Cơ sở lý thuyết trong miêu tả ngữ âm tiếng Hà Nhì Thu Lũm

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hệ thống ngữ Âm tiếng hà nhì Ở việt nam (có liên hệ với tiếng hà nhì Ở trung quốc) (Trang 47 - 65)

1.2. Cơ sở lý luận

1.2.1. Cơ sở lý thuyết trong miêu tả ngữ âm tiếng Hà Nhì Thu Lũm

Trong chuỗi lời nói, bất cứ hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ nào cũng đều được thể hiện trong đơn vị âm tiết. Nói một cách khác, âm tiết trong ngôn ngữ chính là đơn vị cấu âm trong hiện thực hóa chuỗi lời nói. Lời phát biểu sau đây của ông Ferdinan de Saussure “cái mà ta có được trước tiên không phải là âm; âm tiết hiện ra một cách trực tiếp hơn các âm thanh cấu tạo nó” [44, tr.112] là cơ sở để chúng ta có thể khẳng định một thực tế như thế. Câu phát biểu của nhà ngôn ngữ học đặt nền móng cho nghiên cứu ngôn ngữ trong thế kỷ XX cho phép chúng ta hiểu rằng âm tiết mới là hiện thực trực tiếp của lời nói, sau đó mới là “các âm thanh cấu tạo nó”.

Việc xác định âm tiết trong ngôn ngữ cũng có thể được nhận diện khi người ta phân tích chữ viết của ngôn ngữ đó. Chẳng hạn khi phân tích hệ thống chữ viết Latinh thì người ta mới nhận ra rằng âm tiết có thể được tách ra thành những thành tố khác nhau. Trong một cộng đồng nói năng, người sử dụng ngôn ngữ hàng ngày đều có thể nhận diện được âm tiết trong lời nói của mình nhưng lại không thể xác định chính xác chúng là như thế nào. Việc nhận diện đó lại là nhiệm vụ của các nhà khoa học về ngôn ngữ. Trong nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học đều đi đến thống nhất rằng “âm tiết chính là đơn vị phát âm nhỏ nhất của lời nói”. Theo như cách giải thích của nhà ngữ âm học L.R. Zinder thì dù con người có phát âm chậm đến đâu thì cũng không thể tách chuỗi lời nói ra được một cái gì đó nhỏ hơn âm tiết. Trong

các công trình nghiên cứu của mình, ông đã cho chúng ta biết rằng âm tiết là đại lượng ngữ âm nhỏ nhất về mặt phát ngôn. Nhà ngôn ngữ học Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hồng, đã nhấn mạnh nội dung giải thích này khi nhắc lại lời phát biểu của N.I. Zinkin cho rằng “một âm i chẳng hạn được phát âm riêng lẻ, thì đó không còn là âm tố nữa, mà là một âm tiết. Cho nên, chính âm tiết, chứ không phải âm tố, là đơn vị phát âm nhỏ nhất” [24, tr.35].

Như vậy, học giả Nguyễn Quang Hồng khi lý giải về lý thuyết nghiên cứu âm tiết trong nghiên cứu ngữ âm của ngôn ngữ đã cho biết hầu như mọi lý thuyết về âm tiết cũng chỉ xoay quanh hai vấn đề chính. Theo ông [24, tr.36], thứ nhất đó là vấn đề cấu tạo của âm tiết và sau đó là vấn đề người nghiên cứu làm thế nào để xác định được ranh giới âm tiết trong chuỗi lời nói của một ngôn ngữ. Những lý thuyết giải thích về cấu tạo âm tiết ngôn ngữ đều xuất phát từ quan niệm cho rằng âm tiết luôn là một tổ hợp bao gồm các âm tố riêng biệt và các nhà ngôn ngữ học đi tìm các khả năng kết hợp giữa các yếu tố đó để tạo thành âm tiết trong mỗi một ngôn ngữ cụ thể. Người ta nhận biết rằng trong từng ngôn ngữ, cấu trúc âm tiết được tạo thành bởi số lượng và trật tự phân bố của nguyên âm và phụ âm tham gia cấu tạo chúng.

