CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KỸ NĂNG QUẢN LÝ CẢM XÚC LO ÂU TRONG HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
1.8. Các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu trong hoạt động học tập của sinh viên
Có thể thấy rằng kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu trong học tập của sinh viên bị chi phối và ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, trong đó chia ra thành
nhóm các yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Nhóm yếu tố chủ quan bao gồm: sự tìm tòi, hiểu biết về các kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu, sự vận dụng các kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu, và tinh thần lạc quan của sinh viên. Nhóm yếu tố khách quan gồm: gia đình, nhà trường, các mối quan hệ xã hội, … 1.8.1. Yếu tố chủ quan
1.8.1.1. Sự tìm tòi, hiểu biết về các kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu và sự vận dụng các kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu
Sinh viên khi được trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu sẽ có nhận thức đúng đắn về vấn đề mình đang gặp phải, từ đó đề ra hành động chính xác và hợp lý để giải quyết nỗi lo âu của mình, có thể kể đến các nhóm kỹ năng: nhận biết và chịu trách nhiệm cảm xúc của mình, kiềm chế và kiểm soát được cảm xúc, tự giám sát - tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân.
1.8.1.2. Tinh thần lạc quan
Tinh thần lạc quan là trạng thái tinh thần phản ánh sự mong đợi, hy vọng về kết quả của một hành động, sự việc, luôn theo hướng tích cực.
Scheier và Carver (1985) đã nghiên cứu và cho thấy rằng, những cá nhân lạc quan thường là những người chủ động đương đầu và tích cực với những tình huống khó khăn bằng các cách quản lý tích cực như điều chỉnh nhận thức, xây dựng kế hoạch hành động hay tìm kiếm sự hỗ trợ xã hội; trong khi đó những người bi quan là những người dễ dàng né tránh vấn đề [39]
Một số nghiên cứu của Ratsep và các cộng sự (2000) dẫn ra thì tính bi quan tương quan thuận với việc lên kế hoạch, suy nghĩ tích cực, di chuyển để khỏi chú ý đến vấn đề; còn tính lạc quan thì tương quan thuận với việc tìm kiếm hỗ trợ xã hội và chuyển chú ý ra khỏi vấn đề. [37] Có thể thấy rằng mối tương quan giữa tinh thần lạc quan và kỹ năng quản lý cảm xúc tương đối phức tạp.
1.8.2. Yếu tố khách quan 1.8.2.1. Nhà trường
Nhà trường và việc giáo dục tại trường có tác động rất lớn đối với việc quản lý cảm xúc lo âu trong học tập của sinh viên, trong đó nội dung và phương thức dạy học đóng vai trò quan trọng, chủ đạo, có thể kể đến việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm,... Thông qua những hoạt động ngoại khóa, sinh viên có thể nắm bắt tốt hơn, trang bị những kỹ năng cần thiết giúp cho việc quản lý cảm xúc lo âu dễ dàng hơn nói riêng và mọi tình huống trong cuộc sống nói chung. Bầu không khí giữa nhà trường và sinh viên chính là bối cảnh chi phối kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu của sinh viên, có thể xuất phát từ mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên, hoặc áp lực đối với chương trình giảng dạy quá nặng nề, và quan quan trọng nhất là thiếu sót các nội dung giảng dạy về kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu.
1.8.2.2. Gia đình
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay mức độ ảnh hưởng của thu nhập, tình trạng kinh tế đến sức khỏe tinh thần đang dần tăng lên. Những sinh viên sống trong gia đình nghèo thường phải trưởng thành sớm, phải lo nghĩ, quán xuyến nhiều hơn đến công việc của gia đình, chi tiêu và sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Ngược lại, sinh viên sống trong gia đình khá giả ít phải lo nghĩ đến bữa ăn, cái mặc, chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Điều này dẫn đến những sinh viên nghèo, khó khăn thường có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của trầm cảm, lo âu và stress cao hơn sinh ở những gia đình khá giả.
Nhóm nguyên nhân về gia đình là nhóm nguyên nhân đứng đầu trong gây nên stress ở sinh viên theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hữu Thụ (2009). Trong nhóm nguyên nhân này, thu nhập của gia đình là tác nhân chính ảnh hưởng đến stress, lo âu của sinh viên [23]
Những sinh viên sống trong gia đình có thu nhập thấp thường có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu của lo âu và trầm cảm cao hơn so với những sinh viên sống trong gia đình có thu nhập cao [28].
