Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM
1.3. Những biện pháp ngăn chặn được quy định trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
1.3.2. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp tạm giam
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do CQĐT, VKS, Tòa án áp dụng đối với bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
phạm tội rất nghiêm trọng hoặc bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm
tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ để cho rằng người đó có thể bỏ trốn hay cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội [32, Điều 88].
Đây là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất so với các biện pháp ngăn chặn khác. Biện pháp này tước bỏ quyền tự do thân thể đồng thời còn hạn chế một số quyền khác như quyền ứng cử, quyền bầu cử… của người bị áp dụng.
Đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam (được qui định tại Điều 88 BLTTHS 2003, đã trình bày cụ thể ở phần bắt bị can, bị cáo).
- Thẩm quyền ra lệnh tạm giam: Những người có thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam được quy định tại Điều 80 BLTTHS có quyền ra lệnh tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 BLTTHS phải được VKS cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc tạm giam, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. VKS phải hoàn trả hồ sơ cho CQĐT ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn [29, Điều 80].
- Thủ tục tạm giam: Việc tạm giam phải có lệnh viết của người có thẩm quyền. Sau khi ra lệnh tạm giam, cơ quan ra lệnh tạm giam phải thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam và chính quyền địa phương hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.
- Thời hạn tạm giam để điều tra (Điều 120 BLTTHS): Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 BLHS) [32, Điều 120].
Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay thế hay hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn tạm giam, CQĐT
phải có văn bản để nghị VKS gia hạn tạm giam. Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
+ Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 1 tháng.
+ Đối với tội phạm nghiêm trọng được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 2 tháng, lần thứ hai không quá 1 tháng.
+ Đối với tội phạm rất nghiêm trọng được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá 3 tháng, lần thứ hai không quá 2 tháng.
+ Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 3 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Thẩm quyền gia hạn tạm giam của VKS được quy định như sau: theo điểm a khoản 3 Điều 120 BLTTHS thì VKSND cấp huyện, VKS quân sự khu vực có quyền gia hạn đối với tội phạm ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp tỉnh, cấp quân khu thì VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự cấp quân khu có quyền gia hạn tạm giam đối với tội ít nghiêm trọng, gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng [32, Điều 120].
Trong trường hợp gia hạn tạm giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản 3 điều 120 BLTTHS đã hết mà vẫn chưa thể kết thúc điều tra và không có căn cứ để hủy bỏ hoặc thay đổi biện pháp tạm giam thì VKSND cấp huyện, VKS quân sự khu vực có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội nghiêm trọng. VKSND cấp tỉnh, VKS quân sự quân khu có thể gia hạn tạm giam lần thứ hai đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong trường hợp vụ án được thụ lý để điều tra ở cấp trung ương thì việc gia hạn tạm giam thuộc thẩm quyền của VKSNDTC, VKS quân sự Trung ương.
Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, trong trường hợp thời hạn gia
hạn lần thứ hai quy định tại điểm b khoản 3 Điều 120 BLTTHS đã hết mà vụ án có nhiều tình tiết phức tạp và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng VKSNDTC có thể gia hạn lần thứ ba.
Trong trường hợp cần thiết, đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng VKSNDTC có quyền gia hạn thêm một lần nữa nhưng không quá 4 tháng [32, Điều 120].
Như vậy, thời hạn tạm giam tối đa là: Đối với tội ít nghiêm trọng là 3 tháng, đối với tội phạm nghiêm trọng là 6 tháng, đối với tội phạm rất nghiêm trọng là 9 tháng, đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 16 tháng, đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia là 20 tháng.
Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì CQĐT phải kịp thời đề nghị VKS hủy bỏ tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Khi đã hết thời hạn tạm giam thì người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Chế độ tạm giam, tạm giữ: Qui định tại Điều 89 BLTTHS, Chế độ tạm giam, tạm giữ khác với chế độ đối với người đang chấp hành hình phạt.
Nơi tạm giam, tạm giữ, chế độ sinh hoạt, nhận quà, liên hệ với gia đình và các chế độ khác được thực hiện theo đúng những quy định của Chính phủ.
Hiện nay chúng ta đang áp dụng "Quy chế tạm giữ, tạm giam" theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/01/1998.
Các biện pháp bảo hộ đối với người thân thích và tài sản đối với người bị tạm giữ, tạm giam: Nếu người bị tạm giữ, tam giam đang có con chưa thành niên dưới 14 tuổi và thân nhân là người tàn tật, già yếu mà không có người chăm sóc thì cơ quan ra lệnh tạm giữ, tạm giam giao những người đó cho người thân thích hoặc chính quyền sở tại chăm nom. Trường hợp người bị
tạm giam, tạm giữ có nhà hoặc tài sản khác mà không có người trông nom thì cơ quan ra lệnh tạm giữ, tạm giam phải áp dụng những biện pháp bảo quản thích hợp, sau đó phải thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết.