Chương 2: CÁC THÀNH PHẦN DÂN CƯ THANH HÓA Ở THĂNG LONG THỜI LÊ – TRỊNH
2.4. Các thành phần dân cư khác
2.4.2. Một số thành phần dân cư khác
Những tư liệu ở làng Phù Lưu (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) – một làng buôn nổi tiếng xứ Kinh Bắc – còn cho biết về
những người Thanh Hóa đến đây ngụ cư, làm ăn buôn bán. Những người này phải trải qua 3 đời mới được trở thành dân chính cư của làng. Những người ngụ cư này phải làm những công việc phục dịch nên hình thành nên 1 phường riêng gọi là phường dịch. Phường dịch được tổ chức chu đáo, có trưởng phường để theo dõi chung. Phường dịch – trong đó có những người ngụ cư đến từ Thanh Hóa – cũng có vai trò nhất định trong làng, trường phường dịch cũng được tham gia vào 1 số công việc của làng như tổ chức, điều động người phục dịch mỗi khi làng có việc… Trong Bà tâm huyền kính lục, truyện Cát tâm định đà (Lòng lành giữ vững được lái thuyền) còn kể chuyện về người lái buôn Phùng Cát Khánh ở Hải Vạn, Thanh Hóa, trong hơn 40 năm ông thường xuyên đi thuyền vượt biển ra Bắc Thành buôn bán [62]. Hay trong Vân nang tiểu sử có truyện Vị tha nhân phụ (Nhận làm cha người), có nhắc đến một người ở xã Hoằng Nghĩa, huyện Hoằng Hóa là khách buôn, cũng ở trọ chùa ở Hồ Gươm [62].
Vốn là vùng đất có truyền thống học hành và có nhiều người đỗ đạt tại các kỳ thi tổ chức ở Thăng Long, đi học được nhiều người Thanh Hóa chọn như một nghề để tiến thân. Lan trì kiến văn lục, truyện Nguyễn Quỳnh [62]
còn kể một giai thoại về vị danh sĩ đất Thanh Hóa này khi ông còn là một Nho sinh học ở nhà Quốc học. Hay truyện Tái sinh (Sống lại)[62] kể lại chuyện chàng Đào Sinh, người huyện Đông Sơn, vốn là Nho sinh nghèo khó, vì ko hỏi được vợ, bỏ lên kinh du học, ba năm sau thi Hương đỗ đầu.
Nhiều người Thanh Hóa có học hành, lấy nghề dạy học làm nghề nuôi thân cũng được nhắc đến trong các truyện như truyện Trúc mộ báo thù (Đắp mộ được đáp đền) [62]. Truyện này xảy ra vào đời Lê trung hưng, khi Tây Sơn đánh ra Đàng Ngoài, ở huyện Hoằng Hóa có một vị danh sĩ họ Trần, tự Thời Sự đi dạy học tận làng Từ Hồ, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc, ông đã ngoại 50, nhà có 3 đứa con mới 15 tuổi, mười hai và mười chín nên ko thể
theo cha đi xa được. Thời Sự ngẫu nhiên mắc bệnh mà chết nơiđất khách.
Ông chủ nhà nơi ông dạy học cùng các học trò đưa ông ra đám ruộng hương hỏa an táng. Vợ con họ hàng ông ở nhà chỉ được các học trò báo tin ông mất cùng ngày giỗ. Hay truyện Vị tha nhân phụ (Nhận làm cha người) trong Vân nang tiểu sử [62] kể chuyện về một anh họ Nguyễn xã Hoằng Nghĩa, Hoằng Hóa, và anh họ Lưu huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, cãi nhau với vợ, trốn ra Bắc dạy học.
Những người làm nghề múa hát họ Đào di cư từ Thanh Hóa ra Thăng Long, thường đi diễn trò phục vụ các đình đám hội hè, tụ tập sống ở một thôn gọi là thôn Giáo phường. Hiện nay vẫn còn ngôi đình Giáo phường ở phố Huế, Hà Nội [20, tr.154].
Tư liệu gia phả ở làng Định Công Hạ còn cho biết những đóng góp của con cháu họ Trịnh ở Định công trong lĩnh vực y học. Nhiều người đã trở thành những danh sư, lương y nổi tiếng đương thời [8].
