Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM
2.2. Giao kết hợp đồng điện tử
2.2.5. Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử
Chữ ký hoặc các hình thức chứng thực khác (như điểm chỉ) là yêu cầu phổ biến để tạo nên đặc điểm của bên ký kết và ràng buộc họ với nội dung của tài liệu. Hình thức chứng thực phổ biến nhất theo yêu cầu của pháp luật là chữ ký tay và yêu cầu về chữ ký của các bên trong quan hệ hợp đồng thường được đặt ra khi được thực hiện bằng văn bản. Chúng ta thường hiểu chữ ký theo yêu cầu của pháp luật là chữ ký tay của một cá nhân, người có thẩm quyền giao kết hợp đồng. Chữ ký tay là dấu hiệu cá thể hóa của bên tham gia ký kết hợp đồng. Trong doanh nghiệp, chữ ký tay của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp phải được đăng ký và thông báo tới cơ quản quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Các cuộc nghiên cứu do nhiều tổ chức như UNCITRAL và Ủy ban châu Âu thực hiện đã chỉ rõ rằng những yêu cầu về mặt pháp lý đối với chữ ký trên tài liệu được sử dụng trong thương mại quốc tế được coi là trở ngại chính cho sự phát triển thương mại điện tử. Thực tế là yêu cầu này liên quan chặt chẽ với việc sử dụng tài liệu trên giấy tờ truyền thống và chính bản thân nó đã tạo nên rào cản cho việc sử dụng phương tiện điện tử. Những yêu cầu của pháp luật hiện hành về chữ ký, nếu đem áp dụng để điều chỉnh các hợp đồng kinh tế, thương mại thực hiện trên mạng sẽ không thể đáp ứng được và sẽ làm cho các hợp đồng đó không có hiệu lực. Do vậy, các nước cũng như các tổ chức thương mại quốc tế đã có các cố gắng nhằm khuyến khích sửa đổi yêu cầu bắt buộc trong pháp luật quốc gia và quốc tế đối với chữ ký tay bằng việc thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Một số các tổ chức đã khuyến nghị:
Các chính phủ và các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về các thỏa thuận đa phương nghiên cứu quy định quốc gia và quốc tế
thể hiện các yêu cầu đối với chữ kỹ trên các tài liệu cần thiết trong thương mại quốc tế và xem xét việc sửa đổi những quy định này để các thông tin chứa đựng trong đó có thể được chuẩn bị và truyền đi bằng các phương tiện điện tử hoặc phương thức truyền dữ liệu tự động khác, và các yêu cầu về chữ ký có thể được đáp ứng qua việc chứng thực có bảo đảm bằng các phương tiện sử dụng trong truyền dẫn [65].
Trong thương mại quốc tế, các quy định về chữ ký đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn phát triển công nghệ thông tin. Người ta đã thừa nhận giá trị pháp lý của các hình thức chứng thực điện tử như dán tem, đột lỗ hoặc fax, hoặc bằng phương tiện điện tử khác... Ví dụ, Quy tắc Hambourg nêu "chữ ký trên vận đơn có thể là viết tay, in trên fax, đột lỗ, dán tem, bằng ký hiệu, hoặc bằng bất kỳ phương tiện hóa học hay điện tử, nếu không trái với pháp luật của nước nơi phát hành vận đơn" [53, Điều 4 (4)]. Công ước về Trách nhiệm của Nhà khai thác cảng vận chuyển lại có cách tiếp cận khác, nó cho phép chữ ký theo yêu cầu được thể hiện dưới dạng "chữ ký tay", bản fax hoặc một dạng chứng thực tương đương của nó thực hiện bằng phương tiện điện tử [53, Điều 4].
Vấn đề chữ ký đã dành được sự quan tâm của rất nhiều các tổ chức chuyên môn về công nghệ kỹ thuật cũng như các cơ quan lập pháp. Nhiều nước đã thừa nhận chữ kỹ điện tử và quy định vào luật pháp nước mình thành một đạo luật riêng biệt hoặc là bổ sung các điều khoản quy định về loại hình chữ ký mới.
Thông thường, để chuyển thông điệp từ người gửi đến người nhận được bí mật, không bị sửa chữa đến tay người nhận phải mã hóa chúng theo một nguyên tắc nào đó trước khi gửi đi, nguyên tắc này gọi là khóa mã. Chữ ký điện tử là sự kết hợp giữa khóa mã riêng và dữ liệu cần mã hóa bằng công nghệ số. Với sự ra đời của chữ ký điện tử (hay còn gọi là chữ ký kỹ thuật số), một cách
thức mới để cá thể hóa bên ký kết ra đời, các yêu cầu về chữ ký theo quy định của pháp luật đối với các hợp đồng truyền thống vẫn có thể được đáp ứng nếu pháp luật có các quy định thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử.
