Theo thống kê từ những sử liệu hiện có, chúng tôi có được danh sách 112 nhân vật người Thanh Hóa làm quan lại Thăng Long. Đây chủ yếu là những vị quan lại, tướng lĩnh có tiếng nói, có đóng góp hoặc có liên quan tới những sự kiện quan trọng mà sử sách có ghi chép được. Chắc chắn đây chưa
thể là một bảng thống kê đầy đủ, bởi những người Thanh Hóa làm quan lại tại Thăng Long ắt hẳn phải hơn con số trăm rất nhiều. Song với điều kiện tư liệu hiện có, chúng tôi mới chỉ thống kê được 112 nhân vật, với quê quán, hành trạng, chức vị khá đầy đủ.
Theo danh sách trên, chúng tôi thống kê được nguyên quán của các vị quan lại người Thanh Hóa ở Thăng Long ở bảng dưới đây:
Bảng 2.2: Quê quán các quan lại người Thanh Hóa ở Thăng Long thời Lê – Trịnh
Stt Tên huyện (ngày nay) Số nhân vật Tỉ lệ (%)
1. Hoằng Hóa 30 26.8 2. Đông Sơn 16 14.3 3. Nông Cống 14 12.5 4. Thọ Xuân 8 7.1 5. Quảng Xương 7 6.2 6. Tĩnh Gia 7 6.2 7. Triệu Sơn 4 3.6 8. Yên Định 4 3.6 9. Vĩnh Lộc 3 2.7 10. Thiệu Hóa 3 2.7 11. Thành phố Thanh Hóa 3 2.7 12. Nga Sơn 3 2.7 13. Hậu Lộc 2 1.7 14. Cẩm Thủy 1 0.9 15. Hà Trung 1 0.9 16. Thường Xuân 1 0.9 Tổng 112
(Nguồn: Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên và Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919)
Ở bảng trên, chúng tôi lấy tên huyện theo tên gọi hiện tại. Trong 27 huyện thị của tỉnh Thanh Hóa hiện nay, có tới 18 huyện thị được nhắc tới trong danh sách trên. Chắc chắn, thống kê này của chúng tôi chưa thật đầy đủ bởi trên thực tế, các huyện thị của Thanh Hóa có người ra làm quan ở Thăng Long thời Lê – Trịnh chắc phải nhiều hơn con số trên. Tuy nhiên, với thống kê ban đầu trên, chúng ta thấy nổi lên một số đặc điểm sau:
Trước hết, số quan lại phân bố không đồng đều giữa các huyện thị. Có những huyện có tới hàng chục quan lại, nhưng cũng có những huyện lại chỉ có 1, thậm chí không có ai làm quan trong danh sách trên. Huyện có số quan lại nhiều nhất là huyện Hoằng Hóa. Trong lịch sử, vùng đất này vốn được gọi là vùng “đất học” của tỉnh Thanh Hóa, bởi thế huyện này có nhiều người học hành đỗ đạt, làm quan lại ở Thăng Long là điều dễ hiểu. Huyện này có 30 quan lại, chiếm hơn 26% trong tổng số thống kê. Đứng thứ 2 là huyện Đông Sơn và huyện Nông Cống với hơn 10%. Đây cũng là hai huyện có truyền thống khoa bảng của tỉnh Thanh Hóa. Tiếp sau là Thọ Xuân, Quảng Xương, Tĩnh Gia với trên 6%. Những huyện còn lại chiếm số lượng rất ít. Đáng chú ý có những huyện miền núi như Cẩm Thủy, Thường Xuân, Thạch Thành cũng có đóng góp 1 quan lại trong bảng trên.
Qua bảng trên có thể thấy, sự phân bố quan lại người Thanh Hóa không đồng đều giữa các huyện. Những huyện có truyền thống học hành khoa bảng, ở đồng bằng thường có số lượng quan lại nhiều hơn. Trong khi đó những huyện ở miền núi có đóng góp rất khiêm tốn. Điều này cũng là một phản ánh tự nhiên điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội của các vùng đất trên và phản ánh đúng bản chất của sự thật lịch sử.