1.5. Một số vấn đề về phát triển năng lực giải quyết vấn đề qua hoạt động trải nghiệm ở Trường Tiểu học
1.5.3. Nội dung - hình thức hoạt động trải nghiệm trong Trường Tiểu học
Hình thức tổ chức Hoạt động trải nghiệm bao gồm: Hình thức có tính khám phá (thực địa – thực tế, tham quan, cắm trại, trò chơi,...); hình thức có tính thể nghiệm, tương tác (diễn đàn, giao lưu, hội thảo, sân khấu hóa,...); Hình thức có tính cống hiến (thực hành lao động; hoạt động tình nguyện, nhân đạo...); hình thức có tính nghiên cứu (dự án và nghiên cứu khoa học, hoạt động theo nhóm sở thích). Khi tổ chức hoạt động trải nghiệm, các trường chủ động lựa chọn các hình thức tổ chức cụ thể phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương.
Đánh giá kết quả hoạt động trải nghiệm của học sinh cần phải dựa trên các yêu cầu cần đạt mà chương trình hoạt động trải nghiệm đã xác định theo từng lớp để thu thập những thông tin từ các nguồn khác nhau: quan sát học sinh trong quá trình hoạt động; sản phẩm hoạt động của học sinh, đặc biệt là sản phẩm thực hành và ứng dụng; kết quả tự đánh giá của học sinh, đánh giá của nhóm học sinh và đánh giá của các lực lượng giáo dục khác. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở quan trọng để giáo viên điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp, đặc biệt, đánh giá cần phải tạo ra động lực thúc đẩy sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, tự hoàn thiện của mỗi học sinh.
1.5.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học qua hoạt động trải nghiệm
* Yếu tố chủ quan
Sự hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho mỗi cá nhân nói chung và Học sinh Tiểu học nói riêng chịu ảnh hưởng của yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó yếu tố chủ quan từ cả phía học sinh và giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành năng lực của học sinh tiểu học.
Các yếu tố chủ quan từ phía cán bộ quản lí, giáo viên có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học qua hoạt động trải nghiệm, cụ thể là:
- Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lí nhà trường ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng kế hoạch và thực hiện các hoạt động trải nghiệm. Việc phát triển năng lực cho học sinh nói chung qua hoạt động trải nghiệm chỉ được thực hiện có hiệu quả khi các nhà quản lý nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của nó trong mối quan hệ với các hoạt động khác trong nhà trường. Trên cơ sở đó có những ý kiến chỉ đạo phù hợp nhằm phát huy tối đa tiềm năng của các hoạt động trong việc thực hiện mục tiêu phát triển năng lực nói chung và năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh nói riêng.
- Nhận thức của giáo viên Tiểu học về sự cần thiết phải phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh, đây là yếu tố có tác động rất lớn đến việc phát triển cho học sinh. Vì vậy, việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho giáo viên về phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh là cần thiết.
Việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học qua hoạt động trải nghiệm muốn có hiệu quả cần chú ý đến các yếu tố chủ quan từ chính bản thân học sinh. Các đặc điểm về thể chất, tâm lý, xã hội của học sinh đều có những ảnh hưởng đến việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho họ trong đó có những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp. Cụ thể là
- Tính tích cực, tự giác, sáng tạo trong hoạt động: Trong quá trình hoạt động, mỗi học sinh cần phải tích cực, tự giác, chủ động phấn đấu, khẳng định năng lực của bản thân nếu không mọi tác động sẽ không có hiệu quả. Thực tế cho thấy, nếu học sinh nào có ý thức phấn đấu, học hỏi thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh thì em đó có khả năng giải quyết tình huống một cách tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng làm tốt điều này.
- Khả năng nhận thức của học sinh: Khả năng nhận thức của bản thân học sinh có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho các em. Nếu các em có khả năng nhận thức tốt thì đó là điều
kiện thuận lợi cho việc tham gia vào hoạt động, đồng thời tạo cho các em hứng thú và tích cực lĩnh hội tri thức, kỹ năng, kỹ xảo. Nếu nhận thức của học sinh bị hạn chế thì các em sẽ gặp khó khăn trong việc chiếm lĩnh tri thức, hình thành kỹ năng cho bản thân.
- Hệ thống những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm đã có ở học sinh:
Những kỹ năng, kỹ xảo đã có ở học sinh như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng lắng nghe và chấp nhận người khác... là điều kiện thuận lợi trong việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học.
Những tri thức, kinh nghiệm đã có ở học sinh ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển của học sinh, vì bất cứ việc học nào cũng đều bắt nguồn từ cái đã biết và từ vốn kinh nghiệm sống, ngược lại vốn sống được làm phong phú trong chính quá trình học tập và tham gia các hoạt động giáo dục của mỗi cá nhân.
