MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN Ở QUẢNG NAM HIỆN
3.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN
3.2.5. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cho sinh viên
Môi trường xã hội là hệ thống tất cả các mối quan hệ xã hội mà trong đó con người sống và hoạt động như môi trường chính trị, môi trường kinh tế sản xuất, môi trường pháp luật, môi trường gia đình, môi trường dòng họ, môi trường nhà trường … Sự hình thành và phát triển nhân cách con người chỉ có thể thực hiện trong môi trường xã hội nhất định. Môi trường xã hội là nhân tố để con người hình thành và phát triển các tư chất người, tức là chỉ trong xã
hội loài người con người mới có sự phát triển đầy đủ các thuộc tính tâm lý người. Hơn nữa, môi trường còn góp phần tạo động cơ, mục đích, phương tiện và điều kiện cho hoạt động giao lưu cá nhân, nhờ đó, cá nhân chiếm lĩnh kinh nghiệm lịch sử xã hội và giá trị văn hóa nhằm hình thành và hoàn thiện nhân cách. Chính vì thế, để xây dựng và phát triển nhân cách cho con người một cách tốt nhất, phát triển toàn diện thì vấn đề có tính gốc rể là phải xây dựng môi trường xã hội trong đó các cá nhân sống, lao động và học tập thật lành mạnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường xã hội đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ “Đơn vị sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu phải là môi trường rèn luyện phong cách làm việc có tính kỷ luật, có kỷ thuật, có năng suất và hiệu quả cao, bồi đắp tình bạn, tình đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam” [22, tr.77].
Chính vì lẽ đó, việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc hình thành và xây dựng nhân cách cho sinh viên không chỉ là trách nhiệm của các nhà giáo dục mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, vì xây dựng môi trường xã hội lành mạnh là một vấn đề rộng lớn, đòi hỏi sự chung tay của tất cả các thành viên trong xã hội.
Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho sinh viên nâng cao đời sống văn hoá, phát triển toàn diện như: tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”, bằng cách tuyên truyền và xây dựng những hình ảnh, biểu tượng sống động, ý nghĩa thiết thực, để ăn sâu và trở thành “cái nếp” trong lối sống mỗi sinh viên;
tổ chức nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái trong sinh viên.
Để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo điều kiện cho việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong việc bồi dưỡng nhân cách cho sinh viên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì chúng ta phải làm cho các giá trị ấy thẩm thấu, chi phối, điều chỉnh trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động.
Trước tiên, chúng ta phải xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không thể nào phát huy được truyền thống nhân ái trong bồi dưỡng nhân cách cho sinh viên một khi nền kinh tế cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, nhiều hành vi lừa đảo, vì lợi nhuận của các doanh nghiệp mà bất chấp sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng để làm hàng giả, hàng kém chất lượng
… Phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, với phát triển văn hoá trong đó phải chú ý đến việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống với các giá trị hiện đại. Phát triển kinh tế phải được đo bằng hiệu quả văn hoá, xã hội. Vì sự phát triển văn hoá, xã hội luôn chịu sự quy định của cơ sở kinh tế nhưng không phải là cơ sở duy nhất. Nếu tách khỏi cơ sở kinh tế thì sẽ không thể hiểu được nội dung, bản chất của hoạt động văn hoá, xã hội. Như vậy, xét về tổng thể, các giá trị đạo đức bao giờ cũng được hình thành trên cơ sở kinh tế, chịu quy định của kinh tế. Vì chỉ có một nền kinh tế lành mạnh, được xây dựng trên những nguyên tắc công bằng, trên những giá trị đạo đức thiêng liêng, thì nền kinh tế mới thực sự bảo đảm đời sống cho người lao động, tạo được niềm tin và tôn trọng giữa con người với con người, đập tan sự nghi ngờ của lớp trẻ về những giá trị mang bền vững và sẽ là cơ sở khách quan để xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh. Ngược lại, văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, nó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế “soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh). Vậy xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hoá, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, con người phát triển toàn diện. Trong đó, con
người kinh tế phải được chú trọng phát triển trong xã hội có nhiều biến đổi.
Con người đó phải có ý thức tìm hiểu và chuẩn bị nhiều hơn cho năng lực của mình khi đối đầu với sự biến đổi công nghệ, phương thức quản lý, mối quan hệ đối tác và cạnh tranh toàn cầu. Để trở thành con người này, mỗi sinh viên phải tự tìm kiếm tri thức, kinh nghiệm làm hành trang cho mình trong quá trình hội nhập quốc tế.
