Khái quát điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển KT - XH, giáo dục huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường trung học cơ sở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ trong bối cảnh đổi mới giáo dục (Luận văn thạc sĩ) (Trang 47 - 52)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝCÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ HUYỆN YÊN LẬP, TỈNH PHÚ THỌ…

2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, tình hình phát triển KT - XH, giáo dục huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

2.1.1. Điều kiện tự nhiên huyện Yên Lập

Huyện Yên Lập nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 70 km; phía Đông giáp huyện Cẩm Khê và huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ), phía Tây giáp huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), phía Nam giáp huyện Thanh Sơn, Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) và phía Bắc giáp huyện Hạ Hoà (tỉnh Phú Thọ).

Yên Lập là huyện miền núi cao, địa hình đa dạng và phức tạp, có nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn, hệ thống suối, khe, ngòi hẹp và dốc lại phân bố không đều làm cho địa hình bị phân cách mạnh, giao thông đi lại khó khăn.

Yên Lập nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 22,5°C, cao nhất 39°C và thấp nhất 4-5°C. Có hai mùa chính: mùa đông lạnh và khô hạn, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau với nhiệt độ trung bình 14,2°-18°; mùa hè nóng và mưa nhiều, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 với nhiệt độ trung bình 28-30°C. Lượng mưa trung bình năm là 1.570 mm. Độ ẩm trung bình trong năm là 86-89%, cao nhất lên đến 90% vào tháng 7.8 và thấp nhất xuống đến 62% thường vào tháng 12 hàng năm.

Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 437,5 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 87,8% diện tích đất tự nhiên; toàn huyện có 17 đơn vị hành chính cấp xã (01 thị trấn và 16 xã) với tổng số dân là 82.969 người. Trên địa bàn huyện có 01 đường quốc lộ 70B, có 05 tuyến đường tỉnh lộ là các tuyến đường 313, 321, 321B, 313D và 321C. Toàn bộ các tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn Yên Lập có chiều dài là 107,1 km, nhưng chỉ có 26,7 km là đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi, còn lại là đường tương đương cấp VI hoặc chưa vào cấp, chất lượng kém đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa.

2.1.2. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Lập

Yên Lập có tổng số dân 82.969 người, trong đó nữ 42.029 người, chiếm 50,66%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên bình quân trong giai đoạn 2001- 2007 là 1,117%/năm. Mật độ dân số năm 2007 là 190 người/km², là huyện thưa dân thứ hai của tỉnh Phú Thọ (chỉ sau huyện Tân Sơn). Trong địa bàn huyện có 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 70%, dân tộc Dao chiếm khoảng 3%, dân tộc Kinh chiếm khoảng 17%, còn lại là các dân tộc khác.

Nguồn lao động của huyện có 44.940 người, chiếm 54,16% tổng số dân trong huyện.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 5,64%; trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,5%, công nghiệp và xây dựng tăng 10,07%, các ngành dịch vụ tăng 4,44%. Giá trị tăng thêm bình quân 18 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 54,26%, ngành công nghiệp và xây dựng 12,9%, các ngành dịch vụ 32,84%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện trên cơ sở phát huy lợi thế diện tích đồi rừng; các chương trình trọng điểm trong nông, lâm nghiệp, thủy sản và việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất được thực hiện có hiệu quả; quy mô sản xuất hàng hóa tăng trưởng tích cực. Diện tích cây lương thực được duy trì ổn định, năng suất lúa đạt trên 52 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 37,4 nghìn tấn; bình quân lương thực đạt 434kg/người/năm, tăng 3,5% so với năm 2010. Các sản phẩm có lợi thế như: Cây nguyên liệu, chè, bưởi diễn, lúa nếp gà gáy, chăn nuôi trâu, bò được tập trung chỉ đạo, khuyến khích phát triển. Từ đó đã hình thành một số tiểu vùng sản xuất chuyên canh gắn với chế biến và thị trường: Vùng chè Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Minh Hòa; sản xuất lúa nếp gà gáy chất lượng cao ở Mỹ Lung; cây dược liệu quế ở Trung Sơn, Thượng Long; cây bưởi diễn ở Thượng Long, Xuân Thủy, … Đến nay, toàn huyện có trên 100 mô hình kinh tế trang trại tổng hợp có giá trị thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng. Huyện hực hiện trồng mới hơn 3.000 ha, bảo vệ 11.200 ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 68,3%; phát triển vùng sản xuất hàng hóa về nguyên liệu gỗ gắn với chế biến, sản lượng gỗ khai thác hằng năm đạt 99.000 m3 gỗ và 200.000 Ste củi, …

