Chương 2 Thực trạng pháp luật về thu hồi đất nông nghiệp
2.2. Quy định về thẩm quyền thu hồi đất
Nếu dẫn chiếu từ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì có thể thấy rằng thẩm quyền thu hồi đất được quy định tại Điều 44 Luật Đất đai năm 2003 cũng được thiết kế với logic tương tự.
Điều đó có nghĩa là:
- ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu hồi đất của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam;
- ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất và người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với đất ở tại Việt Nam.
Cũng như giao đất, cho thuê đất, các thẩm quyền về thu hồi đất không được phép uỷ quyền cho ủy ban nhân dân cấp dưới. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất phải thực hiện đúng thẩm quyền của mình. Như vậy, các thẩm quyền nói trên gắn với trách nhiệm trực tiếp của từng cấp chính quyền và nhất quán giữa thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với thẩm quyền thu hồi đất.
Với các quy định trên, việc thu hồi đất đã thể hiện rõ một nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước đối với đất đai đồng thời thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước ta trong việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất.
Nhà nước quyết định thu hồi đất và giao đất cho tổ chức phát triển quỹ đất do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập để thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và trực tiếp quản lý quỹ đất. Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án đối với các trường hợp đã có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Cơ quan có thẩm quyền thu
hồi đất thực hiện việc thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai thì đất đã thu hồi thuộc khu vực nông thôn được giao cho ủy ban nhân dân xã quản lý, thuộc khu vực đô thị và khu vực đã được quy hoạch để phát triển đô thị được giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý.
Đất dự án phát triển kinh tế thuộc diện Nhà nước thu hồi mà nhà đầu tư đề nghị và được ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho thực hiện theo phương thức tự thoả thuận với những người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng sau một trăm tám mươi (180) ngày, kể từ ngày có văn bản chấp thuận mà còn người sử dụng đất không đồng thuận với nhà đầu tư thì ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi diện tích đất mà nhà đầu tư chưa thoả thuận được với người sử dụng đất;
việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo qui định của pháp luật. ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất hoặc cho nhà đầu tư thuê đất đối với diện tích đã thu hồi.
Như vậy, nhìn từ thẩm quyền thu hồi đất cho thấy quan hệ pháp luật về thu hồi đất giữa Nhà nước và người sử dụng đất là một quan hệ mang tính chất hành chính. Nó được thể hiện ở việc cơ quan đại diện cho Nhà nước thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thu hồi đất chính là ủy ban nhân dân cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp tỉnh - là những cơ quan có thẩm quyền chung.
Cơ quan chuyên môn giúp việc cho ủy ban các cấp thực hiện hoạt động này là cơ quan Tài nguyên - môi trường, đến nay có thêm Ban giải phóng mặt bằng.
Như vậy, các cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất ở đây chính là các cơ quan hành chính. Với vai trò là cơ quan hành chính thực hiện các công việc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan quản lý đất đai nói trên đều mang quyền lực nhà nước khi thiết lập quan hệ pháp luật về thu hồi đất
với người sử dụng đất. Hơn nữa, Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai tiến hành thu hồi đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi có Quyết định thu hồi đất. Quyết định thu hồi đất là một quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai. Vì vậy, quan hệ pháp luật về thu hồi đất giữa Nhà nước và người sử dụng đất là quan hệ mang tính hành chính.