Giới thiệu chung về người Hà Nhì ở Việt Nam và Trung Quốc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hệ thống ngữ Âm tiếng hà nhì Ở việt nam (có liên hệ với tiếng hà nhì Ở trung quốc) (Trang 33 - 40)

1.1. Tổng quan về tình hình nghiên cứu tiếng Hà Nhì

1.1.2. Giới thiệu chung về người Hà Nhì ở Việt Nam và Trung Quốc

Tuy người Hà Nhì cư trú ở nhiều quốc gia thuộc Đông Nam Á lục địa và phần

phía Nam Trung Quốc nhưng căn cứ vào nhiệm vụ chính của luận án là mô tả tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm (Việt Nam) có liên hệ với tiếng Hà Nhì ở Đại Trại (Trung Quốc) nên ở đây chỉ xin giới hạn giới thiệu những nét chung nhất về cộng đồng người Hà Nhì ở Việt Nam và Trung Quốc. Như vậy, do nhiệm vụ của luận án có giới hạn, nghiên cứu sinh sẽ không tổng hợp người Hà Nhì ở những quốc gia khác khu vực Đông Nam Á.

1.1.2.1. Giới thiệu về người Hà Nhì ở Việt Nam

Ở Việt Nam, trước đây người Hà Nhì có các tên gọi là U Ní, Xá, Mán, Xá U Ní, Mán U Ní, v.v. Những dân tộc sống trong địa bàn Tây Bắc Việt Nam như người Thái gọi họ là Xá U Ní hoặc Xá Pên; người Mông gọi họ là người Mãng Đu; người Cống, La Hủ, Sila gọi họ là người A Khà. Trong khi đó, người Hà Nhì tự gọi mình là người Hà Nhì (Hà Nhì Dà -“người Hà Nhì”) và hiện nay ở Việt Nam tộc danh Hà Nhì đã chính thức là tên gọi của dân tộc này.

Các nhà dân tộc học Việt Nam [59, tr.7] cho biết dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam có mối quan hệ mật thiết với các dân tộc Hà Nhì, La Hủ, Độc Long ở Trung Quốc; với người Miến Ka Chin, Tchin, v.v ở Myanmar; với người A Khà, Kha Rem ở Thái Lan; với người Hà Nhì, La Hủ, Si La ở Lào. Họ được cho là đồng tộc với các tộc người Phù Lá, Cống, Si La, La Hủ và Lô Lô ở Việt Nam. Dựa theo kết quả nghiên cứu của nhiều học giả Trung Quốc, giới dân tộc học Việt Nam cho rằng dân tộc Hà Nhì là hậu duệ của các tộc người cổ xưa thuộc khối Tây Nam Di.

Cũng theo cuốn Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc) [58, tr.12] thì phần lớn tổ tiên của người Hà Nhì ở Lai Châu và Lào Cai hiện nay đều là cư dân di cư đến từ các huyện Kim Bình, Lục Xuân, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Trong đó, bộ phận người Hà Nhì ở Lào Cai đến Việt Nam muộn hơn so với người Hà Nhì ở Lai Châu. Những học giả ở Việt Nam nói trên, căn cứ vào kết quả nghiên cứu của học giả Trung Quốc, cho rằng người Hà Nhì sinh sống ở Việt Nam có lịch sử khoảng trên dưới 300 năm. Người Hà Nhì ở Việt Nam đều có chung một truyền thuyết về quê hương trước đây [27, tr.1-4]. Theo đó, họ di cư từ huyện Duệ Già, tỉnh Vân Nam (gồm khoảng 90 gia đình thuộc các họ Sào, Phản, Chang, Chu), ban

đầu họ dừng lại ở xã A Lù (huyện Bát Xát); rồi những năm sau có thêm các gia đình người Hà Nhì từ huyện Kim Bình di cư tới đây. Từ A Lù, người Hà Nhì tỏa dần ra các xã Lao Chải, Nậm Pung, Ngài Thầu, v.v ở huyện Mường Tè hay Bát Xát của Việt Nam ngày nay. Như vậy ở Việt Nam, Hà Nhì là một DTTS được di cư từ nơi khác, vùng khác đển để sinh sống ở đây.

