Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

Một phần của tài liệu Biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 35 - 40)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM

1.2 Đặc điểm, ý nghĩa, căn cứ việc áp dụng biện pháp ngăn chặn

1.2.3. Căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhất thiết phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật, đảm bảo việc ra quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn có căn cứ, đúng pháp luật.

Theo Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, để áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải dựa vào những căn cứ sau:

1.2.3.1. Kịp thời ngăn chặn tội phạm

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, mỗi tội phạm xảy ra đều có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho một hay nhiều quan hệ xã hội là khách thể được Luật hình sự bảo vệ. Việc kịp thời ngăn chặn tội phạm, không để tội phạm xảy ra hoặc không để người phạm tội có điều kiện kết thúc hành vi phạm tội của mình gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

Căn cứ này thường áp dụng để bắt người trong những trường hợp sau:

- Bắt người trong trường hợp khẩn cấp khi có căn cứ để cho rằng một người nào đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội

phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; khi thấy có dấu hiệu của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần thiết ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

- Bắt người phạm tội quả tang khi phát hiện một người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt.

Như vậy, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, sau khi nhận hồ sơ từ Viện kiểm sát chuyển sang, khi thụ lý vụ án nếu xét thấy cần phải tiếp tục giam người phạm tội để đảm bảo việc xét xử và thi hành án, Tòa án tiếp tục ra lệnh giam đối với bị can (hoặc bị cáo) kể từ ngày thụ lý vụ án hoặc kể từ ngày hết thời hạn tạm giam của cơ quan tiến hành tố tụng trước đó (Đ88-BLTTHS).

1.2.3.2. Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho hoạt động xét xử

Việc bị can, bị cáo có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án cũng như việc quản lý giám sát được bị can, bị cáo về con người cũng như hành vi của họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xét xử. Nếu bị can, bị cáo trốn tránh hoặc có hành vi gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì việc xác định sự thật khách quan của vụ án sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Tố tụng hình sự quy định khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử là một trong các căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Đối tượng để áp dụng căn cứ này thường là các bị can, bị cáo, người bị truy nã. Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang còn áp dụng đối với người chưa bị khởi tố khi có căn cứ cho rằng họ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, khám phá tội phạm.

Căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử được thể hiện qua việc bỏ trốn, làm giả chứng cứ hoặc tiêu hủy chứng

cứ, có sự câu kết, bàn bạc giữa những người đồng phạm với nhau trốn tránh pháp luật, mua chuộc, đe dọa, khống chế người làm chứng, người bị hại…

1.2.3.3. Khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội

Đối với bị can, bị cáo có biểu hiện tiếp tục phạm tội thì việc áp dụng biện pháp cách ly họ với xã hội hoặc hạn chế các điều kiện để họ không thể tiếp tục phạm tội là rất cần thiết.

Bộ luật tố tụng hình sự quy định khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội là căn cứ để áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Khi áp dụng căn cứ này cần phải phân biệt với căn cứ “để kịp thời ngăn chặn tội phạm”. Mặc dù cả hai căn cứ đều nhằm ngăn chặn không để tội phạm xảy ra. Tuy nhiên, hai căn cứ này khác nhau ở chỗ mỗi căn cứ đều có đối tượng áp dụng khác nhau; căn cứ “để kịp thời ngăn chặn tội phạm” được áp dụng đối với những người chưa bị khởi tố về hình sự đối với hành vi được xác định là lý do dẫn đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với họ, còn để ngăn chặn việc “bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội” chỉ áp dụng đối với các bị can, bị cáo (những người đã bị khởi tố về hình sự hoặc đã bị Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử) khi có căn cứ cho rằng họ sẽ tiếp tục phạm tội.