Trịnh Đình Ngoạn: tự Nghiêm Thuận, thụy Chung Cầu, là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Trưởng sáu cung của Thái y viện và Phủ đô đốc.
Ông được phong Thiếu phó, tước Ngoạn trung hầu, sau tặng phong Ngoạn quận công. Ông đã đứng ra quyên tiền trong cung phủ và Thái y viện để xây dựng y miếu Thăng Long.
Trịnh Đình Kiên: tự Thuần Chính, thụy Trung Hậu, giữ chức Thông Chương đại phu, tả Thư tả, kiêm Quản thị hậu viện, tước Kiên trung hầu. Ông ở triều Cảnh Hưng lâu nhất trong các quan nhà Lê, làm Thị nội thủ phiên Hữu trung doãn ở Thái y viện.
Trịnh Đình Toản: tự Chất Trực, thụy Trung Nghĩa, chức Võ huân tướng quân, Thần vũ tứ vệ quân vụ, hộ quân Tham đốc, tước Diệu trung hầu, kiêm quản Thái y viện, Trưởng viện. Ông đã làm hơn 20 năm dưới triều vua Lê Hiển Tông.
Trịnh Đình Huỳnh làm Thị nội thủ phiên thị trà, kiêm Quản viện Hữu đội hiệu úy, tước Huỳnh Trung bá.
Trịnh Đình Uẩn, chức Chiêm sự viện thủ phiên, Hoằng tín đại phu, tước Trân Trung tử.
Trịnh Đình Trị, còn có tên là Đình Khẩn, tự Cương Trực, còn tự Cương Minh, hiệu Trung Tín, chức coi Nam cung trong sáu cung của Thái y viện, kiểm sự thủ phiên, tước Trị Đức bá.
Trịnh Đình Hòe làm tùy nội Lương y phó ở Thái y viện.
Trịnh Đình Diệu làm tùy ngoại Ngự y chánh ở Thái y viện.
Trịnh Đình Trác còn có tên là Đình Thản, hiệu Phúc Trung, thụy Đôn Phúc, làm Thị nội Trung cung Thủ phiên thông chỉnh ty, kiêm Phụng sai sử thần, làm điều hộ quân vụ, tước Trác Trung tử.
Chắc chắn còn nhiều ngành nghề mà người Thanh Hóa đã làm khi chuyển cư ra Hà Nội. Đó có thể là những ngành nghề giúp họ định cư lâu dài tại Thăng Long hoặc chỉ là những ngành nghề làm theo thời vụ, khi hết việc họ lại trở về quê hương tại Thanh Hóa làm nông phụ giúp gia đình. Mặc dù chuyển cư theo hình thức nào, theo ngành nghề nào tại Thăng Long, những thành phần dân cư bình dân người Thanh Hóa chắc chắn có những dấu ấn, đóng góp nhất định đối với sự hình thành các đặc tính văn hóa, xã hội của mảnh đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ này.
* Tiểu kết
1. Người Thanh Hóa ra Thăng Long thời Lê – Trịnh mang nhiều nét đặc biệt hơn so với các thời kỳ khác. Trong luồng chuyển cư này, bao gồm cả những tầng lớp trên cùng của xã hội như vua, chúa, hoàng tộc, tướng lĩnh, binh lính, quan lại, những thành phần bình dân như thợ thủ công, người buôn bán, học hành…
Cùng với xa giá vua Lê ra Thăng Long, dòng họ chúa Trịnh cũng chuyển ra định cư tại kinh thành với vị thế của những người có công đầu trong sự nghiệp “phò Lê” chiếm lại ngôi báu. Dòng dõi chúa Trịnh, bắt đầu từ chúa Trịnh Tùng cùng quần tụ tại Thăng Long trong Vương phủ đồng thời chuyển cư nhanh chóng ra các khu vực lân cận. Các dòng nhánh di cư này khởi nguồn từ con cháu trực hệ của các chúa, lập cư tại các vùng đất lân cận kinh thành, sinh con đẻ cái và hậu duệ tiếp tục sinh sống tại vùng đất đó cho tới tận ngày nay.
