Một số thành phần dân cư khác

Một phần của tài liệu Người thanh hóa ở thăng long thời lê trịnh ( thế kỷ XVII XVIII ) luận văn ths lịch sử 60 22 54 pdf (Trang 55)

Những tư liệu ở làng Phù Lưu (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) – một làng buôn nổi tiếng xứ Kinh Bắc – còn cho biết về

những người Thanh Hóa đến đây ngụ cư, làm ăn buôn bán. Những người này phải trải qua 3 đời mới được trở thành dân chính cư của làng. Những người ngụ cư này phải làm những công việc phục dịch nên hình thành nên 1 phường riêng gọi là phường dịch. Phường dịch được tổ chức chu đáo, có trưởng phường để theo dõi chung. Phường dịch – trong đó có những người ngụ cư đến từ Thanh Hóa – cũng có vai trò nhất định trong làng, trường phường dịch cũng được tham gia vào 1 số công việc của làng như tổ chức, điều động người phục dịch mỗi khi làng có việc… Trong Bà tâm huyền kính lục, truyện Cát tâm định đà (Lòng lành giữ vững được lái thuyền) còn kể chuyện về người lái buôn Phùng Cát Khánh ở Hải Vạn, Thanh Hóa, trong hơn 40 năm ông thường xuyên đi thuyền vượt biển ra Bắc Thành buôn bán [62]. Hay trong Vân nang tiểu sử có truyện Vị tha nhân phụ (Nhận làm cha người), có nhắc đến một người ở xã Hoằng Nghĩa, huyện Hoằng Hóa là khách buôn, cũng ở trọ chùa ở Hồ Gươm [62].

Vốn là vùng đất có truyền thống học hành và có nhiều người đỗ đạt tại các kỳ thi tổ chức ở Thăng Long, đi học được nhiều người Thanh Hóa chọn như một nghề để tiến thân. Lan trì kiến văn lục, truyện Nguyễn Quỳnh [62] còn kể một giai thoại về vị danh sĩ đất Thanh Hóa này khi ông còn là một Nho sinh học ở nhà Quốc học. Hay truyện Tái sinh (Sống lại)[62] kể lại chuyện chàng Đào Sinh, người huyện Đông Sơn, vốn là Nho sinh nghèo khó, vì ko hỏi được vợ, bỏ lên kinh du học, ba năm sau thi Hương đỗ đầu.

Nhiều người Thanh Hóa có học hành, lấy nghề dạy học làm nghề nuôi thân cũng được nhắc đến trong các truyện như truyện Trúc mộ báo thù (Đắp mộ được đáp đền) [62]. Truyện này xảy ra vào đời Lê trung hưng, khi Tây Sơn đánh ra Đàng Ngoài, ở huyện Hoằng Hóa có một vị danh sĩ họ Trần, tự Thời Sự đi dạy học tận làng Từ Hồ, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc, ông đã ngoại 50, nhà có 3 đứa con mới 15 tuổi, mười hai và mười chín nên ko thể

theo cha đi xa được. Thời Sự ngẫu nhiên mắc bệnh mà chết nơiđất khách. Ông chủ nhà nơi ông dạy học cùng các học trò đưa ông ra đám ruộng hương hỏa an táng. Vợ con họ hàng ông ở nhà chỉ được các học trò báo tin ông mất cùng ngày giỗ. Hay truyện Vị tha nhân phụ (Nhận làm cha người) trong Vân nang tiểu sử [62] kể chuyện về một anh họ Nguyễn xã Hoằng Nghĩa, Hoằng Hóa, và anh họ Lưu huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, cãi nhau với vợ, trốn ra Bắc dạy học.

Những người làm nghề múa hát họ Đào di cư từ Thanh Hóa ra Thăng Long, thường đi diễn trò phục vụ các đình đám hội hè, tụ tập sống ở một thôn gọi là thôn Giáo phường. Hiện nay vẫn còn ngôi đình Giáo phường ở phố Huế, Hà Nội [20, tr.154].

