Các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình sử dụng đất trên địa bàn huyện Chương Mỹ

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả các mô hình sử dụng đất trên địa bàn huyện chương mỹ hà nội (Trang 96 - 104)

Chương III KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.5.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình sử dụng đất trên địa bàn huyện Chương Mỹ

3.5.2.1. Về công tác chỉ đạo, giám sát của các cấp chính quyền + Xây dựng quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp

Dựa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2015 đã được UBND thành phố phê duyệt Huyện cần quy hoạch về diện tích, loại cây trồng, thời gian triển khai thực hiện như: Nên trồng loại cây gì, diện tích trồng là bao nhiêu.

Việc này cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên của vùng.

Từ quy hoạch cụ thể với mỗi loại cây trồng chúng ta tiến hành xây dựng mô hình và xác định tiêu chí lựa chọn hộ thực hiện mô hình và các mức hỗ trợ cụ thể.

+ Tăng mức hỗ trợ

Trong số các mô hình sử dụng đất trên địa bàn huyện Chương Mỹ mà tác giả tiến hành nghiên cứu thì chỉ có mô hình trồng cây ăn quả được thành phố và huyện hỗ trợ về giống cây trồng. Mức hỗ trợ này chỉ áp dụng với những khi mô hình bắt đầu được thực hiện thí điểm nên chưa thực sự khuyến khích các hộ triển khai. Do vậy, để khắc phục tồn tại này trong thời gian tới cần thiết phải xem xét lại định mức hỗ trợ cho từng mô hình cụ thể.

+ Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ phòng Kinh tế huyện

Cán bộ phòng kinh tế huyện là những lao động có độ tuổi trung bình từ 38 trở lên, có kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành công việc nhưng trong giai đoạn mới cần bổ sung thêm những cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đồng thời đào tạo lại các cán bộ kỹ thuật nhiều tuổi để họ có cơ hội cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực chuyên môn.

+ Với cấp xã: Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn mỗi xã nên có một cán bộ khuyến nông chuyên trách để giúp UBND xã quản lý việc sản xuất nông nghiệp và trao đổi thông tin với phòng kinh tế huyện về tình hình mô hình đang được thực hiện để phòng hỗ trợ về kỹ thuật kịp thời giúp mô hình triển khai được thành công.

+ Với cấp thôn: Nêu cao vai trò của Trưởng các thôn, coi trưởng các thôn là cánh tay dài của UBND xã trong mọi lĩnh vực đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Trưởng thôn phải thường xuyên báo cáo những thuận lợi và khó khăn của mô hình. Do vậy tuỳ từng mô hình cụ thể mà có thể đưa ra các mức phụ cấp trách nhiệm phù hợp. Mức phụ cấp này có thể được trích từ quỹ khuyến nông của các hoặc quỹ do các hộ thực hiện mô hình sử dụng đất đóng góp.

3.5.2.2 Tổ chức tốt công tác tiêu thụ sản phẩm

Tổ chức các kênh phân phối

Các sản phẩm từ các mô hình đều do người dân tự tổ chức tiêu thụ trên thị trường theo phương pháp bán lẻ là chính, chỉ một số ít bán buôn cho tư thương. Vì vậy, giá bán các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện thấp, không ổn định đã

ảnh hưởng rất lớn tới kết quả sản xuất kinh doanh. Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm đòi hỏi phải xây dựng đa dạng các kênh phân phối sản phẩm:

- Xây dựng hệ thống chợ trong phạm vi xã, đảm bảo mỗi xã có một chợ, với những hộ có quy mô sản xuất lớn có thể xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình ở địa phương hoặc nơi khác nhằm tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp.

- Ngoài kênh phân phối trực tiếp trên có thể phát triển các kênh phân phối gián tiếp thông qua việc khuyến khích các nhà bán buôn, bán lẻ hoạt động có hiệu quả. Do sản phẩm nông nghiệp dễ hư hỏng cần thời gian lưu chuyển nhanh nên cần thiết phải xây dựng chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các hợp tác xã mua bán theo chủng loại sản phẩm; tổ chức các điểm thu mua sản phẩm gần nơi sản xuất.

