1.2. Lí thuyết hội thoại
1.2.4. Các quy tắc hội thoại
Hội thoại diễn ra theo những quy tắc nhất định. Điều này tưởng chừng trái ngược với vẻ bề ngoài tưởng chừng rất bất nguyên tắc và tùy tiện của các cuộc hội thoại trong đời sống giao tiếp. Trong quá trình hội thoại, người nói và người nghe giữ vai trò ngang nhau, đều có tác dụng nhất định quyết định đến diễn tiến của cuộc thoại.
Để hội thoại được tiến triển bình thường, cả hai không chỉ quan tâm đến nghi thức giao tiếp mà còn phải cùng chú ý đến nội dung hội thoại. Muốn cho hội thoại thành công, người tham gia hội thoại phải tuân thủ các quy tắc không thành văn của hội thoại. Có ba nhóm quy tắc hội thoại:
(1) Quy tắc điều hành sự luân phiên lượt lời.
(2) Quy tắc cộng tác hội thoại.
(3) Quy tắc lịch sự trong giao tiếp.
1.2.4.1. Quy tắc luân phiên lượt lời
Cuộc hội thoại là sự kế tục, tiếp nối của các lượt lời của các nhân vật giao tiếp, mỗi lượt lời có thể có một hay nhiều phát ngôn. Trong một cuộc thoại, các lượt lời phải luân phiên nhau, nối tiếp nhịp nhàng, không giẫm đạp lên nhau và tốc độ phải vừa phải. Muốn vậy thì người nói và người nghe phải chủ động, linh hoạt tham gia vào hội thoại, người này nói xong rồi đến người kia, người này phải kết thúc lượt lời của mình đúng lúc để nhường lời lại cho người kia. Hay nói khác đi, ở mỗi lượt lời, người nói phải biết khi nào mở lời, khi nào giữ lời và khi nào nhường lời.
1.2.4.1.1. Giai đoạn mở lời
Ở giai đoạn mở lời, người nói phải có những dấu hiệu khơi gợi để người nghe nhận biết mình đang tham gia giao tiếp với anh ta. Ví dụ có thể dùng các từ sau: thưa cô, anh này, chú ạ, bố ơi,…
Ví dụ (15):
Xuân ưỡn ngực nói với ông Phán mọc sừng:
- Thưa ngài, ngài là một người chồng mọc sừng!
Ông Phán dây thép ôm lấy ngực ngã khụy xuống đất, khặc khừ kể lể:
- Cha mẹ ôi! Đã đẹp mặt tôi chưa? Vợ tôi ngủ với giai mà đến ai cũng biết, cả bàn dân thiên hạ đều rõ! Rõ đau đớn khổ nhục chưa! (Vũ Trọng Phụng: Số đỏ)
Trong lượt lời của Xuân tóc đỏ, ta thấy thông qua từ “Thưa ngài”, Xuân đã khơi gợi, ra tín hiệu để ông Phán nhận biết Xuân đang giao tiếp với ông ta. Sự khơi gợi, ra tín hiệu đó nằm trong giai đoạn mở lời của Xuân.
1.2.4.1.2. Giai đoạn giữ lời
Ở giai đoạn giữ lời, người nói phải kiểm tra, nhắc nhở sự chú ý của người nghe.
Ví dụ có thể dùng những câu hỏi giữa chừng lượt lời của mình như: Phải không?, Hiểu không?, Đồng ý chứ?, Anh hiểu chưa?…
Trong giai đoạn giữ lời, người nói đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm giao hội thoại. Tuy nhiên, người nghe cũng phải có những dấu hiệu báo cho người nói biết mình đang theo dõi cuộc thoại. Ví dụ người nghe có thể dùng các từ cảm thán như:
ghê thế, hay nhỉ, lạ nhỉ, …. Hay những câu hỏi xen vào: Thế à?, Chỗ này là như thế nào?, Sao nữa?,…
Ví dụ (16):
Đây là đoạn thoại của ông Phán mọc sừng và Xuân tóc đỏ:
- Tôi xin làm phúc mà mách với quan bác rằng ông Typn hiện giờ đang ghen tức bác vì bác đã làm cho vợ ông ta hư hỏng là một, tiếp khách khéo hơn ông ta là hai, lại đã biết đo các phụ nữ may áo là ba, làm giảm thế lực của ông ta làm bốn. Bà Phó Đoan cũng có vẻ hằn học với bác lắm, vì lẽ gì tôi chưa rõ. Còn chính vợ chồng ông chủ thì không những ghét ngầm hờn mát bác mà thôi, mà còn coi bác là kẻ tử thù. Tại sao? Bác có biết không? Tại bác đã làm cho cụ tổ khỏi hẳn bệnh là một, và làm cho cô Tuyết nó hối hôn là hai, vậy quan bác phải coi chừng đó! Tôi xin lấy tình thân mà bảo rõ cho bác biết để bác liệu… Thế thì, tôi đối với bác đã như vậy, mà bác không chịu giúp tôi cái việc ấy hay sao?
- Thế bây giờ phải làm thế nào?
- Phải làm như tôi đã dặn. Làm như thế là nhất cử lưỡng tiện.
- Làm sao?
- Là như thể bác chuộc lại cái lỗi xưa, những người thù bác sẽ trở lại yêu bác.
(Vũ Trọng Phụng: Số đỏ)
Trong lượt lời của ông Phán mọc sừng, rõ ràng ta thấy ông Phán có sự kiểm tra, nhắc nhở sự chú ý của Xuân tóc đỏ bằng câu hỏi giữa ngắn giữa lượt lời “Tại sao?
Bác có biết không?”. Sự kiểm tra, nhắc nhở ấy nằm trong giai đoạn giữ lời của ông Phán.
Ví dụ (17):
Đoạn thoại giữa bà cụ Hồng và chồng:
- Ông có biết chúng nó làm gì với nhau không? Nào tắm, nào bơi, nào nhảy đầm! Lại thuê chung một phòng trong cả một ngày nữa!
- Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!
- Người ta đã biết rõ là hai đứa đóng cửa phòng lại ngủ trưa với nhau rồi, ông đã biết chưa?
- Sao! Sao nữa?
Cụ bà cười nhạt đau đớn:
- Lại còn sao nữa… (Vũ Trọng Phụng: Số đỏ)
Ở giai đoạn giữ lời của bà cụ Hồng, ta thấy ông cụ Hồng có xen vào câu hỏi
“Sao nữa?” để báo hiệu cho vợ mình biết, ông đang theo dõi, quan tâm cuộc thoại.
1.2.4.1.3. Giai đoạn kết lời (nhường lời)
Ở giai đoạn kết lời, người nói cũng phải có những dấu hiệu báo trước để người nghe xác định và chuẩn bị lượt lời của họ. Ví dụ như: Bây giờ tới bạn nói đó, Ý tôi là thế còn ý kiến của ông thế nào?,…
Ví dụ (18):
Đây là cuộc thoại giữa Xuân tóc đỏ và bà Typn:
- Bạn không biết rằng tôi độ này nhiều công việc kia việc nọ lắm hay sao? Nào là dạy họ đánh quần, nào là công việc thể thao, lại thêm cái anh Trực Ngôn chẳng ra gì ấy nhờ mình săn sóc đến cái giáo dục cho cậu con bà Phó, lại thêm lão sư cụ chùa Bà Đanh cứ khẩn khoản nhờ mình giúp tòa soạn tờ báo Gõ mõ, vậy thì bạn bảo từ chối sao được? Xưa nay ai cũng cho tôi là khinh người rồi! Cho nên thôi thì công việc cải cách xã hội bằng y phục để anh Típ Phờ Nờ chịu khó gánh vác lấy một mình cũng xong. Bạn ơi, bạn có hiểu cho tôi chăng, hở ami?
Nghe nói đến đó, bà Typn cũng bạo dạn dùng lối xưng hô thân mật:
- Tôi vẫn hiểu rõ bụng dạ của bạn lắm. (Vũ Trọng Phụng: Số đỏ)
Ở lượt lời thứ nhất, ta thấy Xuân tóc đỏ đã có dấu hiệu báo trước (cho bà Typn biết) anh kết thúc lượt lời của mình và nhường lời cho đối tác, đó là câu hỏi “Bạn ơi, bạn có hiểu cho tôi chăng, hở ami?”. Những dấu hiệu báo trước sự kết thúc lượt lời và nhường lời đó nằm trong giai đoạn kết lời của Xuân.
Đồng thời, khi biết được Xuân muốn nhường lời cho mình, bà Typn đã “bạo dạn” xác định cho mình “lối xưng hô thân mật” là “Tôi – bạn”, cũng như xác định lượt lời của mình: “Tôi vẫn hiểu rõ bụng dạ của bạn lắm”, để hồi đáp lượt lời của Xuân.
Trong hội thoại, chúng ta cần phải chú ý thời gian tối thiểu và thời gian tối đa của một lượt lời cũng như tần số tranh lời,… Khoảng cách tối thiểu của một lượt lời
cũng khác nhau theo từng dân tộc. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng cách tối thiểu giữa hai lượt lời của người Mĩ là 1/2 giây, của người Pháp là 3/10 giây,… Cuộc thoại sẽ xuất hiện cảm giác nặng nề, trống trải, thậm chí đôi lúc còn làm cho đối tác bối rối, khó xử nếu khoảng cách giữa các lượt lời kéo dài quá lâu.
Những cuộc thoại mà chỉ có một người nói hoặc thời gian im lặng quá lâu là những cuộc thoại có vấn đề. Như vậy, lối nói tranh lời có liên quan đến phong tục và những quy ước của từng dân tộc, từng thời điểm lịch sử. Chúng thường phản ánh những quan hệ tôn ti hay những cương vị của người tham gia hội thoại. Thông thường, những người có cương vị lớn hơn thì có quyền ngắt lời, xen lời người có cương vị thấp hơn mình. Thông thường trong các cuộc thoại, các lượt lời có thể được một người điều khiển, phân phối, hoặc do các nhân vật hội thoại tự thương lượng một cách tường minh với nhau.
1.2.4.2. Quy tắc cộng tác hội thoại
Nếu quy tắc luân phiên lượt lời là quy tắc điều khiển nghi thức, tiến trình hội thoại thì quy tắc cộng tác hội thoại là quy tắc điều khiển nội dung của hội thoại. Quy tắc này có dạng tổng quát như sau: “Hãy làm cho phần đóng góp của anh chị (vào cuộc hội thoại) đúng như nó đòi hỏi ở giai đoạn (của cuộc thoại) mà nó xuất hiện phù hợp với đích hay phương hướng của cuộc thoại mà anh chị đã chấp nhận tham gia vào” [5; tr.229]. Nội dung này bao gồm bốn phạm trù lượng, chất, quan hệ, và cách thức, tương ứng với bốn phương châm sau đây:
1.2.4.2.1. Phương châm về lượng
Phương châm về lượng thể hiện ở hai nội dung:
(1) Hãy nói sao cho có nội dung đáng nói.
(2) Đừng nói nhiều hơn cái nội dung đáng nói.
1.2.4.2.2. Phương châm về chất
Phương châm về chất thể hiện ở hai nội dung:
(1) Đừng nói những điều mà bạn tin rằng không đúng.
(2) Hãy nói đúng sự thật.
1.2.4.2.3. Phương châm quan hệ
Phương châm quan hệ còn được gọi là phương châm quan yếu, phương châm này thể hiện ở hai nội dung:
(1) Hãy làm cho phần đóng góp của bạn có liên quan đến câu chuyện đang diễn ra.
(2) Hãy nói vào đề.
1.2.4.2.4. Phương châm cách thức
Phương châm cách thức thể hiện ở bốn nội dung:
(1) Hãy tránh lối nói tối nghĩa.
(2) Hãy tránh lối nói mập mờ, mơ hồ về nghĩa.
(3) Hãy nói ngắn gọn.
(4) Hãy nói có trật tự.
1.2.4.3. Quy tắc lịch sự trong giao tiếp
Lịch sự là phép xã giao hay một hành vi xã hội có lễ độ. Trong hội thoại, cùng với quy tắc luân phiên lượt lời và quy tắc cộng tác hội thoại, quy tắc lịch sự trong giao tiếp cũng là một nhân tố quan trọng có tác dụng chi phối đối với quá trình hội thoại và kết quả hội thoại. Lịch sự được biểu hiện ở nhiều điểm, trong đó có hai điểm nổi bật là tôn trọng thể diện của người khác và khiêm tốn.
1.2.4.3.1. Tôn trọng thể diện của người khác
Thể diện là những cái làm cho người ta coi trọng mình khi họ tiếp xúc với mình. Thể diện gồm hai phương diện: Thể diện dương tính và thể diện âm tính. Nhưng trong tương tác, hai thể diện cơ bản này sẽ hình thành bốn thể diện phái sinh:
(1) Thể diện dương tính của người nói.
(2) Thể diện âm tính của người nói.
(3) Thể diện dương tính của người nghe.
(4) Thể diện âm tính của người nghe.
Các thể diện luôn có sự bổ sung cho nhau, chứ không hề tách biệt nhau. Vì thế, trong hội thoại, một hành vi đe dọa thể diện xảy ra thì không chỉ một thể diện bị đe dọa mà có thể đồng thời các thể diện khác cũng bị ảnh hưởng.
Nguyên tắc tôn trọng thể diện của những người tham gia hội thoại thể hiện ở chỗ: người tham thoại phải khéo léo, tránh xúc phạm thể diện của người khác cũng như thể diện của mình.
Vì vậy, trong hội thoại, người nói phải tính toán được mức độ đe dọa thể diện của hành động trong lời mà mình định nói, từ đó, chúng ta có thể chọn cho mình chiến lược giao tiếp phù hợp. Theo chúng tôi, chiến lược lịch sự còn được hiểu là phương châm lịch sự. Phương châm lịch sự được thực hiện bằng nhiều cách như: cách chọn từ xưng hô, cách nói thẳng hay nói vòng, cách lựa chọn tình thái từ thích hợp. Đồng thời để thực hiện phương châm này, trong hội thoại, người tham gia phải tuyệt đối không được xâm phạm lãnh địa hội thoại: không trả lời thay, không nói bớt, không cướp lời,… của người khác.
1.2.4.3.2. Khiêm tốn
Khiêm tốn là sự ý thức và thái độ đúng mức của con người trong việc đánh giá bản thân, không tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác.
Trong hội thoại, quy tắc khiêm tốn thể hiện ở chỗ: tránh nói nhiều về mình, dù điều mình nói đó là sự than vãn, kể khổ. Hay nói khác đi, người khiêm tốn không được phơi bày cái tôi của mình quá mức. Khi buộc nói về mình, người nói phải hạ mình một chút. Cũng xuất phát từ quy tắc khiêm tốn, trong hội thoại, người xưa thường xưng ngu đệ, ngu huynh, hoặc dùng lối nói trộm nghĩ, cạn nghĩ,…
Những quy tắc hội thoại người viết vừa trình bày trên đây ít nhiều mang tính phổ quát. Tuy nhiên, ngoài những quy tắc ấy, từng cá nhân, từng địa phương, từng dân tộc còn có thể có những quy tắc đặc ngữ khác. Quan trọng nhất là chúng ta phải biết lựa chọn cách nói năng phù hợp với văn hóa và ngữ cảnh hội thoại. Cũng qua sự biểu hiện tuân thủ hay “xúc phạm” quy tắc hội thoại của người tham gia hội thoại, mà chúng ta có thể nhận biết được tâm lí, tính cách của con người, cũng như hàm ý mà người đó thực hiện.