Tư liệu gia phả ở làng Định Công Hạ còn cho biết những đóng góp của con cháu họ Trịnh ở Định công trong lĩnh vực y học. Nhiều người đã trở thành những danh sư, lương y nổi tiếng đương thời [8].

Trịnh Đình Ngoạn: tự Nghiêm Thuận, thụy Chung Cầu, là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Trưởng sáu cung của Thái y viện và Phủ đô đốc. Ông được phong Thiếu phó, tước Ngoạn trung hầu, sau tặng phong Ngoạn quận công. Ông đã đứng ra quyên tiền trong cung phủ và Thái y viện để xây dựng y miếu Thăng Long.

Trịnh Đình Kiên: tự Thuần Chính, thụy Trung Hậu, giữ chức Thông Chương đại phu, tả Thư tả, kiêm Quản thị hậu viện, tước Kiên trung hầu. Ông ở triều Cảnh Hưng lâu nhất trong các quan nhà Lê, làm Thị nội thủ phiên Hữu trung doãn ở Thái y viện.

Trịnh Đình Toản: tự Chất Trực, thụy Trung Nghĩa, chức Võ huân tướng quân, Thần vũ tứ vệ quân vụ, hộ quân Tham đốc, tước Diệu trung hầu, kiêm quản Thái y viện, Trưởng viện. Ông đã làm hơn 20 năm dưới triều vua Lê Hiển Tông.

Trịnh Đình Huỳnh làm Thị nội thủ phiên thị trà, kiêm Quản viện Hữu đội hiệu úy, tước Huỳnh Trung bá.

Trịnh Đình Uẩn, chức Chiêm sự viện thủ phiên, Hoằng tín đại phu, tước Trân Trung tử.

Trịnh Đình Trị, còn có tên là Đình Khẩn, tự Cương Trực, còn tự Cương Minh, hiệu Trung Tín, chức coi Nam cung trong sáu cung của Thái y viện, kiểm sự thủ phiên, tước Trị Đức bá.

Trịnh Đình Hòe làm tùy nội Lương y phó ở Thái y viện. Trịnh Đình Diệu làm tùy ngoại Ngự y chánh ở Thái y viện.

Trịnh Đình Trác còn có tên là Đình Thản, hiệu Phúc Trung, thụy Đôn Phúc, làm Thị nội Trung cung Thủ phiên thông chỉnh ty, kiêm Phụng sai sử thần, làm điều hộ quân vụ, tước Trác Trung tử.

Chắc chắn còn nhiều ngành nghề mà người Thanh Hóa đã làm khi chuyển cư ra Hà Nội. Đó có thể là những ngành nghề giúp họ định cư lâu dài tại Thăng Long hoặc chỉ là những ngành nghề làm theo thời vụ, khi hết việc họ lại trở về quê hương tại Thanh Hóa làm nông phụ giúp gia đình. Mặc dù chuyển cư theo hình thức nào, theo ngành nghề nào tại Thăng Long, những thành phần dân cư bình dân người Thanh Hóa chắc chắn có những dấu ấn, đóng góp nhất định đối với sự hình thành các đặc tính văn hóa, xã hội của mảnh đất Kinh Kỳ - Kẻ Chợ này.

* Tiểu kết

1. Người Thanh Hóa ra Thăng Long thời Lê – Trịnh mang nhiều nét đặc biệt hơn so với các thời kỳ khác. Trong luồng chuyển cư này, bao gồm cả những tầng lớp trên cùng của xã hội như vua, chúa, hoàng tộc, tướng lĩnh, binh lính, quan lại, những thành phần bình dân như thợ thủ công, người buôn bán, học hành…

Cùng với xa giá vua Lê ra Thăng Long, dòng họ chúa Trịnh cũng chuyển ra định cư tại kinh thành với vị thế của những người có công đầu trong sự nghiệp “phò Lê” chiếm lại ngôi báu. Dòng dõi chúa Trịnh, bắt đầu từ chúa Trịnh Tùng cùng quần tụ tại Thăng Long trong Vương phủ đồng thời chuyển cư nhanh chóng ra các khu vực lân cận. Các dòng nhánh di cư này khởi nguồn từ con cháu trực hệ của các chúa, lập cư tại các vùng đất lân cận kinh thành, sinh con đẻ cái và hậu duệ tiếp tục sinh sống tại vùng đất đó cho tới tận ngày nay.

