1.2. Nội dung của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá
1.2.2. Những biến đổi cơ bản của cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa
1.2.2.1. Vị trí của nông nghiệp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất ra đời sớm nhất và nó tồn tại, phát triển với tư cách là một ngành sản xuất chủ yếu ở nông thôn. Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra rằng:”Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế” và “Nước ta là một nước nông nghiệp, cho nên hiện nay nông nghiệp là quan trọng nhất”[20, tr 77]. Rõ ràng, đối với nước ta nông nghiệp có một vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, tự bản thân nông nghiệp cũng không thể phát triển nhanh được. Vị trí của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế tùy thuộc vào trình độ phát triển của đất nước. Với tư cách là một bộ phận hợp thành hệ thống kinh tế quốc dân thống nhất, sự phát triển của nông nghiệp có quan hệ tương hỗ với sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ.
Nông nghiệp có cơ cấu nội tại rất phức tạp, biểu hiện ở các bộ phận cấu thành hệ thống nông nghiệp và mối quan hệ tương tác giữa các bộ phận ấy. Sự hình thành và vận động của cơ cấu nông nghiêp phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế và tổ chức, khoa học và công nghệ, tự nhiên và xã hội… Với tiềm năng đa dạng về sinh thái, nước ta có nhiều thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Song điều kiện tự nhiên nước ta cũng gây những bất lợi, khó khăn và cản trở sự phát triển bền vững của các bộ phận hợp thành nền nông nghiệp. Những khó khăn bất lợi sẽ gia tăng khi môi trường kinh tế - xã
hội, tổ chức không thích ứng, trình độ phát triển của khoa học, công nghệ còn thấp kém.
Công cuộc công nghiệp hoá ở nước ta được thực hiện với điểm xuất phát rất thấp: nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất tập trung chủ yếu vào cây lương thực với cây lúa nước giữ vị trí trọng tâm, 80% dân cư và lao động sống ơ ỷnông thôn. Với việc nhanh chóng biến nước ta thành một nước công- nông nghiệp hiện đại, trong thập niên 60, chúng ta đã thực hiện công nghiệp hóa theo định hướng” Ưu tiên phát triển công nghiệp một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”. Sang thập niên 70, định hướng trên được điều chỉnh thành” Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”. Về danh nghĩa, nền nông nghiệp nước ta luôn được khẳng định có vị trí quan trọng và đòi hỏi phải được chú ý đúng mức, song trên thực tế, trí tuệ, sức lực và vốn lại được tập trung cho công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng. Kết quả là nước ta có một lực lượng công nghiệp nặng đáng kể, trong khi đó nông nghiệp chưa được khai thác, phát triển đúng mức, do vậy nền tảng cho sự phát triển công nghiệp không bền vững, những mất cân đối về kinh tế ngày càng trầm trọng và nhiều vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc nãy sinh như thiếu ăn, thiếu việc làm ở nông thôn.
Tình hình thực tế lúc bấy giờ là nông nghiệp nhìn chung phát triển chậm và bấp bênh, ở một số tỉnh thành ở miền Nam thậm chí còn diễn ra tình trạng thiếu lương thực (1978 - 1979). Thực tiễn cho thấy ngày càng rõ hơn tính bất hợp lý và kém hiệu quả của một số chính sách cơ cấu mà nước ta thực thi hơn 20 năm qua. Đầu những năm 80, quan điểm về công nghiệp hóa đã được điều chỉnh theo hướng coi nội dung chính của công nghiệp hóa là”Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” và
”Tập trung sức người sức của vào việc thực hiện ba chương trình kinh tế:
lương thực- thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu”. Như vậy, nông nghiệp đã từng bước đặt vào đúng vị trí của mình: việc phát triển nông nghiệp tập trung vào thực hiện ba nhiệm vụ cơ bản là bảo đảm lương thực, thực phẩm, tiến tới có lương thực dự trữ, bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất hàng tiêu dùng, cung cấp sản phẩm xuất khẩu.
Đến Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) xác định:”Phát triển nông- lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế- xã hội”. Đặc biệt, Đại hội Đảng lần thứ VIII (1996) đã”đặc biệt coi trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; phát triển toàn diện nông - lâm - ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản…”[5, tr 86]. Đến Đại hội Đảng lần thứ IX yêu cầu:”Tăng cường sự chỉ dạo và huy động các nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn”[7, tr 92]. Và một lần nữa, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá IX) khẳng định:”Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh, thâm canh, có năng suất, chất lượng cao, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, gắn với chế biến,tiêu thụ…”[9, tr 90].
