3.2. Những giải pháp chủ yếu thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Bến Tre đến năm 2010
3.2.6. Chính sách về phát triển kết cấu hạ tầng vật chất ở nông thôn93 KẾT LUẬN
Kết cấu hạ tầng vật chất có vai trò rất quan trọng đối với mỗi xã hội: Kết cấu hạ tầng vừa tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông; vừa giúp cho việc nâng cao mức sống ở nông thôn, làm giảm bớt sự chênh lệch với thành thị; giảm bớt tệ nạn xã hội và tình trạng dư thừa lao động, hạn chế việc di dân tự phát ra các đô thị. Trong nông nghiệp, đối tượng sản xuất là lực lượng tự nhiên luôn biến động phức tạp. Do vậy, để chế ngự, khai thác sử dụng được chúng cần có một hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại.
ở Bến Tre, hệ thống kết cấu hạ tầng và công trình công cộng chưa đồng bộ, cho nên nó đã kìm hãm tốc độ phát triển của tỉnh trong những năm qua. Trong định hướng phát triển đến năm 2010, tỉnh có đề ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng và công trình công cộng đồng bộ như hệ thống giao thông chính kết hợp với các tuyến đô thị, giao thông nông thôn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở nông thôn còn thấp kém và đang bị xuống cấp. Điều này ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong kết cấu hạ tầng ở nông thôn quan trọng nhất là thuỷ lợi và giao thông.
- Thuỷ lợi là cơ sở quan trọng của nền nông nghiệp. Nó không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn là yếu tố tạo ra sự thống nhất, liên kết quốc gia về mặt lãnh thổ. Chính vì thế, thuỷ lợi mang tính xã hội rất cao.
Thuỷ lợi là công tác hàng đầu, cần được đầu tư phát triển thuỷ lợi để thâm canh, tăng vụ để phát triển nông nghiệp toàn diện, khai thác các vùng đất mới nhằm duy trì tốc độ phát triển của sản xuất trồng trọt, bảo đảm an
ninh lương thực và tăng cường xuất khẩu, góp phần xoá đói giảm nghèo.
Muốn vậy cần phải:
+ Phục hồi, nâng cấp các công trình hiện có để đưa vào sử dụng.
+ Xây dựng mới những công trình trọng điểm.
+ Ưu tiên xây dựng thuỷ lợi nhỏ để giúp nông dân sản xuất tại chỗ.
+ Cải tạo và nâng cấp hệ thống đê điều.
Nhanh chóng đáp ứng yêu cầu tưới tiêu sản xuất lương thực, thực phẩm.
- Giao thông nông thôn có vai trò hết sức quan trọng, là một tiền đề vật chất để thực hiện đường lối, chính sách kinh tế - xã hội. Đối vớí nông thôn nước ta điều này càng quan trọng và cấp thiết. Thực tế cho thấy, do mạng lưới giao thông yếu kém ngay cả những vùng giàu tiềm năng mà sản xuất vẫn khó phát triển: thiếu vật tư phát triển, sản phẩm không lưu thông được, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn. Điều này rõ ràng có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển phân công lao động xã hội, do đó, để biến đổi chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Bến Tre thì giao thông phải đi trước một bước, song do còn thiếu và yếu kém, nên nó đã và đang cản trở lớn đến sản xuất:
ách tắt lưu thông, sản phẩm lưu thông hao hụt nhiều, chi phí vận chuyển cao… Mấy năm gần đây, nhà nước có chú ý đến phát triển giao thông, song ngân sách dành cho nó còn hạn hẹp, nhất là phần cho giao thông nông thôn càng khó khăn hơn.
Để phát triển giao thông, cần thống nhất quan điểm là: đối với những tuyến đường lớn mang tầm chiến lược nhất thiết phải có sự đầu tư của nhà nước, còn các tuyến liên xã, liên thôn thì vận dụng phương châm
“nhà nước và nhân dân cùng làm”. Thực tiễn mấy năm qua cho thấy, nhờ vận dụng cơ chế này mà ở nhiều vùng nông thôn đường sá đã được nâng cấp, sửa sang hoặc xây dựng mới.
