CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
1.4. Yêu cầu đổi mới giáo dục THCS và yêu cầu đối với CBQL các trường THCS sở hiện nay
1.4.1. Các yêu cầu chủ yếu về đổi mới giáo dục THCS
Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục THCS là một bộ phận cấu thành và giữ một vị trí quan trọng. Trường THCS là đơn vị cơ sở của hệ thống giáo dục THCS. Quản lý trường THCS là khâu cơ bản của công tác quản lý giáo dục phổ thông. Hoạt động quản lý giáo dục nói chung và quản lý trường THCS nói riêng là sự vận hành của các chức năng quản lý vào quản lý các hoạt động nhà trường nhằm đạt được những mục tiêu giáo dục THCS đã đề ra. CBQL trường THCS (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) thực hiện những tác động quản lý đến đội ngũ CBQL cấp dưới, giáo viên, nhân viên (những người tác động trực tiếp đến quá trình dạy học, giáo dục để phát triển toàn diện học sinh theo kế hoạch, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức để đạt tới mục tiêu giáo dục THCS) trên cơ sở tận dụng những phương tiện và điều kiện giáo dục, sự lãnh đạo của các cấp, sự phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường và ngoài xã hội nhằm thực hiện được những mục tiêu đổi mới giáo dục THCS.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ tư duy, quan điểm đến mục tiêu, hệ thống, chương trình giáo dục (nội dung, phương pháp, thi, kiểm tra, đánh giá), các chính sách, cơ chế và các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.... Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo các đặc trưng về mục tiêu, nội dung, phương pháp, chương trình được quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi và bổ sung năm 2009. Cụ thể:
- Điều 27 khẳng định: Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công
dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục THCS nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học; có học vấn phổ thông ở trình độ cơ sở và những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
- Điều 28 khẳng định: Nội dung giáo dục phổ thông phải bảo đảm tính phổ thông, cơ bản, toàn diện, hướng nghiệp và có hệ thống; gắn với thực tiễn cuộc sống, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục ở mỗi cấp học. Nội dung giáo dục trung học cơ sở phải củng cố, phát triển những nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc; kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có những hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp.
Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học;
bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
- Điều 29 khẳng định: Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về nội dung kiến thức và kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.
1.4.2. Các yêu cầu đối với đội ngũ CBQL trường THCS
Đội ngũ CBQL các trường THCS (Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng các trường THCS) có trách nhiệm triển khai, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên. CBQL giữ vai trò quyết định trong việc thực hiện các chức năng cơ bản của quản lý đối với mọi hoạt động
của nhà trường. Căn cứ các quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi và bổ sung năm 2009 [26], Điều lệ trường THCS [7] và Chuẩn Hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học [6] (gọi tắt là Chuẩn Hiệu trưởng trưởng THCS), ta thấy các yêu cầu đối với Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng gồm có các nội dung (Dựa trên 3 tiêu chuẩn, 23 tiêu chí của Chuẩn Hiệu trưởng trường THCS) cụ thể như sau:
(1). Các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, tác phong, lề lối làm việc, giao tiếp và ứng xử
- Yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích dân tộc;
- Gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; hiểu biết và thực hiện đúng pháp luật, chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước, các quy định của ngành, địa phương;
- Tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội;
- Có ý chí vượt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Có khả năng động viên, khích lệ giáo viên, cán bộ, nhân viên và học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ; được tập thể giáo viên, cán bộ, nhân viên tín nhiệm;
- Giữ gìn được phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo;
- Trung thực, tâm huyết với nghề nghiệp và có trách nhiệm trong quản lý nhà trường.
- Ngăn ngừa và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực;
- Không lợi dụng chức vụ hiệu trưởng vì mục đích vụ lợi, đảm bảo dân chủ trong hoạt động nhà trường;
- Có lối sống lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập;
- Có tác phong làm việc khoa học, sư phạm;
- Có cách thức giao tiếp, ứng xử đúng mực và có hiệu quả.
(2). Các yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm
- Hiểu đúng và đầy đủ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông;
- Đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học; đạt trình độ chuẩn ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học;
- Nắm vững môn học đã hoặc đang đảm nhận giảng dạy, có hiểu biết về các môn học khác đáp ứng yêu cầu quản lý;
- Am hiểu về lí luận, nghiệp vụ và quản lý giáo dục.
- Có khả năng tổ chức, thực hiện hiệu quả phương pháp dạy học và giáo dục tích cực;
- Có ý thức, tinh thần tự học và xây dựng tập thể sư phạm thành tổ chức học tập, sáng tạo;
- Sử dụng được một ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc (đối với CBQL công tác tại trường dân tộc nội trú, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số);
- Sử dụng được công nghệ thông tin trong công việc.
(3). Các yêu cầu về năng lực quản lý nhà trường
- Hiểu biết về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, địa phương;
- Nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách và quy định của ngành giáo dục;
- Phân tích tình hình và dự báo được xu thế phát triển của nhà trường.
- Xây dựng được tầm nhìn, sứ mạng, các giá trị của nhà trường hướng tới sự phát triển toàn diện của mỗi học sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường;
- Tuyên truyền và quảng bá về giá trị nhà trường; công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục và hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường tạo được sự đồng thuận và ủng hộ nhằm phát triển nhà trường.
- Xác định được các mục tiêu ưu tiên;
- Thiết kế và triển khai các chương trình hành động nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường;
- Hướng mọi hoạt động của nhà trường vào mục tiêu nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của học sinh, nâng cao hiệu quả làm việc của các thày cô giáo; động viên, khích lệ mọi thành viên trong nhà trường tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực”;
- Chủ động tham gia và khuyến khích các thành viên trong trường tích cực tham gia các hoạt động xã hội;
- Có khả năng ra quyết định đúng đắn, kịp thời và dám chịu trách nhiệm về các quyết định nhằm đảm bảo cơ hội học tập cho mọi học sinh, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường;
- Tổ chức xây dựng kế hoạch của nhà trường phù hợp với tầm nhìn chiến lược và các chương trình hành động của nhà trường;
- Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường hoạt động hiệu quả;
- Quy hoạch, tuyển chọn, sử dụng và thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ và nhân viên;
- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ và nhân viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá, đảm bảo sự phát triển lâu dài của nhà trường;
- Động viên đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên phát huy sáng kiến xây dựng nhà trường, thực hành dân chủ ở cơ sở, xây dựng đoàn kết ở từng đơn vị và trong toàn trường; mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo;
- Chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của giáo viên, cán bộ và nhân viên;
- Tuyển sinh, tiếp nhận học sinh đúng quy định, làm tốt công tác quản lý học sinh;
- Thực hiện chương trình các môn học theo hướng phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh nhằm đạt kết quả học tập cao trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng theo các quy định hiện hành;
- Tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên theo yêu cầu đổi mới, phát huy dân chủ, khuyến khích sự sáng tạo của từng giáo viên, của các tổ bộ môn và tập thể sư phạm của trường;
- Thực hiện giáo dục toàn diện, phát triển tối đa tiềm năng của người học, để mỗi học sinh có phẩm chất đạo đức làm nền tảng cho một công dân tốt, có khả năng định hướng vào một lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp với tiềm năng sẵn có của mình và nhu cầu của xã hội.
- Huy động và sử dụng hiệu quả, minh bạch, đúng quy định các nguồn tài chính phục vụ các hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường, thực hiện công khai tài chính của trường theo đúng quy định;
- Quản lý sử dụng hiệu quả tài sản nhà trường, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông;
- Xây dựng nếp sống văn hoá và môi trường sư phạm;
- Tạo cảnh quan trường học xanh, sạch, đẹp, vệ sinh, an toàn và lành mạnh;
- Xây dựng và duy trì mối quan hệ thường xuyên với gia đình học sinh để đạt hiệu quả trong hoạt động giáo dục của nhà trường;
- Tổ chức, phối hợp với các đoàn thể và các lực lượng trong cộng đồng xã hội nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng, tạo dựng niềm tin, giá trị đạo đức, văn hoá và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh;
- Xây dựng và cải tiến các quy trình hoạt động, thủ tục hành chính của nhà trường;
- Quản lý hồ sơ, sổ sách theo đúng quy định;
- Tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua;
- Động viên, khích lệ, trân trọng và đánh giá đúng thành tích của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường;
- Tổ chức xây dựng hệ thống thông tin phục vụ hiệu quả các hoạt động giáo dục;
- Ứng dụng có kết quả công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học;
- Tiếp nhận và xử lý các thông tin phản hồi để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường;
- Hợp tác và chia sẻ thông tin về kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý với các cơ sở giáo dục, cá nhân và tổ chức khác để hỗ trợ phát triển nhà trường;
- Thông tin, báo cáo các lĩnh vực hoạt động của nhà trường đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định;
- Tổ chức đánh giá khách quan, khoa học, công bằng kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, kết quả công tác, rèn luyện của giáo viên, cán bộ, nhân viên và lãnh đạo nhà trường;
- Thực hiện tự đánh giá nhà trường và chấp hành kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định.