SINH VIÊN Ở QUẢNG NAM HIỆN NAY
2.2. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN Ở QUẢNG NAM HIỆN NAY
2.2.2. Những hạn chế trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên ở Quảng Nam và nguyên nhân của nó
Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa VIII đã nêu lên thực trạng những yếu kém trong đời sống văn hóa tinh thần và đạo đức lối sống, của hoạt động giáo dục, trong đó có giáo dục đạo đức truyền thống ở nước ta trong thời gian qua như sau: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ … đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng phát triển. Ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng. Nạn mê tín dị đoan khá phổ biến.
Nhiều hủ tục cũ và mới tràn lan, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội … Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đọa không được ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ, địa phương, bè phái, đoàn kết khá phổ biến.
Những tệ nạn đó gây sự bất bình của nhân dân làm tổn thương uy tín của Đảng, của Nhà nước.
Nhiều biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo làm cho xã hội
lo lắng như suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, bè bạn, môi trường sư phạm xuống cấp; lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, ăn chơi, nghiện ma túy … ở một bộ phận học sinh, sinh viên; việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn” [16, tr. 46-47].
Xem xét và đánh giá một cách toàn diện, bên cạnh những mặt tích cực của công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên, chúng ta không thể không thừa nhận vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót nhất định.
Thứ nhất, trong nhận thức đôi khi chúng ta chưa thấy hết tính cấp thiết, tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức truyền thống, còn xem nhẹ công tác giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống mà chỉ quan tâm chú trọng vào phát triển kinh tế, tạo ra sự phát triển thiếu đồng bộ.
Nhìn chung, các cơ quan và đoàn thể quần chúng cùng với gia đình đều nhận thức đúng đắn về vai trò to lớn của việc giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng nhân cách cho sinh viên, nhưng đôi lúc còn có cách nhìn đơn giản, chưa thấy hết những thay đổi, những diễn biến về tâm lý, tình cảm phức tạp của sinh viên trong tình hình xã hội có những biến động to lớn như ngày nay. Chính vì thế, nên chưa có biện pháp, cách thức phù hợp để định hướng cho sinh viên về mặt tư tưởng và hành động.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thị trường tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn còn những mặt trái, những khuyết tật đang từng ngày từng giờ có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, trong giới trẻ và đặc biệt là trong sinh viên hiện nay.
Do đó, mối quan hệ giữa người với người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế có nguy cơ bị chi phối bởi sức mạnh của đồng tiền, gia đình truyền thống có những biến động đáng kể, tình làng nghĩa xóm bị xem nhẹ.
Thứ hai, khi đất nước chuyển từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang cơ
chế thị trường, chúng ta không lường hết được cả những tác động tích cực, lẫn tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, và mở cửa giao lưu quốc tế đến sự phát triển của đạo đức.
Những tiêu cực của nền kinh tế thị trường thâm nhập vào cả các quan hệ vốn lấy đạo lý, lương tâm làm trọng như quan hệ thầy trò với truyền thống
“tôn sư trọng đạo” từ ngàn xưa, nay ở nơi này nơi khác cũng bị đồng tiền làm biến dạng. Mặt khác, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như tinh thần đoàn kết cộng đồng, lòng tự tôn dân tộc, lòng vị tha … chậm phát triển, bổ sung nhân tố mới kịp thời và trở thành sự bất lực trước thực tiễn và thời đại.
Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận sinh viên sống thiếu mục đích, lý tưởng, thiếu bản lĩnh, vô trách nhiệm với gia đình, với xã hội. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội trong sinh viên ở Quảng Nam hiện nay.