Ở Việt Nam, dân tộc Hà Nhì là một trong sáu dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến, có dân số 25.539 người (số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019), cư trú thành từng bản riêng dọc theo đường biên giới Việt - Trung từ Lào Cai đến Điện Biên. Lai Châu là tỉnh có nhiều người Hà Nhì nhất với 16.003 người (số liệu tính đến tháng 12.2018), chiếm khoảng gần 63,00% dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam. Họ sinh sống tại các huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, v.v. Số người Hà Nhì còn lại sinh sống chủ yếu ở tỉnh Lào Cai với khoảng 4.026 người (chiếm 18,53% dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam) tập trung ở huyện Bát Xát và ở tỉnh Điện Biên (với khoảng 3.788 người, chiếm 17,43% dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam) cư trú chủ yếu ở một số xã thuộc huyện Mường Nhé.

Giới dân tộc học Việt Nam, dựa vào địa điểm cư trú, chia cộng đồng người Hà Nhì thành 3 nhóm có tên gọi như sau: người Hà Nhì Cồ Chồ (sinh sống ở thung lũng thấp), người Hà Nhì La Mí (sinh sống ở vùng cao) và người Hà Nhì Đen. Căn cứ vào đặc điểm ngôn ngữ và văn hóa cộng đồng người Hà Nhì được chia thành 2 nhóm: Hà Nhì Hoa (gồm Hà Nhì Cồ Chồ và Hà Nhì La Mí) và Hà Nhì Đen. Các nhà dân tộc học Việt Nam, dựa trên y phục của Hà Nhì Đen chỉ có một màu chàm duy nhất nên gọi họ như thế để phân biệt với hai nhóm Hà Nhì Hoa ở Mường Tè.

Mỗi nhóm Hà Nhì đều có những sắc thái riêng thể hiện trên các khía cạnh như ngôn ngữ, trạng phục và phong tục tập quán. Theo như tài liệu Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc) [58], Hà Nhì Đen tập trung ở huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai và xã Đào San huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Hà Nhì Cồ Chồ cư trú tập trung ở các bản Xi Nế (xã Mù Cả), A Mé (xã Tà Tổng), Nậm Hạ (xã Kan Hồ), Chang Pa Chải (xã Hua Bum) của huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu. Hà Nhì La Mí cư trú tập trung ở các xã Ka Lăng, Thu Lũm và các bản Mù Cả, Ma Ký, Gò Cứ (xã Mù Cả),

Nậm Lọ (xã Kan Hồ) của huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu và xã Chung Chải, Xín Thầu huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên.

Mặc dù người được chia thành hai nhóm dựa vào đặc điểm địa lý nơi cư trú, nhưng theo đánh giá của các nhà dân tộc học sự khác biệt giữa hai nhóm Hà Nhì Cồ Chồ và Hà Nhì La Mí là không nhiều, tiếng nói không khác biệt lớn9; thậm chí hiện nay, có ý kiến chi rằng những sự khác biệt đó đang có xu hướng hòa lẫn với nhau.

Trong khi đó, bộ phận người Hà Nhì ở huyện Bát Xát có nhiều đặc trưng dân tộc phân biệt với những người đồng tộc ở Mường Tè. Đây cũng chính là một trong những lý do phải tiếp tục miêu tả tiếng Hà Nhì khác nhau để trên cơ sở đó góp phần nhận diện đầy đủ về sự khác biệt ngôn ngữ giữa các tiếng Hà Nhì ở Việt Nam.

Thuộc vào nhánh ngôn ngữ Tạng - Miến, theo sự phân loại của Trần Trí Dõi [15], ở Việt Nam có 6 ngôn ngữ đại diện là tiếng La Hủ, tiếng Si La, tiếng Cống (ở Lai Châu), tiếng Lô Lô (ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn), tiếng Hà Nhì (ở Lai Châu, Lào Cai) và tiếng Phù Lá (cư trú ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang). Theo lời truyền miệng thì người Hà Nhì đã từng có một thứ chữ viết, nhưng thứ chữ này đã bị thất lạc khi di cư từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc xuống phía Nam nhưng chưa được chứng minh. Giờ đây người Hà Nhì sử dụng chữ cái Latinh để ghi lại tiếng Hà Nhì thể hiện những di sản văn hóa dân gian dân tộc mình và các vấn đề của cuộc sống dùng cho phát thanh ở địa phương nơi có người Hà Nhì sinh sống.

