3.1. Phương hướng cơ bản của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre
3.1.2. Phương hướng cơ bản của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre
3.1.2.1. Định hướng phát triển kinh tế của Bến Tre từ nay đến năm 2010 Để phát triển kinh tế - xã hội theo kịp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới, dựa vào định hướng chung của Ban chấp hành Trung ương Đảng và thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Bến Tre trong những năm qua, xác định được các yêu cầu cấp bách cần phải giải quyết, tỉnh Bến Tre đã định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2005 và 2010 như sau:
- Khai thác hợp lý và tối ưu nguồn lao động dồi dào và tài nguyên thiên nhiên nhằm tạo ra những sản phẩm nông - ngư nghiệp có chất lượng và giá trị cao, có khả năng chế biến đưa vào xuất khẩu và có khả năng kết hợp với du lịch sinh thái của toàn tỉnh.
- Đẩy nhanh tiến trình phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông - ngư sản, công nghiệp phục vụ sản xuất nông - ngư nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng có lợi thế và tiểu thủ công nghiệp truyền thống, sử dụng các lợi thế về nguyên liệu, thị trường, lao động.
- Từng bước đổi mới công nghệ và nâng cao tỷ trọng cơ giới hoá trong nông - ngư nghiệp, đổi mới nhanh trang thiết bị và mở rộng qui mô công nghiệp, xây dựng hệ thống kinh tế mở, đẩy mạnh thương mại - dịch vụ và tăng nhanh mối quan hệ thị trường, tạo lực đẩy phát triển mới cho toàn tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hiện đại.
- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và công trình công cộng đồng bộ nhằm phá thế “ cù lao” đã kìm hãm tốc độ phát triển của tỉnh trong các năm qua.
- Đẩy mạnh đào tạo lực lượng và xây dựng đội ngũ, bộ máy nhân sự cho mọi lĩnh vực, đội ngũ doanh nhân và lực lượng lao động có tay nghề, có nghiệp vụ cho yêu cầu trước mắt, chuẩn bị cho bước phát triển bền vững sau năm 2010 [36, tr 16].
3.1.2.2. Phương hướng cơ bản của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh
Trên cơ sở định hướng chung, tác giả đưa ra một số phương hướng cơ bản để góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
- Đối với cơ cấu ngành nông nghiệp, phương hướng tới là phải xây dựng một cơ cấu ngành nông nghiệp năng động theo hướng đa dạng hoá và có hiệu quả với mục tiêu:
+ Thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sao cho giá trị sản xuất của trồng trọt chiếm 60%, chăn nuôi 30%, dịch vụ nông nghiệp 10% [31, tr10]; sử dụng lợi thế so sánh để đạt hiệu quả cao và né tránh thiên tai, vừa tạo ra các vùng nguyên liệu, chuyên canh, thâm canh có qui mô lớn gắn với công nghiệp chế biến; vừa đa canh, đa dạng hoá sản phẩm, cây trồng vật nuôi các vùng sinh thái khác nhau để sử dụng hợp lý tiềm năng đất đai, lao động và cơ sở vật chất - kỹ thuật.
+ Sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung vào 4 nhóm cây trồng gồm: cây ăn trái, cây lương thực, cây công nghiệp, rau màu thực phẩm và 3 nhóm vật nuôi chính là phát triển đàn bò, heo thịt và gia cầm, đồng thời, nâng tỷ trọng chăn nuôi gia cầm trong cơ cấu chăn nuôi.
- Đối với ngành lâm nghiệp, điều chỉnh cơ cấu cây trồng sao cho vừa đảm bảo chức năng phòng hộ vừa đem lại hiệu quả kinh tế; giao khoán rừng và đất rừng triệt để và toàn diện cho dân để người dân an tâm sản xuất và quản lý bảo vệ rừng; đẩy mạnh công tác khuyến ngư, khuyến lâm, trên cơ sở đó nhân rộng mô hình lâm - ngư kết hợp với các loài cây và con khác nhau.
- Đối với ngư nghiệp, phát triển mạnh mẽ năng lực công nghệ và tổ chức khai thác xa bờ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác, trang bị ngư cụ, máy móc khai thác; đa dạng hoá hình thức và đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng nước theo hướng công nghiệp hoá nghề nuôi với qui mô vừa và nhỏ, tận dụng bãi bồi ven sông, ven biển và vùng cù lao mới nổi; hoàn thành và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch chi tiết cho từng vùng nuôi thuỷ sản, đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Xác định đối tượng chiến lược trong nuôi thuỷ sản xuất khẩu là tôm càng, tôm sú, cá da trơn (cá tra, cá basa), nhuyễn thể (nghêu, sò huyết) và các loại thuỷ đặc sản khác.
- Phương hướng thích hợp là phát triển nhiều ngành nghề đa dạng tuỳ theo điều kiện và đặc điểm từng vùng, thu hút được nhiều loại lao động ở nông thôn, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến công nghiệp chế biến nông - lâm - hải sản và kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp nông thôn với phát triển ngành dịch vụ thương nghiệp nông thôn, vì đây là cầu nối cả “đầu vào”
lẫn “đầu ra” của công nghiệp nông thôn.
Bến Tre có điều kiện tương đối thuận lợi để đẩy mạnh phát triển dịch vụ:
có địa bàn nông thôn vừa rộng lớn vừa tiếp giáp với biển và đang trên đà phát
triển là điều kiện tốt để mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Do đó, cần phát triển mạnh các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch sinh thái…
Tóm lại, với điều kiện và khả năng cho phép, từ nay đến năm 2010 Bến Tre chủ trương “Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp đi liền với phát triển hạ tầng cơ sở, đổi mới toàn diện nông thôn”[11, tr 56] để tiến tới hoàn chỉnh cơ cấu nông - công nghiệp - dịch vụ hiện đại góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.