Xác định thời điểm giao kết hợp đồng

Một phần của tài liệu Pháp luật về hợp đồng điện tử ở Việt Nam Luận văn Ths. Luật học (Trang 44 - 48)

Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM

2.2. Giao kết hợp đồng điện tử

2.2.2. Xác định thời điểm giao kết hợp đồng

Thời gian và địa điểm giao kết hợp đồng có mối quan hệ chặt chẽ với thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Xác định được thời gian và địa điểm giao kết hợp đồng sẽ giúp cho các bên ký kết trong quá trình thực hiện hợp đồng cũng thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp sau này. Đối với hợp đồng kinh tế, hợp đồng được coi là đã hình thành và có hiệu lực pháp lý từ thời điểm các bên đã ký vào văn bản hoặc từ khi các bên nhận được tài liệu giao dịch thể hiện sự thỏa thuận về tất cả những điều khoản chủ yếu của hợp đồng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại, pháp luật quy định:

Hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là đã ký kết kể từ thời điểm các bên có mặt ký vào hợp đồng. Trong trường hợp các bên không cùng có mặt để ký hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hóa được coi là đã ký kết kể từ thời điểm bên chào hàng nhận được thông báo chấp nhận toàn bộ các điều kiện đã ghi trong chào hàng trong thời hạn trách nhiệm của người chào hàng [34, Điều 55].

Với những hợp đồng giao kết trên trên mạng, việc xác định thời gian và địa điểm giao kết hợp đồng rất khó phân định nếu không có những quy định chung thống nhất về thời điểm gửi và nhận tệp dữ liệu hoặc các thông tin điện tử. Hình thức thể hiện của các hợp đồng điện tử đó chính là các thông điệp dữ liệu hay nói cách khác các thông điệp dữ liệu là hình thức thể hiện của hợp đồng điện tử. Hợp đồng được thiết lập thông qua cách một bên đưa ra lời chào hàng và một bên chấp nhận lời chào hàng đó. Hợp đồng thương mại điện tử sẽ có hiệu lực pháp lý ngay mà không cần thiết phải có bất kỳ một thủ tục nào khác và như vậy việc xác định thời điểm giao kết đồng điện tử sẽ căn cứ vào thời điểm nào trong quy trình gửi và nhận thông điệp dữ liệu giữa người khởi tạo thông điệp dữ liệu và người nhận thông điệp dữ liệu?

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo. Trên thực tế với đặc thù của mạng Internet toàn cầu, người gửi thông điệp dữ liệu có thể đang hiện diện tại một nơi và máy chủ (server) của người gửi được đặt tại một nơi khác thì việc xác định thời điểm gửi thông điệp dự liệu phải được xác định như thế nào? Là thời điểm thông điệp dữ liệu ra khỏi máy tính cá nhân của người gửi hay là thời điểm ra khỏi máy chủ của người gửi? Với quy định của Luật Giao dịch

điện tử năm 2005, thời điểm gửi phải được xác định là thời điểm thông điệp dữ liệu ra khỏi hệ thống máy chủ của người gửi.

Thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định trong trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận.

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào đề cập đến vấn đề thời điểm nào để xác định giao kết hợp đồng điện tử. Tuy nhiên xét về bản chất, các giao dịch điện tử là các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, do đó các quy định chung của pháp luật Việt Nam về giao kết hợp đồng phải được áp dụng. Đối chiếu với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và theo tinh thần của Luật Giao dịch điện tử, các trường hợp được coi là thời điểm giao kết hợp đồng điện tử là:

+ Khi người gửi thông điệp dữ liệu đầu tiên nhận được thông tin xác nhận của người nhận thông điệp dữ liệu, tức là khi thông điệp dữ liệu phản hồi được gửi ra khỏi hệ thống kiếm soát của người gửi (thường áp dụng với dạng hợp đồng điện tử "click" tức là nhấp chuột vào ô chấp thuận).

+ Hợp đồng dân sự cũng được xem như là đã giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.

+ Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

+ Thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Tuy nhiên, đối với trường hợp xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của khoản 2 Điều 104, Bộ luật Dân sự là: "Hợp đồng dân sự cũng được xem như là đã giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết" [37], khi áp dụng đối với dạng hợp đồng điện tử sẽ phải có một số loại trừ sau:

a. Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo đã tuyên bố thông điệp dữ liệu đó chỉ có giá trị khi có thông báo xác nhận thì thông điệp dữ liệu đó được xem là chưa gửi cho đến khi người khởi tạo nhận được thông báo của người nhận xác nhận đã nhận được thông điệp dữ liệu đó;

b. Trường hợp người khởi tạo đã gửi thông điệp dữ liệu mà không tuyên bố về việc người nhận phải gửi thông báo xác nhận và cũng chưa nhận được thông báo xác nhận thì người khởi tạo có thể thông báo cho người nhận là chưa nhận được thông báo xác nhận và ấn định khoảng thời gian hợp lý để người nhận gửi xác nhận; nếu người khởi tạo vẫn không nhận được thông báo xác nhận trong khoảng thời gian đã ấn định thì người khởi tạo có quyền xem là chưa gửi thông điệp dữ liệu đó.

Điều này nhằm bảo vệ lợi ích của các bên tham gia hợp đồng điện tử trong các trường hợp bất trắc có thể phát sinh như lội của hệ thống mạng lưới truyền dẫn.

Trên thực tiễn, các hợp đồng điện tử đều được thực hiện trên môi trường điện tử, phụ thuộc nhiều vào thiết bị điện tử và mạng lưới truyền dẫn. Do đó, việc phát sinh lỗi kết nối hoặc lỗi kỹ thuật là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo quy định của pháp luật, bên nhận có quyền coi mỗi thông điệp nhận được như là những thông điệp riêng và tiến hành xử lý thông điệp dựa trên sự thừa nhận

thông điệp đó. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định trường hợp người nhận đã nhận được thông báo về lỗi liên lạc hoặc ngay cả khi người nhận buộc phải nhận thức được rằng có hiện tượng lỗi xảy ra, thì người nhận không có quyền coi đó là thông điệp nhận được đúng với điều mà người gửi định gửi (ví dụ, trường hợp thông điệp dữ liệu đó là bản sao của thông điệp dữ liệu khác). Các bên tham gia hợp đồng điện tử phải có trách nhiệm thông báo cho nhau nếu lỗi kỹ thuật hay có bất kỳ nghi ngờ nào về lỗi kỹ thuật phát sinh.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hợp đồng điện tử ở Việt Nam Luận văn Ths. Luật học (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)