1.1.2.2. Giới thiệu khái quát về người Hà Nhì ở Trung Quốc

Trên lãnh thổ Trung Quốc, dân tộc Hà Nhì là một trong những DTTS có lịch sử lâu đời, được nhận xét là có nền văn hóa rực rỡ ở biên cương Tây Nam quốc gia và có nhiều tên gọi khác nhau. Trong các thư tịch cổ tiếng Hán, người Hà Nhì được gọi là người “Hòa Di”, “Hòa Man”, “Hòa Nhì”, “Oa Nhì”, “Uy Nhì”, “Nga Nhì”,

“Oát Nhì”, “Hà Nhì”, “A Mộc”, “A Nhì”, “Nọa Bỉ”, “Ca Đọa”, “Bích Ước”, v.v. Sự đa dạng về tên gọi trước đây như thế cho thấy đã có rất nhiều những ghi chép khác nhau về người Hà Nhì vào các triều đại khác nhau. Hiện nay, người Hà Nhì tự nhận

9 Đó là nhận xét của các nhà dân tộc học. Tuy nhiên, như đã được trình bày ở phần tình hình nghiên cứu tiếng

tên tộc người mình là “Hà Nhì”, “Hải Nhì”, “Nhã Nhì”, “Hào Nhì”, “A Mộc”, “Bích Ước”, “Ca Đa”, “Bạch Hồng”, “Nga Nộ”, “Đa Nhì”, “Ca Biệt”,v.v. Trong đó, số người Hà Nhì tự nhận tên là “Hà Nhì”, “Nhã Nhì”, “Hào Nhì”, “Ca Đa”, “Bích Ước” và

“Bạch Hồng” có số lượng nhiều nhất. Tuy tên gọi lịch sử và tên gọi hiện nay rất nhiều, nhưng đại thể những tên gọi đó đều mang nghĩa là “Hòa Nhân (tộc người an hòa)”.

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa căn cứ vào ý muốn của tuyệt đại đa số người Hà Nhì, đã lấy tên gọi “Hà Nhì Tộc (哈尼族)” làm tên gọi chung của dân tộc này [101, tr.4]

và cho biết người Hà Nhì ở Trung Quốc gồm có 7 nhóm chính là nhóm Hà Nhì (哈尼), nhóm Nhã Nhì (雅尼), nhóm Bích Ước (碧约), nhóm Ca Đa (卡多), nhóm Nga Nộ (峨 努), nhóm Hào Nhì (豪尼) và nhóm Bạch Hồng (白宏).

Giới học thuật Trung Quốc có bốn quan điểm chính về nguồn gốc lịch sử của người Hà Nhì. Theo đó, quan điểm thứ nhất cho rằng dân tộc Hà Nhì bắt nguồn từ tộc Đê Khương cổ xưa ở miền Bắc di cư xuống. Quan điểm thứ hai cho rằng dân tộc Hà Nhì bắt nguồn từ dân tộc Hán ở vùng Hoa Đông, Hoa Nam và Hoa Bắc.

Quan điểm thứ ba cho rằng dân tộc Hà Nhì là cư dân bản địa, sinh sống ở lưu vực sông Nguyên Giang (phần thượng nguồn sông Hồng); theo thời gian cùng với một bộ phận người Di, Bạch, Dao; rồi sau đó người Hán, người DTTS khác thiên di từ Tứ Xuyên, Nam Kinh đến đây để cuối cùng hình thành một dân tộc. Quan điểm thứ tư cho rằng dân tộc Hà Nhì là một dân tộc mới được hình thành do bộ lạc du mục phía Bắc xuống từ cao nguyên Thanh Tạng hòa nhập với cộng đồng “Di Việt” - dân tộc trồng lúa miền Nam ở cao nguyên Vân Nam [101, tr.1].