Nguyễn Quang Hồng giải thích “Trong mỗi ngôn ngữ khác nhau, các âm tiết có thể được cấu tạo theo nhiều kiểu đa dạng, được quy định bởi số lượng và trật tự phân bố của các phụ âm so với nguyên âm trong thành phần âm tiết. Và trong mỗi ngôn ngữ cũng có thể bắt gặp nhiều loại âm tiết khác nhau” [24, tr.36).

Chính vì thế, khi nghiên cứu về âm tiết tiếng Việt hay một ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam, các học giả đều nhận thấy có dạng cấu trúc CVC (phụ âm - nguyên âm - phụ âm) và CV (phụ âm - nguyên âm) là kiểu loại cấu trúc âm tiết phổ quát nhất trong chuỗi phát âm của ngôn ngữ. Như vậy, khi nói về vấn đề cấu tạo âm tiết trong ngôn ngữ, các nhà ngôn ngữ học đi từ việc coi các âm tố riêng biệt là có trước (hay nhận diện trước) để thuyết minh về các kiểu loại âm tiết cho mọi ngôn ngữ.

Trong nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt nói riêng và ngữ âm ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam nói chung, chúng ta biết đến nhiều học giả nổi tiếng khác nhau; nhưng

những học giả thường được nhắc đến là Đoàn Thiện Thuật [50] hay Nguyễn Quang Hồng [24] khi bàn về vấn đề âm tiết. Theo Nguyễn Quang Hồng cho biết thì vấn đề xác định ranh giới âm tiết là vấn đề “gây nên tranh cãi nhiều nhất”. Ông đã viết như sau: “các lý thuyết hiện có về phân giới âm tiết, hầu như không có một lý thuyết nào có khả năng giải thích được hết các hiện tượng phân giới âm tiết quan sát được trong thực tế. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng mỗi lý thuyết đều phản ánh được một phần thực tế khách quan và cũng góp phần giải thích bản chất của các hiện tượng phân giới âm tiết” [24, tr.37]. Trên một thực tế là trong ngôn ngữ học có rất nhiều lý thuyết khác nhau về âm tiết và mỗi một lý thuyết có một cách tiếp cận khác nhau và có một giá trị khác nhau nên trong luận án nghiên cứu sinh sẽ lựa chọn một định nghĩa phù hợp cho phép chúng tôi thực hiện những thao tác nhận diện những yếu tố (hay những đơn vị) tham gia cấu thành nên những kiểu âm tiết khác nhau.

Khi định nghĩa về âm tiết của ngôn ngữ, trên nguyên tắc, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học đều xuất phát từ hai kiểu lý giải khác nhau. Theo đó, cách lý giải thứ nhất là dựa vào những đặc tính vốn có của âm thanh như độ vang (năng lượng âm học) hay đỉnh trội (sự kết hợp của độ vang với trường độ, trọng âm, cao độ). Thứ hai là dựa vào ý niệm cho rằng âm tiết là một đơn vị có sẵn để tạo ra phát ngôn và có thể được phân xuất thành những yếu tố nhỏ hơn dựa theo chủ quan của người nói. Chính vì thế, cho dù xuất phát từ cơ sở của lý thuyết nào trong hai kiểu tiếp cận nói trên thì chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng âm tiết luôn là một đơn vị ngữ âm quan trọng trong ngữ âm học nói chung và trong nghiên cứu ngữ âm mỗi một ngôn ngữ cụ thể nói riêng.

Để làm cơ sở lý thuyết cho việc nhận diện âm tiết phục vụ nhiệm vụ xác định các đơn vị ngữ âm trong tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm, nghiên cứu sinh cho rằng có những định nghĩa của Nguyễn Quang Hồng và Đoàn Thiện Thuật về âm tiết là phù hợp với thao tác làm việc trong luận án của chúng tôi. Theo như Nguyễn Quang Hồng thì “Có thể nghĩ rằng ranh giới giữa các âm tiết sẽ được xác định một cách dứt khoát khi mà những đường ranh giới đó đồng thời lại được cấp cho một giá trị hình thái học, nghĩa là trùng hợp với ranh giới của từ hoặc hình vị, như tình hình

