TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN KHẢI
2.4. Nhận xét về ngôn ngữ hội thoại trong truyện ngắn Nguyễn Khải
Sau khi phân tích một số cuộc thoại tiêu biểu trong 5 truyện của Nguyễn Khải, người viết có những đánh giá sau đây:
Thứ nhất, về hành động tạo lời, người viết nhận thấy ngôn ngữ hội thoại trong truyện ngắn của Nguyễn Khải có rất ít biến thể về ngữ âm, cũng như rất hiếm thấy sự xuất hiện từ địa phương, về cú pháp thì mỗi lượt lời thường được cấu tạo từ một câu (một phát ngôn) đến ba câu (3 phát ngôn), rất ít trường hợp lượt lời được cấu tạo từ 4 câu trở lên, chủ yếu là kiểu câu hỏi và câu miêu thuật.
Thứ hai, qua việc phân tích các hành động trong lời, hành động qua lời và sự vi phạm các phương châm hội thoại của nhân vật trong từng lượt lời, người viết nhận thấy tâm lí, tính cách của nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Khải vô cùng phong phú, đa dạng, phức tạp, chân thật, gần gũi như tâm lí, tính cách của con người ngoài cuộc sống. Qua hành động ngôn từ, ta thấy nhân vật có những suy nghĩ, tình cảm giống như những suy nghĩ, tình cảm của con người thật ngoài đời. Hình tượng nhân vật mang tính hiện thực cao. Qua ngôn ngữ hội thoại, nhân vật hiện ra thật đẹp, thâu lượm được bao cái hay, cái đẹp của con người trong đời sống hiện thực, song, cũng không hề vượt lên tới mức lí tưởng hóa. Chẳng hạn như: Vẻ đẹp về nhân cách của cô Hiền trong Một người Hà Nội, vẻ đẹp về tâm hồn của vợ Tích trong Đàn bà, không hề thoát khỏi hiện thực. Cũng qua ngôn ngữ hội thoại, ta thấy nhân vật không phải thuần xấu, mà cũng có cái xấu, cái tốt như con người ngoài đời. Bên cạnh những tính cách tiêu cực, trong họ vẫn còn tiềm tàng những cái tốt đẹp: sự ăn năn, sự thức tỉnh của lương tâm, khuynh hướng phục thiện, những đóm lửa nhân bản chưa bị dập tắt của nhân vật, như mụ Bột trong Nằm vạ.
Như vậy, qua ngôn ngữ hội thoại, người viết nhận thấy nhân vật không bị lý tưởng hóa đồng thời cũng không bị bôi nhọ quá đáng và mang tính hiện thực rất cao.
Thứ ba, sau khi xâu chuỗi các cuộc thoại tiêu biểu trong cùng một tác phẩm, người viết nhận thấy tâm lí, tính cách của nhân vật có sự vận động qua từng lượt lời và qua từng thời điểm. Phần lớn là tâm lí, tính cách, thái độ sống của nhân vật vận động, thay đổi theo chiều hướng tích cực, như Đào trong Mùa lạc, từ một con người chua ngoa, táo bạo, liều lĩnh, ghen tị với mọi người dần dần trở thành con người sống chan hòa với mọi người hơn, Tùng trong Đất mỏ cũng vậy, từ một con người cộc cằn, không biết yêu thương, tâm hồn khô cằn như sỏi đá dần dần thay đổi thành một con người ăn nói dịu dàng, biết yêu thương và biết khát khao hạnh phúc,… Tuy nhiên, ta thấy không phải lúc nào Nguyễn Khải cũng cho nhân vật bộc lộ tính cách qua ngôn ngữ hội thoại. Có một số nhân vật tham gia cuộc thoại chủ yếu nhằm giúp nhân vật cùng tham gia bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm, tâm lí, tính cách, chẳng hạn như: con trai Tích, mấy bà hàng xóm của Tích (Đàn bà), cô con dâu của mụ Bột (Nằm vạ)…
Hơn nữa, không phải lúc nào nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Khải cũng bộc lộ tâm lí, tính cách qua ngôn ngữ hội thoại, mà tâm lí, tính cách của nhân vật còn bộc lộ qua hành động và độc thoại của chính nhân vật ấy, chẳng hạn ở cuộc thoại cuối cùng của truyện ngắn Đất mỏ, ta thấy Nguyễn Khải đã cho Lượm bộc lộ tâm lí, tính cách qua lời độc thoại, điều này người viết đã có điểm qua trong quá trình phân tích.
