SINH VIÊN Ở QUẢNG NAM HIỆN NAY
2.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN Ở QUẢNG NAM HIỆN NAY
2.3.2. Tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa đến các giá trị đạo đức truyền thống
Trong đời sống xã hội nước ta hiện nay, những nhân tố tích cực về đạo đức những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc vẫn được nhân dân ta gìn giữ và phát huy. Tất cả các nhân tố kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội ở nước ta hiện nay đều tác động đến quá trình rèn luyện nhân cách của sinh viên, trong đó nền kinh tế thị trường đã và đang tác động sâu sắc đến quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên cả tích cực và tiêu cực. Điều này đã được Đảng ta nhiều lần khẳng định: Cơ chế thị trường và sự hội nhập quốc tế,
bên cạnh những tác động tích cực, to lớn cũng đã bộc lộ mặt trái của nó, ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức tư tưởng, lối sống của nhân dân ta.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập với thế giới, bức tranh đạo đức xã hội đan xen cả hai mảng sáng, tối. Kinh tế thị trường với mặt trái của nó đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội đang đặt những giá trị đạo đức trước những thử thách nghiệt ngã. Một trong những tác động tích cực của kinh tế thị trường đối với việc xây dựng nhân cách cho sinh viên là tính chủ động, sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ và hành động của mỗi sinh viên được nâng cao. Kinh tế thị trường đề cao lợi ích cá nhân, lợi ích cá nhân được đảm bảo trong sự hài hòa với lợi ích xã hội.
Chính vì vậy, nó kích thích tính sáng tạo trong mỗi con người, góp phần giải phóng năng lực sáng tạo của cá nhân. Dưới tác động của kinh tế thị trường, một số giá trị mới đang hình thành và phát triển như tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, khả năng quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công việc của mình. Sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường không cho phép sinh viên bị động, ỷ lại, trông chờ mà là môi trường tốt để phát huy tài năng, tính sáng tạo của mỗi sinh viên. Kinh tế thị trường và sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở nước ta hiện nay đòi hỏi sinh viên phải không ngừng phấn đấu, làm gia tăng cả chất và lượng tri thức, trí tuệ của mình.
Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường đang tạo ra nhiều tiêu cực xã hội. Khoảng cách giàu – nghèo đang ngày càng lớn, sự bất bình đẳng xã hội, nhất là trong việc tiếp cận cơ hội phát triển và dịch vụ xã hội đang tạo ra những nghịch lý, bất công trong xã hội. Hiện tượng “kẻ ăn không hết, kẻ lần không ra” không phải là hiếm. Trong khi có những “cậu ấm, cô chiêu” suốt ngày lêu lổng, đua xe, “bay đêm”, cờ bạc, tiêu tiền như nước … thì không ít thanh niên không một đồng vốn, không có tiền học nghề, không có tư liệu sản xuất để nuôi sống bản thân và gia đình. Trong khi có những sinh viên “công
tử” đi học xa nhà có ôtô đưa rước và “ôsin” đi theo hầu hạ thì không ít sinh viên con nhà nghèo cặm cụi đi làm thêm để trụ lại trường và sống lay lắt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn những tiện nghi sinh hoạt tối thiểu nhất.
Trong khi nhiều người có vài ba ngôi nhà mặt phố, biệt thự cho thuê thì không ít gia đình không có chỗ ở, phải đi thuê nhà với số tiền nhiều khi chiếm tới phần nữa thu nhập của họ mà vẫn phải chui rúc trong những ổ chuột tối tăm, rách nát … Những cảnh đời trái ngược ấy không phải là hiếm gặp. Thực tế đó làm cho chúng ta gặp khó khăn khi giáo dục cho sinh viên về truyền thống vì nghĩa “thương người như thể thương thân”, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn đến tương lai tươi sáng. Những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường cũng cần phải lường trước như nó làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa lợi kỷ cực đoan trong đạo đức sinh viên, kích thích lối sống thực dụng, lối sống tiêu dùng và thị hiếu văn hóa không lành mạnh, đồng thời làm phai nhạt những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong đời sống sinh viên.
