Việc thống kê và phân loại các chức quan mà người Thanh Hóa đã làm ở Thăng Long thời Lê – Trịnh là một công việc vô cùng khó khăn. Với 112
nhân vật thì có tới hàng trăm các chức quan mà họ đã trải qua, có những vị giữ nhiều chức vị một lúc, do đó con số chức tước nhiều hơn số người trên thực tế. Dưới đây, chúng tôi chỉ liệt kê những chức quan chủ yếu, không kể những chức phong sau khi mất.
Bảng 2.3: Bảng phân loại các chức quan của người Thanh Hóa ở Thăng Long thời Lê – Trịnh
Stt Chức quan Số lượng người
1. Thượng thư 19
2. Tả Thị lang 15
3. Đô cấp sự trung, Cấp sự trung 14
4. Hàn lâm 10 5. Tham tụng 9 6. Hữu Thị lang 8 7. Tự khanh 6 8. Nhập thị kinh diên 4 9. Thiếu bảo 4 10. Đông Các đại học sĩ 3 11. Đô đốc 3 12. Thái phó 3 13. Đô ngự sử 3
14. Tế tửu Quốc Tử Giám 1
(Nguồn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919)
Có thể nhận thấy ngay rằng, chức quan Thượng thư – bậc tòng nhị phẩm – có số lượng nhiều nhất (19). Đây là chức quan đứng đầu 6 bộ trong triều đình (sáu bộ gồm: bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Công).
Trong các chức quan đầu triều thì Thượng thư đứng hàng thứ ba. Việc quan lại người Thanh Hóa được bổ nhiệm chức quan đầu triều này cũng là điều dễ hiểu và cho thấy vị trí quan trọng của họ trong những công việc triều chính. Có thể kể đến một số quan Thượng thư tiêu biểu thời kỳ này như: Lương Chí (1542-?), người xã Tào Sơn, huyện Ngọc Sơn, nay là thôn Tào Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia, làm đến chức Thượng thư bộ Hộ; Lê Bật Tứ (1563- 1627) người xã Cổ Định, huyện Nông Cống, nay là thôn Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Tĩnh Gia, làm đến chức Thượng thư bộ Binh; Lưu Đình Chất (1566-?), người xã Quỳ Chử, huyện Hoằng Hóa, nay là thôn Quỳ Chử, xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa, làm đến chức Thượng thư bộ Hộ; Lê Hy (1643-1702), người xã Thạch Khê, huyện Đông Sơn, nay là thôn Thạch Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, từng giữ chức Thượng thư bộ Binh; Nguyễn Quán Nho (1638-1709), người xã Vãn Hà, huyện Thụy Nguyên, nay thuộc xã Thiệu Hưng, huyện Thiệu Hóa; Hà Tông Huân (1697-1766) người xã Kim Vực huyện Yên Định, nay là thôn Kim Vực, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, làm quan tới chức Thượng thư bộ Binh; Nguyễn Hiệu (1674-1735), người xã Lan Khê, huyện Nông Cống, nay là thôn Lan Khê, xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, từng giữ chức Thượng thư bộ Lại; Nguyễn Hoàn (1713-1792), là con Nguyễn Hiệu, từng giữ chức Thượng thư bộ Lại…
Chức Tả Thị lang chiếm số lượng nhiều thứ 2 với 15 trường hợp. Trong khi chức Hữu Thị lang chỉ có 8 trường hợp, bằng một nửa số Tả Thị lang. Đây là hai chức quan xếp bậc tòng tam phẩm trong thứ bậc quan lại, là các chức quan quan trọng trong triều đình. Một số trường hợp tiêu biểu như: Đỗ Tế Mỹ (1535-1586), người xã Cổ Đôi, huyện Nông Cống, nay là thôn Văn Đôi, xã Hoằng Giang, huyện Nông Cống, từng giữ chức Hộ bộ Tả Thị lang; Đỗ Thiện Chính (1627-?), người xã Đông Biện, huyện Vĩnh Phúc, nay là thôn Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, từng giữ chức Công bộ Hữu Thị lang; Lê Như Kỳ (1684-1772), người xã Yên Xá, huyện Thụy Nguyên, nay là
xã Thiệu Tịnh, huyện Thiệu Yên, từng giữ chức Hình bộ Tả Thị lang; Đào Xuân Lan (1711-?), người xã Hà My, huyện Nông Cống, nay là thôn Hà My, xã Tân Khang, huyện Nông Cống, từng giữ chức Công bộ Tả Thị lang…
Chức Đô cấp sự trung, Cấp sự trung có số lượng là 14, đứng thứ 3 sau số lượng quan Thượng thư và Tả Thị lang. Cấp sự trung là chức quan chánh bát phẩm, Đô cấp sự trung là chức quan chánh thất phẩm. Đây không phải là những chức quan lớn song có thường những người đỗ hàng Tiến sĩ mới được bổ dụng các chức này. Như trường hợp Lê Khả Trù (1582-?), người xã Phúc Triền, huyện Đông Sơn, nay là thôn Phúc Triền, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn năm 1628, từng giữ chức Hộ khoa Đô Cấp sự trung; Lê Hùng Xứng (1645-?), người xã Bất Căng, huyện Lôi Dương, nay là thôn Bất Căng, xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, đỗ Đệ nhị Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất năm 1670, từng giữ chức Lễ khoa Cấp sự trung…
Ngoài ra, các chức quan như Tham tụng, Hữu thị lang cũng chiếm một số lượng đáng kể, chiếm khoảng 6% trên tổng số quan lại. Đây cũng là những chức quan văn quan trọng trong chiều chính.
Đặc biệt, những chức quan quan trọng bậc nhất như: có 3 người làm Thái phó, 1 người Thái tể, 2 người Thiếu phó, 2 Tả đô đốc, 1 Hữu đô đốc. Đây đều là những chức quan đứng đầu hàng quan văn (Thái phó, Thái tể, Thiếu phó) và quan võ (Tả đô đốc, Hữu đô đốc).