Sự hiện diện của các vua Lê trong mối quan hệ Thanh Hóa – Thăng Long trong hai thế kỷ này có phần mờ nhạt hơn. Điều này cũng dễ dàng lý giải bởi trên thực tế, vai trò chính trị của các vua Lê cũng đã bị lu mờ. Do đó mà trong mối quan hệ với đất “thang mộc”, hoạt động của các vua Lê bị hạn chế. Các chuyến về quê bái yết Lam Kinh gần như không còn, các chuyến vi hành vãn cảnh quê hương lại càng vắng bóng. Có chăng chỉ là các hoạt động chôn cất khi vua mất, các lăng tẩm của vua được xây dựng tại mảnh đất này.

2. Một thành phần quan trọng của người Thanh Hóa chuyển cư ra Thăng Long là các tướng lĩnh, binh lính, quan lại. Đội ngũ này có lợi ích gắn liền với quyền lực của vua chúa.

Cùng với Trịnh Tùng tiến đánh chiếm thành Thăng Long năm 1593 có tới 5 vạn quân chia thành 5 đạo. Đứng đầu mỗi đạo quân (trong đó có Trịnh Tùng) là các tướng lĩnh nổi danh cùng chiếm đánh và sau đó định cư tại Thăng Long. Số binh lính trong các đạo quân này cũng trở thành lực lượng binh lính nòng cốt của triều đình. Đại quân này chủ yếu là người Thanh Hóa và Nghệ An được tuyển chọn để trở thành đội quân trung thành của triều đình. Khi chiếm lại được Thăng Long, họ trở thành những ưu binh, sinh sống trong kinh thành, có nhiệm vụ bảo vệ hoàng thành và triều đình. Những ưu binh này

có nhiều công trạng đối với triều đình song cũng lắm nhiễu nhương, điển hình là gây nên các loạn kiêu binh vào cuối thời Lê – Trịnh.

Sự chuyển cư của các quan lại này cũng có nhiều hình thức khác nhau. Có vị ra làm quan ở Thăng Long song gia quyến vẫn ở lại quê nhà và khi về trí sĩ thì họ lại về quê nhà mình ở Thanh Hóa an dưỡng. Có vị, khi ra làm quan thì đem cả gia quyến sống tại kinh thành và khi về già thì định cư luôn tại kinh thành. Có vị, sau khi trí sĩ thì chọn một vùng đất ven kinh đô để an dưỡng tuổi già cùng gia đình thân tộc. Mặc dù có nhiều cách thức chuyển cư, song có một điểm chung nhất của quá trình di cư này là, các vị quan này trong quãng thời gian chính của cuộc đời mình đều dành để đóng góp cho triều đình, cho mảnh đất Thăng Long. Do đó, họ đều có những đóng góp nhất định đối với sự tồn tại và phát triển của mảnh đất kinh đô văn vật.

3. Thành phần dân cư bình dân là người Thanh Hóa cũng có mặt ở Thăng Long thời Lê – Trịnh với nhiều ngành nghề như: nghề rèn, nghề gốm, nghề khắc bia đá, buôn bán, nghề múa hát, đi học, đi dạy. Thành phần dân cư làm những ngành nghề này có thể định cư lâu dài ở Thăng Long cùng gia đình, cũng có thể họ làm nghề theo thời vụ ở kinh thành còn gia đình, con cái vẫn ở quê nhà, mỗi khi hết mùa vụ họ lại trở về quê quán.