Tại Việt Nam, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là cơ sở pháp lý tối cao nhất hiện nay thừa nhận sự tồn tại cũng như giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 quy định chi tiết thi hành luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Quyết định của Bộ Thương mại số 25/2006/QĐ-BTM ngày 25/7/2006 về việc ban hành quy chế sử dụng chữ ký số; Quyết định của Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) số 20/2007/QĐ-BBCVT ngày 19/6/2007 về việc ban hành Mẫu Quy chế chứng thực chữ ký số... cũng là nền tảng pháp lý quan trọng để chữ ký điện tử được triển khai trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, thương mại. Điều 21, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định:
Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lôgíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký [35].
Trên thực tế, chữ ký điện tử được sử dụng nhiều nhất và an toàn nhất là chữ ký số. Nghị định số 26/2007 NĐ-CP ngày 15 tháng 2 năm 2007 quy định: Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng theo đó người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khoá công khai của người ký có thể xác định được chính xác: việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí
mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa; sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.
Chữ ký số cho phép người nhận thư biết được người ký thư thông qua sự can thiệp của người thứ ba đáng tin cậy, được biết đến như người làm chứng. Người ký thư gửi một cặp khóa lệch, một khóa riêng được giữ kín giữa người ký thư và người làm chứng và một cái khóa chung cho phép người nhận chứng thư có thể kiểm tra qua người làm chứng để biết rằng chữ ký đó của đúng người có chìa khóa riêng đó. Người làm chứng tạo và và ký một chứng chỉ bằng số. Chứng chỉ này được kết nối giữa người ký và cặp khóa của người đó vì vậy người ký thư không thể phủ nhận chữ ký của mình. Chữ ký số được xem là chữ ký điện tử an toàn khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số có hiệu lực đó.
+ Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài được công nhận tại Việt Nam cấp.
+ Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.
+ Khóa bí mật và nội dung thông điệp dữ liệu chỉ gắn duy nhất với người ký khi người đó ký số thông điệp dữ liệu.
Chữ ký điện tử được sử dụng theo thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch trừ trường hợp pháp luật có các quy định khác. Các bên tham gia giao dịch thương mại điện tử có thể sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử để
ký thông điệp dữ liệu trong quá trình giao dịch, sử dụng hoặc không sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực, lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử trong trường hợp thỏa thuận sử dụng chữ ký điện tử có chứng thực.
Giá trị pháp lý của chữ ký điện tử được thể hiện như sau:
- Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu;
b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi.
- Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan, tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký điện tử của cơ quan, tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và chữ ký điện tử đó có chứng thực. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc ký kết hợp đồng của pháp nhân Việt Nam được coi là hợp pháp khi được ký bởi đại diện có thẩm quyền (đại diện pháp luật và đại diện được ủy quyền hợp pháp) và được đóng dấu của pháp nhân đó. Điều này có nghĩa là đối với các hợp đồng điện tử có sự tham gia của pháp nhân Việt Nam thì chữ ký điện tử của pháp nhân đó phải được chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về chứng thực chữ ký.
- Bên cạnh yêu cầu về chữ ký, một số hợp đồng còn được yêu cầu phải có công chứng hoặc đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và lúc đó hợp đồng mới có hiệu lực. Tại một số nước, đã xuất hiện những cơ quan, công ty làm
cũng đã ghi nhận giá trị của những nhà công chứng, chứng thực trên mạng.
Điều này đòi hỏi pháp luật về Công chứng của nước ta cần có những sửa đổi thích hợp để đáp ứng được yêu cầu chứng thực và công chứng đối với một số hợp đồng điện tử nhất định.
- Nhà nước công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài nếu chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử đó có độ tin cậy tương đương với độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử theo quy định của pháp luật. Việc xác định mức độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài phải căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các yếu tố có liên quan khác.
Để bảo đảm chữ ký điện tử của tổ chức và cá nhân là đúng và hợp pháp, Luật quy định điều kiện để bảo đảm an toàn cho chữ ký điện tử, nguyên tắc sử dụng chữ ký điện tử, nghĩa vụ của người ký chữ ký điện tử, nghĩa vụ của bên chấp nhận chữ ký điện tử và các quy định về hoạt động dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, nội dung của chứng thư điện tử, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử...
Đặc trưng của các giao dịch thương mại điện tử là quá trình ký kết, thanh toán và giao nhận dịch vụ diễn ra ngay tức thì trên môi trường mạng, để đảm bảo các giao dịch điện tử được tiến hành thông suốt và thuận lợi, Nghị định số 26/2007 NĐ-CP đã quy định trách nhiệm đối với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng là phải công khai và duy trì thông tin 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần trên trang tin điện tử của mình những thông tin về quy chế chứng thực và chứng thư số của mình; danh sách chứng thư số có hiệu lực, bị tạm dừng, bị thu hồi của thuê bao và những thông tin cần thiết khác.