Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ HUYỆN TÂY GIANG, TỈNH QUẢNG
3.2. Các nhóm biện pháp quản lý phương tiện dạy học ở các trường trung học cơ sở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
3.2.4. Nhóm biện pháp 4: Quản lý bảo quản, bảo dưỡng phương tiện dạy học
3.2.4. Nhóm biện pháp 4: Quản lý bảo quản, bảo dưỡng phương tiện dạy học
a. Mục đích, ý nghĩa
Xây dựng được một hệ thống PTDH hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu của công tác giảng dạy là một việc làm tốn kém và lâu dài, nhà trường cần phải tập trung trí tuệ, công sức của nhiều. Nhà trường không chỉ trông chờ vào các thiết bị được cấp phát mà cần có kế hoạch đầu tư mua sắm bổ sung những trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, Xây dựng một hệ thống PTDH phù hợp với nhân lực và điều kiện, tương xứng với tầm phát triển của nhà trường là yêu cầu của công tác dạy học trong giai đoạn hiện nay. Song song với công tác quản lý trang bị, sử dụng PTDH thì công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa PTDH không kém phần quan trọng. Nếu PTDH được bảo dưỡng, bảo quản đúng định kỳ, đúng kỹ thuật và sửa chữa kịp thời thì tuổi thọ được tăng lên, chống được thất thoát, hư hỏng xảy ra trong quá trình sử dụng.
b. Nội dung
Cán bộ quản lý nhà trường phải nắm rõ các văn bản pháp lý, quy chế hiện hành về công tác PTDH, trình độ nhận thức, chuyên môn, ý thức, thái độ của tập thể sư phạm; nắm được trình độ kỹ thuật, kỹ năng sử dụng của giáo viên cũng như công tác bảo quản, bảo dưỡng PTDH.
Cần điều tra thực trạng PTDH của đơn vị mình (PTDH thiếu, đủ, chất lượng, điều kiện bảo quản, bảo dưỡng PTDH).
Nói chung, người quản lý phải nắm được tình hình và thông tin có liên quan, những thuận lợi, khó khăn cho việc lập và thực hiện kế hoạch.
Kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng PTDH phải hướng vào các nội dung cụ thể.
Mỗi loại hình thiết bị, PTDH cần có chế độ bảo quản, bảo dưỡng phù hợp. Nhà trường cần nâng cao nhận thức chung của đội ngũ về công tác bảo quản, bảo dưỡng, quy định rõ chế độ bảo quản, bảo dưỡng từng loại thiết bị và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ về công tác này, đồng thời triển khai thực hiện thường xuyên nề nếp bảo quản, bảo dưỡng PTDH.
c. Tổ chức thực hiện
Biện pháp thứ nhất: Nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh trong việc bảo quản PTDH trong trường.
Việc nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của PTDH trong quá trình dạy học là cực kỳ quan trọng; là yếu tố cơ bản, định hướng trong các biện pháp quản lý PTDH. Nhận thức đúng thì mới hành động đúng, nhận thức đúng sẽ ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để hoàn thành nhiệm vụ và để hoàn thành nhiệm vụ mà cụ thể là bảo quản, bảo dưỡng PTDH.
Hiệu trưởng cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về vấn đề ý thức, trách nhiệm trong bảo quản, bảo dưỡng PTDH, tạo điều kiện giúp đỡ họ nắm vững lý thuyết và thực hành thành thạo các thao tác vận hành, sử dụng PTDH. Phải có kế hoạch mở lớp bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý về kỹ thuật và nghiệp vụ sử dụng PTDH trong các tiết dạy. Chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn ở các nhà trường. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, cần tập trung bàn kỹ vào những bài, những phần mới, khó giảng dạy và những tiết dạy đòi hỏi cao về kỹ thuật sử dụng PTDH. Chỉ đạo tổ chức kiến tập, thực tập rút kinh nghiệm về việc lựa chọn và sử dụng thiết bị dạy học phù hợp với nội dung bài dạy, từ đó bảo quản tốt PTDH.
