CHƯƠNG 3. BIỆN PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC TÍN DỤNG CỦA NGÂN HÀNG TMCP KỸ THƯƠNG VIỆT NAM (TECHCOMBANK) – CHI NHÁNH HẢI PHÒNG
3.2. Biện pháp hoàn thiện công tác tín dụng tại Techcombank Hải Phòng
3.2.2. Cải tiến quy trình cho vay
3.2.2.1. Nâng cao chất lượng thẩm định và cho vay
Biện pháp nâng cao chất lượng thẩm định là một trong những biện pháp quan trọng nhất đối với việc hoàn thiện công tác tín dụng của ngân hàng nói chung cũng như Techcombank Hải Phòng nói riêng, vì kết quả của hoạt động thẩm định tín dụng sẽ dẫn đến quyết định có chấp nhận cho vay đối với khách hàng vay vốn hay không và cho vay theo hạn mức, phương án vay vốn nào để phù hợp với mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng và khả năng hoàn trả của khách hàng.
Để có thể đưa ra các quyết định cho vay đúng đắn, xử lý kịp thời, giảm bớt tổn thất trong rủi ro tín dụng, cán bộ tín dụng phải nắm bắt kịp thời và đầy đủ các thông tin về khách hàng vay. Thông tin về khách hàng có thể thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau: có thể do khách hàng cung cấp thông qua các báo cáo tài chính và hồ sơ xin vay của khách hàng; các thông tin được cung cấp bởi trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước CIC; các thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng về các lĩnh vực, ngành nghề mà khách hàng đang hoạt động; thông tin từ các tổ chức tín dụng khác hoặc của các cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương nơi khách hàng đặt địa điểm…Với lượng thông tin thu thâp được, ngân hàng cần lựa chọn khách hàng phù hợp với các tiêu chí như tình hình tài chính tốt, kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả, khách hàng kinh doanh có uy tín trên thị trường và đồng thời ngân hàng cần xem xét quan hệ kinh doanh của khách hàng với các tổ chức kinh tế, các đối tác khác để đánh giá mức độ uy tín của khách hàng.
Trong quá trình thẩm định, cần tập trung vào phân tích các vấn đề sau:
- Năng lực pháp lý của khách hàng: Ngân hàng có thể đánh giá năng lực pháp lý của khách hàng thông qua các giấy chứng nhận tư cách pháp nhân hay thể nhân của khách hàng, giấy phép thành lập, giấy đăng ký kinh doanh, điều lệ hoạt động của công ty… Các giấy tờ đó phải chứng minh được doanh nghiệp hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật như luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư nước ngoài…
- Năng lực tài chính của khách hàng: Thông qua các báo cáo tài chính do doanh nghiệp cung cấp, cán bộ tín dụng có được một cái nhìn khái quát nhất về tình hình tài chính của doanh nghiệp đó trên cơ sở phân tích các chỉ tiêu tài chính. Tuy nhiên, các báo cáo tài chính này chỉ cung cấp cho ngân hàng các con số của quá khứ, trong khi đó khả năng trả nợ của khách hàng là ở tương lai. Do đó, cán bộ tín dụng cần phải biết phân tích kết hợp với các thông tin thu thập được từ bên ngoài để đưa ra những nhận định đúng đắn nhất về khả năng thực sự của ngân hàng. Đồng thời cần dự báo các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện của doanh nghiệp để có biện pháp phối hợp kịp thời.
- Đánh giá các phương án đảm bảo tiền vay: Tài sản đảm bảo là cơ sở để ngân hàng thu nợ khi khách hàng không có khả năng trả nợ. Do đó khi thẩm định tài sản
đảm bảo, cán bộ tín dụng cần phải kiểm tra chính xác giấy tờ sở hữu, tiêu chuẩn của tài sản trên cơ sở định giá tài sản theo quy định hiện hành.
Đối với việc thẩm định tài sản đảm bảo, có nhiều khách hàng sử dụng một tài sản đảm bảo để vay vốn tại nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng khác nhau vì vậy bên cạnh việc đảm bảo tính chính xác về giá trị tài sản đảm bảo để có thể cung cấp cho khách hàng các khoản tín dụng phù hợp, cán bộ tín dụng còn cần phải xác thực về mặt pháp lý xem tài sản bảo đảm có thể sử dụng để giảm bớt rủi ro đối với khoản vay của khách hàng tại ngân hàng hay không.
- Đánh giá hiệu quả của phương án vay vốn: Khả năng ngân hàng có thu hồi được vốn hay không phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của dự án, vào tính khả thi của dự án đó. Vì vậy, có thể nói rằng đây là bước quan trọng nhất trong công tác thẩm định. Để có thể đánh giá phương án vay vốn một cách hiệu quả, ngân hàng cần đào tạo cán bộ tín dụng có đầy đủ kĩ năng và kiến thức chuyên môn cũng như các quy định của Nhà nước có liên quan về lĩnh vực thuộc dự án vay vốn. Việc am hiểu về lĩnh vực thuộc dự án vay vốn không những giúp cán bộ tín dụng có thể đánh giá được hiệu quả phương án vay vốn mà còn có thể hỗ trợ khách hàng vay vốn trong trường hợp gặp vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, tư vấn cho khách hàng lên kế hoạch kinh doanh, phương án trả nợ phù hợp để khách hàng vừa có thể kinh doanh hiệu quả, vửa mang lại lợi nhuận cho chính ngân hàng.
