Sự chuyển cư của người Thanh Hóa ra Thăng Long bao gồm nhiều thành phần dân cư và với nhiều nguyên do khác nhau. Từ thời trung hưng, sự chuyển cư này lại mang một đặc tính mới, đó là sự góp mặt đông đảo của tầng tướng lĩnh, binh lính, quan lại.
Trong lần tiến đánh lớn ra Bắc, Trịnh Tùng huy động tới 5 vạn quân. Đội quân này đã theo Trịnh Tùng tiến ra đánh chiếm Thăng Long theo các mũi tiến công.
Trịnh gia chính phả cho biết: Năm Tân Mão (1591), “Trịnh Tùng bèn chia năm vạn quân ra làm năm đạo, giao cho Thái phó Nguyễn Hữu Liêu, Thái úy Hoàng Đình Ái, Lân quận công Hà Thế (Thọ) Lộc, Thế quận công Ngô Cảnh Hựu mỗi người lĩnh một đạo, còn mình tự thân chính làm tướng đem hai vạn quân thẳng của Thiên Quan (Ninh Bình) tiến đánh nhà Mạc”
[48, tr.24-25]. Như vậy, dẫn đầu các đạo quân là các tướng chỉ huy giỏi nhất của Trịnh Tùng: Nguyễn Hữu Liêu, Hoàng Đình Ái, Hà Thọ Lộc, Ngô Cảnh Hựu. Và theo các tướng lĩnh này, trong đó có Trịnh Tùng, có tới 5 vạn quân
Tháng Giêng năm 1592, Trịnh Tùng dàn bày thế trận chuẩn bị tiến đánh Thăng Long, Trịnh gia chính phả cho biết các mũi tiến công như sau:
“Nguyễn Hữu Liêu và Trịnh Ninh làm tả dực cầm một vạn quân và voi đánh lấy cầu Gia Kiều (nay là Thịnh Quang)”
“Hoàng Đình Ái và Trịnh Đồng làm hữu dực có 10.500 quân và voi, đánh nhau với Nguyễn Quyện mặt nam thành Thăng Long: cửa Triều Kiều (Bạch Mai) và cửa Nam Giao”
“Tiền quân và trung quân có Trịnh Đỗ đốc suất” “Trịnh Tùng làm hậu tập có 25.000 quân”
“Thụy trang hầu cầm 1.200 quân nghe hiệu lệnh phải đánh tiên phong, lấy cầu Mộng Kiều và cửa Mộng Kiều ở mặt nam thành Thăng Long” [48, tr.27].
Trong đợt tiến công trực tiếp vào thành Thăng Long này, tổng cộng ít nhất có gần 3 vạn quân. Và các đội quân này, sau khi Trịnh Tùng chiếm được thành Thăng Long, chắc chắn sẽ theo xa giá vua Lê và chúa ra định cư tại Thăng Long.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết rõ hơn về binh chế thời trung hưng: “Buổi đầu đời Trung hưng đặt ngạch quân đại khái theo quy chế cũ… Bấy giờ chỉ lấy quân ở hai xứ Thanh Hoa, Nghệ An, khi có việc thì gọi hết các đinh tráng có tên trong sổ… Đến đời Quang Hưng(2), sau khi thu phục đất nước, duyệt tất cả các quân thủy, bộ, cộng 12 vạn”[6, tr.321]. Như vậy, trước khi trở về kinh thành Thăng Long, quân đội của nhà Lê tổng cộng có khoảng 12 vạn, gồm đinh tráng ở hai xứ Thanh Hoa và Nghệ An.
