MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN Ở QUẢNG NAM HIỆN
3.1. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN VỀ GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN HIỆN NAY
3.1.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức là nền tảng tinh thần của con người, giúp cho con người vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Có đạo đức sẽ giúp người cán bộ cách mạng không lùi bước trước khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng.
Hồ Chí Minh coi đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, suối. Đạo đức có nội hàm sức mạnh to lớn. Như Hồ Chí Minh vẫn thường nói, đối với con người, sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa, người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: Óc những ngưới tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên. Sinh thời, Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của thanh niên, Người yêu cầu phải chăm lo giáo dục thanh niên để họ trở thành những người có ích. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, mục đích là “nhằm giúp họ trở thành những công dân tốt, người lao động tốt, những chiến sĩ tốt, người chủ xứng đáng của đất nước” [64, tr.59-60].
Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ.
Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất cần thiết” [57, tr.510].
“Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người" [57, tr.510].
Hồ Chí Minh khuyên những người làm công tác giáo dục phải kết hợp giáo dục với tự giáo dục, “tự cải tạo để tiến bộ”. Người khuyên nên lấy gương người tốt việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau. Nêu gương là phương pháp được coi trọng trong giáo dục đạo đức từ xưa đến nay. Phương pháp này được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng như một nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng đạo đức mới. Người từng nói: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” [49, tr.284]. Tư tưởng này của Người đặc biệt có giá trị trong việc kế thừa và phát huy vai trò của các giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Quảng Nam hiện nay.
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sinh động như: qua sách vở, ở trường lớp, thực tiễn công việc, trường đời, sinh hoạt của các tổ chức, câu lạc bộ sinh viên; nêu gương điển hình tiên tiến; phê phán việc làm xấu; học tập qua các hình thức sinh hoạt tập thể; tham gia du lịch về nguồn, các di tích lịch sử, các phong trào tình nguyện của sinh viên. Công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên của các cấp tổ chức Đoàn được chú trọng như đề cao lòng nhân ái, đạo lý uống nước nhớ nguồn; lối sống văn hóa tình nghĩa; trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; các văn hóa phẩm độc hại, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; lối sống buông thả, lệch lạc về hành vi,
hành xử hung bạo, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm … qua đó, góp phần định hướng giá trị chân – thiện – mỹ cho sinh viên. Các phong trào “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Bốn đồng hành với thanh niên lập nghiệp” … được Trung ương Đoàn phát động đạt kết quả tốt, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho sinh viên.
Là lớp người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và đưa chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, Hồ Chí Minh hơn ai hết, là người ý thức rõ, nhận thức sâu sắc bản chất cách mạng và khoa học của học thuyết Mác về con người và phát triển con người toàn diện. Tiếp thu và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác vào hoàn cảnh lịch sử và cụ thể của Việt Nam, trongsuốt những năm tháng trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới – xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định “con người là vốn quí nhất, chăm lo cho hạnh phúc của con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chăm lo hạnh phúc của nhân dân “việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh” đã được đặt lên vị trí hàng đầu và coi đó là nhiệm vụ trung tâm của công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Với Hồ Chí Minh, “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” – những con người Việt Nam mới, phát triển toàn diện, “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài đã trở thành tư tưởng quán xuyến, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Với Hồ Chí Minh, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, đào tạo “những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa” có sự phát triển toàn diện, cả đức lẫn tài, “có chí tiến thủ” bao giờ cũng là “một việc rất quan trọng và cần thiết”, là mối quan tâm hàng đầu. Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình cho tâm huyết đó,
đào tạo ra những lớp người mới cho dân tộc Việt Nam, lớp người dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh ngay cả tính mạng của mình cho đất nước.
Để công tác giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên Quảng Nam đạt hiệu quả cao, mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức mới, đạo đức nhà giáo, lối sống mới để sinh viên noi theo. Trước đây, để giáo dục con người, Nho giáo đề cao tính gương mẫu của người quân tử (tu thân).
Các tôn giáo cũng thường lấy những cuộc đời và sự nghiệp của các bậc chân tu làm gương cho môn đồ của mình noi theo. Cha ông ta xưa rất coi trọng
“thân giáo”, tức lấy sự gương mẫu của bản thân người thầy mà giáo dục học trò. Đây là phương pháp rất có hiệu quả. Hiện nay, vai trò “thân giáo” có phần chưa được chú trọng nên bị giảm sút, việc giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên chủ yếu thông qua “ngôn giáo”, chỉ dùng “thuyết giáo” để giáo dục. Một số giảng viên có biểu hiện lời nói và việc làm không đi đôi với nhau, chưa gương mẫu, có hành vi trái ngược với những điều mình thường giảng dạy. Việc giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên cần phải được thực hiện ở tất cả các nhiệm vụ, các khâu, các giai đoạn đào tạo của nhà trường. Trong đó, phương pháp giáo dục thông qua tấm gương đạo đức của người thầy có ý nghĩa rất quan trọng đối với sinh viên các trường.