Do thời kỳ tiền sử của dân tộc Hà Nhì ít được ghi chép trong sử sách tiếng Hán, đồng thời do không có chữ viết truyền thống của mình, cho nên nguồn gốc lịch sử của dân tộc Hà Nhì rất khó được nghiên cứu một cách thực sự đáng tin cậy. Theo đó, đa phần giới học thuật Trung Quốc chấp nhận quan điểm thứ nhất dựa vào những chứng cứ như sau:

- Giới sử học Trung Quốc [101] đã tìm thấy manh mối lịch sử khá rõ mà dân tộc Hà Nhì từ phía Bắc thiên di xuống phía Nam. Vào thế kỷ III trước công nguyên (thời Chiến Quốc), tổ tiên của người Hà Nhì được gọi là người “Hòa Di” đã hoạt

động ở phía Nam sông Đại Độ. Thời Tần và thời Hán, tổ tiên Hà Nhì thiên di đến đất “Điền” (tức là tỉnh Vân Nam hiện nay). Từ cuối thời Tây Tấn đến đầu thời Đường, có một bộ phận tổ tiên Hà Nhì được gọi là “Hòa Man” di cư đến những nơi như núi Lục Chiếu, sông Lan Thương, v.v. Thời Nguyên, người Hà Nhì được gọi là

“Hòa Nhì”, “Oát Nhì”, “A Mộc”, “A Nhì” phân bố chủ yếu ở vùng núi Ai Lao thuộc tỉnh Vân Nam và có một bộ phận phân bố ở vùng núi Mông Lạc. Thời Minh, tổ tiên Hà Nhì có tên gọi như “Uy Nhì”, “Oa Nhì”, “Nga Nhì”, “A Nhì”. Nhóm “Uy Nhì”

sống phân tán ở phía Nam núi Ai Lao, tức là miền Nam huyện Mực Giang, huyện Giang Thành và châu Tây Song Bản Nạp. Người “Oa Nhì” phân bố ở huyện Cảnh Đông, Hồng Hà, Nguyên Dương, Lục Xuân, Kim Bình hiện nay. Còn người “Nga Nhì”

phân bố ở Đông Bắc bờ hồ Nhĩ Hải. Nhóm “A Nhì” phân bố ở thành phố Khai Viễn miền Nam tỉnh Vân Nam ngày nay. Đến thời Thanh, người Hà Nhì với tên gọi như “Hà Nhì”, “Nọa Bỉ”, “Lộ Bật”, “Ca Đọa”, “La Miến” được xuất hiện trong sử sách, ngoài

“La Miến” phân bố ở Lộc Khuyến, Võ Định, Nguyên Mưu ra, những nhóm có tên là

“Hà Nhì”, “Nọa Bỉ”, “Lộ Bật”, “Ca Đọa” đều phân bố ở vùng núi Ai Lao và phù hợp với tình trạng phân bố người Hà Nhì ngày nay. Căn cứ vào tàì liệu ghi lại, cộng đồng

“Hòa Di” thiên di về phía Nam là từ phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên đi qua vùng Điền Trì ở thành phố Côn Minh đến vùng núi Lục Chiếu nằm ở phía Đông Nam tỉnh Vân Nam; một tuyến khác là từ phía Tây Bắc tỉnh Vân Nam đi qua vùng Nhĩ Hải, rồi đến những nơi mà họ đang cư trú như ngày nay [101, tr. 6-19].

- Dân tộc Hà Nhì có nhiều điểm văn hóa tương tự với đặc trưng văn hóa bộ lạc Khương. Cụ thể, thứ nhất, người Khương cổ đại có tục hỏa táng, người Hà Nhì cổ đại cũng có hỏa táng. Trong sách Điền Trí (滇志) thời kỳ Thiên Khởi nhà Minh có chép: “Oa Nhì... khi chết không dùng quan tài... đốt cháy thi thể mà chôn tro xương”. Sách Vân Nam Thông Trí(云南通志) thời nhà Thanh cũng có chép: “Ka Đa...thích ca múa...đều hỏa táng”. Những tài liệu này đều có thể chứng minh rằng hỏa táng từng xuất hiện trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Thứ hai, lấy trâu dê làm vật tế lễ

là tiêu chí quan trọng của văn hóa du mục tộc người Khương ở Tây Bắc. Trong đời sống văn hóa dân tộc Hà Nhì cũng có đặc trưng văn hóa này. Thứ ba là cách thức đặt

tên theo “phụ tử liên danh” là đặc điểm quan trọng của văn hóa tộc Khương; và dân tộc Hà Nhì đến nay vẫn lưu giữ lại cách thức đặt tên này của người Khương.