Bên cạnh những tác động tích cực đến sự hoàn thiện nhân cách sinh viên thì toàn cầu hóa cũng gây ra không ít những tác động tiêu cực. Toàn cầu hóa, sự bùng nổ thông tin bị các thế lực lợi dụng đang đặt ra nhiều thách thức với việc hình thành nhân cách sinh viên trên cả ba mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, làm biến đổi về tư tưởng, tình cảm, lối sống … Cùng với những giá trị văn hóa thì không ít những phản văn hóa, phản giá trị, lối sống cá nhân, thực dụng, xa hoa, hưởng lạc, coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần … cũng len lỏi và tràn vào nước ta. Sự lấn lướt và áp đặt các giá trị văn hóa tinh thần do các nước tư bản phát triển thực hiện lại đang gây trở ngại không nhỏ cho sự phát triển các giá trị văn hóa tinh thần dân tộc ở các nước chậm phát triển.
Điều này đặt văn hóa truyền thống trước nhiều thách thức, nguy cơ như một số giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, thiêng liêng … vốn có vị trí quan
trọng trong hệ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ bị mai một và tha hóa. Từ đó, nó ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận thức và xây dựng chân giá trị trong mỗi sinh viên.
Toàn cầu hóa đang định ra nhiều nguy cơ, sự phụ thuộc về kinh tế, lai căng về văn hóa, mất bản sắc dân tộc … Sự ảnh hưởng của văn hóa, đạo đức, lối sống nước ngoài, đặc biệt là lối sống phương Tây đối với nhiều người, trong đó có sinh viên, là tương đối rõ ràng. Khi sùng ngoại, cái gì của ngoại cũng đều cho là tuyệt vời, do đó vô hình trung, tự coi thường những giá trị của bản thân, của dân tộc.
Tác động của kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa đến công tác xây dựng nhân cách cho sinh viên Quảng Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Một mặt, nó tạo thuận lợi cho việc bồi dưỡng một số giá trị mới trong nhân cách nhằm tạo ra một thế hệ sinh viên có nhân cách hoàn thiện đáp ứng yếu cầu của đất nước trong thời đại mới. Song mặt khác, việc xây dựng, bồi dưỡng các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc cũng đang gặp những cản trở nhất định. Do đó, giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên cần đẩy mạnh hơn nữa trong điều kiện hiện nay, bởi đây là một vấn đề hệ trọng liên quan đến sự tồn tại và phát triển của dân tộc trong xu thế hội nhập.
Kết luận Chương 2
Sinh viên hiện nay đại đa số có ý thức chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hăng hái tham gia các phong trào do Nhà trường và các đoàn thể, hội sinh viên tỉnh tổ chức. Những phong trào đó đã góp phần tích cực đối với đời sống xã hội, khẳng định rỏ vai trò, vị trí của sinh viên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Công tác giáo dục đạo đức cho sinh viên ở Quảng Nam đã đạt được
nhiều thành tích đáng tự hào. Có được những thành tích đó, trước hết do Đảng và Nhà nước đã quan tâm và đầu tư đúng hướng cho giáo dục đạo đức. Đồng thời, sự nổ lực của những người làm công tác giáo dục và bản thân mỗi sinh đã luôn có ý thức phấn đấu trong học tập và rèn luyện.
Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận sinh viên chưa ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, còn có biểu hiện ham chơi, lười biếng. Điều này là do ảnh hưởng của cơ chế thị trường và tác động của quá trình toàn cầu hóa;
chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục sinh viên. Điều quan trọng là do bản thân sinh viên chưa tự giác rèn luyện. phấn đấu tu dưỡng đạo đức dẫn tới những hậu quả xấu cho bản thân, gia đình và xã hội. Để khắc phục được những hạn chế trên, chúng ta cần phải có phương hướng và giải pháp khả thi để không ngừng nâng cao chất lượng công tác giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên hiện nay.
CHƯƠNG 3