Thiết lập quan hệ giữa các hợp tác xã mua bán, người bán buôn với người sản xuất trên cơ sở cùng có lợi, thực hiện các cam kết về cung cấp sản phẩm, giá bán sản phẩm …

Mở rộng phạm vi tiêu thụ sản phẩm

Huyện Chương Mỹ có đầy đủ điều kiện để phát triển rau màu, hoa, bưởi do có điều kiện về đất đai, khí hậu phù hợp. Bên cạnh đó huyện lại có hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán với các huyện trong thành phố và các tỉnh khác. Nhưng hiện nay do phạm vi tiêu thụ sản phẩm còn hạn hẹp nên quy mô sản xuất mới chỉ dừng lại ở hộ gia đình phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện. Vì vậy bên cạnh việc phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn huyện thì cần thiết phải mở rộng diện tích của mô hình để mở rộng phạm vi tiêu thụ sang các huyện bạn như: Hà Đông, Quốc Oai, Mỹ Đức … và các tỉnh khác. Để phát triển phạm vi tiêu thụ thì hộ gia đình khó có thể đứng ra tự tiêu thụ được mà cần phải nên cao vai trò của HTX trong việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ thông qua các nhà buôn.

3.5.2.3. Cung cấp kiến thức và kỹ năng cho nông dân

Mở các lớp học ngắn hạn

Kiến thức về kinh tế - kỹ thuật là không thể thiết trong việc triển khai các mô hình sử dụng đất. Trên địa bàn huyện Chương Mỹ việc cập nhật kiến thức này của người dân còn hạn chế. Vì vậy việc mở các lớp học ngắn ngày phổ biến kiến thức kinh tế - kỹ thuật cơ bản theo nội dung của từng mô hình cho cán bộ huyện, xã để triển khai tới người dân là rất cần thiết. Phòng Kinh tế huyện cần phân nhóm các xã theo đối tượng cây trồng để có thể triển khai tập huấn cho cán bộ khuyến nông xã.

Sau khi được tập huấn cán bộ khuyến nông xã căn cứ vào quy hoạch của địa phương và nhu cầu của các hộ để tổ chức các lớp học ngắn ngày, truyền đạt lại toàn bộ kiến thức kinh tế - kỹ thuật, quản lý, chăm sóc và sử dụng các loại hoá chất bảo vệ thực vật … tới các hộ nông dân thực hiện mô hình.

Việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn sẽ giúp người dân có điều kiện để trao đổi thông tin rút kinh nghiệm và bổ sung kiến thức. Đối với những mô hình yêu cầu kỹ thuật canh tác phức tạp có thể mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia vào các khoá đào tạo.

Tổ chức tham quan thực tế

Ngoài những kiến thức ngắn hạn, phòng Kinh tế huyện nên tổ chức các buổi tham quan thực tế, nên đưa các hộ gia đình đi tham quan thực tế các mô hình sử dụng đất hiệu quả cao tại các tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Hồng như:

Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình.

3.5.3.4. Tăng cường tiếp cận và sử dụng các yếu tố đầu vào có hàm lượng khoa học – công nghệ vào sản xuất

Giải pháp về đất đai

Diện tích thửa lớn là một đòi hỏi tất yếu của mô hình sử dụng đất theo hướng sản xuất hàng hoá, bởi vậy:

- Trong những năm tới chính quyền địa phương phải có các biên pháp khuyến khích các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tập trung tích tụ ruộng đất theo

những thế mạnh của mỗi khu vực cũng như điều kiện của hộ gia đình để nhân rộng mô hình sử dụng đất nông nghiệp theo quy mô hàng hoá cho thu nhập cao.

- Xây dựng cơ chế cho phép các hộ không có nhu cầu canh tác được chuyển đổi đất sang cho hộ có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất.

- Hạn chế việc chuyển diện tích đất nông nghiệp sang đất phục vụ cho các mục đích khác.

