Quan điểm của Đảng về phát triển con người toàn diện

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ triết học “Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên ở Quảng Nam hiện nay” (Trang 69 - 74)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN Ở QUẢNG NAM HIỆN

3.1. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN VỀ GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN HIỆN NAY

3.1.2. Quan điểm của Đảng về phát triển con người toàn diện

Có thể khẳng định rằng, vấn đề con người và phát triển con người là một trong những nội dung chủ đạo, mối quan tâm hàng đầu trong hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong học thuyết về con người của chủ nghĩa Mác - Lênin, con người không những là chủ thể của các hoạt động sản xuất vật chất, đóng vai trò yếu tố cơ bản nhất của lực lượng sản xuất xã hội, mà hơn thế, còn là chủ thể sáng tạo nên lịch sử của xã hội, của con người. Nhận thức rõ điều đó, C.Mác đã từng khẳng định rằng, ý nghĩa lịch sử, mục đích cao cả của sự phát triển xã hội là phát triển con người toàn diện, là nâng cao

năng lực, nhân cách và phẩm giá con người, giải phóng con người khỏi mọi sự "tha hoá" và làm cho họ được sống cuộc sống đích thực của con người.

Ở Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức ngày càng đầy đủ, đúng đắn hơn về vai trò của nhân tố con người cũng như tầm quan trọng của việc phát triển con người. Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, là mục tiêu, động lực của cách mạng, là yếu tố quyết định sự thành bại của cách mạng.

Trước hết, cần khẳng định rằng, những nhận thức đúng đắn, đầy đủ của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề con người và phát triển con người, dựa trên cơ sở lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn của đất nước, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới.

Tư tưởng phát triển con người, thường xuyên chăm lo cho hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình luôn được Đảng Cộng sản Việt Nam đặt lên hàng đầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ của Đảng được xác định ngay từ khi mới thành lập và giữ vững trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng: ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, Đảng ta đã nhận thức, bổ sung và phát triển ngày càng đầy đủ hơn, đúng đắn hơn những tư tưởng sâu sắc, có ý nghĩa chỉ đạo và định hướng về vấn đề phát triển con người trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bao trùm toàn bộ đường lối, các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội của Đảng là quan điểm vừa mang tính khoa học, vừa chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc - quan điểm coi con người là mục tiêu, đồng thời là động lực của sự phát triển xã hội. Thực tiễn của đất nước đã chứng minh

rằng, phát triển con người là thành tựu quan trọng, nổi bật nhất trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam suốt hơn 30 năm qua.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định: Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Chống tư tưởng, văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Báo cáo chính trị của Ban Cháp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII năm 1996, nêu rõ: “Kế thừa và phát huy các giá trị tinh thần, đạo đức và thẩm mỹ, các di sản văn hóa, nghệ thuật của dân tộc … Trong điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm gìn giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức, tập quán tốt đẹp và lòng tự hào dân tộc.

Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam; đấu tranh chống sự xâm nhập của các loại văn hóa độc hại, những khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc. Khắc phục tâm lý sùng bái đồng tiền, bất chấp đạo lý, coi thường các giá trị nhân văn” [17, tr.111].

Cũng tại Đại hội VIII, Đảng ta đã khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình"

[17, tr. 113].

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX cũng khẳng định: “Hoàn

thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại” [20, tr.208]. Đại hội IX đánh dấu bước phát triển về mặt nhận thức khi hướng “mọi hoạt động của văn hóa”

phải nhằm “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôntrọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội...” [20, tr.265].

Trong các kỳ đại hội sau này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục khẳng định quan điểm đúng đắn và khoa học đó. Tại Đại hội X, vấn đề xây dựng con người đã được Đảng ta coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lĩnh vực phát triển văn hóa và được đề cập trên bình diện mới là xây dựng và hoàn thiện về nhân cách con người. Đó là: “xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, học sinh, sinh viên, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” [21, tr.106].

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện trình Đại hội XI, ngày 12-1-2011, nêu rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại … Xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân ... sống có văn hóa, nghĩa tình, có tinh thần quốc tế chân chính” [22, tr.40]. Đại hội XI cũng yêu cầu: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng,

giáo dục thế hệ trẻ. Đoàn kết và xây dựng hệ giá trị chung của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” [22, tr.223].

Đại hội XII xác định, phải đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện lên hàng đầu trong các nhiệm vụ khác của văn hóa. Đồng thời, “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng, nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam”[23, tr. 126 - 127]. Đây là quan điểm mới, phù hợp với thực tiễn phát triển văn hóa, con người trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành và thực hiện trên thực tế đường lối và nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển con người Việt Nam mới - con người Việt Nam phát triển toàn diện, cả về trí lực lẫn thể lực, cả về “lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam” nhằm thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã

hội chủ nghĩa.

Phát triển con người là mục tiêu của xã hội, là thước đo đánh giá sự tiến bộ xã hội. Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới cho thấy, việc giải quyết vấn đề phát triển con người ở nước ta được đánh giá có những chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng sự phát triển con người không chỉ là chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn cho nhân dân với tư cách mục tiêu của sự phát triển xã hội, mà còn là bồi dưỡng toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và nhân cách cho con người nhằm tạo tiền đề cho việc phát huy nguồn lực này với tư cách động lực quan trọng và căn bản nhất của sự phát triển bền vững. Đương nhiên, để con người có được sự phát triển toàn diện, từ đó tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội không thể chỉ dựa vào giáo dục - đào tạo, mặc dù đây là giải pháp căn bản. Sự phát triển toàn diện của con người cũng như sự hiện hữu của nguồn nhân lực có chất lượng cao chỉ có thể là kết quả tổng hợp của một hệ thống các biện pháp kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội; đồng thời, đó còn là sản phẩm của sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng và đầy trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, của toàn xã hội

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ triết học “Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên ở Quảng Nam hiện nay” (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(100 trang)
w