CHƯƠNG 1. TÍN DỤNG VÀ CÔNG TÁC TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2. Các chỉ tiêu đánh giá công tác tín dụng của NHTM
1.2.4. Kinh nghiệm hoàn thiện hoạt động tín dụng của một số ngân hàng thương mại
Đối với các NHTM trên toàn quốc, việc sử dụng đồng bộ các công cụ, các biện pháp và chính sách để đo lường, phân loại chính xác chất lượng tín dụng, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng theo giá trị tuyệt đối và giá trị tương đối, giải quyết bài toán mối quan hệ giữa rủi ro, lợi nhuận trong hoạt động tín dụng và đạt được các mục tiêu hoạt động tín dụng đã đặt ra.
1.2.4.1. Kinh nghiệm hoàn thiện công tác tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Hải Phòng
NHTM cổ phần ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Hải Phòng có bề dày hoạt động trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ, để phát triển vững chắc như hiện nay, Ngân hàng đã có những quyết định chính xác trong mô hình giám sát chất lượng tín dụng Thứ nhất, Ngân hàng đã thực hiện được nhiệm vụ phân công rõ chức năng các bộ phận và tuân thủ các khâu trong quy trình giải quyết các khoản vay, tách
bạch rõ chức năng nhiệm vụ của bộ phận kinh doanh, bộ phận quản lý tín dụng và quản lý rủi ro.
Thứ hai, tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề có tính nguyên tắc trong tín dụng.
Nếu như trước đây, Ngân hàng chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp, không quan tâm đến các chỉ tiêu tín dụng như: vòng quay vốn lưu động, tính khớp đúng của kế hoạch trả nợ với các luồng tiền tương lai, chỉ số về hiệu quả sử dụng tài sản thì hiện nay các nguyên tắc tín dụng như: bảo đảm tính độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ phận, phân cấp trong phán quyết tín dụng…đã được áp dụng nghiêm ngặt.
Thứ ba, tiến hành cho điểm khách hàng theo hệ thống chỉ tiêu định sẵn để quyết định cho vay.
Thứ tư, giám sát các khoản vay: trước, trong và sau khi cho vay. Ngân hàng rất coi trọng việc kiểm tra, giám sát các khoản vay bằng cách liên tục thu thập thông tin về khách hàng, thường xuyên giám sát và đánh giá xếp loại khách hàng để có biện pháp kịp thời cho các tình huống rủi ro.
1.2.4.2. Kinh nghiệm nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – chi nhánh Hải Phòng
Thứ nhất, trong quá trình phát triển, bên cạnh việc thực hiện chiến lược kinh doanh chung của NHTM cổ phần Công thương Việt Nam – chi nhánh Hải Phòng, Ngân hàng cũng đã xây dựng chiến lược cho riêng mình để hoàn thiện hoạt động tín dụng. Chiến lược đó căn cứ vào chủ trương chung của NHTM cổ phần Công thương Việt Nam trong từng thời kỳ nhưng phải phù hợp với địa bàn ngân hàng hoạt động và nguồn lực mà ngân hàng hiện có. Ngân hàng đã nghiên cứu tổng thể nhu cầu thị trường, phân đoạn thị trường với khách hàng và nghiên cứu chiến lược của các đối thủ cạnh tranh trên địa bàn, đánh giá định kỳ hiệu quả của chiến lược và tình hình thị trường để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi của chiến lược.
Thứ hai, Ngân hàng tăng cường công tác thu hồi nợ, phân tích và xử lý nợ quá hạn song song với công tác mở rộng quy mô tín dụng. Đến thời hạn chi trả món vay, cán bộ tín dụng tại Ngân hàng nhanh chóng đốc thúc, thu hồi nợ, thông báo cho khách hàng chuẩn bị tiền để kịp thời trả nợ. Tùy theo từng nguyên nhân dẫn đến rủi
ro tín dụng, Ngân hàng có những biện pháp thích hợp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng cũng như tạo điều kiện để thu hồi vốn vay.
Thứ ba, Ngân hàng phân tán sự rủi ro bằng cách đa dạng hóa phương thức cho vay; đa dạng hóa khách hàng; thực hiện bảo hiểm tín dụng, đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư cùng với việc bám sát định hướng tín dụng toàn ngành trong từng giai đoạn, những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư.
Thứ tư, Ngân hàng nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong hoạt động tín dụng, tăng cường cán bộ có trình độ, đã qua nghiệp vụ tín dụng để bổ sung cho bộ phận kiểm soát, thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ, luật pháp cho cán bộ bộ phận kiểm soát.
Tóm lại, qua nghiên cứu nội dung các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng cho thấy tùy theo sự phát triển, điều kiện kinh tế xã hội và sự hoàn thiện môi trường pháp lý của từng nước cũng như trình độ quản lý, cơ sở vật chất kỹ thuộc và trình độ cán bộ của từng ngân hàng mà các nhân tố có ảnh hưởng khác nhau tới công tác tín dụng. Chúng ta phải nắm chắc các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng và biết cách vận dụng sáng tạo sự ảnh hưởng của các nhân tố này trong hoàn cảnh thực tế, từ đó tìm được những biện pháp quản lý có hiệu quả để củng cố tăng cường chất lượng tín dụng, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro sẽ tạo điều kiện cho sự thành công của hoạt động tín dụng nói riêng cũng như hoạt động ngân hàng nói chung.
Hoạt động kinh doanh của NHTM luôn gắn liền với các rủi ro trong đó có rủi ro về tín dụng. Vì vậy công tác tín dụng tại NHTM có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, đảm bảo cho các NHTM hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.