Quy trình tín dụng đề xuất tại Techcombank Hải Phòng như sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ tín dụng và kiểm tra sơ bộ tính đầy đủ của hồ sơ khách hàng
Bước 2: Cán bộ tín dụng thẩm định tính pháp lý của giấy tờ, hồ sơ và xếp hạng khách hàng về mặt năng lực tài chính, uy tín, tài sản đảm bảo…
Bước 3: Tái thẩm định hồ sơ vay vốn và xếp hạng khách hàng đối với cả khách hàng cũ và mới của ngân hàng. Khách hàng có xếp hạng tín dụng và mức độ uy tín tốt sẽ có thời gian và hạn mức vay vốn tốt hơn những khách hàng còn lại.
Bước 4: Cán bộ tín dụng của ngân hàng và khách hàng vay vốn sẽ cùng thương lượng để thống nhất các điều khoản trước khi có quyết định phê duyệt tín dụng. Nếu không có sự thống nhất trong quá trình thương lượng các điều khoản tín dụng thì ngân hàng sẽ trả lại hồ sơ cho khách hàng.
Bước 5: Thông báo tín dụng.
Bước 6: Hoàn thiện thủ tục tiếp nhận tài sản đảm bảo (hoàn thiện những giấy tờ, hồ sơ về tài sản đảm bảo đã thẩm định đầy đủ theo quy định của pháp luật và ngân hàng)
Bước 7: Soạn thảo, ký kết hợp đồng tín dụng.
Bước 8: Cán bộ ngân hàng hạch toán và giải ngân sô tiền vay vốn theo hợp đồng tín dụng đã ký, phát hành bảo lãnh, trước khi giải ngân, cán bộ tín dụng cần kiểm soát hồ sơ tín dụng.
Bước 9: Kiểm tra, giám sát vốn vay và quản lý, thu hồi nợ vay.
Bước 10: Lưu chứng từ tín dụng.
3.2.2.2. Chú trọng công tác kiểm tra, quản lý sau vay
Để phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro tín dụng, sau quá trình ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn vay, ngân hàng cần kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền vay của khách hàng vay vốn, Trong quá trình sản xuất kinh doanh của khách hàng, các cán bộ tín dụng của ngân hàng cần chủ động theo sát để kiểm tra mỗi đồng vốn của ngân hàng có được sử dụng đúng mục đích và tuân thủ các quy định của pháp luật hay không. Đối với mỗi lần làm việc với khách hàng vay vốn, các cán bộ tín dụng cần ghi nhận lại nội dung làm việc vào biên bản có xác nhận của hai bên.
Phương thức liên lạc có thể qua thư điện tử, điện thoại, nhưng cách tốt nhất vẫn là cán bộ tín dụng trực tiếp gặp gỡ khách hàng.
Bên cạnh đó, đối tượng để thu thập thông tin về quá trình kinh doanh và sử dụng vốn vay của ngân hàng không nhất thiết là từ nhân viên nội bộ của khách hàng mà có thể từ các đối tác của khách hàng, các cơ quan chức năng hoặc các mối quan hệ cá nhân khác.
Khi có sự thay đổi đối với hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính, nhân sự, mức độ ảnh hưởng của thị trường đối với khách hàng vay vốn thì cán bộ tín dụng cần thông báo kịp thời đến thủ trưởng đơn vị hoặc các cấp có thẩm quyền. Tối đa trong vòng 02 tháng kể từ ngày giải ngân, cán bộ tín dụng có trách nhiệm kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, thời gian làm việc với khách hàng để kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn vay sẽ là định kỳ 2 tháng/lần và nội dung biên bản làm việc sẽ gồm một số nội dung sau:
- Chứng từ kế toán, hóa đơn, sổ quỹ, thẻ kho của khách hàng.
- Báo cáo về nguồn thu và dòng tiền từ các hoạt động của khách hàng.
- Tiến độ thực hiện của dự án, phương án sản xuất kinh doanh (Đối với các dự án đầu tư, cán bộ tín dụng cần đến hiện trường để kiểm tra tình hình thực tế).
- Thông tin về tài sản đảm bảo.
- Tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng.
- Báo cáo tình hình tài chính, báo cáo thu nhập, bảng cân đối tài khoản…
- Đối với tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai, cán bộ tín dụng cần đôn đốc khách hàng thực hiện việc thế chấp tài sản khi tài sản đã được hình thành, hoàn tất các thủ tục xác nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản của khách hàng.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát sau vay, nếu cán bộ tín dụng thầy dấu hiệu bất thường thì phải triển khai những biện pháp thích hợp để đảm bảo an toàn cho nguồn vốn cho vay của ngân hàng.
