Đổi mới nội dung và hình thức giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ triết học “Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên ở Quảng Nam hiện nay” (Trang 76 - 82)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN Ở QUẢNG NAM HIỆN

3.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁO DỤC GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO SINH VIÊN

3.2.2. Đổi mới nội dung và hình thức giáo dục đạo đức

Giáo dục là phương thức quan trọng để phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, nhằm xây dựng nhân cách cho sinh viên. Bởi thông qua giáo dục, sinh viên nhận thức một cách khoa học các giá trị, chuẩn mực văn hóa, từ đó điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Trong giáo dục, yêu cầu cơ bản là coi trọng giáo dục giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Đây là cầu nối thế hệ sinh viên với quá khứ, để tiếp thêm sức mạnh cho họ trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của ông cha ta, đồng thời cũng tạo ra “cơ chế phòng ngừa, khả năng miễn dịch” với những phản giá trị từ bên ngoài.

Trong điều kiện mới, chúng ta phải đổi mới nội dung, phương thức và hình thức giáo dục giá trị đạo đức truyền thống để xây dựng lối sống cho sinh viên nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao. Phải lựa chọn nội dung những giá trị đạo đức truyền thống phù hợp với thời đại ngày nay và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý sinh viên. Sinh viên thông thường có độ tuổi từ 18-25 tuổi, ở độ tuổi này họ có nhiều mặt tích cực song cũng có nhiều mặt hạn chế. Mặt tích cực của họ đó là lòng nhiệt tình, nhạy cảm trước cuộc sống, ước mơ cháy bỏng, quyết tâm thực hiện cho được những hoài bão của bản thân, chân thành, cởi mở trong ý nghĩa việc làm, dám chấp nhận hy sinh … Tuy nhiên, đối lập

với các đức tính ấy lại là những hạn chế của tuổi trẻ, đó là tính bồng bột chủ quan, hấp tấp vội vàng, nhẹ dạ cả tin, gặp khó khăn dễ hoang mang, dao động, dễ bị kích động, thiếu tự chủ do kinh nghiệp sống còn hạn chế … Cần có những biện pháp nhằm phát huy và kích thích tính tự giác, chủ động của đối tượng này. Vì thế, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Đảng ta nhận thấy cần đổi mới chương trình, nội dung phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại … đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng, giáo dục lý tưởng lịch sử cách mạng, đạo đức lối sống.

Đối với sinh viên, việc giáo dục đạo đức truyền thống cho họ trong nhà trường phải hướng tới phát triển con người một cách toàn diện, thiết lập được quan hệ tốt đẹp và tiến bộ giữa con người với con người, hướng con người tới cái đúng, cái thiện, cái đẹp; củng cố niềm tin của sinh viên vào đường lối lãnh đạo của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; vào hiện thực của công cuộc đổi mới của đất nước.

Giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên trước hết phải làm cho họ có được tình cảm yêu nước nồng nàn. Yêu nước trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay là yêu nền hòa bình độc lập của dân tộc, yêu chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh. Yêu nước là trung với Đảng, hiếu với dân, hiếu với gia đình, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tình yêu nước phải biến thành hành động, trở thành nội lực quan trọng tạo nên tinh thần dân tộc, ý chí tự lập, tự cường, say mê, sáng tạo, trung thực trong lao động, học tập để đạt hiệu quả cao. Tình yêu nước phải biến thành hành động trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng theo hướng thúc đẩy xã hội phát triển, công bằng, nhân ái.

Xây dựng nhân cách sinh viên làm cho họ thấm nhuần các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp: lòng nhân ái, vị tha, trung hiếu, cần, kiệm, liêm,

chính … và các giá trị đạo đức mới, lối sống xã hội chủ nghĩa: chủ động, sáng tạo, tự lập, tự chủ, tính năng động, tinh thần vượt khó, chống các phản giá trị đạo đức do mặt trái của toàn cầu hóa mang lại.