này diễn ra khá phổ biến trong các ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập (tiếng Hán, tiếng Việt v.v.)” [24, tr.37]. Như vậy, qua định nghĩa nói trên về âm tiết, nó yêu cầu người nghiên cứu phải căn cứ vào “giá trị hình thái học”của từ, tức “ranh giới của từ hoặc hình vị” để nhận diện các đơn vị làm thành cấu trúc âm tiết của một ngôn ngữ. Đối với nghiên cứu sinh, khi làm việc với cộng tác viên cung cấp tư liệu để nhận diện ngữ âm tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm, “ranh giới của mỗi từ” dễ được người cung cấp tư liệu nhận diện hơn cả nhờ việc những cộng tác viên đó căn cứ vào nghĩa của những đơn vị phát âm. Đối với chúng tôi, những đơn vị phát âm cũng sẽ là cơ sở để chúng tôi so sánh từng ngữ đoạn lời nói, qua đó thực hiện việc nhận diện các yếu tố ngữ âm tham gia cấu tạo âm tiết của tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm.

Trên nguyên tắc như vậy, việc xác định âm tiết của một ngôn ngữ như tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm là một việc làm không thể thiếu được khi nghiên cứu ngữ âm của một ngôn ngữ cụ thể nào đó. Nhưng rõ ràng về mặt lý thuyết, để có thể xác định được hệ thống âm vị của bất kỳ một ngôn ngữ nào đó thì việc đầu tiên người nghiên cứu cần phải nhận diện được đơn vị âm tiết của ngôn ngữ đó. Và vì thế, trong luận án này, nghiên cứu sinh xin được tiếp nhận một quan niệm về âm tiết như sau để nhận diện hệ thống âm vị của ngôn ngữ: Trong ngôn ngữ, âm tiết là đơn vị cơ bản nhỏ nhất của ngữ âm để tạo nên lời nói. Trong ngữ đoạn, âm tiết bao gồm một nguyên âm làm nên đỉnh của âm tiết và xung quanh nó là các phụ âm.

Về mặt lý thuyết thì ngôn ngữ học đã giới thiệu nhiều cách xác định ranh giới âm tiết; tuy nhiên trong thực tế xử lý, khi nghiên cứu một ngôn ngữ cụ thể nào đó thì việc xác định ranh giới của âm tiết lại không phải là một công việc dễ dàng. Đối với trường hợp nghiên cứu âm tiết tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm, nghiên cứu sinh đã đưa ra các thao tác cụ thể để xác định số lượng âm tiết trong một từ như sau. Bước đầu tiên là đếm số nguyên âm hiện có trong từ ngữ thu được; tiếp theo đó là loại trừ những nguyên âm câm đứng ở cuối từ hay nguyên âm thứ hai trong trường hợp có cùng hai nguyên âm đứng cạnh nhau. Trong trường hợp xác định là nguyên âm đôi có trong ngữ lưu thì trên nguyên tắc chỉ được tính là một đơn vị nguyên âm. Cuối cùng sẽ là công việc đếm số nguyên âm còn lại. Khi đó, người nghiên cứu có được

số lượng âm tiết có trong một đơn vị từ của ngôn ngữ đang nghiên cứu. Tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm là một thổ ngữ của nhóm ngôn ngữ, như các nhà nghiên cứu ngôn ngữ DTTS Việt Nam cũng như Trung Quốc đã phát biểu, thuộc về nhóm ngôn ngữ Lô Lô; và như đã trình bày ở trên, nhóm ngôn ngữ này là một nhóm ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập. Chính vì thế, trong nghiên cứu đã có thể nhận thấy mỗi một đơn vị từ có thể nhận diện những nguyên âm tương ứng với số âm tiết tham gia cấu thành đơn vị từ đó. Đặc điểm này cho phép chỉ cần nhận diện hay xác định được một nguyên âm thì từ đó sẽ là đơn vị từ có một âm tiết; khi từ có nhiều nguyên âm thì nó sẽ là từ đa tiết. Xin lưu ý là cách xác định này không thể áp dụng được cho tất cả các ngôn ngữ mà theo chúng tôi, cách chia từ thành các âm tiết trên cơ sở nhận diện nguyên âm có trong đơn vị từ, là phù hợp cho những ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập kiểu như tiếng Việt hay tiếng Hà Nhì của nhóm ngôn ngữ Lô Lô đang được chúng ta nói đến.