Như vậy, công cuộc đổi mới những năm qua cũng lấy nông thôn làm địa bàn trọng điểm và nông nghiệp làm khâu đột phá.
Nước ta trong những năm gần đây, nhờ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nông nghiệp nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, trong đó sản xuất lương thực đã tạo ra những chuyển biến cho ngành và nền kinh tế. Sự phát triển của lương thực đã đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba, rồi hàng thứ hai trên thế giới sau
Thái Lan. Nước ta cũng đã giải quyết được vấn đề lương thực, nhờ đó đời sống dân cư được ổn định, tạo cơ sở thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và toàn bộ nền kinh tế.
Nhưng muốn phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá không thể tách rời sự phát triển của các ngành kinh tế có liên quan như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế và bộ mặt nông thôn, thu hút lao động, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Như vậy, nông nghiệp là một ngành kinh tế cơ sở trong hệ thống các ngành của nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển của nông nghiệp và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là xuất phát điểm có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung.
1.2.2.2 Những biến đổi căn bản của cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Sự điều chỉnh công nghiệp hoá qua từng thời kỳ biến đổi của đất nước, biểu hiện nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò của nông nghiệp trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc dân trong điều kiện lịch sử nước ta. Điều có ý nghĩa là sự điều chỉnh được xem như một sự điều chỉnh chiến lược nhằm phát triển kinh tế ở nước ta. Sự điều chỉnh được thực hiện bằng một loạt thay đổi về cơ chế quản lý, về các chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách nông nghiệp ở nước ta theo đường lối đổi mới; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, ứng dụng có hiệu quả hơn những thành tựu của khoa học, công nghệ, sự hỗ trợ của nhà nước và việc tổ chức quan hệ kinh tế - kỹ thuật với các ngành kinh tế khác.
- Chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất
Xuất phát điểm của Việt Nam là một nước thuần nông, tuy nhiên lại là đất nước giàu ngành nghề truyền thống. Đặc điểm đó cho thấy trong
quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, cần và có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giải phóng ở ngành nông nghiệp có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao là công nghiệp, dịch vụ và các ngành nghề. Kinh nghiệm của các nước châu á như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan…cho thấy: khi tiến hành công nghiệp hoá nhất thiết phải xây dựng chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn theo hướng tiến bộ.
Bảng 1: Cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản (Đơn vị%)
Năm 1990 1995 1996 1997 1998 19991 2000
Toàn ngành 100 100 100 100 100 100 100
Nông nghiệp 82.5 82,4 84,8 84,6 84,5 81,8 80,7
Lâm nghiệp 6,6 5,0 6,5 5,5 5,5 4,1 4,2
Thuỷ sản 10,0 12,0 9,2 9,0 10,0 13,8 15,1
Nguồn: Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Bảng số liệu trên cho thấy tỷ trọng nông nghiệp có xu hướng giảm trong toàn ngành, nhưng vẫn còn ở mức cao (trên 80%), tỷ trọng thuỷ sản tăng liên tục và mạnh, phản ánh sự chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng lâm nghiệp giảm, điều đó phản ánh tình trạng khai thác rừng bừa bãi trong phạm vi cả nước. Sau 15 năm đổi mới, cơ cấu giá trị giữa trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ chưa có sự thay đổi đáng kể, về cơ bản vẫn là cơ cấu truyền thống của ngành nông nghiệp.
Bảng 2: Cơ cấu giá trị sản lượng nông nghiệp Giá cố định năm 1994- đơn vị %)
Năm Tổng số Trồng trọt Chăn nuôi Dịch vụ
1986 100 80.2 16,7 3,1
1990 100 80,2 16,6 3,2
1995 100 80,4 16,6 3,0
1996 100 80,5 16,6 2,9
1997 100 80,5 16,7 2,8
1998 100 80,4 16,9 2,7
1999 100 80,6 16,8 2,6
Nguồn: Số liệu thống kê nông-lâm-thuỷ sản VN, 1975-2000, NXB Thống kê 2000.
Tỷ trọng ngành trồng trọt có xu hướng tăng, tỷ trọng chăn nuôi tăng không đáng kể, còn tỷ trọng dịch vụ giảm 0,5%. Sự chuyển dịch cơ cấu ngành này chưa phản ánh rõ ràng trong đổi mới ngành nông nghiệp, chăn nuôi và hoạt động dịch vụ vẫn còn hạn chế.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Từ đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề trên địa bàn nông thôn đã được khởi động, nhất là những vùng nông thôn ven đô thị, ven khu công nghiệp và các vùng có nhiều ngành nghề truyền thống, vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung.
