Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM
1.3. Những biện pháp ngăn chặn được quy định trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
1.3.1. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về bắt người
Đây là biện pháp có tính chất cưỡng chế nghiêm khắc của nhà nước, nhằm tước bỏ quyền tự do thân thể của một người và hạn chế một số quyền, lợi ích hợp pháp của họ, việc bắt nhất thiết phải tuân thủ các căn cứ, trình tự, thủ tục theo pháp luật quy định. Do vậy, việc bắt người trong pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta từ trước cho đến nay luôn luôn được xây dựng theo hướng kế thừa có chọn lọc và từng bước hoàn thiện.
Bắt là BPNC nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn ngừa người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trốn tránh pháp luật, nhằm tạo điều kiện bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thuận lợi.
BLTTHS 2003 quy định về bắt người bao gồm: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã.
* Việc bắt bị can để tạm giam
Tại Điều 79 BLTTHS năm 2003 qui định các biện pháp và căn cứ áp
dụng các biện pháp ngăn chặn [32, Điều 79], Điều 80 quy định về việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam
Bắt hiểu theo nghĩa rộng: Bắt không phải là biện pháp trừng phạt của pháp luật đối với người phạm tội mà là BPNC của hoạt động TTHS. Bắt đúng người, bắt kịp thời có tác dụng ngăn chặn mọi âm mưu và thủ đoạn chống đối của người phạm tội, không cho họ tiếp tục phạm tội, che giấu, trốn tránh hoặc gây khó khăn cho việc xác định sự thật để giải quyết vụ án.
Bắt hiểu theo nghĩa hẹp: Đối với cá nhân người bị bắt là sự hạn chế một số quyền tự do của cá nhân, là điểm khởi đầu của sự trừng phạt của pháp luật nếu người đó là người thực hiện hành vi phạm tội, bởi vì khi thi hành án, thời gian tạm giữ, tạm giam được khấu trừ vào thời gian thi hành án.
Bắt không theo quy định của pháp luật: bắt nhầm (bắt oan, sai) người vô tội sẽ gây một tác hại rất lớn, không những các quy định của pháp luật bị vi phạm, mà quyền bất khả xâm phạm của con người bị xâm hại, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân được pháp luật bảo hộ. Từ đó nó ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài nhân quyền để chống phá Nhà nước ta.
Vì vậy, khi bắt người phải thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, song cũng phải thận trọng khi xem xét đánh giá chứng cứ. Quá trình thực hiện BLTTHS các cơ quan tư pháp như: Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Bộ Tư pháp, đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật đơn ngành, liên ngành để hướng dẫn việc áp dụng BPNC trong đó có biện pháp bắt.
Trong hoạt động xét xử vụ án hình sự, để xác định được đối tượng cần bắt tạm giam, nhằm tước bỏ điều kiện thực hiện phạm tội, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động xét xử, do tính chất mức độ nguy hiểm của chính bị cáo, đòi hỏi Tòa án phải áp dụng một biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc đó là bắt bị can để tạm giam.
Đối tượng bị bắt phải là bị cáo của vụ án, qua công tác nghiên cứu hồ sơ và tình hình thực tế, người được giao nghiên cứu hồ sơ vụ án đề xuất với người có thẩm quyền bắt bị cáo để đảm bảo công tác xét xử và thi hành án [32, Điều 80].
Theo quy định tại điều 88 BLTTHS 2003, việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam được áp dụng trong những trường hợp sau:
- Bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng; đặc biệt nghiêm trọng;
- Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng mà BLHS qui định hình phạt tù trên hai năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây: Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố xét xử; Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam thì họ sẽ nguy hại đến an ninh quốc gia [32, Điều 88].
Thẩm quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam là:
Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và VKS quân sự các cấp; Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh tòa, Phó chánh Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp (trong trường hợp này lệnh bắt phải được sự phê chuẩn của VKS cùng cấp trước khi thi hành).
Thủ tục bắt bị can để tạm giam:
Phải theo đúng quy định tại Điều 80 BLTTHS. Lệnh bắt của người có thẩm quyền phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ người ra lệnh; họ tên, địa chỉ người bị bắt, lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và phải có đóng dấu.
Người thi hành lệnh bắt phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Biên bản về việc bắt phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ, những khiếu nại của người bị bắt; phải đọc lệnh bắt cho người bị bắt và người chứng kiến cùng nghe, người thi hành lệnh bắt, người bị bắt và người chứng kiến cùng ký vào biên bản; nếu có ý kiến thắc mắc thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.
Việc bắt bị can, bị cáo để tạm giam tại nơi cư trú phải có đại diện chính quyền địa phương và người láng giềng của người đó chứng kiến. Khi tiến hành bắt tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương nơi người đó bị bắt.
Bắt bị can, bị cáo để tạm giam không được bắt vào ban đêm (thời gian ban đêm được tính từ 10h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau), trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã được quy định tại BLTTHS [32, Điều 80, 81, 82].