Ở đây, chúng ta phải kết hợp ba quá trình: giáo dục, tự giáo dục và giáo dục lại. Ba quá trình này có sự gắn bó với nhau. Quá trình giáo dục chỉ đạt kết quả cao nhất khi nó trở thành quá trình tự giáo dục, tự đào tạo, tự rèn luyện về trí tuệ, thể lực của mỗi con người, vì vậy phải làm thế nào để quá trình giáo dục giá trị đạo đức truyền thống trở thành quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi sinh viên, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp của sinh viên Quảng Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đổi mới nội dung và hình thức giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên Quảng Nam hiện nay cần chú ý mấy điểm sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đổi mới nội dung và hình thức giảng dạy các bộ môn lý luận chính trị Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Những môn học này “đều thực hiện chức năng phương pháp luận, hình thành niềm tin, đây là yếu tố then chốt của nền đạo đức mới của sinh viên. Tình hình đó đặt ra yêu cầu rất nặng nề cho hệ thống những người làm công tác giảng dạy môn học này, nó đòi hỏi, một mặt phải có kiến thức sâu, rộng ở nhiều lĩnh vực, mặt khác, phải có khả năng truyền tải hệ thống thông tin đến cho người học một cách khác, đó là nghệ thuật truyền đạt, khả năng sư phạm phù hợp cho từng đối tượng. Chính vì thế, đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học này là một yêu cầu bắt buộc” [4, tr.4].

Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước đang mở ra những điều kiện và yêu cầu phát triển mới, đã thời tác động đến nhận thức của mỗi cá nhân đối với những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia và quốc tế, tác động đến mục đích và lý tưởng sống của sinh viên. Vì vậy, cần

đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm định hướng niềm tin và lý tưởng cho sinh viên, chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực phản động.

Việc giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học trong quá trình tiếp thu các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Đây cũng là yếu tố then chốt trong quá trình hình thành nhân cách sinh viên, trong việc hướng họ tới cái đúng, cái thiện, cái đẹp, từ đó sinh viên nhận thức đúng về mục đích sống, lý tưởng sống, nhận thức được những giá trị đạo đức nào là giá trị đích thực, biết đấu tranh với những cái phản giá trị, sống có lý tưởng và đạo đức cách mạng.

Nội dung giáo dục phẩm chất đạo đức truyển thống dân tộc phải đảm bảo tính lý luận, thực tiễn và phù hợp với ngành nghề đạo tạo để giúp sinh viên liên hệ vận dụng một cách thiết thực với chuyên môn của mình. Mặt khác, xây dựng chương trình, nội dung bài giảng về phẩm chất đạo đức lối sống và truyền thống dân tộc yêu cầu người giảng viên phải có hiểu biết về truyền thống đạo đức, văn hóa dân tộc và kinh nghiệm thực tiễn phong phú.

Đặc biệt là hiểu rõ về văn hóa và truyền thống con người và quê hương Quảng Nam.

Cần chú ý là với thời lượng rút ngắn hiện nay, cần biên soạn hợp lý, tránh “dồn”, “nén” chương trình như đang thực hiện, tức là nội dung giường như vẫn giữ nguyên, chỉ cắt giảm thời gian mang tính cơ học dẫn đến việc dạy và học mang tính nửa vời, không sâu. Cần bổ sung, hoàn thiện các kiến thức lý luận, cập nhật thông tin phù hợp với tình hình phát triển phát triển mới của quốc tế và đất nước. Giảng viên phải có kiến thức sâu, rộng ở nhiều lĩnh vực, phải gắn lý luận với giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Ngoài giáo trình quốc gia, cần có nhiều tài liệu tham khảo có liên quan để sinh viên có thể mở rộng, đào sâu tri thức.

Thứ hai, về hình thức giáo dục, cần thực hiện tốt nguyên lý giáo dục

“học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Tránh lối dạy tầm chương trích cú mang tính sách vở, xa rời cuộc sống. Cần thay đổi lối dạy “thầy đọc – trò chép”, “thầy giảng giải – trò ghi nhớ” khá phổ biến hiện nay sang lối giảng dạy sinh động “thầy tổ chức – trò hoạt động”, “thầy chủ đạo – trò chủ động”, nhằm tạo quan hệ thầy – trò tương tác, lấy học trò làm trung tâm, do học trò, vì học trò. Quá trình dạy học phải trở thành quá trình dạy – tự học sao cho đạt sự “cộng hưởng” giữa thầy (ngoại lực) và trò (nội lực) thông qua các hình thức cụ thể như thuyết trình kết hợp với vấn đáp, trực quan, nêu vấn đề, yêu cầu và tổ chức kiểm tra sinh viên đọc sách, xử lý tình huống, tổ chức thảo luận, hướng dẫn – thực hành.

Cần trang bị các phương tiện giảng dạy hiện đại hỗ trợ việc dạy và học làm cho giờ học thêm sinh động, phong phú, nội dung sâu sắc. Ngoài ra, có thể tổ chức các diễn đàn, các hội thi dưới hình thức sân khấu hóa để giúp sinh viên tiếp cận các bộ môn này một cách dễ dàng hơn. Cách thức thi, kiểm tra đối với các bộ môn lý luận chính trị cũng cần phải được đổi mới. Thay vì cách thi tự luận, đề đóng, có thể ra đề thi mở, trên cơ sở những nguyên lý cơ bản, yêu cầu sinh viên liên hệ thực tiễn, làm bài tập trắc nghiệm … Như vậy, sẽ tránh được tình trạng học vẹt, học tủ, quay cóp khá phổ biến đang diễn ra ở mỗi kỳ thi.

Cần đa dạng hóa và sử dụng linh hoạt các hình thức giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên, như giáo dục qua môn Đạo đức học và các môn khoa học gần gũi như pháp luật, và thực hiện nghiêm minh pháp luật trong trường cũng như ngoài xã hội; giáo dục thông qua thực hành chính trị - xã hội; giáo dục giá trị thông qua môi trường đạo đức. Cần đưa môn Đạo đức học vào khung chương trình đào tạo, để môn học này thực sự phát huy hiệu quả, phải có đội ngũ giảng viên vừa có phẩm chất đạo đức tốt, vừa có năng

lực chuyên sâu và trình độ sư phạm cao, đảm nhiệm giảng dạy môn học này.

Giáo trình cũng cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự vận động của thực tiễn. Các khái niệm, phạm trù cần phải được trình bày chính xác, rõ ràng, dễ hiểu.

Tăng cường hoạt động ngoại khóa, gắn lý luận với thực tiễn. Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên có điều kiện thâm nhập thực tế, rèn luyện kỹ năng sống, gắn lý luận với thực tiễn. Trong mỗi khóa học, tùy vào từng ngành nghề cụ thể, các khóa đào tạo đã tổ chức các đợt thực tế chuyên môn, đi tham quan thực tế về nguồn, ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống và con người Quảng Nam. Những hình thức hoạt động phong phú đa dạng giúp sinh viên hiểu hơn về phong tục tập quán, đời sống văn hóa của quê hương đất nước và được đắm mình trong dòng chảy của truyền thống dân tộc. Công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc còn được thực hiện với nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, như: xây nhà tình nghĩa, thực hiện phong trào sinh viên tình nguyện, hoạt động từ thiện giúp đỡ những người cô đơn, những người mắc bệnh hiểm nghèo, những trẻ em vùng dân tộc ít người của các huyện miền núi ở tỉnh Quảng Nam. Những hoạt động đó đã nói lên sự thấm nhuần tình cảm đạo đức cao đẹp, sự cố kết cộng đồng dân tộc của sinh viên Quảng Nam.

Phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, internet, báo chí trong việc giáo dục, bồi dưỡng giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên. Công tác này được bắt đầu bằng việc nâng cao đạo đức, trách nhiệm và năng lực đội ngũ những người làm công tác chuyên môn. Muốn phát huy được tác dụng của các phương tiện thông tin đại chúng, cần “Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội,

nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên” [23, tr.129].

Muốn giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên có hiệu quả, cần phải xây dựng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về mặt trình độ chuyên môn, có đầy đủ phẩm chất, có tư cách đạo đức tốt, tận tâm với sinh viên, thực sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Có như vậy tác động giáo dục của họ tới sinh viên mới đạt hiệu quả cao. Vì “học trò tốt hay kém là ở thầy cô tốt hay kém”, “bản thân các nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, các thầy, cô phải luôn nổ lực học tập nâng cao năng lực về mọi mặt, chú trọng tu dưỡng đạo đức, đạo đức nhà giáo, lối sống mới để trở thành tấm gương sáng cho sinh viên noi theo. Thực hiên có hiệu quả cuộc vận động của ngành giáo dục –

“Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương sáng về tự học và sáng tạo”, mỗi cán bộ, giảng viên trong nhà trường nhất thiết phải là tấm gương đối với sinh viên về mọi mặt.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ triết học “Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống cho sinh viên ở Quảng Nam hiện nay” (Trang 76 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(100 trang)
w