Niêm yết công khai các quy định của phòng bộ môn, thư viện, thiết bị và yêu cầu các thành viên trong nhà trường phải thực hiện nghiêm túc các quy định này.
Biện pháp thứ hai: Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
cho cán bộ quản lý và nhân viên phụ trách thiết bị, thư viện và giáo viên về công tác bảo dưỡng, bảo quản PTDH, Việc mở lớp bồi dưỡng cần tổ chức làm nhiều đợt, với từng đối tượng và phải được tiến hành thường xuyên.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý PTDH, các đơn vị cần trang bị, khai thác và sử dụng phần mềm quản lý thư viện, thiết bị. Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục (dự án SREM) đã xây dựng 2 mô đun quản lý thư viện và quản lý thiết bị dạy học được triển khai áp dụng cho các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Những hệ thống quản lý này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo quản PTDH ở các trường.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ phụ trách các đơn vị cần tham khảo hệ thống quản lý trường học thông qua môi trường Internet như mạng giáo dục (nếu thấy phù hợp). Hệ thống này bao gồm quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý giảng dạy, quản lý thư viện, quản lý thiết bị. Mô đun quản lý PTDH giúp cho hiệu trưởng quản lý được việc sử dụng PTDH của giáo viên theo từng bộ môn, từng bài, từng thời điểm và việc đăng ký, theo dõi mượn trả thiết bị của cán bộ giáo viên và quản lý bảo quản PTDH.
Biện pháp thứ ba: Tăng cường trang thiết bị, kỹ thuật bảo quản PTDH.
Hiện nay tình hình PTDH ở các trường chưa đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, song song với việc xây dựng, trang bị, mua sắm theo sự đầu tư của nhà nước và huy động nguồn lực xã hội, thì phải tăng cường bảo quản PTDH. Mục đích của việc bảo quản PTDH là nhằm làm cho các PTDH được bền lâu, hệ thống PTDH ngày càng đầy đủ hơn và sử dụng hiệu quả hơn. Mặt khác việc bảo quản tốt các PTDH sẽ làm cho PTDH ít hư hỏng, mất mát do đó, có thể tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn do không phải mua sắm, bổ sung, thay thế, sửa chữa các PTDH do việc bảo quản PTDH không tốt gây nên. Để thực hiện tốt việc trang bị, xây dựng mua sắm, bảo quản tốt PTDH đáp ứng nhu cầu giảng dạy thì phải xây dựng được quy chế, yêu cầu mọi bộ phận, thành viên thực hiện.
Việc trang bị, xây dựng mua sắm PTDH phải đáp ứng nhu cầu thực tế của nhà trường, cân đối nguồn kinh phí và sử dụng nó đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả. Hằng năm xem xét nhu cầu sử dụng PTDH của nhà trường và kế hoạch phân bổ của phòng GD&ĐT cho các trường chủ động lập kế hoạch đề xuất cho phù hợp. Phối hợp, thống nhất với phòng GD&ĐT để đảm bảo số lượng và thiết bị phù hợp với nhu cầu của nhà trường và đảm bảo rằng PTDH có thể sử dụng được lâu bền.
Giáo viên, nhân viên phụ trách PTDH phải có trách nhiệm trong việc bảo quản PTDH; sau giờ sử dụng PTDH phải lau, chùi, giữ gìn cẩn thận, trả lại ngay PTDH đã sử dụng. Nếu có tình trạng sử dụng hư hỏng, mất mát phải lập biên bản
xử lý. Thành lập các tổ học sinh chuyên trách công tác bảo quản PTDH do nhân viên phụ trách PTDH giúp quản lý, lau chùi, sắp xếp.
Tổ chức chế độ kiểm kê định kỳ để có kế hoạch sắp xếp, sửa chữa, thanh lý những PTDH hư hỏng, cũ kỹ, lạc hậu nhằm làm cho các PTDH phát huy hiệu quả sử dụng cao.