- Thực hiện tốt quy hoạch “đất nào, cây ấy” một cách đồng bộ, khoa học nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng của từng loại đất.

Giải pháp về giống và kỹ thuật canh tác

Giống cây trồng là một trong các yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất.

Thực tế, các mô hình triển khai gặp rất nhiều khó khăn về giống. Các nguồn giống mà nông hộ tiếp cận chủ yếu là các giống trôi nổi trên thị trường không qua kiểm định, không đảm bảo chất lượng, dễ bị sâu bệnh. Vì vậy thời gian tới để đảm bảo đủ giống phục vụ cho việc thực hiện mô hình có hiệu quả thì UBND huyện nên tập trung vào một số giải pháp như sau:

- Hình thành các vườn ươm của trung tâm khuyến nông huyện được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết phục vụ nhân giống một số loại cây trồng của địa phương.

- Đối với các hộ cung ứng giống cây trong vùng cần có sự giám sát chặt chẽ vê quy trình và chất lượng của giống đặc biệt đối với các giống cây ăn quả.

- Cử cán bộ có chuyên môn đi đào tạo tại Viện Nghiên cứu Rau quả trường Đại học Nông Nghiệp I và một số cơ quan chuyên ngành khác để có thể cập nhật các kiến thức kỹ thuật mới về nhân giống.

- Tăng cường mối quan hệ “Bốn nhà”: Nhà quản lý – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp – Nhà sản xuất trong việc cung ứng giống.

- Tiếp cận với các kỹ thuật xử lý cây cho thu hoạch trái vụ để tăng năng suất cây trồng trong mô hình.

- Hỗ trợ nông dân xây dựng các hệ thống nhà lưới nhằm sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao như: Rau trái vụ, hoa cao cấp (hoa Lyly, Lan hồ điệp) …

Giải pháp về vốn

Như đã phân tích, nguồn vốn các nông hộ sử dụng để triển khai mô hình đều là vốn tự có. Mở rộng hệ thống dịch vụ tài chính tín dụng sẽ giúp người dân có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn vốn khác nhau. Thực tế quá trình điều tra các hộ gia đình đều có nhu cầu vay vốn, trong khi đó các ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng chính sách xã hội có vốn nhưng chưa thể giải ngân được. Nguyên nhân là do người dân thấy ngại làm các thủ tục vay vốn phức tạp, thời gian vay vốn chỉ trong ngắn hạn. Vậy để giúp nông hộ tiếp cận được với các nguồn vốn vay cần thiết phải tập trung làm tốt các yếu điểm của người vay và người cho vay:

- Các hộ nên chủ động liên hệ và hợp tác với Ngân hàng trong việc giải quyết thủ tục vay, đảm bảo trả nợ đúng hạn để giữ chữ tín cho quan hệ lâu dài.

- Ngân hàng nên đánh giá một cách trung thực tình hình sản xuất kinh doanh của hộ để tạo điều kiện tốt nhất cho hộ có thể vay được vốn với số lượng đủ lớn để đầu tư sản xuất, linh động giảm bớt các thủ tục vay và tăng thời gian vay vốn đối với từng mô hình cụ thể.

- Huyện nên có cơ chế hỗ trợ cho hộ trong việc giải quyết các khoản nợ Ngân hàng khi các yếu tố bất lợi vê thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại trầm trọng đến mô hình.

- Ngoài nguồn vốn vay từ các ngân hàng các hộ có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các quỹ tín dụng, quỹ khuyến nông, quỹ của hội phụ nữ, hội nông dân.

- Các hộ trong mộ vùng sản xuất, trong cùng một mô hình có thể hình thành các tổ tiết kiệm hỗ trợ lẫn nhau về vốn.

Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

- Phổ cập giáo dục các kiến thức kỹ thuật về kinh tế ngay từ các bậc học là cơ sở để lao động trẻ có thể nhanh chóng tiếp cận với kiến thức kỹ thuật và kinh tế mới dễ dàng.

- Mở các lớp đào tạo tại địa phương để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ thuật cho người lao động tại chỗ.

- Khuyến khích bổ sung, cập nhật các kiến thức về các mô hình được triển khai trong huyện vào môn kỹ thuật nông nghiệp trong các trường trung học phổ thông ở phạm vi huyện.

3.5.3.4. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng

Ngoài các nhóm giải pháp trên, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện là không thể thiếu trong phát triển sản xuất hàng hoá và nhân rộng mô hình sử dụng đất.

Phát triển giao thông

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để duy trì đảm bảo chất lượng hệ thống đường liên tuyến thì Huyện cần thường xuyên duy tu sửa chữa, kinh phí được trích từ nguồn ngân sách Huyện.

Với hệ thống đường liên thôn, giao thông nông thôn một số xã chưa được bê tông hoá, trong thời gian tới cần phấn đấu 100% số xã trong Huyện đường giao thông được đổ bê tông.

Hệ thống giao thông nội đồng của một số cánh đồng còn chưa được quy hoạch hợp lý, bờ vùng nhỏ, chỉ phù hợp với hoạt động nông nghiệp truyền thống.

Để thực hiện cơ giới hoá trong nông nghiệp có hiệu quả, cần quy hoạch lại hệ thống giao thông nội đồng để đảm bảo cho mọi loại máy móc cơ giới hoá dễ dàng hoạt động và thuận lợi cho việc tưới tiêu khoa học.

Để có nguồn kinh phí, nhân lực cho việc cải tạo hệ thống giao thông, Huyện có thể sử dụng phương pháp Nhà nước và nhân dân cùng làm; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho giao thông. Đối với các khu vực triển khai mô hình huyện có thể đầu tư xây dựng, sau đó thu lại thông qua quỹ đóng góp của các hộ triển khai mô hình trong các năm sau khi mô hình có hiệu quả.

Phát triển thuỷ lợi

Thủy lợi là yếu tố quan trọng quyết định kết quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp, tưới tiêu khoa học sẽ tăng năng suất cây trồng từ 1,5 đến 2 lần. Do vậy trong các năm tới, Huyện nên tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo tưới tiêu khoa học, đặc biệt là tiêu nước kịp thời khi có ngập lụt. Để thực hiện được nhiệm vụ đó công tác thuỷ lần cần tu bổ nâng cấp hệ thống cống, kênh mương đã có, kiên cố hoá kênh mương, xây dựng một số công trình cầu cống.

Phát triển hệ thống dịch vụ thông tin liên lạc

Thông tin liên lạc đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Sản xuất hàng hoá đòi hỏi thông tin liên lạc đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin nhanh nhất.

Trong thời gian tới huyện nên hoàn thiện các hệ thống đài truyền thanh, dịch vụ Internet … nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm bưu điện văn hoá xã trên địa bàn huyện.

Tóm lại:

Để các mô hình sử dụng đất có hiệu quả huyện Chương Mỹ cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại như: Đầu mối tiêu thụ chưa được xây dựng, quy hoạch phù hợp, kiến thức về kinh tế - kỹ thuật của cán bộ và người dân còn yếu, khả năng tiếp cận với các yếu tố đầu vào lớn còn kém.

Các quan điểm để đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề tồn tại trên là: Quan điểm sản xuất hàng hoá, quan điểm phát triển mô hình theo hướng CNH-HĐH, quan điểm sản xuất hiện đại - bền vững, quan điểm hiệu quả xã hội – môi trường.

Cá giải pháp được xây dựng trên cơ sở các quan điểm của ngành nông nghiệp huyện đến năm 2015 bao gồm: Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền, tổ chức các đầu mối tiêu thụ sản phẩm, giải pháp kỹ thuật và các yếu tố đầu vào, phát triển đồng bộ các yếu tố cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong đó tập trung vào giao thông nội đồng và thuỷ lợi.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả các mô hình sử dụng đất trên địa bàn huyện chương mỹ hà nội (Trang 96 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)