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển đa dạng theo hướng gắn với vùng nguyên liệu và lợi thế về cây lâm nghiệp; chế biến gỗ, cây chè và khai thác,

sản xuất vật liệu xây dựng gắn với việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Toàn huyện có 779 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tăng 11,2% so với năm 2010, trong đó một số cơ sở sản xuất gạch xây dựng có dây chuyền kỹ thuật cao;

bước đầu hình thành cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xã Lương Sơn và thị trấn Yên Lập; thành lập mới làng nghề sinh vật cảnh Trung Ngãi, thị trấn Yên Lập, tạo tiền đề thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho nhân dân.

Xây dựng kết cấu hạ tầng chủ yếu được xác định là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ, trong 5 năm qua, huyện đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư tập trung xây dựng hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, điện, nhà văn hoá khu dân cư theo chuẩn nông thôn mới với tổng vốn đầu tư phát triển đạt 2.866 tỷ đồng. Hệ thống giao thông của huyện được nâng cấp, tỷ lệ cứng hoá đường tỉnh lộ và huyện lộ đạt 90,45%, đường trục xã đạt 31,14%; với 313 công trình thủy lợi đã nâng diện tích tưới cho cây nông, lâm nghiệp của toàn huyện đạt 90%; trên 95% dân số được dùng điện lưới quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 88%; 223/223 khu dân cư có nhà văn hoá, trong đó 94 nhà đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 42,2%.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, nhân dân tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất trị giá trên 6 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng. Việc huy động và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các xã theo chuẩn nông thôn mới; đến nay, toàn huyện đạt 148/301 tiêu chí, bình quân đạt 9,25 tiêu chí/xã; đến hết năm 2015 hai xã Hưng Long và Đồng Thịnh cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được kết quả toàn diện. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục, đào tạo không ngừng nâng cao;

cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, toàn huyện có 32 trường học đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, bình quân có 6 bác sỹ/vạn dân, có 7/17 xã, thị trấn đạt chuẩn y tế giai đoạn 2011 - 2020; tỷ lệ

người dân tham gia các loại hình bảo hiểm y tế đạt 92%. Hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư theo hướng xã hội hóa, góp phần tăng nhanh số người được hưởng thụ văn hóa; 223/223 khu dân cư có nhà văn hóa, trong đó 94 nhà đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực và ngày càng đi vào chiều sâu; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hoá, lễ hội văn hoá truyền thống các dân tộc được chú trọng.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách đối với người có công và an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả; thực hiện có hiệu quả đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, số lao động qua đào tạo 4.220 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 25%, tạo việc làm mới cho 4.500 lao động, xuất khẩu lao động 668 người. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 44,8% xuống 16%. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với người có công và các chính sách an sinh xã hội; xoá 1.132 nhà tạm cho hộ nghèo theo Quyết định 167/QĐ-TTg và 163 nhà ở cho người có công, tổng kinh phí 30,02 tỷ đồng [1].

2.1.3. Tình hình phát triển giáo dục huyện Yên Lập

Năm học 2014 - 2015, toàn huyện có 59 cơ sở giáo dục, trong đó có 5 đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT và 54 đơn vị trực thuộc Phòng GD&ĐT (trong đó 18 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 17 trường THCS và 01 trường 2 cấp học là TH&THCS Nga Hoàng) với tổng số 727 nhóm (lớp học), 18.340 học sinh; tổng số 1.739 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong đó:

Giáo dục Mầm non: Tổng số 18 trường với 230 nhóm, lớp (trong đó nhóm trẻ: 46, lớp mẫu giáo: 184); tổng số học sinh: 6.312 (trong đó nhóm trẻ: 1.182, mẫu giáo: 5.130). Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ: 27,4%, mẫu giáo: 96,6%, trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%.