Năm 1721, tháng 12, “Trịnh Cương hạ lệnh nói: Triều ta lúc bắt đầu mở nước sắp xếp ngạch lính, đặt từng vệ, từng sở, lựa chọn dân đinh để bổ dụng vào quân ngũ. Từ lúc trung hưng, dùng binh lính Thanh Nghệ diệt hết
giặc Mạc, khôi phục được đất nước, rồi giữ luôn binh kính ấy đóng ở kinh đô để đủ số lính chầu chực và bảo vệ hoàng thành; còn binh lính ở bốn trấn, chỉ giữ có ngạch không, lúc có việc mới bắt tập họp để phân phối, xong việc lại cho trở về làm ruộng” [46, tr.428]. Như vậy, sau khi trung hưng, trở về định đô tại Thăng Long, toàn bộ số quân tuyển được từ Thanh Hóa và Nghệ An gồm 12 vạn đã chuyển cư ra Thăng Long cùng xa giá vua Lê. Luồng chuyển cư của người Thanh Hóa ra Thăng Long lúc này tiếp nhận thêm một bộ phận đông đảo binh lính. Đây là một con số dân cư lớn, chắc chắn đã có những đóng góp không nhỏ vào việc hình thành diện mạo của kinh thành Thăng Long thời Lê trung hưng. Ngoài ra, trong các lần tổ chức võ cử thời Lê trung hưng, có tới 44/199 Tiến sĩ võ (Tạo sĩ) là người Thanh Hóa (tính cả những người trong Tôn thất họ Trịnh), chiếm hơn 22% tổng số Tạo sĩ cả nước thời Lê trung hưng. Đây cũng là con số không nhỏ cho thấy nhiều người Thanh Hóa theo nghiệp võ cử và đã đỗ đạt (Xem bảng 2 phần Phụ lục)
Năm 1740, “tuyển thêm ưu binh. Từ lúc trung hưng trở về sau, huyện lấy lính ở Thanh – Nghệ sung vào việc bảo vệ, gọi là “ưu binh”. Về ngạch lính: cứ 3 suất định lấy 1 lính. Năm 1721, định lại chế độ binh lính, cứ 5 suất đinh lấy 1 lính. Đến nay tuyển thêm lính, lại theo ngạch cũ 3 suất định lấy 1 lính. Người nào đã tuyển được thì phân phối đưa đi luyện tập, sau dẫn vào phủ đường thi khảo, rồi bổ thuộc các đội ngũ” [46, tr.517]. Như vậy, đinh tráng người Thanh – Nghệ là nguồn bổ sung chủ yếu và thường xuyên vào đội ngũ binh lính chuyên bảo vệ triều đình và hoàng thành, được gọi là ưu binh. Những ưu binh này được sử sách ghi chép lại với nhiều công trạng nhưng cũng lắm thói nhiễu nhương. Họ được ưu ái nhiều đến mức sau này, vào cuối thời trung hưng đã sinh ra nạn kiêu binh.
Bên cạnh đông đảo các tướng lĩnh, binh lính chuyển cư cùng vua Lê, chúa Trịnh ra kinh thành Thăng Long, người Thanh Hóa ở Thăng Long thời
kỳ này còn có sự góp mặt của tầng lớp quan lại. Truyền thống học hành, khoa cử của người Thanh Hóa đã được khẳng định từ trước thời Lê trung hưng. Song đến giai đoạn này, truyền thống này lại càng được tiếp nối và phát huy. Thời kỳ này, có tới 108 người Thanh Hóa đỗ tiến sĩ qua các kỳ thi, chiếm số lượng nhiều nhất so với các thời kỳ trước (xem thêm bảng 1 phần Phụ lục). Và chắc hẳn, vì nhiều nguyên nhân (như đã nói ở trên) mà ở thời kỳ này, các sĩ tử, các tân khoa hay các quan lại người Thanh Hóa sẽ có những ưu ái trong chính sách sử dụng người của triều đình Lê – Trịnh. Chưa có một thống kê so sánh nhưng theo đoán định của chúng tôi, quan lại người Thanh Hóa ở Thăng Long thời kỳ này phải có số lượng nhiều hơn hẳn và có vai trò quan trọng hơn trong hệ thống chính quyền trung ương so với các thời kỳ trước.
Với mong muốn có được một thống kê đầy đủ nhất có thể về những nhân vật quan lại, tướng lĩnh nổi bật người Thanh Hóa thời Lê – Trịnh, chúng tôi dựa vào các bộ sách như: Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, Các nhà khoa bảng Việt Nam… để có được một bảng thống kê những quan lại, tướng lĩnh người Thanh Hóa có tên tuổi được sử sách ghi chép lại (xem bảng 1 phần Phụ lục). Chắc chắn đây chỉ là một số lượng rất nhỏ các quan, lại, tướng lĩnh người Thanh Hóa ở Thăng Long, song vì là những nhân vật có tên tuổi, được sử sách ghi chép lại cho nên có thể xem đây là những đại diện điển hình cho tầng lớp chuyển cư này. Dựa vào bảng thống kê, chúng tôi tiến hành phân tích và có được một số nhìn nhận sau: