3.1. Phương hướng cơ bản của sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre
3.1.1. Những quan điểm cơ bản chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre
Tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở Bến Tre cần quán triệt những quan điểm cơ bản sau:
3.1.1.1. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải nhằm phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm thước đo
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải xoá được tính tự cấp, tự túc, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm hàng hoá có chất lượng tốt, giá thành hạ, năng suất lao động cao, tạo ra tích luỹ để tái sản xuất mở rộng. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải tạo ra được việc làm cho người lao động trong nông nghiệp và nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, giải quyết được tình trạng lao động thiếu việc làm ở nông thôn hiện nay, nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động mà hiện nay ở tỉnh còn quá thấp. Mặt khác, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu phân công lại lao động xã hội trong nông nghiệp và nông thôn, càng ngày càng giảm lao động nông nghiệp, nâng cao dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế không chỉ được đánh giá về mặt kinh tế mà còn được xem xét cả về mặt xã hội. Hai mặt này có quan hệ chặt chẻ với nhau: Hiệu quả kinh tế của sự phát triển kinh tế được nâng cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết những vấn đề xã hội. Cơ sở của sự phát triển xã hội là sự tăng lên không ngừng của cải vật chất. Phát triển kinh
tế có hiệu quả làm tăng thêm khả năng tích luỹ, tiêu dùng; hình thành điều kiện kinh tế cho việc nâng cao trình độ văn hoá, khoa học- kỹ thuật, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường sinh thái và tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những vấn đề xã hội khác đang nãy sinh.
3.1.1.2. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải phát huy được thế mạnh của tỉnh
Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi về đất đai phù sa màu mỡ, với nhiều sông rạch chằng chịt - 4 nhánh sông MêKông đổ ra biển và với chiều dài bờ biển hơn 65 km, có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp toàn diện với nhiều hàng hoá nông sản phong phú đa dạng. Đặc biệt là kinh tế vườn và kinh tế biển, là một thế mạnh của tỉnh, do vậy Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ VII đã chỉ rõ:
” Cần tập trung dồn sức để phát huy thế mạnh kinh tế, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, tạo ra sự đột phá mạnh về kinh tế biển, kinh tế vườn, thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn” [11, tr 50-51].
3.1.1.3. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhằm hoàn thiện cơ cấu kinh tế của tỉnh - cơ cấu kinh tế nông - công nghiệp - dịch vụ
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải đặt trong sự kết hợp hài hoà giữa các ngành kinh tế (công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ). Cần chú ý thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển mạnh, vững chắc, có hiệu quả công nghiệp, dịch vụ, tăng tỷ trọng những ngành này trong cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp - dịch vụ. Cần ưu tiên cho công nghiệp chế biến nông - lâm - hải sản; công nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng, tiểu thủ công nghiệp; làm gia công cho các ngành ở thành phố và các doanh nghiệp lớn. Về dịch vụ, nên chú trọng phát triển các loại dịch vụ cung ứng vật tư - kỹ thuật, dịch vụ khoa học - kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch sinh thái…
Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Bến Tre lần thứ VII đánh giá:
”Nền kinh tế có tăng trưởng nhưng còn chậm và chưa vững chắc; chuyển dịch
cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng rất chậm, tỷ trọng nôngnghiệp trong cơ cấu GDP còn cao, công nghiệp, dịch vụ phát triển chậm và đạt tỷ trọng thấp”[11, tr 40].
Như vậy, vấn đề chính trong phướng tới của tỉnh Bến Tre là phải giải quyết mối quan hệ giữa nông nghiệp - công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp chế biến) - thương mại - dịch vụ. Mặc dù điều kiện tự nhiên của tỉnh có nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp hơn là công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm, thì Bến Tre chưa có cơ sở sản xuất nào đáng kể nên khả năng phát triển nông nghiệp khó bền vững. Trong “Báo cáo phác thảo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre thời kỳ 1999 - 2010” đã chỉ rõ:”Mở rộng qui mô công nghiệp, xây dựng hệ thống kinh tế mở, đẩy mạnh thương mại - dịch vụ và tăng nhanh mối quan hệ thị trường, tạo lực đẩy phát triển mới cho toàn tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nông - công nghiệp - dịch vụ hiện đại”[36, tr 12].
3.1.1.4. Gắn việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế với xây dựng nông thôn mới Nông thôn Bến Tre hiện nay vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn. Để xoá bỏ sự yếu kém đó phải phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân cần kết hợp nhiều biện pháp bao gồm: khuyến nông, khuyến ngư, đa dạng hoá sản xuất; công nghiệp hoá kết hợp với thành thị hoá, đưa lao động dư thừa ở nông thôn sang hoạt động kinh tế ở thành phố. Mặt khác, cần tạo cơ sở cho công nghiệp nhỏ phát triển, điều này cũng đòi hỏi phải tập trung giải quyết hạ tầng cơ sở nông thôn gồm: mặt bằng giao thông, điện, nước; giải quyết vấn đề môi trường để không xãy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Từ đó, làm biến đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm dần hộ thuần nông, tăng tỷ lệ hộ phi nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ VII đã khẳng định:”Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp đi liền với phát triển hạ tầng cơ sở, đổi mới toàn diện nông thôn” [11, tr 56].
Trong điều kiện kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, kinh tế hộ gia đình vẫn là đơn vị cơ bản tổ chức sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động của các thành viên trong gia đình. Hiện nay kinh tế hộ gia đình được tự chủ sản xuất kinh doanh đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan.
Do đó, nhà nước cần tiếp tục có chính sách phát triển mạnh kinh tế gia đình; đồng thời khuyến khích các hình thức hợp tác tự nguyện trên qui mô gia đình, mở rộng sản xuất kinh doanh kinh tế trang trại là hình thức tổ chức lao động, giải quyết việc làm có hiệu quả.
Các quan điểm cơ bản trên có mối quan hệ biện chứng nhau, có tác dụng và chi phối quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp cần được coi trọng.