1.2. Cơ sở lý luận
1.2.2. Cơ sở lý thuyết khi nhận diện âm vị trong tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm . 65
1.2.2.1. Nhận diện âm vị trong ngôn ngữ bằng bối cảnh ngữ âm đồng nhất Trong nghiên cứu ngữ âm học, để nhận diện hệ thống âm vị của một ngôn ngữ, người ta sẽ phân xuất các âm vị bằng bối cảnh ngữ âm đồng nhất [50]. Cách nhận diện này còn gọi là xác lập cặp từ tối thiểu và sự phân bố tương phản. Theo đó, cách thể hiện rõ nhất sự tương phản là đặt chúng trong một hình tiết hay một cặp từ tối thiểu, nghĩa là trường hợp hai từ có nghĩa từ vựng khác nhau nhưng giữa chúng chỉ khác nhau ở một âm vị. Đây là thủ pháp phân xuất âm vị lý tưởng nhất trong việc xác lập âm vị của một ngôn ngữ. Cặp từ tối thiểu còn có nghĩa là sự phân bố tương phản mà người nghiên cứu có thể sử dụng cách kiểm tra bằng việc thay một âm của từ này bằng một âm của từ có ý nghĩa khác trong cùng vị trí đó. Sự phân bố tương phản có thể cho phép người nghiên cứu nhận thấy sự khác nhau ở bất cứ vị trí nào
trong cấu trúc âm tiết. Trong một vài ngôn ngữ vẫn có thể không tồn tại các cặp từ tối thiểu nhưng chúng ta vẫn có thể xác định được âm vị bằng cách sử dụng các cặp từ tương tự. Những cặp từ tương tự là những cặp từ gồm những yếu tố không hoàn toàn đồng nhất mà có những yếu tố ngữ âm tương ứng. Cho dù không phải là các cặp từ tối thiểu thực sự (bởi vì sự khác nhau về nghĩa từ vựng không đơn thuần chỉ do một âm tạo ra) thì đó cũng là một bằng chứng thuyết phục về sự đối lập của các âm đang được so sánh. Trong trường hợp sử dụng những cặp từ tương tự, cũng có nghĩa là đã có thể xuất hiện những bối cảnh ngữ âm đồng nhất để qua đó nhận diện được những âm vị cần xác định.
Cùng với thủ pháp xác định âm vị là thủ pháp xác định các biến thể của âm vị.
Để nhận diện những biến thể khác nhau của cùng một âm vị, người nghiên cứu sẽ dựa vào thế phân bố bổ sung của những đơn vị đang được xác định. Theo đó, có những âm chúng ta không thể xác định được bằng cặp từ tối thiểu bởi có thể chúng không xuất hiện trong cùng một bối cảnh ngữ âm; tuy nhiên chúng nhiều khả năng chỉ cùng là một âm vị được nhận diện ở những bối cảnh ngữ âm khác nhau gọi là bối cảnh ngữ âm trong thế phân bố bổ sung. Trong trường hợp như vậy, chúng được coi là những biến thể của một âm vị chứ không phải là âm vị độc lập. Nhưng trong nghiên cứu ngữ âm, sự khác biệt giữa các biến thể và âm vị không phải lúc nào cũng được nhận diện một các rõ ràng vì có một số hiện tượng làm ảnh hưởng đến việc nhận diện các âm vị. Một trong số các hiện tượng gây ra những khó khăn đó là các biến thể tự do. Trong việc xác định các âm vị và hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ, người ta không thể không quan tâm đến sự phân bố của các âm tố, đặc biệt là những âm có những nét đặc trưng ngữ âm gần giống nhau.
Khi xác định và mô tả hệ thống âm vị của một ngôn ngữ, trong Việt ngữ học, người ta thường dựa vào lý thuyết âm vị học của nhà ngữ âm học N.S. Trubetskoy [50, tr.45-66]. Theo đó, Đoàn Thiện Thuật viết rằng “Đơn vị ấy chưa hẳn là một cấu tạo âm thanh cụ thể...nhưng là một đơn vị chức năng, đơn vị khu biệt” [50, tr.48].