Dưới tác động của cơ chế thị trường, nhiều giá trị đạo đức trước thời kỳ đổi mới được đề cao nay lại bị hạ thấp và ngược lại. Sự nhìn nhận đánh giá và định hướng của sinh viên về các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc cũng có sự thay đổi. Có những sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã suy nghĩ cho tương lai của mình theo hướng có việc làm ổn định ở các thành phố lớn như Tam Kỳ, Hội An, thu nhập cao, nhàn hạ … và trong cuộc sống hằng ngày đã bộc lộ rõ tính ích kỷ, thích hưởng thụ …
Thứ ba, vấn đề môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội giữ vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục đạo đức cho sinh viên. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen từng nói rằng, con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào, thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy.
Hơn hết và trước bất cứ thiết chế xã hội nào, gia đình có ảnh hưởng lớn tới lối sống, nhân cách và sự hình thành các giá trị đạo đức của cá nhân con người. Gia đình luôn là môi trường đầu tiên cá nhân tiếp nhận những giá trị
đạo đức truyền thống. Tuy nhiên, tác động của cơ chế thị trường cũng làm cho việc thực hiện những chức năng thiêng liêng của gia đình, nhất là chức năng truyền dạy những giá trị đạo đức truyền thống dân tộc gặp nhiều sóng gió. Bị cuốn vào việc mưu sinh, nhiều bậc phụ huynh không còn nhớ đến việc phải dạy con mình gia phong, lễ nghĩa, phong tục tập quán. Với điều kiện sống hiện đại, kiểu gia đình hạt nhân hai thế hệ dần thay thế kiểu gia đình truyền thống tam đại, tứ đại đồng đường, nên sinh viên ngày nay ít có cơ hội gần gũi và được ông bà trực tiếp truyền dạy cho những giá trị truyền thống dân tộc tốt đẹp, vốn được các cụ tiếp thu từ thế hệ trước và nâng niu gìn giữ.
Mặc khác, một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục con cái, còn nuông chiều, phó mặc cho nhà trường, thậm chí phụ huynh còn bất lực trước con cái. Một số phụ huynh chưa có phương pháp giáo dục con cái khoa học, còn nặng về bạo lực, chửi bới con cái không đúng nơi, đúng chỗ. Có những ông bố, bà mẹ với lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, hoặc đồi bại, trái luân thường đạo lý lại trở thành những “tấm gương” xấu dẫn dụ con cái quay lưng với các giá trị truyền thống, đi ngược với những giá trị tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.
Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội có những đóng góp nhất định trong giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên. Nhưng một số nơi còn chưa thực sự quan tâm đến công tác thanh niên nói chung và giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên nói riêng. Một số địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa có chương trình hành động cụ thể cho đối tượng này, nếu có cũng chỉ là hình thức mang tính phong trào.
Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên ở Quảng Nam mặc dù có nhiều sự quan tâm, đổi mới nhưng do hạn chế về điều kiện vật chất, nhân lực và phương pháp nên chất lượng của hoạt động giáo dục đạo đức
chưa cao. Ở một số trường, phương pháp giáo dục đạo đức chưa thực sự khoa học hoặc quá trình lồng ghép chưa phù hợp thậm chí là phản tác dụng. Nội dung giáo dục còn nghèo nàn, đơn điệu. Thực tế này đang góp phần đẩy sinh viên đến nguy cơ mai một các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
Thứ tư, việc chúng ta phải chứng kiến những hiện tượng vi phạm pháp luật, vi phạm những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc là những sinh viên còn ngồi trên ghế trường Đại học, Cao đẳng đã gây nên sự bất bình trong xã hội, làm giảm sút niềm tin của mọi người đối với thế hệ mai sau.
Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo muôn đời của dân tộc hoàn toàn xa lạ với những hiện tượng sinh viên trở thành “tướng cướp”, sinh viên “tống tiền”, sinh viên “thi hộ đại học”; thậm chí cả sinh viên giết thầy giáo cũ của mình, cùng với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, mại dâm, cờ bạc ...
Những giá trị đạo đức truyền thống chưa phát huy hết tác dụng trong đời sống của xã hội hiện đại, chưa được khai thác thành hệ thống trong nội dung giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên ngày nay. Do vậy, những tấm gương xấu trong xã hội đã ảnh hưởng rất lớn vào tâm lý, tình cảm của tầng lớp sinh viên. Như vậy, rất dễ đẩy họ vào con đường tội lỗi.
Hiện nay, đã xuất hiện một bộ phận sinh viên tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, coi đồng tiền là trên hết, xa hoa, lãng phí, lười lao động và thiếu ý thức rèn luyện, không dám đấu tranh với cái sai, thờ ơ vô cảm, vị kỷ ... càng nhiều hơn. Cá biệt có một số sinh viên sống bê tha, không chịu học tập, sống buông tha, dần dần đánh mất chính mình, thậm chí chìm đắm trong thế giới ảo.
Một bộ phận sinh viên còn thiếu kinh nghiệm về cuộc sống xã hội dễ nhìn nhận và đánh giá nông cạn đối với các hiện tượng trong đời sống, nhất là đối với quá khứ lịch sử, nên họ cũng dễ có thái độ cực đoan đối với các hiện
tượng nảy sinh trong xã hội mà họ đang sống, và đôi khi họ còn dễ bị kích động, thiếu tự chủ, tình cảm nhiều khi lấn át lý trí, thích phiêu lưu, mạo hiểm, khi gặp khó khăn dễ sinh ra hoang mang, dao động.
Một số sinh viên còn mơ hồ về truyền thống dân tộc, chưa ý thức về giá trị truyền thống dân tộc và con người Việt Nam, mờ nhạt về lý tưởng, theo lối sống thực dụng, thiếu ý chí lập thân, lập nghiệp.
Bảng 3: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức của giới trẻ ở Việt Nam
S
TT Nội dung
Kết quả Sơ lượng
SV Tỷ lệ
1 Trình độ nhận thức mỗi người 190 38%
2 Xu hướng xem trọng vật chất 115 23%
3 Giáo dục gia đình, nhà trường 40 8%
4 Tiếp nhận nền văn hóa ngoại thiếu chọn lọc 25 5%
5 Vấn đề kinh tế 75 15%
6 Ý kiến khác 55 11%
Kết quả khảo sát những giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam suy thoái do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhất lớn nhất được sinh viên cho là do trình độ nhận thức mỗi người (38%); tác động của nền kinh tế thị trường dẫn tới hiện tượng quá xem trọng lợi ích vật chất (23%).
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nhân tố cả chủ quan lẫn khách quan, có thể chỉ ra những nhân tố cơ bản tác động đến giá trị đạo đức truyền thống trong sinh viên ở Quảng Nam sau đây:
Thứ nhất, trình độ nhận thức: Đạo đức lối sống của sinh viên vừa chịu sự tác động trực tiếp của nền kinh tế thị trường vào các quan hệ xã hội giữa người với người, vừa chịu ảnh hưởng do lối sống thiếu gương mẫu, thiếu
trách nhiệm của người lớn với lớp trẻ. Việc đề cao lợi ích, trước hết là lợi ích vật chất cũng như ý thức về cá nhân với những nhu cầu riêng, cá tính riêng theo nghĩa khẳng định đời sống hiện thực và vị thế của từng cá thể, những
“cái tôi” - chủ thể mang nhân cách - là điều hợp lý, tự nhiên trong sự phát triển, nhất là khi phát triển đó lại được kích thích bởi môi trường xã hội đổi mới, bởi bầu không khí dân chủ hoá và bởi lực đẩy của kinh tế thị trường.
Nhưng một khi những vấn đề của cá nhân bị đẩy tới thái quá, tuyệt đối hoá nó, tách rời nó khỏi những ràng buộc, chế ước bởi cộng đồng thì sẽ xuất hiện những lệch lạc chuẩn mực trong cách nghĩ và cách sống, trong làm việc và ứng xử của cá nhân thành chủ nghĩa cá nhân.