Cơ cấu kinh tế nông thôn theo giá trị sản xuất cũng chuyển dịch theo hướng:
Tỷ trọng nông nghiệp - phi nông nghiệp từ 57% và 43% đến 35% và 65%.
- Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn
Chuyển dịch cơ cấu ngành sản xuất nói riêng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn nói chung gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng giảm số lượng tuyệt đối và tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng số lượng và tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn nông thôn. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam có nét đặc thù riêng so với các nước, đó là: trong khi các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản thực hiện cơ khí hoá nhằm giải phóng lao động nông nghiệp để cung cấp lao động cho ngành công nghiệp và các ngành kinh tế khác, thì ở Việt Nam giảm lao động nông nghiệp để cung cấp lao động cho công nghiệp và dịch vụ ngay tại địa bàn nông thôn, tạo việc làm cho dân cư nông thôn. Việt Nam là đất nước mà ngành công nghiệp chưa phát triển, khi cơ giới hoá tạo ra năng suất lao động cao trong nông nghiệp làm tăng trình trạng thất nghiệp, do vậy sự phát triển các ngành nghề nông thôn đã thực sự thu hút lao động dư thừa từ nông nghiệp. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao
động nông thôn tăng, nông nghiệp sang công nghiệp với tốc độ từ 1- 1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp đã giảm từ 80% năm 1994 xuống 70% năm 2001, lao động phi nông nghiệp tăng từ 20 lên 30%.
Sự chuyển dịch lao động trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, xét về mặt chất lượng còn nhiều hạn chế.
Lực lượng lao động có trình độ văn hoá cao cho đến nay vẫn chỉ tập trung ở ngành y tế, giáo dục, quản lý kinh tế trong công nghiệp…, còn trong nông, lâm, ngư nghiệp rất hạn chế. Nhìn chung, sự chuyển dịch cơ cấu lao động hướng tới tăng dần tỷ trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn nói riêng còn chậm. Tình hình trên một mặt do hạn chế trong đào tạo, mặt khác do nông nghiệp và nông thôn chưa có chính sách phù hợp khuyến khích người lao động có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.
- Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hoá đa dạng
Cho tới cuối những năm 80 của thế kỷ XX, nền sản xuất nông nghiệp nước ta lấy tự cấp tự túc làm mục tiêu chính với cơ chế kế hoạch hoá tập trung trói buộc đã trở nên sa sút. Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành trung ương Đảng đã chuyển nền nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá. Trên 10 triệu hộ nông dân với 25 triệu lao động nông nghiệp đã thực sự phát huy được tiềm năng to lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Nông nghiệp Việt Nam hơn 10 năm liên tiếp được mùa lớn, sản lượng lương thực tăng liên tục từ 21,5 triệu tấn lên 35,6 triệu tấn (năm 2001), sản lượng thuỷ sản, sản lượng cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả và sản lượng chăn nuôi cũng tăng cao. Sự tăng nhanh sản lượng và đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người sản xuất và tạo ra một khối lượng nông sản hàng hoá lớn trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng nông sản hàng hoá trong những năm gần đây đã chiếm hơn
40% sản lượng nông nghiệp nói chung. Nhiều loại nông sản có khối lượng và tỷ trọng hàng hoá cao như lương thực (50% là hàng hoá, trong đó 20% là hàng hoá xuất khẩu), các loại cây công nghiệp, phần lớn sản phẩm chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nổi bật là xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hoá.
Nhìn chung, công nghiệp nông thôn còn phân tán, qui mô còn nhỏ, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp cả về vốn, lao động và thị trường. Công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, chưa phát huy được các lợi thế về lao động, nguyên liệu và sự khéo léo về tay nghề và thị trường rộng lớn ở nông thôn. Đặc biệt các dịch vụ cấp thiết đối với nông dân như dịch vụ về khoa học kỹ thuật, về tư vấn kinh doanh, về thị trường…chưa được chú ý đúng mức.
Tóm lại, nông nghiệp là ngành kinh tế cơ sở trong hệ thống các ngành kinh tế quốc dân. Sự phát triển của nông nghiệp và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là xuất phát điểm có ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung. Tuy nhiên, “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn còn chậm, mang nặng tính tự phát, thiếu bền vững. Nhiều vấn đề trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân chậm được giải quyết” [9, tr 27]. Tuy không thể làm giàu bằng nông nghiệp, nhưng những chuyển biến tích cực của nông nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho những bước phát triển mạnh hơn trong tương lai.