Như vậy có thể hiểu âm vị là một yếu tố ngữ âm với một chùm những dấu hiệu khu biệt, xuất hiện đồng thời và có giá trị khu biệt nghĩa. Âm vị này tương quan với âm
vị khác trong một cấu trúc đối lập và tạo nên cấu trúc âm vị của một ngôn ngữ. Sự đối lập ở đây được chia ra thành hai loại. Một loại là đối lập có/không, nghĩa là hai âm vị đều cùng có tất cả các nét, trừ một nét nào đó có ở âm vị này mà không có ở âm vị kia. Ví dụ trong tiếng Việt, hai âm /d/ và /t/ chỉ đối lập với nhau do sự đối lập giữa nét hữu thanh và nét vô thanh. Trong khi đó, loại đối lập thứ hai là đối lập theo mức độ. Trong trường hợp này, các âm vị giống nhau ở một số nét khu biệt, nhưng lại khác nhau ở mức độ của một nét khu biệt cụ thể nào đấy.
Còn ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cũng đã trình bày cách thức nhận diện âm vị. Trong cuốn “Ngôn ngữ học khái luận”, Cao Minh Khải và Vương An Thạch (高明凯 王安石, 1979) cũng cho rằng “Âm vị là đơn vị ngữ âm nhỏ nhất của một ngôn ngữ dùng để khu biệt ý nghĩa” [98, tr.72-74]. Định nghĩa này cho biết định nghĩa về âm vị ở Việt Nam và Trung Quốc, về nguyên tắc, là như nhau. Đưa ra đặc trưng và phạm vi của âm vị. Cho nên, để nhận diện một âm vị, người ta cũng dựa vào bối cảnh ngữ âm đồng nhất. Bối cảnh ấy, chẳng hạn như trong tiếng Hán là hai từ “古” [ku214] và “苦” [k‘u214]. Ở đây, âm [k] và [k‘] đều đứng trước [u214] có thể coi như bối cảnh ngữ âm hoàn toàn giống nhau, vì [k] và [k‘] là hai âm vị khác nhau nên [ku214] và [k‘u214] biểu thị ý nghĩa khác nhau; điều này đã chứng minh rằng trong tiếng Hán [k] và [k‘] là hai âm vị.
Trong ngôn ngữ học, âm vị là đơn vị trừu tượng nên luôn luôn được thể hiện bằng những âm tố cụ thể14. Những âm tố khác nhau cùng thể hiện một âm vị được gọi là các biến thể của âm vị này; nó là sự thể hiện cụ thể của âm vị này trong bối cảnh ngữ âm khác nhau. Cũng giống như ở ngôn ngữ học Việt Nam, ngôn ngữ học ở Trung Quốc cũng chia biến thể âm vị ra làm hai loại. Một loại gọi là biến thể tự do và và một loại là biến thể kết hợp (hoặc gọi là biến thể bắt buộc). Biến thể tự do là các âm tố được xuất hiện trong cùng một bối cảnh ngữ âm nhưng không khu biệt được ý nghĩa. Biến thể tự do, vì thế, là những cách thể hiện âm vị ở mỗi một cá nhân người nói. Chẳng hạn, trong tiếng Trung Quốc ở Tứ Xuyên, người ta thường không phân biệt [n] [l] trong các từ “牛” [niu35] và “刘” [liu35], “脑” [nɑu214] và
14 Chính vì thế âm vị được kí hiệu bằng / / và âm tố được kí hiệu bằng [ ].
“老” [lɑu214]. Ở những trường hợp này, phụ âm đầu trong hai nhóm từ này đều có thể phát âm [n] hoặc [l] và người nói có thể tùy tiện lựa chọn mà không thay đổi ý nghĩa. Cho nên, trong tiếng Trung Quốc ở Tứ Xuyên, [n] và [l] là biến thể tự do của âm vị /n/. Biến thể kết hợp là các âm tố cùng một âm vị được trường hợp nhất định quy định xuất hiện trong một ngôn ngữ. Biến thể kết hợp là biến thể bị quy định bởi vị trí và bối cảnh ngữ âm. Chẳng hạn như trong tiếng Hán, sự xuất hiện của [a], [Α], [ɑ] đều phải có điều kiện riêng của mình. Chính vì thế, ba âm tố này chỉ là những biến thể kết hợp của một âm vị /a/ cụ thể như sau:
Bảng 1.2: Biến thể kết hợp của âm vị /a/ trong tiếng Hán
Âm tố Điều kiện hay bối cảnh xuất hiện Từ liên quan [a] đứng trước [-i] [-n] 来 [lai35], 搬 [pan55] [Α] đơn âm tiết hoặc làm âm chính trong âm
tiết mở
阿 [Α55], 拿 [nΑ 35] [ɑ] đứng trước [-u] [-] 高 [kɑu55], 放 [fɑ51]
1.2.2.2. Thao tác nhận diện âm vị theo bối cảnh ngữ âm đồng nhất
Để phân xuất các âm vị, người ta thường dùng bối cảnh đồng nhất. “Bối cảnh đồng nhất là những bối cảnh trong đó hai âm đang xét đều xuất hiện trong một
“khuôn” y hệt nhau, tức là đứng trước những âm như nhau và đứng sau nhưng âm như nhau” [6, tr.155]. Nói một cách khác, chúng xuất hiện trong cùng một chu cảnh, chẳng hạn, như hai âm [ɛ] và [e] trong hai từ tiếng Việt đem và đêm. Như vậy, đối với các nhà Việt ngữ học, nếu hai âm tố hoặc hai âm tố trở lên có thể xuất hiện trong bối cảnh đồng nhất và có thể khu biệt ý nghĩa thì coi hai âm tố này có quan hệ đối lập. Đây cũng là nguyên tắc đối lập (hay gọi là xác lập cặp từ đối lập tối thiểu) để phân xuất âm vị. Ngoài ra, còn có một trường hợp khác là bối cảnh loại trừ nhau, nếu hai âm tố ở vào bối cảnh loại trừ nhau, có nghĩa là khi một âm tố đã xuất hiện trong bối cảnh này thì âm tố kia không bao giờ xuất hiện ở bối cảnh ấy. Hai âm tố này không xuất hiện cùng trong một bối cảnh nhưng ở vào thế phân bố bổ sung, khi đó mối quan hệ giữa hai âm tố này là quan hệ bổ sung.
Ngoài ra, trong ngôn ngữ học các nhà nghiên cứu còn nói về một nguyên tắc
khác (được gọi là nguyên tắc tương tự hay “bối cảnh ngữ âm mở rộng”) có nghĩa là các âm tố cùng một âm vị có cách thức được phát âm tương tự. Chẳng hạn như trong tiếng Mông Cổ, [w] chỉ xuất hiện ở đầu âm tiết, âm [ŋ] chỉ xuất hiện ở cuối âm tiết, bối cảnh ngữ âm của hai âm tố này ở thế phân bố bổ sung, nhưng sự phát âm của [w] có khác biệt lớn với [ŋ], tức là có sự phát âm không tương tự; cho nên hai âm tố này không thể quy vào một âm vị mà là hai âm vị khác nhau. Đối với các nhà nghiên cứu Trung Quốc, khi phân xuất âm vị và các biến thể của nó, người ta thường sử dụng 3 nguyên tắc và 4 lộ trình được thể hiện trong lược đồ sau đây để nhận diện âm vị:
Bảng 1.3: Cách thức phân xuất âm vị và biến thể ở Trung Quốc Một nhóm âm tố cùng trong một ngôn ngữ
Có xuất hiện trong bối cảnh ngữ âm đồng nhất không? (phù hợp nguyên tắc phân bố bổ sung không? )
Có
(không phù hợp nguyên tắc bổ sung)
Không
(phù hợp nguyên tắc bổ sung) Có khu biệt ý nghĩa không?(phù hợp
nguyên tắc đối lập không? )
Phát âm tương tự không? (phù hợp nguyên tắc tương tự không?) Có
(phù hợp nguyên tắc đối lập)
Không (không phù hợp nguyên tắc đối lập)
Có
(phù hợp nguyên tắc tương tự)
Không (không phù hợp nguyên tắc tương tự) Kết luận 1:
Âm vị khác nhau Kết luận 2:
Biến thể tự do của một âm vị
Kết luận 3:
Biến thể kết hợp của một âm vị
Kết luận 4:
Âm vị khác nhau [Nguồn: Vương Du Quang (王渝光), Vương Hưng Trung (王兴中), Ngôn ngữ học Khái luận, 2005, tr. 71]
Có thể thấy cách thức trình bày giữa các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và Trung Quốc trong thao tác xác định các âm tố của cùng một ngôn ngữ có phải là âm vị hay không là khác nhau; nhưng họ đều có chung một ghi nhận khi cho rằng bối cảnh ngữ âm đồng nhất cực kỳ quan trọng. Các âm vị đối lập chỉ cần tìm ra một bối cảnh ngữ âm thì đã có thể chứng minh được; trong khi đó, các âm vị ở thế phân bố bổ sung phải cố gắng tìm hết bối cảnh ngữ âm mới được xác lập quan hệ bổ sung. Để nhận diện các âm vị của tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm, trong luận án, chúng tôi sẽ thực hiện theo thao tác nhận diện âm vị trong bối cảnh ngữ âm đồng nhất như đã được trình bày ở trên.
1.2.2.3. Những tiêu chí đối lập âm vị học được sử dụng trong miêu tả
Hai nhà nghiên cứu ngữ âm nổi tiếng R. Jakobson [Jakobson, 1980] và M.
Halle, trên cơ sở phát triển những nội dung trong lý thuyết âm vị học của N.S.
Trubetskoy, đã cụ thể hóa một danh sách thống kê gồm 12 cặp đối lập các tiêu chí khu biệt âm vị học trong ngôn ngữ. Đó là những tiêu chí đối lập: nguyên âm/không nguyên âm, phụ âm/không phụ âm, liên tục/không liên tục, ngắt/không ngắt, chói/
dịu, hữu thanh/vô thanh, đặc/loãng, trầm/bổng, giáng/không giáng, thăng/không thăng, mũi/không mũi, căng/lơi. Theo như giải thích của R. Jakobson, không phải khi nào 12 cặp đối lập âm vị học này cũng đều xuất hiện ở tất cả các ngôn ngữ.
Theo đó, chỉ có những nét khu biệt cơ bản như sau là dễ xuất hiện ở mọi ngôn ngữ gồm các tiêu chí: nguyên âm/không nguyên âm, phụ âm/không phụ âm, hữu thanh/
vô thanh...v.v; nhưng đồng thời cũng có nét khu biệt khó thấy được và nó chỉ hiện diện hạn chế ở một số ngôn ngữ.
Để khắc phục tình trạng nghiêng hẳn về mặt miêu tả âm học của 12 cặp đối lập vừa được liệt kê ở trên thì M. Halle và N. Chomsky [Chomsky 1986] đã điều chỉnh và đưa ra một bộ tiêu chí khác có điều chỉnh. Bộ tiêu chí sau này gồm có 16 cặp lưỡng phân trong đó có bổ sung những tiêu chí liên quan đến phương thức cấu âm.