Biện pháp thứ tư: Thực hiện chế độ bảo dưỡng, bảo quản sửa chữa định kỳ, thanh lý các PTDH đã hư hỏng, lạc hậu, lập hồ sơ quản lý, theo dõi PTDH.
Để quản lý tốt việc sử dụng và bảo quản PTDH cần phải xây dựng nội quy phòng bộ môn, phòng thí nghiệm để mọi bộ phận, thành viên căn cứ vào đó để mà thực hiện. Nội quy phải được thông báo, phổ biến rộng rãi đến các thành viên và niêm yết tại những nơi quy định để họ xem, ghi nhớ và thực hiện.
Cán bộ quản lý phải lập kế hoạch bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ PTDH; chỉ đạo các bộ phận liên quan lập danh mục bảo quản các loại PTDH để người quản lý biết được tình hình các loại PTDH hiện có.
Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhỡ các bộ phận thực hiện chế độ kiểm kê, bảo dưỡng định kỳ, kịp thời phát hiện những hư hỏng, mất mát để có kế hoạch sửa chữa, mua bổ sung kịp thời.
Biện pháp thứ năm: Tăng cường công tác, kiểm tra đánh giá việc sử dụng, gìn giữ, bảo quản, bảo dưỡng PTDH.
Hoạt động thanh tra đối với công tác quản lý PTDH phải được tiến hành định kỳ theo quy định của nhà trường nhằm điều chỉnh kịp thời những thiếu sót, những yếu tố kém hiệu quả. Hoạt động này được thực hiện như sau:
Hoạt động kiểm tra, thanh tra được tiến hành theo định kỳ hoặc thực hiện theo từng vụ việc. Việc kiểm tra theo định kỳ được thực hiện bởi các tổ nhóm bộ môn và cán bộ quản lư nhà trường theo kế hoạch đã được thông báo để đánh giá cụ thể tình hình quản lý PTDH. Việc kiểm tra tiến hành theo vụ việc được thực hiện khi có ý kiến, hiện tượng phản ánh công tác quản lý thiết bị không thực hiện đúng quy định, thiếu trách nhiệm... Đoàn kiểm tra theo vụ việc sẽ được thành lập dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng nhà trường, thành phần đoàn kiểm tra phải mang tính khách quan.
Việc kiểm tra cần dựa vào nội dung chương trình môn học, yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng PTDH để xem xét, đánh giá. Trong đánh giá, một mặt cần quan tâm đúng mức đến ý thức bảo quản giữ gìn PTDH, đồng thời mặt khác cũng cần chú trọng xem xét về tính tích cực sử dụng và sử dụng hiệu quả PTDH.
Cần có tổng kết, báo cáo tình hình quản lý và sử dụng PTDH để có chỉ đạo kịp thời đối với công tác quản lý PTDH của nhà trường.
Phân công cán bộ chuyên trách thường xuyên kiểm tra việc sử dụng PTDH,
đôn đốc nhắc nhở kịp thời trong việc sử dụng PTDH sai mục đích, vô trách nhiệm trong bảo quản, phản ánh kịp thời về lãnh đạo nhà trường để điều chỉnh, uốn nắn kịp thời.
Rà soát lại các PTDH hiện có và điều kiện bảo quản, tần suất sử dụng, tình trạng của thiết bị để có phương án khai thác hiệu quả cao cũng như tạo môi trường thuận lợi cho việc bảo quản PTDH.
Từng tháng, từng học kỳ thông qua nhiều hình thức cán bộ quản lý phải tổ chức kiểm tra việc sử dụng, bảo quản PTDH của giáo viên như: kiểm tra qua lịch báo giảng, giáo án, sổ mượn, trả PTDH, dự giờ, thăm lớp...Việc đôn đốc, kiểm tra thường xuyên của hiệu trưởng sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong việc chấp hành quản lý bảo quản, bảo dưỡng PTDH.