Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
1.4. Quản lý phương tiện dạy học ở trường THCS
1.4.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng trong quản lý PTDH
Điều 11 của Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (Ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT) xácđịnh nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng như sau:
- Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;
- Thực hiện các quyết định của Hội đồng trường như: Quyết nghị về mục tiêu, chiến lược, các dự án, kế hoạch và phương hướng phát triển của nhà trường; Quyết nghị về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩn quyền phê duyệt; Quyết nghị về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; giám sát các hoạt động của nhà trường;
- Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;
- Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;
- Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên; thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên; ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của nhà nước;
- Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức; xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;
- Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;
- Thực hiện chế độ chính sách của nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh; tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường;
- Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường;
- Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Với trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu nhà trường, Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý PTDH:
- Hiệu trưởng thực hiện tư cách pháp nhân quản lý toàn bộ CSVC của trường như: đất đai, các công trình xây dựng và các tài sản khác..., đồng thời là người có trách nhiệm bảo quản, sử dụng và phát huy hiệu quả của PTDH trong hoạt động giáo dục bằng mọi biện pháp.
- Hiệu trưởng thực thi thẩm quyền quản lý, nghiêm chỉnh thực hiện quy định của Nhà nước và của các cấp quản lý ngành, đồng thời thực hiện dân chủ hoá trường học; phát huy tinh thần làm chủ, sáng tạo, chủ động của đội ngũ giáo viên và học sinh; phân công, động viên và có chính sách thúc đẩy để huy động tối đa các nguồn lực nhằm tăng cường PTDH đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.
- Cùng Ban Giám hiệu kiến tạo môi trường học tập thuận lợi, học tập điển hình tiên tiến trong công tác xây dựng PTDH....; lập kế hoạch quản lý, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra sử dụng PTDH trong nhà trường.
- Quản lý PTDH đúng nguyên tắc quy định của Nhà nước. Nhà trường cần có đầy đủ hồ sơ và sổ sách quản lý: sổ tài sản gốc, sổ nhập xuất, sổ theo dõi sử dụng sách, thiết bị cho mượn, sổ theo dõi việc bảo dưỡng, sửa chữa...
- Thực hiện chế độ kiểm tra, kiểm kê theo định kỳ và đột xuất, đặc biệt khi có những thay đổi về tổ chức, biến động do chủ quan hay khách quan.
- Tổ chức lập kế hoạch chiến lược (lâu dài) và kế hoạch hằng năm về xây dựng, cải tạo, sửa chữa, mua sắm PTDH bằng nhiều con đường (kể cả tự làm), đặc biệt quan tâm đảm bảo chế độ tiêu hao trong thực nghiệm, kinh phí hỗ trợ cho việc tự làm và sáng tạo PTDH.
- Tổ chức xây dựng và quản lý kế hoạch khai thác, sử dụng, bảo quản, duy tu, sửa chữa, kiểm kê PTDH của nhà trường.
- Chỉ đạo cán bộ chuyên trách công tác thư viện:
+ Dự trù kinh phí, kế hoạch mua sắm hàng năm.
+ Tổ chức thực hiện các hoạt động về thư viện và phương tiện trong trường.
+ Có biện pháp quản lý tốt và phát huy hiệu quả của cơ sở vật chất, kỹ thuật nhà trường.
- Ngoài ra:
+ Thực hiện việc mua sắm và tăng cường số lượng, phương tiện dạy học bằng nhiều biện pháp khác nhau.
+ Hỗ trợ đắc lực về chuyên môn cho các giáo viên.
Kinh phí cho PTDH có từ nhiều nguồn: ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân. Trường cần có kế hoạch sử dụng tốt các nguồn kinh phí đúng mục đích, không cắt xén hay chi dùng cho việc khác.
Do những đòi hỏi mới về tổ chức giảng dạy, học tập và do đổi mới về phương pháp dạy học, nên những trường đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống PTDH vẫn cần có sự cải tiến, bổ sung những điều kiện cần thiết hay công trình phụ trợ nhằm đáp ứng những đòi hỏi về hiện đại hoá PTDH, đáp ứng yêu cầu thay đổi của hoạt động GD&ĐT.
Hiệu trưởng phải là người có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vị trí, vai trò của PTDH trong mọi quá trình sư phạm của nhà trường, đồng thời làm cho các thành viên của Hội đồng sư phạm và học sinh thấy rõ mối quan hệ giữa PTDH với phương pháp giáo dục-đào tạo.