Sự hiện diện của các vua Lê trong mối quan hệ Thanh Hóa – Thăng Long trong hai thế kỷ này có phần mờ nhạt hơn. Điều này cũng dễ dàng lý giải bởi trên thực tế, vai trò chính trị của các vua Lê cũng đã bị lu mờ. Do đó mà trong mối quan hệ với đất “thang mộc”, hoạt động của các vua Lê bị hạn chế. Các chuyến về quê bái yết Lam Kinh gần như không còn, các chuyến vi hành vãn cảnh quê hương lại càng vắng bóng. Có chăng chỉ là các hoạt động chôn cất khi vua mất, các lăng tẩm của vua được xây dựng tại mảnh đất này.
2. Một thành phần quan trọng của người Thanh Hóa chuyển cư ra Thăng Long là các tướng lĩnh, binh lính, quan lại. Đội ngũ này có lợi ích gắn liền với quyền lực của vua chúa.
Cùng với Trịnh Tùng tiến đánh chiếm thành Thăng Long năm 1593 có tới 5 vạn quân chia thành 5 đạo. Đứng đầu mỗi đạo quân (trong đó có Trịnh Tùng) là các tướng lĩnh nổi danh cùng chiếm đánh và sau đó định cư tại Thăng Long. Số binh lính trong các đạo quân này cũng trở thành lực lượng binh lính nòng cốt của triều đình. Đại quân này chủ yếu là người Thanh Hóa và Nghệ An được tuyển chọn để trở thành đội quân trung thành của triều đình.
Khi chiếm lại được Thăng Long, họ trở thành những ưu binh, sinh sống trong kinh thành, có nhiệm vụ bảo vệ hoàng thành và triều đình. Những ưu binh này
có nhiều công trạng đối với triều đình song cũng lắm nhiễu nhương, điển hình là gây nên các loạn kiêu binh vào cuối thời Lê – Trịnh.
Sự chuyển cư của các quan lại này cũng có nhiều hình thức khác nhau.
Có vị ra làm quan ở Thăng Long song gia quyến vẫn ở lại quê nhà và khi về trí sĩ thì họ lại về quê nhà mình ở Thanh Hóa an dưỡng. Có vị, khi ra làm quan thì đem cả gia quyến sống tại kinh thành và khi về già thì định cư luôn tại kinh thành. Có vị, sau khi trí sĩ thì chọn một vùng đất ven kinh đô để an dưỡng tuổi già cùng gia đình thân tộc. Mặc dù có nhiều cách thức chuyển cư, song có một điểm chung nhất của quá trình di cư này là, các vị quan này trong quãng thời gian chính của cuộc đời mình đều dành để đóng góp cho triều đình, cho mảnh đất Thăng Long. Do đó, họ đều có những đóng góp nhất định đối với sự tồn tại và phát triển của mảnh đất kinh đô văn vật.
3. Thành phần dân cư bình dân là người Thanh Hóa cũng có mặt ở Thăng Long thời Lê – Trịnh với nhiều ngành nghề như: nghề rèn, nghề gốm, nghề khắc bia đá, buôn bán, nghề múa hát, đi học, đi dạy. Thành phần dân cư làm những ngành nghề này có thể định cư lâu dài ở Thăng Long cùng gia đình, cũng có thể họ làm nghề theo thời vụ ở kinh thành còn gia đình, con cái vẫn ở quê nhà, mỗi khi hết mùa vụ họ lại trở về quê quán.
Tất cả những thành phần dân cư là người Thanh Hóa trên tạo thành một luồng chuyển cư đông đảo và phong phú ở Thăng Long thời Lê – Trịnh. Với sự đặc biệt về thành phần cư trú: gồm cả chúa, vua, tướng lĩnh, binh lính, quan lại, gồm cả các thành phần bình dân như thợ thủ công, người buôn bán, người múa hát…; sự đông đảo về số lượng với hàng vạn binh lính, hàng trăm quan lại giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền, các phường thợ thủ công… dân cư Thanh Hóa ở Thăng Long ắt hẳn sẽ có những tác động không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển của vùng đất này.