Để thực hiện nhiệm vụ mô tả ngữ âm bằng cách nhận diện các âm vị có trong ngôn ngữ thì đương nhiên người nghiên cứu phải tiến hành mô tả âm tiết. Như vậy, lý thuyết ngữ âm trong nghiên cứu âm tiết tiếng Việt mà Đoàn Thiện Thuật [50] và Nguyễn Quang Hồng [24] phân tích đã cho biết, về đoạn tính, một âm tiết trong ngôn ngữ nói chung và trong tiếng Việt nói riêng có thể được phân chia ra những thành phần gồm âm đầu (initials) là những phụ âm (consonants) và phần vần (rhymes) bao gồm những nguyên âm (vowels) và có thể cả các phụ âm. Thông thường, những phụ âm đứng trước phần vần đều được nhận diện là phần phụ âm đầu của âm tiết; còn phần vần thì trong đó có thể được chia nhỏ hơn gồm nguyên âm là thành phần hạt nhân và phần cuối là những phụ âm hoặc bán nguyên âm giữ vai trò kết thúc âm tiết hoặc vắng mặt bộ phận này. Trên cơ sở đó, có thể được thể hiện những thành phần cấu tạo nên âm tiết trong bảng 1.1:

Bảng 1.1: Cấu tạo âm tiết trong tiếng Việt và ngôn ngữ DTTS

Thành phần Vị trí ở trong âm tiết Đặc điểm Siêu đoạn

tính Thanh điệu Phân bố trên toàn âm tiết Bắt buộc

Yếu tố đoạn tính

Phần âm đầu Ở vị trí đầu của âm tiết Bắt buộc

Phần vần

Đặc điểm Là bộ phận hạt nhân của

âm tiết Thành phần bắt

buộc Hạt nhân Trung tâm, là nguyên âm

Phần cuối Là phụ âm hay bán

nguyên âm Không bắt buộc

Để nhận diện các kiểu âm tiết hiện diện trong một ngôn ngữ cụ thể, người ta có thể phân loại âm tiết dựa vào cách kết thúc âm tiết. Theo đó, người ta sẽ chia âm tiết thành hai loại là âm tiết mở (open syllable), kết thúc bằng nguyên âm của âm tiết và âm tiết khép (closed syllable) kết thúc bằng phụ âm. Đồng thời, cũng có thể nói đến hai loại âm tiết trung gian nữa là âm tiết nửa mở (kết thúc bằng bán nguyên âm) và âm tiết nửa khép (kết thúc bằng phụ âm mũi). Trên nguyên tắc, dù là nửa mở hay nửa khép thì đều có thể xếp vào kiểu âm tiết khép trong thế lưỡng phân với âm tiết mở. Tuy nhiên, trường hợp nghiên cứu ở đây là tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm - một ngôn ngữ DTTS thuộc nhóm Lô Lô ở Việt Nam, cho nên như chúng tôi sẽ trình bày ở chương 2 âm tiết trong ngôn ngữ đều là âm tiết mở.

1.2.1.2. Những đơn vị siêu đoạn trong nghiên cứu ngữ âm

Trong nghiên cứu ngôn ngữ, những hiện tượng lời nói như trọng âm (tonic accent), ngữ điệu (intonation), thanh điệu (tone) được gọi là các đơn vị siêu đoạn (suprasegmental). Trong số những đơn vị đó, trọng âm là một đơn vị siêu đoạn tính trong âm tiết do nó được thể hiện trên toàn bộ âm tiết. Trong chuỗi lời nói, những âm tiết có trọng âm sẽ có năng lượng phát âm lớn hơn những âm tiết không mang trọng âm. Theo như ngôn ngữ học đại cương thì tiếng Anh và các ngôn ngữ Giecmanh là những ngôn ngữ sử dụng nhiều loại trọng âm hơn các ngôn ngữ khác trên thế giới. Trong rất nhiều ngôn ngữ, vị trí của trọng âm được đặt cố định ở âm tiết cụ thể của từ. Khi đó, âm tiết mang trọng âm trong từ được người nói phát âm mạnh hơn và do đó âm tiết có cao độ cao hơn, trường độ dài hơn so với các âm tiết trong từ không mang trọng âm. Trong nghiên cứu tiếng Việt cũng như ngôn ngữ các DTTS ở Việt Nam, cho đến nay, chúng tôi chưa thấy có một tài liệu nào nói về

