Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM
2.3. Các vấn đề pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng điện tử
2.3.4. Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng điện tử
Tranh chấp là điều không thể tránh khỏi trong các giao dịch thương mại. Cùng với một cách thức tiến hành giao dịch thương mại mới thuận lợi hơn và nhanh chóng hơn thì các tranh chấp không thể tránh khỏi. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định: "Tranh chấp trong giao dịch điện tử là tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch bằng phương tiện điện tử" [35].
Để có thể giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử, người ta cần phải xác định được hai vấn đề cơ bản là hệ thống pháp luật nào được sử dụng để điều chỉnh hợp đồng đang tranh chấp đó; và hệ thống pháp luật nào, cơ quan tố tụng nào sẽ thực hiện các hoạt động tố tụng giải quyết tranh chấp.
Hợp đồng điện tử giữa các cá nhân, pháp nhân Việt Nam được thực hiện trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, chắc chắn luật điều chỉnh hợp đồng, luật tố tụng và cơ quan giải quyết các tranh chấp phát sinh hay liên quan đến hợp đồng điện tử đó là pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều này được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Thương mại năm 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 của nước ta.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hợp đồng điện tử là các hợp đồng điện tử xuyên quốc gia bởi lẽ trong các hợp đồng đó tồn tại các yếu tố nước ngoài như: một trong bên mua hoặc bên bán là người nước ngoài, hàng hoá, dịch vụ
được cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam, hoặc được cung cấp tại một nước thứ ba, ngân hàng thanh toán là ngân hàng nước ngoài hay máy chủ của một trong các bên tham gia giao dịch được đặt tại nước ngoài... Đồng thời trong thương mại điện tử qua môi trường Internet, hợp đồng điện tử được hình thành giữa các bên thường thông qua các công cụ chào và công cụ chấp nhận điện tử mà không có hoặc không thỏa thuận trước hệ thống pháp luật được lựa chọn để điều chỉnh hợp đồng điện tử đó. Do đó, với thương mại điện tử, một giao dịch có thể được điều chỉnh bởi rất nhiều hệ thống pháp luật khác nhau.
Mỗi hệ thống pháp luật khác nhau lại có những quy định khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa của mỗi quốc gia. Vậy sẽ lựa chọn hệ thống pháp luật nước nào để điều chỉnh các hợp đồng điện tử khi giải quyết các tranh chấp xảy ra?
Liên quan tới lựa chọn luật điều chỉnh trong thương mại điện tử đã có không ít các ý kiến khác nhau. Chọn luật điều chỉnh là quyền của các bên tham gia trong hợp đồng, tuy nhiên khi thực hiện quyền này các bên đều phải tuân theo những nguyên tắc nhất định của mỗi hệ thống pháp luật quốc gia mà người đó là công dân, cũng như các nguyên tắc lựa chọn luật áp dụng như luật nơi giao kết, luật nơi thực hiện, luật nơi cư trú… Đa số các quốc gia đều có các quy tắc hướng dẫn việc lựa chọn luật áp dụng nhưng hai quy tắc sau đây được pháp luật các quốc gia sử dụng nhiều nhất là: (i) luật của nước người bán; hoặc (ii) luật nơi ký kết hợp đồng (nhưng bản thân việc xác định địa điểm ký kết hợp đồng trong thương mại điện tử cũng rất khó khăn). Ngoài ra pháp luật quốc tế cũng quy định các nguyên tắc xác định luật áp dụng cho các giao dịch thương mại quốc tế như Công ước Viên ngày 11/04/1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán quốc tế, những nguyên tắc pháp lý thống nhất về hợp đồng thương mại quốc tế năm 1994 (UNIDROIT).
Pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia đều thừa nhận và tôn trọng nguyên tắc tự do lựa chọn luật điều chỉnh hợp đồng của các bên tham gia hợp đồng. Điều đó có nghĩa là các bên tham gia giao dịch hợp đồng đều có quyền thỏa thuận để lựa chọn hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng vào hợp đồng của mình.
Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định rõ về phạm vi điều chỉnh là các hành vi thương mại tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đối tượng áp dụng là thương nhân hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Pháp lệnh Trọng tài Thương mại số 08/2003/PL-UBTVQH11 ngày 25/02/2003 quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp như sau:
+ Đối với vụ tranh chấp giữa các bên Việt Nam, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
+ Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
+ Trong trường hợp các bên không lựa chọn được pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định.