Để quản lý PTDH, người CBQL ngoài nhiệt tình, năng lực, còn cần có một số hiểu biết và kỹ năng chuyên ngành phụ trách. Dưới đây đề cập đến một số nội dung về trách nhiệm quản lý và phương pháp làm việc của Hiệu trưởng trong công tác quản lý PTDH.
1.4.2. Nội dung quản lý phương tiện dạy học ở trường THCS a. Quản lý việc đầu tư, mua sắm trang bị PTDH
Xuất phát từ nội dung, chương trình giảng dạy đối với từng môn học, lớp học và đồng thời dựa trên cơ sở các danh mục về phương tiện dạy học do Bộ GD&ĐT ban hành, cần kiểm kê và lập kế hoạch đầu tư, mua sắm các phương tiện dạy học (cái gì đã có, cái gì thiếu, cái gì đã lạc hậu cần thanh lý, phải mua cái gì và với số lượng như thế nào, nguồn tài chính, thời gian thực hiện và các biện pháp quản lý cần thiết).
Cập nhật thông tin về đổi mới nội dung, chương trình và kế hoạch dạy học;
đồng thời cập nhật các thông tin về phương tiện dạy học mới để thường xuyên có kế hoạch bổ sung theo hướng chuẩn hoá và hiện đại hoá. Quản lý việc trang bị phương tiện dạy học là quản lý về vốn đầu tư, quản lý việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư cho phương tiện dạy học. Việc đầu tư trang bị phương tiện dạy học
phải phù hợp, thiết thực phục vụ cho hoạt động dạy và học; các yếu tố cần phải đảm bảo trong việc trang bị phương tiện dạy học là đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và đảm bảo yêu cầu của nội dung, chương trình dạy học.
b. Quản lý việc khai thác, sử dụng PTDH
Quản lý việc khai thác, sử dụng phương tiện dạy học là tổ chức hình thức, cách thức khai thác, sử dụng phương tiện dạy học trong hoạt động dạy học của nhà trường. Trong quản lý dạy học việc quản lý nội dung, chương trình dạy học không thể tách rời với quản lý việc sử dụng phương tiện dạy học. Khi phương tiện dạy học được khai thác sử dụng đúng mục đích, phù hợp với hình thức tổ chức và nội dung dạy học thì sẽ kích thích được nổ lực học tập, tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Việc sử dụng phương tiện dạy học phải đúng nguyên tắc, thực hiện theo đúng quy trình, theo đúng các chỉ số kỹ thuật. Muốn vậy, công tác quản lý, khai thác, sử dụng phương tiện dạy học phải được xây dựng một cách hệ thống thường xuyên, cụ thể và rõ ràng.
Cần đào tạo và bồi dưỡng những cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên chuyên trách có khả năng, am hiểu về tính năng và tác dụng của phương tiện dạy học.
Tổ chức tập huấn cho tất cả đội ngũ, cán bộ quản lý, giáo viên và chuyên trách về phương tiện dạy học trong trường về tính năng và tác dụng của các phương tiện dạy học; đồng thời hướng dẫn sử dụng theo quy định của nhà sản xuất.
Giám sát chặt chẽ việc sử dụng các phương tiện dạy học (cụ thể là yêu cầu bắt buộc đối với người dạy sử dụng các thiết bị, phương tiện dạy học đã có; mặt khác cần thông qua tổ chuyên môn để thảo luận và thống nhất quy định đối với người dạy, phải sử dụng các phương tiện dạy học cần thiết nào cho tiết giảng, từng môn học). Không được dạy chay.
c. Quản lý việc bảo quản, sửa chữa PTDH
Quản lý việc bảo quản, sửa chữa phương tiện dạy học là quản lý duy trì ổn định các điều kiện để khai thác, sử dụng lâu bền phương tiện dạy học, quản lý các điều kiện cất giữ, bảo quản phương tiện dạy học, quản lý việc bảo dưỡng thường xuyên định kỳ các phương tiện dạy học; quản lý việc phòng chống cháy nổ, quản lý việc sửa chữa các phương tiện dạy học trong quá trình sử dụng bị hỏng hóc để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm ngân sách đầu tư.
Hướng dẫn các thao tác sử dụng đúng qui trình vận hành và thời gian sử dụng của mỗi loại phương tiện dạy học cho người sử dụng để tránh hỏng hóc và mất an toàn.