Tất cả những thành phần dân cư là người Thanh Hóa trên tạo thành một luồng chuyển cư đông đảo và phong phú ở Thăng Long thời Lê – Trịnh. Với sự đặc biệt về thành phần cư trú: gồm cả chúa, vua, tướng lĩnh, binh lính, quan lại, gồm cả các thành phần bình dân như thợ thủ công, người buôn bán, người múa hát…; sự đông đảo về số lượng với hàng vạn binh lính, hàng trăm quan lại giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền, các phường thợ thủ công… dân cư Thanh Hóa ở Thăng Long ắt hẳn sẽ có những tác động không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển của vùng đất này.

Chương 3:

TÁC ĐỘNG CỦA NGƯỜI THANH HÓA ĐỐI VỚI THĂNG LONG THỜI LÊ – TRỊNH 3.1. Về chính trị

Về mặt chính trị, nhìn chung, trong hơn 2 thế kỷ trị vì của chúa Trịnh, đặc biệt là sau khi định yên ranh giới với nhà Nguyễn ở phía Nam (1672) và dẹp yên hẳn được nhà Mạc ở phía Bắc (1677) thì từ đó đến nửa đầu thế kỷ XVIII, tình hình chính trị, xã hội ở Đàng Ngoài khá yên ổn. Dưới sự trị vì chủ yếu của các chúa Trịnh, các vấn đề chính trị trong nước dần được cải thiện hơn so với thời kỳ chiến tranh loạn lạc trước đó.

Ở thời kỳ Lê trung hưng, quân đội Đàng Ngoài phát triển khá mạnh, đặc biệt là thủy quân. Điều này một phần quan trọng là do cuộc nội chiến kéo dài liên miên với Đàng Trong, buộc chính quyền Lê – Trịnh phải phát triển quân đội, đặc biệt là thủy quân để chiến đấu với quân đội Đàng Trong cũng đang ngày một phát triển.

Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết, đầu đời Lê trung hưng, tổng số binh lính của nhà Lê là 12 vạn, chủ yếu gồm quân lấy từ hai xứ Thanh Hoa và Nghệ An. Sau này, “đến đời Cảnh Hưng lại đặt 24 cơ vệ binh, số binh cũng không đầy một vạn. Tổng cộng số binh chỉ được hơn 65.700 người mà thôi”[6, tr.333]. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Sách Nam triều công nghiệp diễn chí có ghi: “Truyền lệnh điểm 18 vạn quân, rước vua Lê đi đánh, Tây Định3

đích thân làm nguyên súy thủy quân, đốc quân cả nước kéo vào chiếm đất phía nam” [64, tr.448] [14, tr.693]. Lúc này, sự huy động lực lượng của nhà Trịnh đã lên tới mức đỉnh điểm và có tới 18 vạn quân, trong đó thủy binh là một đạo quân mạnh, chủ lực trong quân đội.

3

Một nhà du hành phương Tây khi đến Đàng Ngoài cũng đã viết trong cuốn nhật ký của mình những mô tả về quân đội của chúa vào thời bình (1688) như sau: “Chúa luôn có những đội ngũ bảo vệ hung hậu xung quanh cung điện và nhiều tàu ngựa, voi... Trước cung điện của chúa có một thao trường hay một cái sân hình vuông để cho binh sĩ dàn quân. Cái sân được chia ra hai bên: một bên dành cho các quan ngồi xem binh sĩ luyện tập còn bên kia có dãy nhà cất giữ những khẩu thần công và các loại sung hạng nặng khác”[74, tr.90]. Ở một đoạn khác ông lại viết: “…vua luôn duy trì một số quân lớn. Người ta cho rằng ông luôn có từ 7000 đến 8000 quân sĩ hưởng lương. Phần lớn là quân sĩ bộ binh, được trang bị kiếm, gươm và súng tay nòng dài”[74, tr.91]

Như vậy có thể thấy rằng, dưới thời Lê – Trịnh, ngay cả khi các cuộc chiến tranh đã chấm dứt thì quân đội vẫn là một trong những quan tâm hàng đầu của chính quyền trung ương. Điều này không chỉ thể hiện ở số lượng quân lính lớn mà còn ở cách thức duy trì quân đội trong Vương phủ của chúa Trịnh.

