóm lại, con người cần chú ý đến việc điều dưỡng tỳ vị, đến việc ăn uống hợp lý, làm cho chức năng chuyển hoá của tỳ vị được kiện toàn và làm cho khí huyết có thể chuyển hoá không ngừng.
Tăng y Bổn Lạc đời Minh, căn cứ vào lý luận của y học cổ truyền kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, quy nạp những kiến giải đặc sắc của dưỡng sinh mà định ra chế độ ba bữa ăn của các sư tăng và chế độ ăn uống khi ốm đau.
Bổn Lạc viết:
“Ngũ cốc quả hoa Thực dưỡng nguyên, Dược thảo uống vào tứ quí khang Ăn uống phải cần theo đúng cách Đời đời thủ tiết thọ bách niên”.
Ông cho rằng ăn uống phải theo đúng quy luật; thức ăn phải đa chủng đa dạng, phải tươi, ăn phải đúng giờ giấc, phải có chừng mực, không được phàm ăn tục uống, không nên quá nhiều hoặc quá ít, ăn uống cần theo mùa, có thực đơn và tuân thủ nghiêm ngặt.
Các sư tăng chùa Thiếu Lâm quy định nghiêm ngặt ba bữa ăn trong một ngày. Mọi người trong tu viện đều phải chấp hành.
Các sư tăng viết:
“Thiếu Lâm sư tăng ngày ba bữa Sáng thường cháo đặc hai bát đầy Trưa thì cháo loãng với bánh bột Chiều dùng nửa bát đúc trộn rau Sáng ăn bằng tám phần ăn trưa Bữa tối lại càng ít hơn nữa Bột trộn luôn luôn phải đổi bữa Ngô gạo chớ phí hoài nửa hạt Vào bữa đều phải chú tâm ăn Tức giận đừng đụng đến bát đũa Suốt năm phải kiêng thịt, rượu, thuốc Nếu ai sai phạm chùa đuổi cút”
Đã là sư tăng của chùa Thiếu Lâm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống của tu viện, sau ba
bữa ăn trong ngày, không được ăn vặt. Bữa ăn sáng vào lúc 6 giờ, mỗi người hai bát cháo đặc. Bữa trưa vào lúc 11 giờ 30, mỗi người mấy chiếc bánh bột và mấy bát cháo loãng. Bữa tối vào lúc 6 giờ chiều, mỗi người một bát rưỡi xúp đặc và một mẩu bánh bột.
Trong nội qui còn ghi rõ, bữa ăn sáng không được ăn no quá, bữa trưa cần ăn nhiều, bữa tối cần ăn ít.
Ngoài ra còn ghi thức ăn phải đa dạng, không đơn điệu, càng không được lãng phí từng hạt gạo. Sư sãi không được ăn thịt, không được uống rượu hút thuốc.
Với cá nhân tôi (Ngọc Trâm) sau 32 năm tu học (tính tới 2012)… tôi nhận thấy các buổi sáng… thực hành thiền Kundalini - thiền động kiểu tự do, là tốt nhất, một kiểu vận động cơ thể rất lý tưởng - cơ thể có tiếng nói riêng, bạn không nên là ai mà kiềm chế sự tự do thân thể … thiền Kundalini cho bạn trải nghiệm về vô ngã… nó làm cho bạn nhận ra bạn không là ai…và chỉ là những tiến trình…nó cũng làm cho định và niệm của bạn tăng trưởng rõ rệt và đem lại những cảm giác sảng khoái sung sướng cho mỗi người thực hành nó… cơ thể của bạn sẽ tự do vận động và luôn luôn biến dịch thích nghi với trạng thái thân tâm theo từng ngày…và mỗi mỗi giây phút bạn lại có thể kinh nghiệm trực tiếp về trạng thái thân tâm “ở đây và bây giờ” thì NÓ ra làm sao… năng lực thiền chỉ và thiền quán đều tăng trưởng rất mạnh.