* Yếu tố khách quan
- Môi trường giáo dục trong nhà trường: Nhà trường có vai trò chủ đạo trong định hướng và tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục cho học sinh.
Thông qua các hoạt động dạy học và giáo dục, nhà trường giúp học sinh có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết làm cơ sở cho việc phát triển các năng lực cốt lõi trong đó có năng lực giải quyết vấn đề. Trong nhà trường Tiểu học, bên cạnh hoạt động dạy học, các hoạt động trải nghiệm có vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Việc tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm thường xuyên theo chương trình quy định với các hoạt động đa dạng là một yếu tố quan trọng góp phần rèn luyện và phát triển các năng lực then chốt trong đó có năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh.
- Môi trường gia đình: Gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển toàn diện cho học sinh. Trong gia đình, tất cả những hành vi ứng xử của cha mẹ đều ảnh hưởng đến con cái. Nếu gia đình trang bị cho các em những kiến thức của cuộc sống tốt, có điều kiện quan tâm, giáo dục các em tinh thần trách nhiệm ... sẽ giúp các em thấy được vai trò của sự chung sức, phối hợp, cùng nhau thực hiện công việc chung làm cơ sở phát triển năng lực giải
quyết vấn đề cho họ. Mặt khác, nhận thức của cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường cũng có ảnh hưởng lớn đến mức độ tham gia của học sinh. Thực tế cho thấy, có nhiều phụ huynh muốn cho con được tham gia các hoạt động tập thể do nhà trường hoặc địa phương tổ chức nhưng cũng không ít phụ huynh không tạo điều kện cho con tham gia các hoạt động đó chỉ tập trung vào việc cho con học các môn văn hóa.
- Sự thiếu thốn tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, cơ sở vật chất và các phương tiện hỗ trợ khác cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh.
Các yếu tố có sự tác động qua lại lẫn nhau cùng ảnh hưởng đến quá trình phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học. Do đó, khi xây dựng chương trình hoạt động, triển khai tổ chức các hoạt động trải nghiệm cần chú ý đến sự tác động của tất cả các yếu tố nhằm phát huy những ảnh hưởng tốt, ngăn chặn nhưng ảnh hưởng không tốt đến việc phát triển năng lực nói chung và năng lực giải quyết vấn đề nói riêng.
Kết luận chương 1
1. Những nghiên cứu về năng lực giải quyết vấn đề trên thế giới khá phong phú. Theo định nghĩa trong đánh giá PISA, năng lực giải quyết vấn đề là khả năng của một cá nhân hiểu và giải quyết tình huống vấn đề khi mà giải pháp giải quyết chưa rõ ràng. Nó bao gồm sự sẵn sàng tham gia vào giải quyết tình huống vấn đề đó – thể hiện tiềm năng là công dân tích cực và xây dựng. Ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học về phát triển năng lực giải quyết vấn đề thông qua hoạt động dạy học đã được nhiều tác giả quan tâm. Nhưng những nghiên cứu về việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề thông qua các hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động trải nghiệm thì chưa được đi sâu.
2. Cấu trúc năng lực giải quyết vấn đề dự kiến phát triển ở học sinh gồm các thành tố bao gồm một số hành vi cá nhân khi làm việc độc lập hoặc khi làm việc nhóm trong quá trình giải quyết vấn đề. Cấu trúc của năng lực giải quyết vấn đề bao gồm: Tìm hiểu, khám phá vấn đề; Thiết lập không gian vấn đề; Lập kế hoạch và thực hiện giải pháp; Đánh giá và phản ánh giải pháp.
3. Hoạt động trải nghiệm là các hoạt động giáo dục thực tiễn được tiến hành song song với hoạt động dạy học trong nhà trường. Hoạt động trải nghiệm là một bộ phận của quá trình giáo dục, được tổ chức ngoài giờ học các môn văn hóa ở trên lớp và có mối quan hệ bổ sung, hỗ trợ cho hoạt động dạy học. Thông qua các hoạt động thực hành, những việc làm cụ thể và các hành động của học sinh, hoạt động trải nghiệm là các hoạt động giáo dục có mục đích, có tổ chức, được thực hiện trong hoặc ngoài nhà trường nhằm phát triển, nâng cao các tố chất và tiềm năng của bản thân học sinh, nuôi dưỡng ý thức sống tự lập, đồng thời quan tâm, chia sẻ tới những người xung quanh. Nội dung giáo dục của hoạt động trải nghiệm thiết thực và gần gũi với cuộc sống thực tế, đáp ứng được nhu cầu hoạt động của học sinh, giúp các em vận dụng những hiểu biết của mình, giải quyết vấn đề vào trong thực tiễn cuộc sống một cách dễ dàng, thuận lợi. Từ đó, hình thành và phát triển cho các em những giá trị sống và các năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.
4. Việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học qua hoạt động trải nghiệm chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố trong đó có những yếu tổ từ cả gia đình, nhà trường và xã hội.