Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm

Một phần của tài liệu Biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 49 - 53)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM

1.3. Những biện pháp ngăn chặn được quy định trong giai đoạn xét xử sơ thẩm

1.3.5. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm

Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, CQĐT, VKS, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập [32, Điều 93].

Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 BLTTHS, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm. Quyết định của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 BLTTHS phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành [32, Điều 80].

Cơ quan ra quyết định về việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm phải lập biên bản ghi rõ số lượng tiền, tên và tình trạng tài sản đã được đặt và giao cho bị can, bị cáo một bản.

Trong trường hợp bị can, bị cáo đã được CQĐT, VKS, Tòa án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì số tiền hoặc tài sản đã đặt sẽ bị sung công quỹ nhà nước và trong trường hợp này, bị can, bị cáo sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Trong trường hợp bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ đã cam đoan thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền hoặc tài sản đã đặt.

Trình tự, thủ tục, mức tiền hay giá trị tài sản phải đặt để đảm bảo việc tạm giữ, hoàn trả, không hoàn trả số tiền hay tài sản đã đặt sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Đây là biện pháp để đảm bảo sự có mặt của bị can, bị cáo, là sự ràng

buộc pháp lý giữa quyền và lợi ích của bị can, bị cáo với trách nhiệm pháp lý chứ không phải là hoạt động cầm đồ, cầm cố, thế chấp vì mục đích kinh tế.

Trên đây là các biện pháp ngăn chặn do cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc những người chưa bị khởi tố về hình sự nhằm mục đích ngăn chặn và phòng ngừa họ tiếp tục phạm tội hoặc gây khó khăn, cản trở cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Thực hiện tốt các biện pháp này sẽ là tiền đề, cơ sở cho hoạt động tố tụng hình sự đạt hiệu quả, tránh được những vi phạm về quyền và nghĩa vụ của công dân, vừa thể hiện được tính quyền uy của nhà nước, vừa tăng cường pháp chế XHCN.

Đồng thời góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội một cách có hiệu quả.

Tại Bộ luật tố tụng hình sự quy định:

Tòa án cấp sơ thẩm có quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trừ việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án quyết định. Đối với bị cáo đang tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa [32, Điều 177].

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm sau khi thụ lý vụ án, nếu xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo như Viện kiểm sát đã áp dụng thì Tòa án giữ nguyên các biện pháp ngăn chặn và ra văn bản phù hợp với biện pháp ngăn chặn đó. Nếu xét thấy cần thiết thì thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cho phù hợp với thực tế.

Theo hướng dẫn của Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05.11.2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn:

- Áp dụng biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra lệnh tạm giam bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo chưa bị tạm giam hoặc đang bị tạm giam mà thời hạn tạm giam đã hết và căn cứ vào quy định tại Điều 88 của BLTTHS, xét thấy cần thiết tạm giam hoặc tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo.

- Thay đổi biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp ngăn chặn khác trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo mà có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (cấm đi khỏi nơi cư trú; bảo lĩnh; đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm).

- Huỷ bỏ biện pháp tạm giam là việc Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án theo đề nghị của Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam, nhưng xét thấy không cần thiết tiếp tục tạm giam bị can, bị cáo và cũng không cần thiết áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

- Sau khi quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam, nếu xét thấy cần thiết thì Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án vẫn có quyền huỷ bỏ hoặc áp dụng lại biện pháp tạm giam [53].

Kết luận chương 1

Các biện pháp ngăn chặn có vai trò rất quan trọng đối với quá trình giải quyết các vụ án hình sự, nhưng nó cũng tác động ảnh hưởng lớn đến các quyền và lợi ích cơ bản của công dân, đến môi trường xã hội xung quanh người bị áp dụng. Để tránh những tác động xấu của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đến uy tín của Đảng, các cơ quan Nhà nước, đối với mọi đối tượng, ngoài những yêu cầu chung mà BLTTHS đã quy định, Đảng và Nhà nước cũng như Tòa án nhân dân tối cao còn đề ra những yêu cầu nhằm chỉ đạo sát sao, đảm bảo tính toàn diện khi tiến hành là rất cần thiết.

Những nghiên cứu trong chương này cho thấy, với đặc điểm và ý nghĩa của các biện pháp ngăn chặn, việc áp dụng đúng đắn các biện pháp ngăn chặn đối với mỗi người phạm tội là rất quan trọng.

Nghiên cứu cũng cho thấy, Đảng, Nhà nước và Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản trong đó chứa đựng các nội dung liên quan đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Từ các văn bản này cho thấy, bên cạnh những yêu cầu về pháp lý, thì những yêu cầu về chính trị và nghiệp vụ cũng rất quan trọng, khi áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với người phạm tội cần cân nhắc kỹ lưỡng về mọi yếu tố, căn cứ áp dụng.

Chương 2

THỰC TRẠNG ÁP DỤNG BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN

TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG GIAI ĐOẠN TỪ 01/01/2008 ĐẾN HẾT NĂM 2012

Một phần của tài liệu Biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn xét xử sơ thẩm lý luận và thực tiễn áp dụng trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 49 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)