Giáo dục Tiểu học: Tổng số 18 trường với 335 lớp, số học sinh: 7.324. Huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%; 18/18 trường tổ chức học 2 buổi/ngày, số học sinh được học 2 buổi/ngày đạt 100%.

Giáo dục THCS: Tổng số 18 trường (trong đó có 01 trường Tiểu học và THCS) với 162 lớp, số học sinh: 4.704. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,1%.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, sự phối hợp giúp đỡ và tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực cố gắng của các nhà trường, sự nghiệp giáo dục đào tạo của huyện Yên Lập tiếp tục ổn định và phát triển: Kế hoạch trường, lớp, học sinh đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao;

số lớp, số học sinh tăng so với năm học trước; tuyển sinh học sinh đầu cấp tiểu học và THCS đạt tỷ lệ cao. Chất lượng giáo dục học sinh được nâng lên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm, hạnh kiểm tốt và học lực giỏi THCS được nâng lên so với năm học trước; hằng năm có từ 18 đến 21% học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học. Duy trì và củng cố kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục được quan tâm cả về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống và chuyên môn nghiệp vụ; tỷ lệ giáo viên dạy giỏi tăng cao, năm học 2014 - 2015 đã có 178 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện; công tác bồi dưỡng thường xuyên được triển khai thực hiện đúng kế hoạch và đạt hiệu quả, tỷ lệ giáo viên hoàn thành chương trình bồi dưỡng thường xuyên cới kết quả được đánh giá xếp loại giỏi và khá đạt tỷ lệ cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường được quan tâm đầu tư, tỷ lệ phòng học kiên cố của huyện đạt 88%. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được thực hiện tốt, đến hết năm học 2014 - 2015, toàn huyện có 31/54 trường thuộc cấp học mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 57,4%. 17/17 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng, hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần nâng cao dân trí, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đễn với nhân dân, phổ biến kiến thức khoa học công nghệ cho nhân dân ứng dụng vào thực tiễn lao động sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp giáo dục và đào tạo huyện Yên Lập cũng còn gặp không ít khó khăn: Năm đầu tiên thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, nhiều nội dung phải triển khai, thực hiện mới mẻ, do vậy có dấu hiệu lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Năng lực, kinh nghiệm

của một số CBQL và trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của một số giáo viên còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả triển khai, thực hiện đổi mới giáo dục;

một bộ phận giáo viên chưa thực sự tận tụy, tâm huyết với nghề, chưa yên tâm công tác, nhất là ở các trường vùng sâu, vùng xa.

Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non còn hạn chế, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao hơn mặt bằng chung của tỉnh; chất lượng giáo dục học sinh giỏi thể hiện qua các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện còn thấp, chưa có tính bền vững; kết quả thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa cấp tỉnh giảm so với năm học trước.

Cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song vẫn còn thiếu (giáo dục mầm non còn phòng học tạm, phòng học nhờ), nhiều trường còn thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn, nhà điều hành. Kinh phí sửa chữa, chống xuống cấp hằng năm của các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tỷ lệ học sinh THCS và THPT bỏ học tuy đã giảm, song vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân chủ yếu do dân cư ở phân tán, giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn, bản xa trường học, nhà ở bán trú chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh; đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức về trách nhiệm và lợi ích đối với giáo dục của nhiều phụ huynh còn hạn chế.

Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội hiệu quả chưa cao, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương với các nhà trường chưa thường xuyên; vai trò của Hội đồng giáo dục của một số xã, thị trấn chưa rõ nét, chưa phát huy được hiệu quả. Công tác quản lý của một số nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý các trường trung học cơ sở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ trong bối cảnh đổi mới giáo dục (Luận văn thạc sĩ) (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(145 trang)
w