Khu vực cư trú của dân tộc Hà Nhì hiện nay chủ yếu nằm giữa sông Nguyên Giang (sông Hồng phía Trung Quốc) và sông Lan Thương (tức sông Mê Công ở Trung Quốc) thuộc miền Nam tỉnh Vân Nam, là vùng núi ở giữa dãy núi Ai Lao và dãy núi Mông Lạc. Vùng cư trú này có tọa độ địa lý từ 21° đến 26° vĩ độ Bắc và 99°

đến 104° vĩ độ Đông, nằm ở trung tâm vùng cư trú của dân tộc Hán, Di, Bạch, Thái, La Hủ, v.v và có dân tộc Miêu, Dao, Hồi, Choang, Blang (Bố Lăng) đan xen với họ.

Xét theo địa vực hành chính hiện nay, người Hà Nhì phân bố chủ yếu tại bốn huyện Hồng Hà, Nguyên Dương, Lục Xuân, Kim Bình của “châu tự trị dân tộc Hà Nhì - Di” Hồng Hà; ở năm huyện như huyện tự trị dân tộc Hà Nhì Mực Giang, huyện tự trị dân tộc Hà Nhì - Di Giang Thành, huyện tự trị dân tộc Hà Nhì - Di Ninh Nhĩ, huyện tự trị dân tộc La Hủ Lan Thương, huyện tự trị dân tộc Di - Hà Nhì - La Hủ Trấn Nguyên thuộc thành phố Phổ Nhĩ và thành phố Cảnh Hồng; ở huyện Mãnh Hải và Mãnh Lạp của châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp; huyện tự trị dân tộc Hà Nhì - Di - Thái Nguyên Giang và huyện tự trị dân tộc Di - Thái Tân Bình của thành phố Ngọc Khê và có số ít người Hà Nhì cư trú ở những nơi khác. Như vậy, ở Trung Quốc người Hà Nhì cư trú tập trung ở tỉnh Vân Nam.

Theo số liệu của cuộc điều tra dân số lần thứ sáu của Trung Quốc năm 2010, tổng dân số người Hà Nhì là hơn 1.660.932 người. Trong đó, riêng dân số người Hà Nhì của châu Hồng Hà là 789.700 người, chiếm khoảng 45% tổng dân số Hà Nhì;

còn lại người Hà Nhì ở thành phố Phổ Nhĩ là 454.666 người (khoảng gần 28%), thành phố Ngọc Khê có 130.279 người (khoảng 8%), châu Tây Song Bản Nạp có 21.543 người (khoảng gần 1,5%). Với số cư dân như thế, có thể nói châu Hồng Hà của tỉnh Vân Nam là châu có số người Hà Nhì cư trú đông nhất ở Trung Quốc.

Về mặt ngôn ngữ ở Trung Quốc, các nhà ngôn ngữ học xếp tiếng Hà Nhì thuộc nhóm ngôn ngữ Di, nhánh ngôn ngữ Tạng - Miến của họ ngôn ngữ (ngữ hệ) Hán - Tạng. Tiếng Hà Nhì không có chữ viết cổ truyền của mình. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, dựa vào đặc điểm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp của

tiếng Hà Nhì Đại Trại, người ta xây dựng phương án chữ viết cho tiếng Hà Nhì.

Giới học thuật Trung Quốc căn cứ vào đặc điểm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp chia tiếng Hà Nhì thành 3 vùng phương ngữ10 là phương ngữ Hà Nhã (hā yǎ), phương ngữ Bích Ca (bì kǎ) và phương ngữ Hào Bạch (háo bái). Trên cơ sở đó, người ta lại chia thành 12 thổ ngữ khác nhau. Nếu so sánh sự phân chia 3 vùng phương ngữ tiếng Hà Nhì với cách phân chia 7 nhóm người Hà Nhì thì nhóm có tên gọi Hà Nhì (hā ní) và nhóm có tên gọi Nhã Nhì (yǎ ní) nói phương ngữ Hà Nhã (hā yǎ); nhóm có tên gọi Bích Ước (bì yuē), nhóm có tên gọi Ca Đa (kǎ duō) và nhóm có tên gọi Nga Nộ (é nǔ) nói phương ngữ Bích Ca (bì kǎ); còn nhóm có tên gọi Hào Nhì (háo ní) và nhóm có tên gọi Bạch Hồng (bái hóng) nói phương ngữ Hào Bạch (háo bái).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hệ thống ngữ Âm tiếng hà nhì Ở việt nam (có liên hệ với tiếng hà nhì Ở trung quốc) (Trang 33 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(258 trang)