Tuy nhiên, dưới thời Lê – Trịnh, có một vấn nạn của binh lính mà sử sách đã ghi chép lại đó là nạn kiêu binh của các ưu binh người Thanh Hóa, Nghệ An.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Binh chế chí, sử gia Phan Huy Chú cho biết, ưu binh là lính chuyên canh phòng, bảo vệ triều đình và hoàng thành. Số ưu binh này chủ yếu lấy ở đinh tráng Thanh Hóa và Nghệ An. Đây chính là lực lượng binh lính thân cận, trung thành nhất đối với nhà chúa và vua. Tuy nhiên, do họ có nhiều công lao trong bảo vệ triều đình, đánh dẹp ở các cuộc binh lửa nên được vua, chúa ưu ái. Chính vì thế, vào thời Lê mạt, nạn kiêu binh cướp bóc, bắt bớ ngoài đường phố, đốt nhà, đe dọa các quan đại thần và đỉnh điểm là cuộc nổi loạn truất ngôi chúa của Trịnh Cán, lập Trịnh Khải (1782).

Việc nhiễu nhương của ưu binh đã trở thành một vấn nạn, đến mức năm 1740, triều đình phải “hạ lệnh cho các tướng hiệu cấm quân lính đi bắt bớ cướp bóc” [46, tr.539].

Song, có vẻ các mệnh lệnh của triều đình không có mấy tác dụng đối với ưu binh. Ngay năm sau, năm 1741, kiêu binh đã nổi loạn cướp bóc, đốt phá, đe dọa nhà Tham tụng Nguyễn Quý Cảnh. “Lúc ấy trong nước nhiều việc nguy cấp, ưu binh phải đi đánh dẹp luôn; triều đình dùng quan tước để thưởng công, từ chức thập trưởng trở lên đều ban cho sắc mệnh. Vì thế, ưu binh càng kiêu ngạo, những người không được dự vào hạng quân công lại xin tính xã để liệu lượng trao cho chức phẩm. Quý Cảnh lấy cớ là trái thể lệ, bác bỏ lời xin của ưu binh. Bọn này nổi giận, xỉ nhục Quý Cảnh… Rồi họ bèn cùng đem nhau đến phá nhà, lùng tìm Quý Cảnh để giết, nhưng Quý Cảnh đã đi vội vào hầu trong phủ từ trước nên được thoát nạn. Trịnh Doanh giữ Quý Cảnh ở trong phủ, rồi tra hỏi và bắt giết người cầm đầu việc nổi loạn. Còn những người khác đều bắt buộc vào khuôn phép và cấm đoán nghiêm ngặt. Nhưng ưu binh kiêu ngạo, hung hãn đã thành thói quen, chung quy không thể nào kiềm chế được” [46, tr.544]

Sự rệu rã của hệ thống quản lý, sự nhu nhược và bất lực của các vua Lê – chúa Trịnh vào cuối đời trung hưng đã không thể kiềm chế được nạn kiêu binh. Đỉnh điểm của nạn kiêu binh là năm 1782, kiêu binh tam phủ nổi loạn, truất ngôi Trịnh Cán và lập Trịnh Khải làm chúa.

Trịnh Sâm trước khi mất đã phế ngôi thế tử của Trịnh Khải, lập Trịnh Cán – con của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, đang còn bé và nhiều bệnh tật – làm ngôi thế tử. Việc phế lập này vốn đã không được nhiều đại thần trong triều đình và lòng dân tán thuận. “Cán tuy được lập làm chúa, nhưng lòng người

Một phần của tài liệu Người thanh hóa ở thăng long thời lê trịnh ( thế kỷ XVII XVIII ) luận văn ths lịch sử 60 22 54 pdf (Trang 55)