trọng âm mang giá trị âm vị học trong các ngôn ngữ hiện diện ở Việt Nam. Điều này có lẽ cũng không ngoại lệ đối với trường hợp tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm.

Đơn vị siêu đoạn tính thứ hai có trong âm tiết sẽ là thanh điệu. Khi miêu tả về thanh điệu của âm tiết, trước hết người ta phải nói về cao độ của thanh điệu. Cao độ của giọng nói được tạo ra bởi nhiều yếu tố tham gia cấu âm khác nhau. Trong số đó, yếu tố quan trọng nhất tạo ra cao độ của thanh điệu là độ căng của dây thanh. Khi dây thanh căng ra, thông thường cao độ sẽ đi lên. Những thay đổi về độ căng của dây thanh sẽ kéo theo thay đổi về cao độ của giọng nói. Vì thế, các âm tiết kiểu tiếng Việt khi mang theo thanh điệu luôn có cao độ thay đổi tùy thuộc vào kiểu loại thanh điệu mà nó sở hữu. Tuy nhiên, chỉ khi nào cao độ liên quan đến hay có giá trị làm thay đổi nghĩa của từ thì khi ấy nó mới được gọi là thanh điệu. Như vậy, nếu xét về mặt âm học thì thanh điệu là sự thay đổi tần số chấn động của âm cơ bản (Fo) trong một âm tiết góp phần làm thay đổi ngữ nghĩa của từ. Trong phát âm, khi tần số chấn động càng lớn thì âm phát ra càng cao. Trong bảng IPA cập nhật năm 202013, người ta phân ra bậc thang cao độ của thanh điệu trong ngôn ngữ thành 05 thang bậc (level) hay thường được gọi là âm vực (registre). Trường hợp có cao độ tuyệt đối được gọi là đỉnh (extra high); tiếp theo là các mức cao độ cao (high), cao độ trung bình (mid), cao độ thấp (low) và cao độ thấp nhất gọi là đáy (extra low).

Cao độ tuyệt đối thường tồn tại giữa những cá nhân với nhau nếu so sánh giọng nói của họ. Khi miêu tả thanh điệu tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm, nghiên cứu sinh sẽ dựa theo bậc thang cao độ vừa được mô tả.

Ngôn ngữ có thanh điệu đơn giản nhất có thể phân biệt dựa trên cao độ nên chỉ có thanh cao và thanh thấp, ví dụ trong một số ngôn ngữ ở nhóm tiếng Việt (Vietic) như tiếng Mã Liềng mà ông M. Ferlus đã mô tả [18]. Mặt khác, ngoài việc thanh điệu làm nên sự khác biệt nghĩa từ vựng nhưng trong một số ngôn ngữ yếu tố siêu đoạn tính này cũng có thể làm thay đổi ý nghĩa ngữ pháp của ngôn ngữ. Về mặt lý thuyết, khi một âm tiết chỉ có một cao độ và thanh điệu được mô tả bởi các điểm

13 Những thuật ngữ ngôn ngữ học dùng để thể hiện các đơn vị ngữ âm bằng tiếng Việt mà chúng tôi sử dụng trong luận án trong mô tả hệ thống ngữ âm của tiếng Hà Nhì ở Thu Lũm chủ yếu được sử dụng từ nguồn (https://linguistics.ucla.edu/people/keating/IPA/IPA_charts_2020_trans.html). Xin xem ở phần Phụ lục.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hệ thống ngữ Âm tiếng hà nhì Ở việt nam (có liên hệ với tiếng hà nhì Ở trung quốc) (Trang 47 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(258 trang)