Cụ thể, đó là những tiêu chí gồm: nguyên âm/không nguyên âm, phụ âm/không phụ âm, trước/không trước, mỏm/không mỏm, trải rộng/không trải rộng, sau/không sau, cao/không cao, thấp/không thấp, mũi/không mũi, bên/không bên, chói/không chói, liên tục/không liên tục, buông nhanh/buông chậm, vang/không vang, tròn/không tròn, căng/không căng. Với bộ tiêu chí gồm 16 cặp lưỡng phân này, tất cả các âm vị đều có thể được miêu tả một cách thống nhất qua những ma trận biểu diễn các thông tin có hay không có nét khu biệt ở cả bình diện âm học và phương thức cấu âm.
Trong miêu tả một âm vị tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm đương nhiên nghiên cứu sinh sẽ phải sử dụng các thao tác như đối chiếu, phân tích, so sánh để qua đó nhận diện đặc trưng cấu âm - âm học của nó rồi miêu tả các âm vị thông qua chính các tiêu chí đã liệt kê ở trên. Chẳng hạn như khi miêu tả một nguyên âm, điều quan trọng là xác định ba nét đặc trưng cơ bản là độ cao của lưỡi (cao hay thấp; kèm theo
là độ mở của miệng), vị trí của lưỡi (trước hay sau), độ tròn của môi (tròn môi hay không tròn môi). Đồng thời, khi miêu tả ngữ âm cũng có thể dùng thêm những đặc trưng âm học khác như độ căng/lơi, trường độ ngắn/dài, tính chất mũi hóa...v.v.
Người miêu tả cũng có thể căn cứ vào lược đồ nguyên âm chuẩn, phân tích, so sánh và định vị nguyên âm đó vào vị trí phù hợp trong tương quan với các nguyên âm chuẩn. Còn khi miêu tả một phụ âm thì đương nhiên phải chỉ ra được ba nét đặc trưng chính là vị trí cấu âm, phương thức cấu âm và tính thanh của phụ âm. Cùng với đó, có một số nét đặc trưng cấu âm bổ sung khác như ngạc hóa, mạc hóa, yết hầu hóa, môi hóa, bật hơi ...v.v. cũng có thể được sử dụng.
1.2.2.4. Giới hạn vấn đề trong nghiên cứu của luận án
Để những mô tả ở những chương tiếp theo được tường minh, trong phân mục này, chúng tôi xin phép giới hạn một số vấn đề nghiên cứu của luận án thể hiện qua cách dùng thuật ngữ trong mô tả. Do thuật ngữ tiếng được sử dụng rất đa dạng trong tiếng Việt nên nó có thể được dùng để chỉ một ngôn ngữ (như tiếng Việt, language), nhưng đôi khi cũng được dùng để chỉ tiếng nói của một địa phương cụ thể của ngôn ngữ (như tiếng Thu Lũm, một địa phương cụ thể của tiếng Hà Nhì), v.v. Chính vì thế, trong luận án này, chúng tôi thống nhất sử dụng cách dùng tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm, hay nói tắt là tiếng Thu Lũm mà không dùng đến những thuật ngữ khác như thổ ngữ (subdialect) hay phương ngữ (dialect). Bởi vì, như đã trình bày trong phần nhiệm vụ chính của luận án, công việc nhận diện thổ ngữ (subdialect) hay phương ngữ (dialect) của tiếng Hà Nhì ở Việt Nam là một công việc phức tạp và không phải là nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra trong nghiên cứu của mình.
Cũng từ góc độ nhiệm vụ chính của luận án là mô tả ngữ âm của tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm, chúng tôi xin giới hạn nội dung nghiên cứu ở nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng tôi sẽ so sánh kết quả mô tả mà mình thực hiện với kết quả nghiên cứu về tiếng Hà Nhì ở Việt Nam đã được công bố. Việc so sánh được chúng tôi thực hiện chỉ giới hạn ở khía cạnh nêu ra sự giống nhau hay khác nhau giữa kết quả mô tả của chúng tôi với những kết quả đã công bố mà không chú trọng bình luận về sự khác nhau nếu có. Lý do là, như ở phần tổng quan về kết quả nghiên cứu tiếng Hà Nhì