Bộ luật Dân sự năm 2005 của nước ta cũng đã tôn trọng và khẳng định nguyên tắc tự do lựa chọn, tự do ý chí của các chủ thể tham gia hợp đồng, đồng thời trong các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng thừa nhận: "Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" [37, Điều 759]. Bộ luật Dân sự quy định nguyên
tắc lựa chọn luật áp dụng đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác;
+ Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy nhiên, quy định này vẫn dễ dẫn đến tình trạng xung đột luật trong thương mại điện tử. Ví dụ như người mua hàng hoá, dịch vụ ở Việt Nam, người cung cấp hàng hoá, dịch vụ ở Nhật, nhưng bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ lại sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Mỹ. Trong trường hợp như vậy có tới ba hệ thống pháp luật có thể được áp dụng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa người mua và người bán. Nếu các bên không có sự thỏa thuận trước hoặc pháp luật Việt Nam không có những quy định cụ thể mang tính linh hoạt thì vấn đề chọn luật điều chỉnh sẽ trở nên vô cùng phức tạp.
Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại điện tử giữa các bên được khuyến khích thông qua thương lượng, hòa giải. Nếu không được, thủ tục giải quyết sẽ tuân theo quy định của pháp luật hiện hành. Vấn đề đặt ra là áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp như thế nào là hợp lý trong thương mại điện tử vì thương mại điện tử không bị giới hạn về lãnh thổ địa lý. Do đó, cần xác định cụ thể các tranh chấp. Nếu các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng giao kết, thực hiện tại Việt Nam hoặc có các chủ thể tham gia là cá nhân, pháp nhân Việt Nam hoặc các bên lựa chọn hệ thống tố tụng hoặc trọng tài của Việt Nam là cơ quan giải quyết tranh chấp, bất đồng thì sẽ được giải quyết bởi cơ quan
trọng tài hoặc tòa án có thẩm quyền của Việt Nam. Luật Thương mại năm 2005 quy định các tranh chấp thương mại, có thể được giải quyết thông qua các hình thức sau:
+ Thương lượng giữa các bên;
+ Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận lựa chọn làm trung gian hòa giải;
+ Giải quyết bằng trọng tài;
+ Giải quyết bằng tòa án.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tòa án Việt Nam được xét xử các tranh chấp dân sự, thương mại trên toàn lãnh thổ Việt Nam; giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà các bên thỏa thuận lựa chọn hoặc trong các trường hợp được pháp luật quy định. Trọng tài thương mại Việt Nam được giải quyết các tranh chấp thương mại do các bên tham gia hợp đồng lựa chọn. Nếu các tranh chấp đó có yếu tố nước ngoài (như chủ thể giao dịch là người nước ngoài, địa điểm giao kết là nước ngoài...) thì cần căn cứ vào thỏa thuận đã có của các bên trong hợp đồng điện tử hoặc giải quyết tranh chấp theo các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Trường hợp các bên không thỏa thuận trong hợp đồng điện tử về việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp thì việc lựa chọn cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết sẽ rất khó khăn.
Thông thường các bên tham gia giao dịch sẽ dựa vào các nguyên tắc của hệ thống nước mình hướng dẫn về việc xác định cơ quan có thẩm quyền tố tụng các tranh chấp thương mại, dân sự nhưng khi hai hệ thống pháp luật của hai quốc gia có xung đột về mặt hướng dẫn nguyên tắc lựa chọn thì việc lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật quốc tế và các thông lệ quốc tế. Thực tế thương mại quốc tế chỉ ra rằng, việc lựa chọn áp dụng các điều khoản trọng tài là một nhu cầu thực tế thường xảy ra vì
nó tránh được việc khởi kiện lên tòa án quốc gia và việc thực thi các quy định quốc gia về thủ tục xét xử, điều mà ít nhất một trong các bên không thành thạo. Phương thức trọng tài là phương thức đã được quốc tế công nhận. Công ước New York năm 1958 về việc công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài cũng đã được hơn 120 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phê chuẩn và chấp nhận áp dụng. Do đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp, vấn đề thi hành các phán quyết và quyết định của các cơ quan giải quyết tranh chấp là những khó khăn không nhỏ đối với giao dịch thương mại điện tử và cần được pháp luật quy định cụ thể hơn. Với những vấn đề pháp lý được đặt ra trên đây, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đang tích cực xây dựng các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung cũng như ban hành các đạo luật mới nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của thương mại điện tử trong phạm vi mỗi quốc gia cũng như để đáp ứng được các yêu cầu chung mang tính thống nhất trong một môi trường phi biên giới. Gần đây một dự thảo công ước về quyền phán xét và xét xử đối ngoại đối với các vụ việc dân sự và thương mại đã được hội nghị Hague về tư pháp quốc tế (tháng 10/1999) nghiên cứu và dự thảo quy chế Châu Âu ngày 14/7/1999 về quyền xét xử tranh chấp cũng đã được đệ trình lên Hội đồng Châu Âu.