3.2.2.3. Xử lý nợ
Trong công tác thu nợ cần chú ý tới những dấu hiệu về món vay có vấn đề.
Xử lý món vay có vấn đề chính là áp dụng các biện pháp khác nhau để thu hồi nợ.
Trước hết cán bộ tín dụng phải nắm bắt được các dấu hiệu về khoản vay có vấn đề:
- Doanh nghiệp trì hoãn nộp báo cáo tài chính hoặc nhìn vào báo cáo tài chính thấy sự gia tăng đột biến của các chỉ tiêu: số dư tiền gửi giảm, xuất hiện việc rút quá số dư; sự gia tăng đột biến hàng tồn kho; sự gia tăng về tài sản cố định vì khi đó doanh nghiệp sẽ phải chi ra một khoản vốn lớn nhưng thời gian thu hồi lâu…
- Sự chậm trễ trong việc trả lãi và gốc.
- Công tác tổ chức của khách hàng có biến đổi như sự thay đổi ban lãnh đạo…
Khi thấy dấu hiệu của nợ có vấn đề, ngân hàng cần tiến hành ngay các biện pháp cần thiết như:
- Tư vấn cho khách hàng về việc bán sản phẩm, thu hồi công nợ hoặc có thể tiếp thêm vốn cho doanh nghiệp khi thấy có triển vọng trong phương án sản xuất kinh doanh để duy trì hoạt động và có lãi trả ngân hàng đồng thời phải giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của người vay cho đến khi số nợ vay mới hoặc
nợ quá hạn cũ đều được trả hết.
- Đề nghị doanh nghiệp cắt giảm bớt kế hoạch đầu tư trung dài hạn, mua sắm tài sản không cần thiết và một số hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả thậm chí phải kiểm tra thu nhập và chi phí của người vay để tập trung nguồn thu trả nợ. Trong trường hợp cần thiết có thể yêu cầu người vay bán bớt tài sản không cần dùng hoặc dùng không hiệu quả, đẩy mạnh công tác tiêu thụ sản phẩm.
3.2.2.4. Thu hồi nợ xấu
Tiến hành phân tách bộ phận tín dụng và bộ phận quản lý và thu hồi nợ để tăng cường tính chuyên môn hóa trong việc xử lý các khoản nợ có vấn đề. Theo đó, khi các cấp có thẩm quyền quyết định chuyển nợ quá hạn sang bộ phận quản lý và thu hồi nợ, các cán bộ tín dụng dừng liên lạc trực tiếp với khách hàng, các cán bộ quản lý và thu hồi nợ sẽ tiếp nhận và là đầu mối duy nhất làm việc với khách hàng.
Sau khi nhận chuyển giao, bộ phận quản lý và thu hồi nợ phải tiến hành đánh giá lại khoản vay và đề xuất các giải pháp xử lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc đánh giá lại khoản vay bao gồm:
- Xem xét lại hồ sơ của khách hàng.
- Kiểm tra chứng từ.
- Phân tích tình hình tài chính, tình hình biến động của dòng tiền của dự án vay vốn.
- Đánh giá lại thái độ hợp tác và mức độ hoàn trả nợ vay của khách hàng.
- Xác định lại giá trị của khoản vay và tài sản đảm bảo.
- Đánh giá rủi ro tín dụng và các vấn đề khác như: rủi ro ngành, rủi ro thị trường, rủi ro chính trị…
Việc đánh giá lại khooản vay giúp cán bộ tín dụng, cán bộ quản lý nợ tìm hiểu được nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện các điều khoản tín dụng của khách hàng vay vốn, đánh giá lại được khả năng thu hồi nợ thực tế đối với khoản cho vay từ đó xác định được vị thế của khách hàng và ngân hàng để lên kế hoạch cho các biện pháp xử lý nợ phù hợp.
Một số biện pháp xử lý nợ của ngân hàng:
- Tái cấu trúc khoản vay: cơ cấu kỳ hạn trả nợ, gia hạn thời gian trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, vốn hóa khoản nợ vay.
- Kiểm soát nguồn thu của khách hàng vay vốn.
- Bán khoán nợ.
- Khôi phục lại doanh nghiệp.
- Thanh lý tài sản để trả nợ.
- Đàm phán và dàn xếp với các chủ nợ.
- Buộc khách hàng phá sản theo luật phá sản.
Để có thể xử lý nợ hiệu quả, ngân hàng nên tăng cường sự gắn bó với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng thông qua hình thức hội nghị khách hàng, tổng kết hoạt động kinh doanh…đồng thời phải xây dựng bộ phận xử lý nợ gồm những người có chuyên môn, nghiệp vụ và thông hiểu pháp luật, nhạy bén trong kinh doanh, có kinh nghiệm để giúp công tác xử lý nợ được tốt hơn.