Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM
2.1. Hợp đồng điện tử
Theo quy định của hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới cũng như của pháp luật Việt Nam, hợp đồng có thể được giao kết miệng hoặc bằng văn bản. Điều 401, Bộ luật Dân sự hiện hành của Việt Nam quy định hình thức hợp đồng dân sự như sau: "Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định" [37].
Pháp luật các nước và các công ước quốc tế đều quy định một số giao dịch nhất định phải được thực hiện bằng văn bản hoặc một số thông tin nhất định phải thể hiện dưới hình thức văn bản. Hình thức văn bản được yêu cầu với rất nhiều lý do khác nhau như: đối tượng của giao dịch là nhà ở, tài sản có đăng ký, hợp đồng bảo hiểm... Nếu như yêu cầu này là điều kiện để một hợp
đồng có giá trị về mặt pháp lý thì việc không tuân theo quy định đó sẽ làm cho giao dịch này trở thành vô hiệu. Mặt khác, nếu hình thức văn bản được yêu cầu nhằm mục đích chứng cứ thì việc không có văn bản nói chung sẽ không ảnh hưởng tới giá trị pháp lý của hợp đồng nhưng lại ảnh hưởng tới khả năng bảo vệ lợi ích của các bên khi có tranh chấp. Tuy nhiên, pháp luật trong nước cũng như pháp luật quốc tế thường dẫn chiếu "văn bản" hoặc "tài liệu" mà không đưa ra một định nghĩa về thuật ngữ này. Trong trường hợp đó, giả thiết rằng một văn bản tài liệu do người soạn thảo tạo nên như là một dạng thể hiện duy nhất có thể. Quy định hình thức văn bản là điều kiện có giá trị pháp lý cho các giao dịch thương mại đã trở thành một trở ngại đối với sự phát triển của thương mại điện tử. Các tệp dữ liệu điện tử sẽ không thể được sử dụng để hoàn tất một giao dịch hợp pháp khi nào mà quy định này vẫn còn chưa được sửa đổi cho phù hợp.
Trong các giao dịch thương mại điện tử, các bên tham gia giao dịch đều sử dụng các hình thức liên lạc điện tử có thể (e-mail, fax., Internet...) tức là hoàn toàn dựa vào phương thức trao đổi dữ liệu để khẳng định việc giao kết và đôi thi là cả thực hiện hợp đồng . Điều này tận dụng được thế mạnh của công nghệ thông tin vào thương mại đồng thời đẩy nhanh các giao dịch thương mại, tiết kiệm cho các bên tham gia giao dịch điện tử các chi phí do việc đi lại, vận chuyển... Trên thực tế tồn tại các loại hình hợp đồng điện tử sau:
+ Hợp đồng truyền thống được đưa lên trang web như hợp đồng đăng ký sử dụng dịch vụ Internet, điện thoại; hợp đồng tư vấn; hợp đồng du lịch; hợp đồng vận tải... Đặc trưng của dạng hợp đồng này là các nội dung được quy định sẵn và người mua chấp nhận bằng cách "nhấn chuột" vào biểu tượng đồng ý.
+ Hợp đồng điện tử hình thành qua các thao tác click, browse, typing.
Ví dụ: Hợp đồng mua sách qua mạng trên trang web http://www.amazon.com
+ Hợp đồng điện tử được hình thành qua nhiều giao dịch bằng email:
Dạng hợp đồng này phổ biến trong các giao dịch thương mại.
+ Hợp đồng điện tử được hình thành qua máy fax, máy điện thoại (đối với máy điện thoại thông thường là các giao dịch không thành văn bản)...
+ Hợp đồng điện tử ký qua các sàn giao dịch điện tử, hợp đồng sử dụng chữ ký số.
Nhìn chung hợp đồng điện tử (ngoại trừ các hợp đồng điện tử bằng các phương tiện Fax, điện thoại, e-mail) thường được kết cấu làm hai phần:
công cụ chào và công cụ chấp nhận.
