Sử dụng các tình huống giả định trong các hoạt động trải nghiệm nhằm tạo ra môi trường giải quyết vấn đề cho học sinh

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giáo dục học: Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm (Trang 65 - 69)

CHƯƠNG 3: BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

3.2.3. Sử dụng các tình huống giả định trong các hoạt động trải nghiệm nhằm tạo ra môi trường giải quyết vấn đề cho học sinh

3.2.3.1. Mục đích ý nghĩa

Tình huống giả định là sự mô tả hoặc trình bày một trường hợp có thật hay mô phỏng trong thực tế nhằm đưa ra một vấn đề chưa được giải quyết, đòi hỏi người học phải tham gia giải quyết. Mục đích của việc sử dụng các tình

huống giả định trong hoạt động trải nghiệm là tạo ra môi trường đòi hỏi HS phải có sự hợp tác với nhau để phân tích tình huống và thống nhất phương án giải quyết vấn đề. Thông qua các tình huống, HS được tiếp cận với những vấn đề thực của cuộc sống hàng ngày, được trải nghiệm thử trong các vấn đề, sự kiện, mâu thuẫn khác nhau, biết phân tích vấn đề để tìm giải pháp từ đó có thể lựa chọn một giải pháp tối ưu.

Việc sử dụng các tình huống giả định trong quá trình thực hiện hoạt động trải nghiệm giúp học sinh phát huy cao độ tính tích cực nhận thức, sự linh hoạt, sáng tạo của mình để giải quyết tình huống đặt ra, tạo ra môi trường giải quyết vấn đề. Qua việc xử lý các tình huống trong các hoạt động trải nghiệm rèn luyện kỹ năng cần thiết việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề như kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng thống nhất ý kiến, …. Do đó, đây là một biện pháp có ý nghĩa trong việc phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học.

3.2.3.2. Nội dung

Xây dựng các tình huống với nội dung liên quan đến các chủ đề hoạt động trải nghiệm. Nội dung tình huống chứa đựng những mâu thuẫn đòi hỏi học sinh phải huy động kiến thức kỹ năng đã có, phối hợp, hợp tác với nhau trong việc tìm phương án giải quyết.

- Tình huống gắn với yêu cầu giáo dục: Giúp phản ánh được những nội dung cần giáo dục cho HS thông qua các chủ đề, chủ điểm.

- Tình huống gắn với thực tiễn cuộc sống: Nội dung tình huống gắn liền với các hoạt động diễn ra trong thực tiễn hoạt động học tập, lao động và các vấn đề xã hội khác nhằm giúp HS có cách nhìn đúng đắn, biết đánh giá và giải quyết một cách vừa sức các vấn đề của thực tiễn.

3.2.3.3. Cách thức thực hiện Bước 1: Chuẩn bị

- Chuẩn bị tình huống: Giáo viên cần xây dựng các tình huống liên quan đến chủ đề hoạt động cụ thể. Các tình huống trong hoạt động trải nghiệm nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh cần được chuẩn bị đảm bảo:

+ Thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.

+ Các tình huống được lựa chọn phải đảm bảo phù hợp với nội dung, chủ đề hoạt động, gắn với thực tế cuộc sống và vừa sức với học sinh.

+ Các tình huống phải chứa đựng những mâu thuẫn cần giải quyết, đòi hỏi học sinh phải huy động tối đa vốn kiến thức kỹ năng đã có để giải quyết vấn đề.

- Chuẩn bị các phương án trả lời: các tình huống cần có sự chuẩn bị chu đáo các phương án trả lời giúp việc đánh giá chính xác, công bằng. Tuy nhiên, cần chú ý đến tính sáng tạo của học sinh khi giải quyết tình huống.

- Chia nhóm (đội) phù hợp: Tùy theo hình thức hoạt động trải nghiệm, giáo viên chia nhóm (đội) cho phù hợp (Hội thi, giao lưu, câu lạc bộ….) Việc chia thành các đội chơi, nhóm chơi nhằm tạo ra môi trường, bối cảnh để HS có cơ hội hợp tác, trao đổi, bàn bạc với nhau thống nhất phương án giải quyết tình huống qua đó phát triển năng lực giải quyết vấn đề.

Bước 2: Sử dụng tình huống

Sử dụng xen kẽ các tình huống trong tiến trình thực hiện hoạt động trải nghiệm theo các chủ điểm. Khi sử dụng, cần chú ý mỗi tình huống thường được xây dựng gồm 3 phần:

+ Phần nội dung tình huống

Từ mục tiêu đã xác định và nội dung, chủ đề đã lựa chọn, giáo viên sử dụng những cách thức khác nhau để thể hiện nội dung tình huống. Nội dung tình huống được chuyển tải đến các đội chơi theo một trong ba cách:

Cách thứ nhất: Người điều hành đọc tình huống và các yêu cầu cần thiết cho các đội.

Cách thứ hai: Nội dung tình huống được xây dựng dưới dạng kịch, tiểu phẩm ngắn giúp các đội chơi dễ quan sát.

Cách thứ ba: Nội dung tình huống được chuyển tải bằng các hành động phi ngôn ngữ.

+ Phần thảo luận, phân tích tình huống

Sau khi nghe hoặc quan sát tình huống, các đội chơi tiến hành thảo luận và đi đến thống nhất cách thức giải quyết tình huống đó. Đây được coi là hoạt

động trọng tâm của việc thực hiện biện pháp sử dụng tình huống để tạo ra môi trường giải quyết vấn đề. Ở phần này cần tạo cơ hội để học sinh thể hiện được tinh thần tự giác, tích cực, sự phối hợp trong việc đưa ra các ý tưởng và thống nhất phương án giải quyết tình huống.

Cần có sự quy định về thời gian, đảm bảo đủ thời gian đề học sinh chuyển tải hết ý tưởng của nhóm trong việc giải quyết tình huống.

+ Phần giải quyết tình huống

Mỗi đội chơi có thể đưa ra cách giải quyết tình huống bằng cách cử một đại diện của nhóm trình bày bằng lời phương án của đội mình hoặc giải quyết dưới hình thức đóng vai như đã trình bày ở trên.

Bước 3: Đánh giá nhận xét

Sau khi các đội đưa ra cách xử lý tình huống, cần nhận xét đánh giá cách xử lý của các đội. Đưa ra đáp án chính xác, hợp lý nhất cho tình huống. Tạo cơ hội cho các đội chơi học hỏi lẫn nhau trong cách giải quyết tình huống, đảm bảo các thành viên đều được phát triển năng lực giải quyết vấn đề.

3.2.3.4. Điều kiện thực hiện

- Giáo viên cần chuẩn bị các tình huống, cách thức giải quyết tình huống - Học sinh cần được thông báo về chủ đề hoạt động, cách thức thể hiện tình huống giúp các em có sự chuẩn bị tốt hơn về kiến thức, kỹ năng cũng như về mặt tâm lý.

- Trong quá trình học sinh thảo luận, phân tích và giải quyết tình huống đòi hỏi giáo viên cần quan sát, theo dõi hoạt động của các nhóm, đặc biệt với những nhóm giải quyết tình huống bằng cách đóng vai. Việc quan sát, theo dõi giúp giáo viên kịp thời phát hiện và điều chỉnh những sai sót của học sinh trước khi thể hiện trước tập thể.

- Có các phương tiện hỗ trợ: máy chiếu, bàn ghế có thể di chuyển được, các công cụ khác…

- Học sinh tham gia tích cực, tự giác, huy động tối đa vốn hiểu biết của mình, tương trợ lẫn nhau để xử lý tình huống.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Giáo dục học: Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh Tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)