Mối quan hệ với gia đình là một cấu phần quan trọng trong sự ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của sinh viên. Sự gắn kết, chia sẻ, quan tâm và chăm sóc của bố mẹ là hết sức quan trọng đối với việc phát triển nhân cách và tâm lý nhất là trong giai đoạn học sinh, sinh viên. Trong giai đoạn này, các em sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, khó khăn mới xuất hiện trong cuộc sống. Việc có được sự chia sẻ, hỗ trợ và những lời khuyên bổ ích của gia đình là một trong yếu tố then chốt trong bảo vệ sức khỏe tâm thần cho sinh viên, giảm khả năng xuất hiện của trầm cảm, lo âu và stress. Bên cạnh đó, mâu thuẫn trong gia đình cũng được nhiều nghiên cứu chứng minh là yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của sinh viên, làm tăng khả năng mắc trầm cảm, lo âu và stress ở sinh viên.
Nghiên cứu về mối quan hệ với gia đình và lo âu ở sinh viên của Michele M. Carter và cộng sự năm 2001 cho thấy mối quan hệ trái chiều giữa tình trạng lo âu, trầm cảm ở sinh viên và sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ.
Những sinh viên nhận được sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, tạo sự vững chắc về mặt tâm lý, cho lời khuyên thì sẽ có ít nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu lo âu và trầm cảm [30]
1.8.2.3. Bạn bè
Có mối quan hệ tốt với bạn bè giúp sinh viên có nhiều lựa chọn để chia sẻ các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Mối quan hệ bạn bè tốt cũng là yếu tổ bảo vệ sinh viên trước nguy cơ bị trầm cảm, lo âu và stress. Chia sẻ hiểu biết về kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu trong học tập giữa những bạn sinh viên với nhau cũng là cách giúp cảm xúc lo âu được giảm bớt.
Trong nghiên cứu của mình, Vũ Dũng cũng đã chỉ ra có bạn thân và thường đi chơi với bạn thân là những yếu tố bảo vệ sinh viên trước stress.
Những sinh viên có thói quen đi chơi với bạn thân có nguy cơ stress ở mức cao chỉ bằng 1/3 nhóm còn lại với p<0,01. Nguy cơ stress cao ở nhóm sinh viên không có bạn thân gấp 3 lần nhóm có bạn thân với p=0,05 [5].
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Huyền cũng chỉ ra bất ổn từ các mối quan hệ xã hội là một trong các nguyên nhân hàng đầu khiến sinh viên bị stress. Cụ thể, những lời nói và thái độ ứng xử của người khác đối với bạn, những rắc rối trong quan hệ với người khác, sự xung đột hiểu lầm trong các quan hệ bạn bè là những nguyên nhân nổi lên hàng đầu [8].
Tiểu kết chương 1
Nghiên cứu đã hệ thống hóa lý luận về kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu trong hoạt động học tập của sinh viên, cụ thể là nhóm đối tượng sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, là cơ sở cho việc khảo sát và đánh giá thực trạng của đề tài. Trong đề tài này, khái niệm kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu trong hoạt động học tập của sinh viên được hiểu là năng lực vận dụng các cách thức hành động nhằm tác động có định hướng, có mục đích để chế ngự, điều khiển, điều chỉnh cảm xúc lo âu của sinh viên trong hoạt động học tập một cách có hiệu quả. Theo đó, chúng tôi xác định 7 kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu trong hoạt động học tập của sinh viên và sắp xếp thành 3 nhóm: (1) Nhóm kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu tích cực (Khuyến khích bản thân suy nghĩ tích cực;
Xây dựng kế hoạch hành động tích cực; Tìm kiếm sự hỗ trợ); (2) Nhóm kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu trung tính (Di chuyển trọng tâm chú ý; Thư giãn, giải trí; Kiềm chế cảm xúc); (3) Nhóm kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu tiêu cực (Di chuyển cảm xúc; Tìm kiếm công cụ đối phó tiêu cực)
Kỹ năng quản lý sự lo lắng của sinh viên trong hoạt động học tập chịu sự tác động bởi “nhiều yếu tố chủ quan”. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này chúng tôi chỉ khảo sát thực trạng ảnh hưởng của 2 yếu tố: “Nhận thức của
sinh viên về các kỹ năng”, “Tinh thần lạc quan”, và “các yếu tố khách quan”.
Để kết quả đạt được hiệu quả nhất và nắm rõ hơn và các đặc điểm cũng như tình trạng lo âu thường diễn ra của sinh viên, chúng tôi xin phép chuyển sang chương các phương pháp nghiên cứu và tổ chức đánh giá thang đo chỉ số các kĩ năng quản lý cảm xúc lo âu trong học tập của sinh viên tại Trường đại học Luật Hà Nội.