Có thể nói không có người lớn nào lại muốn cho lớp trẻ mang tính xấu và đi theo cái ác. Không một bậc cha mẹ nào lại mong muốn con mình bị hư hỏng và mắc vào vòng tội lỗi. Nhưng nghịch lý ác nghiệt thay, tính phản diện, phản đạo đức của người lớn mắc phải đã đẩy con em họ tới bi kịch đạo đức đó. Đây có thể là mất mát lớn nhất trong tình trạng đang suy thoái đạo đức của xã hội trong nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hoá kinh tế quốc tế.
Thứ hai, trong mối quan hệ gia đình: Gia đình là cái gốc của con người, nơi con người sinh ra và bắt đầu cuộc sống. Trong suốt cuộc đời, gia đình luôn luôn là điểm tựa, là cội nguồn của tình cảm, là cái nôi của sự yên bình, là yếu tố vô cùng cần thiết cho cuộc sống của con người và cho xã hội. Con người bắt đầu từ gia đình, mang dấu ấn văn hoá gia đình. Gia đình luôn mang lại những cảm giác “an toàn” cho các thành viên của nó. Chính ở gia đình, con người đã được biết đến một điều vô cùng thiêng liêng trong đời sống giữa người với người, đó chính là sự quên mình vì người khác. Ở mọi lúc mọi nơi, gia đình đều chứng tỏ sức mạnh của nó. Nó có thể xây dựng và cũng có thể phá hoại. Nó đem lại hạnh phúc cho con người, cũng như gieo rắc những điều bất hạnh. Nó không chỉ mang tính cấp thiết của hiện tại mà còn gắn liền với
quá khứ và góp phần quyết định đối với tương lai.
Như vậy, Gia đình là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, thông qua việc thực hiện các chức năng quan trọng: tái sản xuất ra con người, nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục các thành viên. Mặt khác, gia đình còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị cao quý của nền văn hoá dân tộc và truyền thụ cho lớp trẻ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Gia đình là nơi hình thành nhân cách cho con người; là động lực để vượt qua được đau khổ, khó khăn, vượt qua được những quyến rủ sai trái, mới được tiếp sức để an tâm đi tới.
Thứ ba, Nhà trường: Khi bàn về thanh niên V.I. Lênin đã khẳng định:
“Nhà trường của chúng ta phải đem lại cho thanh niên những kiến thức cơ bản, dạy cho họ biết tự tạo ra những quan điểm cộng sản, phải đào tạo họ thành những người có học thức. Nhà trường của chúng ta phải làm cho thanh niên, trong khi học tập, trở thành những người tham gia cuộc đấu tranh giải phóng những người bị bóc lột.” [39, tr.218].
Nhà trường giữ vai trò hết sức đặc biệt, là thiết chế xã hội có chức năng chuyên trách về giáo dục tri thức, nhân cách cho sinh viên. Trong thời đại công nghệ và thông tin toàn cầu, buộc phải xoay chuyển nền giáo dục sao cho mọi người có thể sống và hòa mình trong xã hội thông tin. Vậy ai dạy? Dạy cái gì cho con em chúng ta? Đó còn là những câu hỏi chưa được vấn đáp một cách cẩn thận.
Chưa kể, thành quả giáo dục ấy liệu có tạo dựng được giá trị xã hội phù hợp với truyền thống văn hóa, mục tiêu lý tưởng của dân tộc.
Thứ tư, môi trường xã hội: là nơi sinh viên có thể thể hiện, khẳng định bản thân mình. Đó là đoàn thể xã hội mà các em tham gia, cộng đồng các em sinh sống, câu lạc bộ, nơi vui chơi giải trí ... ở những nơi ấy, mỗi sinh viên lại có những mối quan hệ khác nhau và có cả sự ganh ghét, gian xảo, vụ lợi ... ; ở mỗi người chúng ta sẽ bắt gặp những cách sống khác nhau; nơi ấy có kẻ xấu, người