Bên A Bên B Nội dung Điều 1.
Điều 2.
…..
Tôi đồng ý
Công cụ chào là cách người đề xuất mời người chấp nhận tham gia vào một hợp đồng điện tử. Nhờ vào đó mà một bên chào tham gia vào mối quan hệ hợp đồng thương mại bằng các phương tiện điện tử và gửi cho bên kia, hoặc sắp đặt để bên kia có, các điều khoản mang theo đó công cụ chào được chuẩn bị để thực hiện. Công cụ này cũng có thể được một số người nhận sử dụng bằng cách họ thấy các điều khoản ban đầu đưa ra không thể chấp nhận được và gửi một công cụ chào mới cho người gửi đầu tiên cùng với những thay đổi được đề nghị. Công cụ chào phải được chấp nhận bằng cách bên nhận gửi các công cụ chấp nhận đã được điền đầy đủ và được bên đề xuất nhận được vào khoảng thời gian đã được mặc định hoặc trong khoảng thời gian mà các bên thỏa thuận. Nếu công cụ chào nhận được trong khoảng thời gian quy định và đầy đủ các dự liệu cần thiết thì hợp đồng điện tử được xem là đã giao kết.
Công cụ chấp nhận được đệ trình bởi người chấp nhận các điều khoản đã được đề nghị trong công cụ chào nếu như các điều khoản này được chấp nhận. Các bên có thể chọn tham gia vào đàm phán về nội dung của hợp đồng điện tử trước khi chuyển công cụ chào dưới hình thức cả hai bên có thể chấp nhận được và ghi lại được các điều khoản đã thống nhất.
Quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên tham gia giao dịch trực tuyến đối với các hàng hoá, dịch vụ chỉ có thể được bảo đảm và được bảo vệ bởi pháp luật khi mà giá trị pháp lý của các hợp đồng điện tử được pháp luật thừa nhận.
Các công ước quốc tế được thông qua trong những năm gần đây không chứa đựng các quy định yêu cầu bắt buộc về hình thức, như yêu cầu về hình thức "văn bản" hoặc chữ ký tay mà đã chấp nhận giá trị pháp lý của các tệp thông tin điện tử. Công ước của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 1980, đặc biệt quy định "một hợp đồng mua bán không cần phải được
giao kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay phải tuân thủ một yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng lời khai của nhân chứng" (Điều 11). Một số công ước như Quy tắc Hăm Buốc (Hamburg) và Công ước vận chuyển đa phương thức quy định một khái niệm mở và rất đa diện về "văn bản" gồm cả telegram và telex [51], [52].
Tương tự như vậy, theo Công ước của UNIDROIT về Bao tiêu nợ quốc tế 1988, khái niệm "thông báo bằng văn bản" gồm nhưng không giới hạn bởi:
telegram, telex và bất kỳ hình thức viễn thông nào có thể được tái chế bản dưới dạng hữu hình [35, Điều 1 (4)(b)].
Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL, Điều 11 quy định:
Đối với việc giao kết hợp đồng, trừ khi có sự đồng ý của các bên, một đề nghị giao kết và sự chấp nhận đề nghị đó có thể được thể hiện qua phương thức tệp dữ liệu. Nếu một tệp dữ liệu được sử dụng trong giao kết hợp đồng thì hợp đồng đó sẽ không bị chối bỏ về giá trị và khả năng thi hành mà chỉ dựa trên cơ sở một tệp dữ liệu được sử dụng cho mục đích trên [55].
Với sự ra đời của Luật Thương mại năm 2005 và luật Giao dịch điện tử năm 2005, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận sự tồn tại và giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử và các thông điệp dự liệu. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 đã tạo ra các cơ sở pháp lý cơ bản đối với các giao dịch thương mại điện tử. Theo Luật Giao dịch điện tử năm 2005, khái niệm "Hợp đồng điện tử" được hiểu là "hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này" [35, Điều 4, Điều 33].