Như vậy, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn có nghĩa thiết thực cả trước mắt và lâu dài. Để quá trình này có hiệu quả, cần chú ý những vấn đề cơ bản sau:
+ Trước hết, phải khẩn trương tiến hành quy hoạch tổng thể các vùng nông thôn một cách khoa học, trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch mạng lưới giao thông chung ở tỉnh và từng vùng cho phù hợp với phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
+ Cần kết hợp cả kỹ thuật cơ khí, hiện đại với thủ công trong xây dựng giao thông và thuỷ lợi. Đặc biệt là phải kiên quyết loại bỏ tình trạng lãng phí, tham ô trong xây dựng như đang diễn ra hiện nay.
+ Cuối cùng, phải chú ý đến vấn đề môi trường sinh thái. Chúng ta đi sau các nước phát triển, nên phải chú ý đến những kinh nghiệm của họ, tránh việc phải trả giá đắt cho vấn đề này.
Tóm lại, các chính sách trên đây có quan hệ chặt chẻ nhau, tác động và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Đó cũng chính là những điều kiện, tiền đề hết sức quan trọng cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành hiện thực. Điều quan trọng là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá không được xem nhẹ chính sách nào. Có như vậy, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Bến Tre mới đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
KẾT LUẬN
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta xác công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung cơ bản của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Muốn vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phát triển nông nghiệp - một ngành kinh tế cơ sở. Trong thời đại ngày nay, vai trò của nông nghiệp không chỉ ở việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho đời sống, nguyên liệu cho công nghiệp mà còn là thị trường rộng lớn của công nghiệp và các ngành khác. Nông nghiệp trực tiếp liên quan đến vấn đề môi sinh, vấn đề xây dựng và phát triển nông thôn. Đó chính là xuất phát điểm của sự phát triển hay chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp, nông thôn.
Nước ta nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng tỷ trọng nông nghiệp lớn, lại chủ yếu là sản xuất nhỏ, nông nghiệp, nông thôn càng có vị trí đặc biệt quan trọng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một trong những nội dung và định hướng phát triển kinh tế chủ yếu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta nói chung và ở tỉnh Bến Tre nói riêng trong những năm trước mắt.
Bến Tre là một tỉnh nằm trong vùng duyên hải Nam bộ, có tiềm năng phát triển nông nghiệp toàn diện, nhưng nhìn tổng thể, nền kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn mang nặng tính chất thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém, năng suất - chất lượng - hiệu quả kinh tế thấp, nhiều vấn đề xã hội đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Đời sống nông dân ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Những vấn đề trên sẽ là lực cản quá trình phát triển của tỉnh Bến Tre trong thời gian tới. Vì vậy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, là tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ theo hướng giảm tính chất thuần nông, nhằm phát
triển nông nghiệp toàn diện, góp phần tạo thêm việc làm, tăng năng suất lao động, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của nước ta nói chung và của tỉnh Bến Tre nói riêng là phải nhằm phát huy cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Muốn vậy cần có những giải pháp thoả đáng đáp ứng được các yêu cầu chính sau đây:
- Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp góp phần sử dụng hợp lý các nguồn lực và bảo đảm sự bền vững về kinh tế và sinh thái.
- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải tạo ra tích luỹ để tiếp tục tái sản xuất mở rộng và đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển thị trường.
- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, thúc đẩy quá trình phân công lại lao động xã hội, cải biến toàn diện xã hội nông thôn.
- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải tạo điều kiện chuyển sang sản xuất hàng hoá theo huớng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Điều quan trọng hơn là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải gắn với việc xây dựng nông thôn mới và quy hoạch dài hạn 15, 25 năm một số thị trấn, thị tứ mới.
Để những chuyển biến trên đây trong đời sống nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre trở thành hiện thực, tỉnh cần có các chính sách về nông nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống kinh tế- xã hội nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Tóm lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một vấn đề khó khăn và phức tạp, nhiều vấn đề mới nãy sinh đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, đưa ra kết luận có cơ sở khoa học và
được áp dụng vào thực tiễn một cách kịp thời, sáng tạo. Với bản luận văn này, chúng tôi hy vọng góp phần làm sáng tỏ hơn nữa về lý luận và thực tiễn của việc chuyển dịch đó, làm cơ sở tham khảo cho Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Bến Tre trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, góp phần hoàn thiện cơ cấu kinh tế của tỉnh - cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp - dịch vụ.