Qua sự vận động của tâm lí, tính cách của các nhân vật trung tâm, người viết nhận thấy nhà văn đã gửi vào đó những tư tưởng, tình cảm của mình. Chẳng hạn, qua việc miêu tả sự vận động, thay đổi tính cách của nhân vật Đào, chúng ta thấy ngoài tình yêu thương đối với đứa con tinh thần của mình, Nguyễn Khải còn gián tiếp khẳng định một triết lí sống: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc tượng hình từ trong những hi sinh, gian khổ, ở đời này không có những con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để vượt qua những ranh giới ấy” (Nguyễn Khải: Mùa lạc). Qua sự vận động tâm lí, thái độ sống của Tùng trong Đất mỏ, Nguyễn Khải đã gửi gắm vào đó một tư tưởng nhân bản và nhân đạo của mình. Qua sự vận động, thay đổi tâm lí, tính cách của mỗi nhân vật, tác giả thường đặt ra một vấn đề có ý nghĩa với cuộc sống. Thậm chí, nhiều khi ta còn có cảm tưởng như nhân vật chuyên chở một triết lí nhân sinh nào đó. Trong các cuộc hội thoại, tính cách của nhân vật
thường được bộc lộ qua những cuộc tranh cải, sự suy đoán, sự phán xét, sự phẩm bình, sự biện luận và triết lí, như Đào trong Mùa lạc, cô Hiền trong Một người Hà Nội,…
Nhiều khi Nguyễn Khải cho phép nhân vật lên tiếng tranh luận, biện bạch trực tiếp, hùng hồn qua nhiều hội thoại, như Khái và mụ Bột trong Nằm vạ, Khải và cô Hiền trong Một người Hà Nội,... Trong độc thoại, nhân vật thường trầm ngâm, suy ngẫm về thế sự, boăn khoăn với những nuối tiếc, day dứt với những hồi tưởng để tự phán xét, tranh luận với chính mình, như Lượm trong Đất mỏ, Đào trong Mùa lạc,… Nhiều khi ta thấy nhân vật là cái cớ để cho tác giả nghị luận chính luận. Chính vì vậy, nhân vật có mặt trong tác phẩm là vì lí lẽ, quan hệ với nhau cũng bằng lí lẽ. Nó phục vụ trực tiếp cho việc bộc lộ những tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Nguyễn Khải không chỉ gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình qua sự vận động tâm lí, tính cách của nhân vật trung tâm, mà còn thông qua việc đặt nhân vật trong mối quan hệ đối sánh, tương phản về tâm lí, tính cách với nhân vật khác trong cùng một tác phẩm. Trong Đàn bà, ta thấy Nguyễn Khải đã đối sánh tâm lí, tính cách của mẹ Lưu, vợ Tích với tính cách của vợ Lưu, từ đó tác giả ca ngợi sự cao cả, giàu đức hi sinh, lòng thủy chung của vợ Tích, tình thương con của mẹ Lưu và phê phán sự vô tâm, ích kỷ và ngoại tình của vợ Lưu, qua thái độ ca ngợi và phê phán đó, tác giả muốn nói với cuộc đời rằng: con người phải biết nắm giữ, trân trọng những gì mình đang có. Trong Một người Hà Nội cũng thế, Nguyễn Khải đã đối sánh thái độ sống của cô Hiền với người thanh niên Hà Nội trong thời đại mới để nói lên sự trân trọng của mình với những giá trị văn hóa của dân tộc, cũng như đưa ra triết luận nhân sinh của mình trong việc nhìn nhận, đánh giá các giá trị văn hóa truyền thống.
Qua những nhận xét đó, ta thấy nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Khải là những nhân vật thích triết luận và hay triết luận. Tức nhiên là sự triết luận đó phù hợp với tâm lí tính cách của nhân vật, chứ không phải là tác giả gắn cho nhân vật những phát ngôn một cách gượng ép.
Như vậy, qua ngôn ngữ hội thoại, chúng ta thấy được tâm lí, tính cách và tính hiện thực của hình tượng nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Khải. Qua sự vận động, thay đổi tâm lí, tính cách của từng nhân vật, và sự khác biệt đối lập tâm lí, tính cách của các nhân vật trong cùng một tác phẩm, chúng ta thấy được tư tưởng của nhà văn,
đồng thời cũng nhận thấy nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Khải là những nhân vật thích triết luận và hay triết luận.
Thứ tư, sau khi phân tích 16 cuộc thoại, người viết thấy Nguyễn Khải là một nhà văn có tài năng thực thụ. Để có thể xây dựng thành công một thế giới nhân vật nói chung, ngôn ngữ hội thoại của nhân vật trong truyện ngắn của mình nói riêng, Nguyễn Khải phải “vật lộn” với từng con chữ tự do trong kho từ vựng để biến nó thành ngôn từ của nhân vật, ngôn từ nghệ thuật, mang dụng ý của mình. Bằng cái tài, cái tâm, vốn sống, vốn hiểu biết và quá trình lao động nghệ thuật “khổ sai đầy hứng thú” của mình, Nguyễn Khải đã lắng nghe và miêu tả thành công những rung động vô cùng tinh vi trong quá trình vận động tâm lí, tính cách của nhân vật qua ngôn ngữ hội thoại. Chính vì thế mà truyện ngắn của Nguyễn Khải đã “làm tổ” trong lòng người đọc.