Theo đó, "thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử" và "thông tin trong thông điệp dữ
liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu" [35].
Khái niệm "hợp đồng thương mại điện tử" trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 mới chỉ để cập đến hình thức dữ liệu điện tử của văn bản chứ chưa định nghĩa rõ bản chất của một hợp đồng thương mại. Liên hợp quốc và Ủy ban Kinh tế Châu Âu đã đưa ra khái niệm về hợp đồng điện tử như sau: Hợp đồng thương mại điện tử, dưới đây gọi là E-agreement (Hợp đồng thương mại điện tử), nhằm đáp ứng các yêu cầu của các đối tác thương mại điện tử giữa các doanh nghiệp. Hợp đồng bao gồm các điều khoản cơ bản có thể đảm bảo rằng một hay nhiều giao dịch thương mại điện tử (dưới đây gọi là E-Transaction), sau này có thể được ký kết giữa các đối tác thương mại trong khuôn khổ pháp lý cho phép.
Hợp đồng thương mại điện tử có thể được sử dụng cho một giao dịch thương mại điện tử nhưng cũng có thể dùng cho nhiều giao dịch thương mại điện tử cùng loại. Nội dung hợp đồng thương mại điện tử có thể được cố định bởi bên chào nhưng cũng có thể là dạng lựa chọn bằng việc bên chào đưa ra một số thông điệp dữ liệu sẵn có và bên mua có quyền lựa chọn một hoặc một số trong các thông điệp dự liệu sẵn có mà bên chào đã đưa ra. Tuy nhiên, một hợp đồng thương mại điện tử chỉ có thể có hiệu lực pháp lý khi nó được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia thừa nhận giá trị pháp lý của nó. Điều 6 của Luật mẫu về thương mại điện tử của UNCITRAL quy định: "Khi pháp luật yêu cầu thông tin cần ở dạng văn bản, thì một tệp dữ liệu đáp ứng được yêu cầu này nếu thông tin trong đó có thể truy cập được để có thể tham khảo sử dụng sau đó" [55]. Pháp luật nhiều quốc gia cũng đã thừa nhận và quy định hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như một hợp đồng bằng văn bản. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 của nước ta quy định: "Thông tin trong thông
điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu" [35].
Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu được luật thừa nhận cụ thể ở các khía cạnh sau:
- Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản:
Hình thức văn bản được yêu cầu với rất nhiều lý do khác nhau như là điều kiện để một hợp đồng có giá trị về mặt pháp lý hay bảo vệ lợi ích của các bên khi có tranh chấp. Hầu hết các nước và công ước quốc tế đều chứa đựng các quy định yêu cầu một số giao dịch nhất định phải được thực hiện dưới hình thức văn bản hoặc một số thông tin nhất định phải thể hiện dưới hình thức văn bản. Điều 11 Luật mẫu về thương mại điện tử quy định:
Đối với việc giao kết hợp đồng, trừ khi có sự đồng ý của các bên, một đề nghị giao kết và sự chấp nhận đề nghị đó có thể được thể hiện qua phương thức tệp dữ liệu. Nếu một tệp dữ liệu được sử dụng trong giao kết hợp đồng thì hợp đồng đó sẽ không bị chối bỏ về giá trị và khả năng thi hành mà chỉ dựa trên cơ sở một tệp dữ liệu được sử dụng cho mục đích trên [55].
Trong Luật Thương mại Việt Nam, hầu hết các quy định về hợp đồng đối với các hành vi thương mại đều yêu cầu hợp đồng phải được giao kết bằng văn bản như hợp đồng đại lý, hợp đồng đại diện cho thương nhân, hợp đồng môi giới, hợp đồng gia công… Riêng với hợp đồng mua bán hàng hóa, quy định hợp đồng mua bán hàng hóa có thể được giao kết bằng lời nói, hành vi cụ thể hoặc bằng văn bản, trong đó điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác cũng được coi là hình thức văn bản. Luật Thương mại năm 2005 đã thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp dữ liệu như là văn bản.
Để xác định được giá trị pháp lý của các cam kết thương mại điện tử, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý đối với một hợp đồng thương mại điện tử: "Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu" [35]
và "Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết" [35]. Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông tin dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông tin bằng phương pháp truyền thống. Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết. Luật Thương mại năm 2005 nhấn mạnh: "Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật" [34, Điều 3.15].
Luật Kế toán năm 2003 cũng đã quy định khá cụ thể về hình thức điện tử của chứng từ kế toán. Điều 18 Luật Kế toán thừa nhận giá trị pháp lý của hình thức chứng từ kế toán điện tử nếu đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật như: thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hoá mà không bị thay đổi nhưng quá trình truyền gửi qua máy tính hoặc trên các vật mang tin. Điều 19 và Điều 20 cũng quy định khá rõ về việc lập chứng từ điện tử và đòi hỏi phải có chữ ký điện tử đối với các chứng từ điện tử. Điều 21 thừa nhận hình thức hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Việc thừa nhận các thông điệp dữ liệu có giá trị tương đương với văn bản đã tạo điều kiện cho sự tồn tại giá trị pháp lý của các hợp đồng điện tử đối với các giao dịch mà pháp luật Việt Nam quy định bắt buộc về hình thức hợp
thương mại quốc tế và phù hợp với xu thế phát triển của pháp luật quốc tế.
Tuy nhiên, một số luật của Việt Nam vẫn chưa thực sự tin tưởng hoàn toàn vào các chứng từ điện tử. Luật Kế toán vẫn đưa ra đòi hỏi phải lưu trữ bản in ra giấy của chứng từ điện tử. Ngoài ra, do chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể về các khía cạnh kỹ thuật trong soạn thảo, xử lý, mã hóa, lưu trữ chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử nên việc sử dụng chứng từ điện tử trong các nghiệp vụ kế toán vẫn ít được thực hiện. Mặt khác, hóa đơn, chứng từ kế toán được sử dụng trong nhiều mối quan hệ rộng hơn hoạt động kế toán như thương mại (hóa đơn sử dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ), quản lý nhà nước trong những lĩnh vực khác nhau (hành chính, đầu tư, ngân hàng…), vì vậy quy định về chứng từ điện tử trong Luật Kế toán chưa đủ tầm bao quát.
Các hạn chế trên giới hạn khả năng áp dụng của Luật Kế toán.
- Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc:
Yêu cầu về một thông tin hay tài liệu nhất định được thể hiện dưới dạng bản gốc cũng là một trở ngại cho sự phát triển của thương mại điện tử.
Thêm vào đó, khái niệm "văn bản", "chữ ký", "bản gốc" có mối quan hệ chặt chẽ. Bản gốc có thể được yêu cầu để đảm bảo tính nguyên vẹn của một tài liệu và thông tin được thể hiện trong một tài liệu đã không bị thay đổi. Đối với các tài liệu về quyền sở hữu và giấy tờ có giá, như vận đơn, khi quyền đi liền với việc chiếm hữu tài liệu đó, thì điều cơ bản là đảm bảo được rằng bản gốc ở trong tay của người có quyền sở hữu hàng hóa thể hiện trong đó.
Trong môi trường điện tử, sự khác biệt giữa bản gốc và bản sao là do con người tạo ra. "Nếu một tệp dữ liệu được truyền từ một máy tính tới một máy tính khác thì một chuỗi ký hiệu có thể được gọi là bản gốc và một bản sao là không thể phân biệt được" [53, Điều 4 (4)]. Điều cơ bản trong một ngữ cảnh điện tử là một tệp dữ liệu được một người cụ thể tạo ra đã không bị thay đổi; hay nói cách