Những căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ tiếp tục phạm tội có thể xác định trên các phương diện sau:

- Về nhân thân bị can, bi cáo: Bị can, bị cáo có nhân thân xấu, ví dụ: bị cáo là người có ý thức chống đối giai cấp sâu sắc, những phần tử thuộc diện lưu manh, côn đồ, hung hãn… bị can, bị cáo đã có nhiều tiền án tiền sự hoặc những đối tượng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (ví dụ: bị can, bị cáo là người chuyên sống bằng các nghề như trộm cắp, lừa đảo…).

- Về hành vi của bị can, bị cáo: bị can, bị cáo đã có những biểu hiện sẽ tiếp tục phạm tội như đe dọa trả thù người tố giác, đe dọa trả thù người bị hại, người làm chứng và đã có sự chuẩn bị công cụ, phương tiên hoặc các điều

kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm và xét thấy bị can, bị cáo có khả năng thực hiện được sự đe dọa đó.

1.2.3.4. Bảo đảm cho việc thi hành án

Thi hành án là một trong những giai đoạn quan trọng của tố tụng hình sự nhằm thực hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu không thi hành được thì bản án, quyết định đó không có giá trị gì.

Thi hành các bản án hoặc quyết định của Tòa án có liên quan trực tiếp đến người bị kết án. Sự có mặt của người bị kết án khi bản án được thi hành là rất cần thiết, đặc biệt là đối với người bị Tòa án quyết định áp dụng hình phạt tù. Nếu người bị kết án trốn tránh hoặc có hành vi gây khó khăn thì việc thi hành án sẽ không đạt kết quả. Do vậy, Bộ luật tố tụng hình sự quy định để đảm bảo thi hành án trong các trường hợp nhất định là căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Tòa án thường áp dụng căn cứ này trong một số trường hợp như:

- Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng Hội đồng xét xử Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hình phạt tù mà có căn cứ cho rằng nếu không hạn chế tự do của bị cáo thì bị cáo có thể bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.

Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng Hội đồng xét xử của Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hình phạt tù thì Hội đồng xét xử ra quyết định bắt tạm giam ngay để đảm bảo thi hành án, trừ trường hợp bị cáo có lý do để hoãn thì hành án phạt tù.

- Căn cứ hủy bỏ hay thay thế biện pháp ngăn chặn

Hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn thực chất là vấn đề mềm hóa cách xử sự trong hoạt động giải quyết vụ án hình sự, nó có lợi cho đối tượng hoặc tăng tính nghiêm khắc khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đồng thời làm cơ sở cho việc vận dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước.

+ Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn

Là việc các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người đang bị áp dụng một biện pháp ngăn chặn cụ thể [32].

Tại Điều 94 BLTTHS quy định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn được tiến hành trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, khi vụ án bị đình chỉ

Khi cơ quan tiến hành tố tụng có tài liệu, chứng cứ, chứng tỏ có căn cứ quy định tại Điều 107 BLTTHS những trường hợp không khởi tố vụ án hình sự hoặc trường hợp người bị hại có đơn yêu cầu không khởi tố hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại Điều 105 BLTTHS hoặc đã hết thời hạn điều tra mà vẫn không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm Điều 164 BLTTHS.

Thứ hai, khi cơ quan tiến hành tố tụng thấy việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn không còn cần thiết nữa

Là việc cơ quan tiến hành tố tụng xem xét những yêu cầu phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử như thu thập tài liệu đã đầy đủ, ý thức khai báo, thái độ thành khẩn của bị can… thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn.

+ Thay thế biện pháp ngăn chặn

Là việc cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác thay thế cho biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng (Có thể ít nghiêm khắc hơn nhưng cũng có thể sẽ nghiêm khắc hơn).

Thay thế biện pháp ngăn chặn phải thỏa mãn những điều kiện sau:

 Yêu cầu giải quyết vụ án.

 Thái độ chấp hành của bị can, bị cáo đối với biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng.

Đảm bảo được các điều kiện này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành thay thế biện pháp ngăn chặn. Cho phép cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc sử dụng chiến thuật tác động lên thái độ, tâm lý, ý thức của bị can, bị cáo khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án [32, Điều 94].

Một phần của tài liệu Biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)