Cùng với môi trường kinh tế, chúng ta phải xây dựng môi trường văn hóa – xã hội lành mạnh. Sinh viên sẽ rất khó khăn trong việc tiếp thu giá trị đạo đức truyền thống để hoàn thiện giá trị nhân cách bản thân mình khi môi trường văn hóa bị lai căng, tràn ngập những giá trị sản phẩm xa lạ với giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, khi ngoài kia các hiện tượng tiêu cực và các tệ nạn xã hội còn phổ biến. Muốn cho các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trở thành những quy tắt hoạt động của mỗi sinh viên, tất yếu phải tạo ra môi trường thuận lợi, làm cho mỗi sinh viên trong các hoạt động học tập và rèn luyện hằng ngày ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể thu nhận được cảm xúc về đạo đức truyền thống. Áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào tuyên truyền giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho mọi người dân và mỗi sinh viên nói riêng là trách nhiệm của các tổ chức làm công tác tư tưởng – văn hóa. Các phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình phải có nhiều chương trình, ấn phẩm về giá trị đạo đức truyền thống, tuyên truyền về lịch sử dân tộc, về những điển hình tiên tiến trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình Quảng Nam cần có những tiết mục hay về giá trị đạo đức truyền thống, cần phát trong thời gian thuận lợi nhất. Các cơ quan chủ quản các cấp về văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản, điện ảnh, truyền thanh truyền hình … cần tích cực đề xuất và ủng hộ các hoạt động sáng tạo đề cao đạo đức truyền thống, đặc biệt chú trọng đến đối tượng là sinh viên.
Hơn nữa, môi trường xã hội không chỉ là nơi con người tiếp thu, học tập các giá trị đạo đức truyền thống, mà còn là nơi con người rèn luyện, thể hiện các giá trị đó như là phẩm chất của mình. Vì vậy, chúng ta cần phải tạo lập được môi trường hoạt động phong phú cho sinh viên, đặt mỗi người vào một vị trí nhất định trong sự nghiệp cách mạng chung của toàn xã hội, tạo những điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để họ có thể được rèn luyện và tự khẳng định vì sự phát triển của đất nước nói chung, của tỉnh nhà nói riêng và sự tiến bộ của sinh viên. Sinh viên không thể nào phát huy được truyền thống yêu nước khi mà họ không được đem tri thức của mình để phục vụ cho đất nước, khi họ thất nghiệp … Nếu chúng ta không xây dựng được môi trường để sinh viên phát huy hết năng lực, phẩm chất của mình thì những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc mà sinh viên tiếp thu được không có điều kiện biến thành hành động cụ thể và không có điều kiện trở thành nhân tố bền vững trong nhân cách của họ, thậm chí, có thể khiến sinh viên không còn mong muốn khao khát rèn luyện, phấn đấu theo các giá trị đó. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần chăm lo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để sinh viên được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, được học tập, có việc làm, nâng cao thu nhập, có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh.
Phát triển mạnh khoa học, công nghệ làm động lực đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức trên địa bàn tỉnh. Do đó, phải tập trung phát triển những ngành, nghề thuộc ưu thế của tỉnh; phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ tự động, nâng cao năng lực nghiên cứu - ứng dụng gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trẻ.
Đẩy mạnh việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như điện, nước sạch, chợ và đường giao thông. Đầu tư nhiều hơn những huyện, xã đặc biệt khó
khăn; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực, nhất là thế hệ trẻ đang là lực lượng kế thừa của huyện nhà; nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình và thực hiện công bằng xã hội trong việc chăm sóc sức khoẻ;
chăm sóc, bảo vệ trẻ em và tạo điều kiện cho trẻ được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, phát triển hài hoà về thể chất, trí tuệ tinh thần và đạo đức.
Tăng cường lãnh đạo và quản lý phong trào toàn dân đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự và kỷ cương xã hội, ngăn chặn và bài trừ các tệ nạn xã hội, nhất là nạn mại dâm, ma tuý; ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS. Xây dựng và hướng sinh viên vào các hoạt động của Đoàn; tạo cho sinh viên những sân chơi lành mạnh như tổ chức cuộc thi tìm hiểu các môn khoa học Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh, những gương điển hình trong học tập và rèn luyện; những phương pháp nghiên cứu khoa học giỏi ...
Kết luận Chương 3
Để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên, cần quán triệt sau sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về giáo dục đạo đức trong chiến lược giáo dục toàn diện. Các trường Đại học, Cao đẳng cần hết sức chú trọng công tác giáo dục đạo đức truyền thống theo quan điểm của Đảng, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Môi trường giáo dục còn nhiều bất cập, vì thế cần tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh. Để thực hiện được điều đó, cần có những giải pháp tích cực như, đưa môn Đạo đức học vào chương trình đào tạo, phát huy tính tự giác của mỗi sinh viên; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục. Có như vậy mới đào tạo được những người lao động toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và tỉnh nhà.