Cất giữ các phương tiện dạy học theo đúng tiêu chuẩn đã định ra của các nhà sản xuất (nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng...).
Thường xuyên bảo dưỡng (lau chùi, tra dầu mỡ, sấy nóng, hút bụi và chạy bảo dưỡng.).
d. Quản lý việc phát triển phương tiện tự làm
Bên cạnh việc đầu tư mua sắm những phương tiện dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với nguồn kinh phí lớn, có tính hiện đại cao, việc tự tạo phương tiện dạy học với sự tham gia của giáo viên và học sinh là một trong những hoạt động cần thiết nhằm bổ sung những phương tiện dạy học còn thiếu, làm đa dạng, phong phú thêm các kiểu dáng của phương tiện dạy học. Đồng thời đây là việc làm có ý nghĩa giáo dục và kinh tế.
PTDH tự làm, ngoài chức năng, công dụng của thiết bị dạy học thông thường còn bao hàm ý nghĩa kinh tế và giá trị sư phạm sâu sắc. Trong điều kiện thực tế ở nước ta hiện nay, phát triển PTDH tự làm và nếu làm tốt sẽ giúp bổ sung một lượng không nhỏ thiết bị hằng năm mà ngân sách nhà nước chưa đủ điều kiện để đáp ứng;
tận dụng được khối lượng lớn vật liệu đáng ra đã bị loại bỏ.
Phát triển PTDH tự làm góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, mang lại niềm đam mê, sáng tạo, lòng yêu nghề cho thầy cô giáo, góp phần xây dựng môi trường sư phạm tích cực, sáng tạo.
Cần xem việc tự làm PTDH là một hoạt động sư phạm quan trọng để đặc đúng vị trí của nó trong kế hoạch của ngành, của nhà trường, đồng thời chỉ đạo quán triệt trong đội ngũ ý nghĩa về mặt sư phạm và kinh tế của công tác này để nâng cao chất lượng của PTDH tự làm.
đ. Quản lý huy động các nguồn lực và ứng dụng CNTT trong quản lý
Để nâng cao hiệu quả phục vụ dạy học của PTDH trong trường THCS, cần quan tâm quản lý các điều kiện hỗ trợ huy động các nguồn lực khác, như: tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng PTDH cho giáo viên; tổ chức cho giáo viên tự làm, cải tiến PTDH; xây dựng môi trường đoàn kết, dân chủ, học hỏi, sáng tạo trong tập thể sư phạm; tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà trường (kể cả học tập kinh nghiệm nước ngoài) trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản PTDH. Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần thường xuyên sâu sát, định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá và cải tiến công tác quản lý PTDH; Hiệu trưởng cần huy động các nguồn lực bên ngoài nhà trường trong quá trình xây dựng hệ thống phương tiện dạy học.
CNTT ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có GD&ĐT. Ứng dụng CNTT trong GD&ĐT là chủ đề lớn được UNESCO chính thức đưa thành chương trình đối với nhà trường của thế kỷ XXI.
Ở nước ta, ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg ngày 24/5/2001 [25], nêu rõ: “Nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực CNTT và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác GD&ĐT ở mọi cấp học, bậc học và ngành học”.
Ứng dụng CNTT trong quản lý PTDH đòi hỏi nhà trường phải quan tâm: ứng dụng CNTT trong xây dựng PTDH; tin học hóa công tác quản lý PTDH trong nhà trường; sử dụng tiện ích CNTT nhằm trao đổi kinh nghiệm, gia tăng hiệu quả khai thác, sử dụng PTDH. Hiệu quả dạy học nói chung và quản lý PTDH nói riêng sẽ được nâng cao khi ứng dụng các thành tựu của CNTT vào quá trình dạy học nói chung và quản lý PTDH nói riêng.
Ngoài các nội dung quản lý cơ bản đã nêu, để nâng cao hiệu quả phục vụ dạy học của PTDH trong trường THCS, cần quan tâm quản lý các điều kiện hỗ trợ khác, như: tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng sử dụng PTDH cho giáo viên; tổ chức cho giáo viên tự làm, cải tiến PTDH; xây dựng môi trường đoàn kết, dân chủ, học hỏi, sáng tạo trong tập thể sư phạm; tổ chức trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà trường (kể cả học tập kinh nghiệm nước ngoài) trong việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo quản PTDH. Ban Giám hiệu nhà trường cũng cần thường xuyên sâu sát, định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá và cải tiến công tác quản lý PTDH.